Công tác quảng cáo và các hoạt động xúc tiến bán hàng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý tiêu thụ của công ty CP dược và vật tư y tế thái nguyên (Trang 60 - 61)

31 ZUCHI XIT GIAY

3.4.5. Công tác quảng cáo và các hoạt động xúc tiến bán hàng

Theo kết quả điều tra của tác giả thì 100% người được hỏi đều trả lời rằng họ chưa từng nhận thấy Công ty có bất kỳ hoạt động quảng cáo nào đáng chú ý trên mọi phương tiện. “Trước đây công ty đã từng đặt biển quảng cáo tại những vị trí đẹp thuộc về đất của công ty nhưng giờ cho thuê hết rồi còn đâu!” là lời cảm thán của chị Hà Thị Huyền Trang - nhân viên bán hàng khu vực huyện Đồng Hỷ.

Một trong những hình thức quảng cáo đơn giản nhất là biển hiệu và trang trí thì đối với mỗi kênh phân phối, các thành viên trong kênh cũng không có sự thống nhất với nhau. (Ảnh minh họa ở phần Phụ lục).

Có thể thấy không một đặc điểm nào giúp cho người tiêu dùng nhận ra các cửa hàng này cùng trực thuộc một doanh nghiệp và là một chuỗi các hoạt động trong công tác tiêu thụ hàng hóa có liên hệ mật thiết với nhau. Đây có thể nói là một thiếu sót rất lớn trong công tác quảng cáo và xúc tiến bán hàng bởi việc đầu tư cho hệ thống biển hiệu không hề lớn, hơn thế nữa là bắt buộc phải làm. Nếu như Công ty có kế hoạch và thực hiện từ sớm thì chắc chắn sẽ không đánh mất tính đồng bộ và liên kết trong toàn bộ chuỗi cửa hàng của mình.

Việc thể hiện sự tồn tại như là một chuỗi liên kết thống nhất và đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra niềm tin và uy tín đối với người tiêu dùng, đặc biệt là đối với mặt hàng có tính nhạy cảm cao, đòi hỏi rất nhiều niềm tin trong khi sử dụng như dược phẩm và vật tư y tế. So sánh với các doanh nghiệp trên địa bàn thì hiếm có doanh nghiệp nào có thể có được mạng lưới các cửa hàng bán lẻ rộng khắp như công ty cổ phần dược và vật tư y tế Thái Nguyên. Tuy nhiên công ty hoàn toàn chưa khai thác hết lợi thế của điều này mà đang lãng phí nguồn lực sẵn có một cách chủ quan.

Bên cạnh đó, công ty thường xuyên thực hiện các hoạt động từ thiện hàng năm với quy mô kinh phí không hề nhỏ, lên tới hàng tỷ đồng. Nhưng tất cả các hoạt động này lại không được gắn kết với danh tiếng, thương hiệu cũng như với hệ thống phân phối của Công ty. Những đơn vị, cá nhân nhận được quà tặng hoặc tài trợ hoàn toàn không được biết đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, chính vì

vậy, hiệu quả của công tác tiếp thị qua truyền miệng gần như là không có. Hình thức tài trợ, từ thiện phổ biến và mang lại hiệu quả cao thường thấy của các đơn vị sản xuất kinh doanh chính là bằng sản phẩm hiện vật do đơn vị sản xuất. Vẫn mang ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng nhưng đồng thời đó cũng là một hoạt động tiếp thị trực tiếp, cho người tiêu dùng cơ hội để dùng và trải nghiệm sản phẩm miễn phí. Điều này không những giúp doanh nghiệp thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm mà còn là một hình thức quảng cáo hiệu quả.

Về các hoạt động xúc tiến bán như quảng cáo, khuyến mãi, khuyến mại… Công ty hiện nay chưa có chương trình của mình mà gần như chỉ chuyển tiếp chương trình của các nhà sản xuất. Mặt khác, khi chuyển tiếp các chương trình, công ty cũng không có sự kiểm soát đối với các đơn vị bán lẻ nên tỷ lệ chương trình đến được tay người tiêu dùng không cao. 18 trong số 30 nhân viên bán hàng được hỏi trả lời rằng họ không phải lúc nào cũng chuyển các vật phẩm khuyến mãi đến khách hàng vì hai nguyên nhân: vật phẩm khuyến mãi có thể bán được hoặc là những thứ mà họ thích giữ lại cho bạn bè, người thân, gia đình. Điều này vô hình chung khiến cho người tiêu dùng khi có cơ hội so sánh sẽ đánh giá thấp tính trung thực trong việc bán hàng của Công ty.

Bên cạnh đó về mặt tổ chức nhân sự, Công ty không những không có bộ phận chuyên phụ trách về quảng cáo, marketing mà ngay cả đội ngũ trình dược viên cũng không được tổ chức một cách bài bản. Kinh doanh dược phẩm là một ngành đặc biệt nhạy cảm và vai trò của những nhân viên tiếp thị thuốc này hoàn toàn không thể bỏ qua. Như vậy, nguồn thông tin đến các đối tác và khách hàng của Công ty gần như chỉ thông qua các văn bản của công ty mà không có thêm bất cứ sự thuyết phục thực tế nào.

Có thể thấy hiệu quả hoạt động quảng cáo và xúc tiến bán mà công ty đã thực hiện là không cao. Các hoạt động này không giúp cho người tiêu dùng cũng như khách hàng có cơ hội tiếp cận thông tin về Công ty và hệ thống phân phối của Công ty chứ chưa đề cập đến việc tạo cảm tình hay ấn tượng tốt.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý tiêu thụ của công ty CP dược và vật tư y tế thái nguyên (Trang 60 - 61)