Nhận xét: Dựa vào bảng 2.3 và hình 2.5 ta thấy:
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tăng dần qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng khá cao. Cụ thể doanh thu năm 2013 đạt được 59.647 triệu đồng tăng hơn 18.703 triệu đồng, tương đương tăng 45,7% so với năm 2012. Bước qua năm 2014 chi nhánh đạt doanh thu 91.082 triệu đồng tăng tuyệt đối 31.435 triệu đồng tương ứng tăng 52,7% so với năm 2013. LNTT từ hoạt động kinh doanh tăng qua các năm, cụ thể năm 2013 LNTT tăng 28,3% so với năm 2012 và năm 2014 LNTT tăng 30,1% so với năm 2013 chứng tỏ chi nhánh làm ăn có hiệu quả. Có thể nói trong tình hình nền kinh tế đang phục hồi chậm sau khủng hoảng tài chính, chi nhánh đạt được những kết quả như vậy là rất tốt.
2.1.6. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển hoạt động cho vay tại Agribank Ninh Hòa Ninh Hòa
2.1.6.1. Môi trường kinh tế xã hội
Năm 2014 tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, kinh tế trong nước tuy có bước phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách tác động đến hoạt động SXKD song tình hình kinh tế xã hội của Ninh Hòa vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Hầu hết các chỉ tiêu đều tiếp tục tăng so với năm 2013. Trong đó GDP tăng hằng năm trên 12%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,04%; đời sống người dân ngày càng nâng cao. Với những điều kiện kinh tế xã hội phát triển ổn định, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy mở rộng hoạt động cho vay nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung.
2.1.6.2. Môi trường pháp luật
Trong năm 2013 NHNN đã triển khai gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội; nhằm hỗ trợ cho người dân có nhu cầu mua nhà ở, đồng thời hỗ trợ cho các chủ dự án thực hiện xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, gói tín dụng sẽ dành hỗ trợ 30% cho các DN thực hiện dự án nhà ở xã hội và 70% còn lại hỗ trợ cho người dân. Gói ưu đãi chỉ hỗ trợ cho nhà dưới 70 m2 và có giá dưới 15 triệu
đồng/m2. Tuy nhiên, điều kiện vay tương đối khó khăn đã làm cho gói tín dụng này chậm giải ngân. Năm 2014 đối với các khoản vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất là 5%/năm giảm 1% so với năm 2013.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này sẽ là nhân tố kích thích cho các DN và cá nhân thực hiện mua nhà, giúp cho ngân hàng đẩy mạnh triển khai cho vay bất động sản nói riêng cũng như kích thích phát triển hoạt động cho vay nói chung.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014; hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu sắt khai thác và đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân bám biển, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và 1 số chính sách khác.
Đối tượng áp dụng:
+ Các tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoạt động thủy sản.
+ Tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu (thay máy mới; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ nguyên liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa) phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản.
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thủy sản.
Nội dung:
+ Chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp.
+ Thời hạn cho vay kéo dài trong 11 năm, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo cho khoản vay; lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất 1%/năm và cao nhất cũng chỉ là 3%/năm.
+ Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; tùy từng trường hợp chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho
các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tầm công suất máy chính từ 90 mã lực trở lên.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Ngư dân cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như thuế, chi phí đào tạo vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới, chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm về đất liền.
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng này sẽ giúp mở rộng phát triển ngành thủy sản, góp phần tăng trưởng tín dụng cho các NHTM, là cơ hội cho các ngân hàng phát triển hoạt động cho vay.
2.1.6.3. Đối thủ cạnh tranh
Một trong những thử thách lớn mà ngân hàng cần phải đối mặt đó là sự cạnh tranh giành thị phần cho vay của các NHTM trên địa bàn Thị xã Ninh Hòa. Hiện nay, trên địa bàn Thị xã có khoảng hơn 8 NHTM bao gồm cả Agribank Ninh Hòa, trong đó có một số ngân hàng đã phát triển rất năng động trong hoạt động cho vay và đã chiếm lĩnh một lượng khách hàng không nhỏ như Sacombank, ACB, Vietcombank,... các ngân hàng này đã xây dựng chiến lược ngay từ khi ra đời nên họ đầu tư tập trung phát triển mảng cho vay từ lâu, tạo được những giá trị khác biệt trong sản phẩm, chính sách tín dụng từ đó tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho chính ngân hàng của mình. Đối thủ cạnh tranh sẽ là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay của Agribank Ninh Hòa.
2.1.6.4. Năng lực cạnh tranh của ngân hàng a) Tiềm lực tài chính và uy tín của ngân hàng
Agribank hiện là NHTM duy nhất 5 năm liên tiếp nằm trong Top 10 Bảng xếp hạng VNR 500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam). Năm 2014, Agribank có tổng tài sản trên 705.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 677.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên 559.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 72%; gần 40.000 cán bộ, nhân viên; trên 2.200 chi nhánh và PGD khắp mọi vùng miền đất nước, Chi nhánh tại Campuchia. Agribank
là bạn hàng tin cậy của trên 10 triệu khách hàng cá nhân, 30.000 doanh nghiệp, hàng ngàn đối tác trong và ngoài nước (theo cafef.com.vn).
Năng lực cạnh tranh của ngân hàng là một yếu tố bên trong thể hiện sức mạnh của mỗi ngân hàng. Agribank là NHTM lớn nhất Việt Nam tính theo tổng khối lượng tài sản. Vì vậy chi nhánh Agribank Ninh Hòa có sự hậu thuẫn rất lớn từ ngân hàng cấp trên nên với nguồn vốn dồi dào, đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của khách hàng; Agribank sẽ là một trong những chi nhánh có năng lực cạnh tranh khá mạnh trên địa bàn Thị xã Ninh Hòa.
b) Định hướng chiến lược trong phát triển của ngân hàng
Agribank tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa... chiếm tỷ trọng 80% dư nợ; bổ sung tăng vốn tự có, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, nợ xấu dưới 3%.
c) Chính sách tín dụng của ngân hàng
Agribank luôn tiên phong, khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế. Hiện nay, Agribank đang trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt.
Agribank, với lợi thế là một NHTM nhà nước nên hầu hết các cơ quan nhà nước và nhiều công ty tham gia trả lương qua thẻ tại Agribank giúp ngân hàng triển khai các gói cho vay như cho vay tiêu dùng, thấu chi... đối với nhân viên cơ quan và công ty mà Agribank có liên kết. Tuy nhiên, Agribank cần chú ý hơn đến các NHTM khác trên địa bàn bởi lẽ các NHTM này đều có thế mạnh của riêng mình.
d) Mạng lưới và kênh phân phối
Tính đến tháng 5 năm 2015 Agribank Ninh Hòa có 1 chi nhánh và 3 PGD Ninh An, Ninh Diêm, Dục Mỹ cùng hệ thống 5 máy ATM phân bổ theo từng PGD nằm rải rác trên Thị xã Ninh Hòa sẽ là điều kiện thuận lợi để ngân hàng mở rộng phát triển hoạt động cho vay của mình.
Đội ngũ CBTD cũng sẽ là một lợi thế mà ngân hàng cần phát huy, CBTD tại ngân hàng đa số là những người trẻ tuổi, có nhiệt huyết trong công việc, được đào tạo từ những trường đại học chuyên ngành có khả năng tiếp thu nhanh, được tuyển chọn qua các vòng thi cụm. CBTD có khả năng tiếp thu khá nhanh công nghệ thông tin và ứng dụng linh hoạt trong công việc nên hiệu quả xử lý các giao dịch tương đối khá nhanh và có độ chính xác cao.
Tuy đã có định hướng nhưng Agribank Ninh Hòa vẫn cần xây dựng chính sách, đường lối cụ thể hơn nữa cho hoạt động này. Cùng với năng lực tài chính và thương hiệu vững mạnh, đây sẽ là cơ hội mà ngân hàng có thể tận dụng để phát triển hoạt động cho vay.