Biểu hiện của văn hóa nhà trường Cao đẳng Sư phạm

Một phần của tài liệu Luận văn quản lý xây dựng văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm Hà Nội (Trang 28 - 30)

Trong một tổ chức nói chung cũng như một nhà trường, văn hóa luôn tồn tại trong mọi hoạt động của tổ chức đó. Mỗi thành viên trong nhà trường cần ý thức rõ sự tồn tại của nó để quản lý và sử dụng sức mạnh của nó. Và hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, Nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hoá cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá để đào tạo ra những chuẩn mực văn hoá cho xã hội.

Văn hóa nhà trường nói chung hay văn hóa nhà trường trường Cao đẳng Sư phạm nói riêng là tập hợp các yếu tố làm nên nét đặc trưng, bản sắc riêng của nhà

trường này với nhà trường khác và nhà trường với tổ chức khác. Bản thân văn hóa vô cùng đa dạng và phức tạp, biểu hiện của VHNT cũng phong phú, đa dạng. VHNT có những biểu hiện tích cực (có văn hóa) và biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh (thiếu văn hóa). Căn cứ theo tài liệu bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT trong chương trình hợp tác Việt Nam – Singapore về biểu hiện của VHNT xin được đưa ra biểu hiện của VHNT trường Cao đẳng Sư phạm như sau:

Biểu hiện tích cực (có văn hóa):

* Nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. * Mỗi thành viên đều biết rõ công việc mình phải làm, hiểu rõ trách nhiệm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào việc ra các quyết định dạy và học.

* Coi trọng con người, cổ vũ sự nỗ lực hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người.

* Nhà trường có những chuẩn mực để luôn luôn cải tiến, vươn tới. * Sáng tạo và đổi mới.

* Khuyến khích giảng viên và sinh viên cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập nâng cao chất lượng đào tạo. Các thành viên được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động của nhà trường.

* Khuyến khích đối thoại và hợp tác, làm việc nhóm.

* Khuyến khích giảng viên,cán bộ và sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học và học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp.

* Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn.

* Chia sẻ quyền lực, trao quyền, khuyến khích tính tự chịu trách nhiệm. * Chia sẻ tầm nhìn.

* Nhà trường thể hiện sự quan tâm, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, lôi kéo cộng đồng cùng tham gia giải quyết những vấn đề của giáo dục và đào tạo.

Những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh (thiếu văn hóa):

* Sự kiểm soát chặt chẽ đánh mất quyền tự do và tự chủ cá nhân. * Quan liêu, nguyên tắc một cách máy móc.

* Thiếu sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

* Thiếu sự động viên khuyến khích. * Thiếu sự cởi mở, thiếu sự tin cậy.

* Thiếu sự hợp tác, thiếu sự chia sẻ học hỏi lẫn nhau.

* Mâu thuẫn xung đột nội bộ không được giải quyết kịp thời.

Ngoài những biểu hiện trên của VHNT còn có một số quan điểm khác thường được đề cập về biểu hiện của VHNT. Theo nghiên cứu của các tác giả Peterson K.D, Deal T.E, Gonzales F, Jerald C, Richardson J, VHNT biểu hiện cụ thể thành hai tầng bậc (các yếu tố bề nổi và các yếu tố bề sâu). Yếu tố bề nổi của VHNT là các yếu tố dễ nắm bắt, quan sát. Yếu tố bề sâu là những yếu tố không dễ dàng quan sát được mà phải cảm nhận trong quá trình trải nghiệm ở nhà trường đó.

Một phần của tài liệu Luận văn quản lý xây dựng văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm Hà Nội (Trang 28 - 30)