Chương 3: HÌNH ẢNH VÀ GIỌNG ĐIỆU THƠ LƯU QUANG VŨ
3.2.GIỌNG ĐIỆU THƠ LƯU QUANG VŨ
mang đậm tính chủ quan, cho phép ta nhận ra nét riêng, điệu hồn riêng của nhà thơ. Một nhà thơ tài năng bao giờ cũng tạo được một giọng điệu riêng, không trộn lẫn. Nghiên cứu về thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi thấy bao trùm phần lớn các trang thơ của anh là một giọng điệu buồn, da diết, đắm đuối. Chính giọng điệu này đã tạo ra nét riêng trong sáng tác của anh so với dòng thơ lúc bấy giờ. Cùng thời, Phạm Tiến Duật lại có giọng điệu mạnh mẽ, lạc quan, mang đôi chút khôi hài. Bằng Việt thì lại rất hồn hậu, nhẹ nhàng, thơ anh thường đan cài giữa quá khứ và hiện tại,... Vì thế, nằm trong dòng thơ chống Mỹ, với giọng điệu chung là hào sảng, lạc quan, Lưu Quang Vũ bị nhiều người coi là "lạc điệu" khi thể hiện cảm xúc của mình bằng một giọng điệu buồn, da diết và đắm đuối như thế. Nhưng hãy khoan vội "kết tội" thơ anh, khi có một "độ lùi" về thời gian, người ta sẽ thấy nỗi buồn ấy là chính đáng...
Như đã nói, cảm hứng trong thơ Lưu Quang Vũ là cảm hứng sự thực, thơ anh không tô vẻ, không lý tưởng hóa hiện thực mà trình bày nó với một cảm xúc rất thành thật, và vì thế anh cũng rất thành thực khi phô bày hiện thực tâm trạng của mình. Anh đã từng tâm sự với mẹ mình: "Tâm trạng con buồn, con không thể làm thơ vui. Còn nếu như có ai đó nghi ngờ thơ của con không trong sáng thì họ cứ việc đến đây. Con sẩn sàng đọc cho họ nghe tất cả những bài con đã làm" [20, 213]. Sự chân thực với mình và với mọi người là một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Đem đến cho cuộc đời một tiếng nói chân tình, sâu sắc, bằng những rung động chân thực và sâu xa trong tâm hồn mình là đã thể hiện thái độ sống trung thực. Những bài thơ buồn, da diết và đắm đuối được toát ra từ tâm hồn thành thực ấy đã từng được viết trong sổ tay của nhiều người nhưng nó không làm cho ai cảm thấy bi lụy.
114
3.2.1.Giọng điệu buồn, da diết