Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển hoạt động cho vay

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động cho vay tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh thị xã ninh hòa (Trang 27 - 31)

1.3.3.1. Môi trường kinh tế, xã hội

a) Môi trường kinh tế

Hoạt động NHTM suy đến cùng là lệ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Việc cung ứng và lưu thông tiền cũng như các dịch vụ tài chính – tiền tệ nói chung lệ thuộc chặt chẽ vào quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất và tình hình hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thương mại, tiêu dùng cá nhân…

Bất kỳ biến động đáng kể nào của các lĩnh vực này đều trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường tài chính và hoạt động NHTM nói chung, hoạt động cho vay nói riêng. Bởi sự tăng trưởng, phát triển hay suy thoái trong các lĩnh vực nói trên trực tiếp ảnh hưởng đến sản lượng, thu nhập, tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của chính các lĩnh vực đó và do vậy trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng thu lợi nhuận, khả năng trả nợ của các khách hàng.

b) Môi trường xã hội

Môi trường xã hội mà đặc trưng gồm các yếu tố: tình hình trật tự xã hội, thói quen, tâm lý, trình độ học vấn, bản sắc dân tộc thể hiện qua như niềm tin, tính cần cù, trung thực, ham lao động, tính tiết kiệm và ưa hưởng thụ hoặc các yếu tố về nơi ở, nơi làm việc... cũng ảnh hưởng lớn đến thói quen của người dân và việc lựa chọn ngân hàng phục vụ mình.

1.3.3.2. Môi trường pháp luật

Hoạt động NHTM luôn được đặt dưới một hệ thống quy định trong khung pháp lý được xây dựng chặt chẽ nhằm kiểm soát hoạt động ngân hàng, kiểm soát việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng, chất lượng tín dụng, tình trạng vốn chủ sở hữu và cả cách thức ngân hàng phát triển, mở rộng hoạt động với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng.

Nếu những văn bản pháp luật không rõ ràng, không đầy đủ sẽ tạo khe hở pháp luật gây rắc rối và làm tổn hại đến lợi ích các bên tham gia quan hệ tín dụng. Ngược lại, sự chặt chẽ và đồng bộ của pháp luật sẽ góp phần tạo môi trường cạnh

tranh lành mạnh, tạo tính trật tự và ổn định của thị trường. Một hệ thống pháp lý ổn định và thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho NHTM xây dựng đường lối phát triển đi vào quỹ đạo ổn định, ngăn chặn kịp thời những rủi ro, tiêu cực xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng, đồng thời NHNN có thể kiểm soát và ổn định tiền tệ quốc gia.

1.3.3.3. Đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Thị trường tài chính ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức kinh doanh như: tổ chức tài chính phi ngân hàng, tổ chức bảo hiểm, công ty tài chính, tiết kiệm bưu điện… Đặc biệt là sự tham gia của các NHTM, tổ chức tài chính nước ngoài vào hoạt động ngân hàng đã làm cho mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt. Áp lực cạnh tranh đóng vai trò như một lực đẩy khiến các NHTM phải đa dạng các loại dịch vụ và mở rộng hoạt động bằng cách vươn tới các thị trường mới trong và ngoài nước. Cạnh tranh thúc đẩy các ngân hàng cung cấp các tiện ích ngày càng tốt hơn cho khách hàng. Cạnh tranh buộc các ngân hàng trong nước phải áp dụng công nghệ mới, thay đổi tư duy về tuyển dụng nhân sự, mức lương, quảng cáo và đặc biệt chú ý tới chất lượng.

1.3.3.4. Năng lực cạnh tranh của NHTM a) Tiềm lực tài chính và uy tín của ngân hàng

Tiềm lực tài chính của ngân hàng là một nhân tố quan trọng quyết định quy mô và phương hướng hoạt động của ngân hàng. Quy mô của ngân hàng sẽ quyết định hướng mở rộng hoạt động cho vay của chính ngân hàng đó. Các ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn sẽ có ưu thế hơn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh so với các ngân hàng có tiềm lực tài chính kém hơn.

Uy tín hay sức mạnh thương hiệu của ngân hàng quyết định đến việc mở rộng hoạt động cho vay vì nó là cơ sở cho việc triển khai các sản phẩm mới và cũng là cơ sở tạo sự trung thành của các khách hàng cũ, thu hút thêm khách hàng mới. Khách hàng thường đưa ra quyết định lựa chọn nhà cung cấp cũng như ngân hàng phục vụ mình dựa trên cảm nhận của chính họ. Thương hiệu mạnh sẽ giúp nâng cao

lòng trung thành của khách hàng, phân biệt với đối thủ cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.

b) Định hướng chiến lược trong phát triển của ngân hàng

Chiến lược là tập hợp các chuỗi hoạt động được thiết kế nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, nó không chỉ là một kế hoạch, một ý tưởng mà đó là triết lý sống của một ngân hàng. Ngân hàng nào có một định hướng phát triển đúng đắn sẽ tạo ra giá trị ưu việt cho khách hàng và mang lại hiệu quả kinh doanh cao.

c) Chính sách tín dụng của ngân hàng

Chính sách tín dụng là hệ thống các chủ trương, định hướng chi phối hoạt động cho vay nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Thông thường chính sách tín dụng bao gồm: hạn mức tín dụng, các loại hình cho vay, quy định về tài sản đảm bảo, kỳ hạn của các khoản cho vay, hướng giải quyết phần cho vay vượt quá hạn mức phê duyệt, cách thức thanh toán nợ…

d) Mạng lưới và kênh phân phối

Đối tượng khách hàng của các ngân hàng thường là cá nhân, hộ gia đình và các DN nhỏ và vừa. Để tiếp xúc được với những khách hàng này đòi hỏi phải có mạng lưới chi nhánh, PGD rộng khắp nhằm thu hút khách hàng. Do vậy, các NHTM cần xây dựng cho mình mạng lưới kênh phân phối đầy đủ gồm có: mạng lưới chi nhánh PGD; hệ thống ATM; mạng Internet; dịch vụ Mobile Banking; các kênh quảng cáo như đài phát thanh, đài truyền hình, gửi thư trực tiếp tới khách hàng, hoặc liên kết với các đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, marketing nhằm cung cấp thông tin một cách hiệu quả nhất tới khách hàng.

Việc phát triển mạng lưới kênh phân phối rộng khắp không chỉ nâng cao hình ảnh và vị thế của ngân hàng mà sẽ giúp ngân hàng thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày một tốt hơn.

e) Chất lượng nguồn nhân lực

Xuất phát từ chính hoạt động giao tiếp giữa cá thể đại diện cho NHTM (cán bộ ngân hàng) với khách hàng - người trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng nên vai trò của cán bộ ngân hàng là hết sức quan trọng. Với vai trò này đòi hỏi

cán bộ ngân hàng phải có trình độ, am hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng để từ đó có thể tư vấn cho khách hàng sử dụng những sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của họ.

Bên cạnh trình độ chuyên môn thì đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ khách hàng cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tiếp xúc với khách hàng. Vì vậy, đào tạo được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ với thái độ cởi mở, lịch sự, tôn trọng khách hàng là nhân tố nâng cao hình ảnh, uy tín của ngân hàng đối với khách hàng.

Ngoài ra trong thời đại ngày nay, trình độ ứng dụng khoa hoc – công nghệ hiện đại là điểm mấu chốt, điểm cơ bản có tính quyết định trong quá trình tồn tại, phát triển và cạnh tranh của mọi ngân hàng. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ làm tăng nhanh tốc độ xử lý giao dịch với độ an toàn, chính xác cao hơn, cải thiện được chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề quan trọng để các ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1 của khóa luận tốt nghiệp đã khái quát một số lý luận cơ bản về hoạt động cho vay và phát triển hoạt động cho vay của NHTM, phân tích đặc điểm, vai trò cũng như một số nội dung chủ yếu trong hoạt động cho vay tại các NHTM hiện nay. Đồng thời, phân tích các tiêu chí đánh giá việc phát triển hoạt động cho vay và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động cho vay của ngân hàng.

Chương 1 cũng đã nêu ý nghĩa của việc thực hiện cuộc khảo sát sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ cho vay đang được triển khai tại ngân hàng qua đó đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế để ngân hàng có thể mang đến những giá trị phục vụ tốt nhất cho khách hàng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các nội dung trình bày ở Chương 1 là cơ sở lý luận cần thiết để tác giả nghiên cứu các chương tiếp theo của khóa luận tốt nghiệp.

Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH THỊ XÃ NINH HÒA

2.1. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH THỊ XÃ NINH HÒA

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động cho vay tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh thị xã ninh hòa (Trang 27 - 31)