Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 111 - 114)

- Tao dìu mẹ mày đi sau.

3.3.1.3. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [26, 112 ]. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm là thứ ngôn ngữ mang tính hướng nội, đậm chất trữ tình, có thể

đi sâu vào thế giới bí ẩn bên trong của nhân vật để khám phá miền ý thức lẫn vô thức. Liên tục dịch chuyển điểm nhìn trần thuật vào bên trong, Nguyễn Xuân Khánh nhiều lần để nhân vật của mình độc thoại nội tâm nhằm giãi bày những suy tư, trăn trở, những cảm xúc, uẩn ức - điều mà chỉ mình nhân vật mới cảm nhận và thấu hiểu thấm thía nhất.

Nhân vật trong ba cuốn tiểu thuyết của nhà văn thường xuyên đối thoại với chính mình bởi ít nhiều mang trong mình nỗi cô đơn thường trực hoặc cảm giác chông chênh, bất an trước thực tại. Tiếng nói của Phật vang lên trong đầu óc Nguyễn Cẩn thực chất là sự phân thân để “tự trấn an, để vững lòng tin bởi con đường ông đang đi thật là khốc liệt” [33, 689 ]. Con ma trơi trong tâm tưởng như một chấm nhỏ luôn đeo bám mỗi khi Thuận Tông chìm trong cõi hư vô chính là con người thứ hai - con người có trách nhiệm níu kéo đức vua trở về với bổn phận. Hồ Quý Ly trò chuyện với bức tượng công chúa Huy Ninh suy cho cùng là quá trình tự đối thoại để giãi bày nỗi cô đơn, trống trải mà tham vọng, quyền lực không thể lấp đầy. Bà Tổ cô Vũ Thị Ngát đội ơn trưởng Cam - một con chiên của Chúa khi chồng tuẫn tiết nhưng trước quyết định trả nghĩa lòng bà lại rối như tơ vò: “Không biết ông ta như thế nào? Hay lại gặp một kẻ vũ phu? Liệu quyết định hôn nhân có đúng không? Nếu như gặp cảnh ngang trái thì sao? Họ là người công giáo, liệu họ có thực tâm như lời hứa ngon ngọt? Liệu họ có mang mối thù, và cuộc hôn nhân này chỉ là giả tạo…” [32, 299 ]. Để cắt nghĩa cho sự giằng co quyết liệt giữa thiện và ác, giữa dòng máu cha và dòng máu mẹ trong con người Bernard, nhà văn đã để cho nhân vật tự ý thức và biện hộ cho mình: “Đáng lẽ tôi là một người bình thường đấy chứ. Nhưng ai đã phản bội tôi? Ai đã giết cậu tôi, đẩy mẹ tôi đến chổ chết. Ai đã cư xử với tôi như kẻ hạ đẳng. Mà ai hạ đẳng kia chứ? Người Việt hay người Pháp? Cha ông tôi đã chẳng giương ngọn đèn sáng lên cao cho cả nhân loại soi chung đó sao. Chẳng qua các người vô ơn…”[33, 68]. Những lí lẽ này như một cách trấn an nhân vật làm Bernard cảm thấy yên tâm vì được một chút chính nghĩa hỗ trợ, bảo vệ. Hắn đã nhúng tay vào máu một cách điềm nhiên mà vẫn thấy bàn tay mình sạch sẽ một cách tinh tươm.

Nhưng mới mẻ và tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao chính ở việc Nguyễn Xuân Khánh sử dụng giấc mơ và hồi ức như một ngôn ngữ độc thoại đặc biệt để giải mã thế giới vô thức của con người. Trong Hồ Quý Ly, giấc mơ hầu mõm đỏ lên lầu gà trắng

của Nghệ Tông cho thấy chìm khuất dưới vỏ bọc tin tưởng và đỡ đầu cho những cải cách của thái sư là nỗi lo lắng, hoang mang, sợ hãi vì “lực bất tòng tâm” của ông vua già trước những biến thiên của thời “thiên tuý”.Giấc mộng “kẻ bôi vôi mặt” đã lật giở tầng vô thức mà lương tâm thái sư muốn che dấu và che dấu cả chính mình rằng thái sư coi thường, đối nghịch với kẻ sĩ, ngược lại kẻ sĩ cũng quay lưng với ông. Giấc mơ tranh biện với Nghệ Hoàng về trách nhiệm của người quân tử trong thời “thiên tuý” cũng hé lộ những trăn trở, giằng xé đầy trách nhiệm và đau đớn của Quý Ly rằng ông là “loài rắn độc”, “kẻ phản bội” hay là người quân tử “cày xới để gieo giống mới” trong “lẽ tuần hoàn” của tự nhiên. Như vậy, giấc mơ chính là hiện thực hoá những ám ảnh, trăn trở, day dứt, đau đớn trong tiềm thức nhân vật. Nó hé lộ những góc khuất mà ý thức nhân vật đè nén, che dấu thậm chí chối bỏ, không muốn thừa nhận. Hồi tưởng cũng là một thủ pháp hiện đại có khả năng tái hiện thế giới nội tâm đầy bí ẩn của nhân vật. Cả ba cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh đều để cho nhân vật xưng “tôi” hồi tưởng kể lại những trải nghiệm của bản thân. Men theo dòng chảy miên man của những hồi ức, nhân vật dễ dàng bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của chính mình thông qua những dòng độc thoại nội tâm. Trong Hồ Quý Ly, câu chuyện chính trường Đại Việt cuối thời Trần một phần được kể qua nhân vật xưng Tôi Hồ Nguyên Trừng. Đây là nhân vật có đời sống nội tâm phong phú nhất tác phẩm với những dòng độc thoại nội tâm miên man, nhiều câu hỏi chất vấn, hoài nghi thể hiện trăn trở “thời thế” của ông trước những bất cập trong chính sách cải cách nóng vội, cực đoan của cha.

Trong Đội gạo lên chùa, hồi ức đau đớn và trải nghiệm Phật giáo được thuật lại qua dòng hồi tưởng của nhân vật An. Tác giả thường để nhân vật ngồi một mình tự bộc bạch cảm xúc, suy nghĩ và từ đây những bí ẩn của tình cảm con người được hé lộ bao gồm phần sáng và tối, cao cả và thấp hèn.... Đó là bộc bạch về nỗi đau tưởng đã nguôi ngoai khi nương nhờ cửa chùa nhưng thực ra vẫn còn nhói buốt trong tâm hồn đứa trẻ sớm chịu mất mát “Thì ra những hoài niệm mà tôi không thể quên đang kéo nhau trở về. Cả những kỉ niệm đau đớn mà tôi muốn chôn vùi không bao giờ muốn nhắc lại, cũng lấp ló trong tâm hồn tôi” [33, 32 ]. Đó là nỗi cô đơn, “nỗi sợ hãi như thấm vào xương tuỷ” của cậu bé An khi nhận ra “nơi cửa Phật cũng không tránh khỏi được bão táp mưa sa” [33, 203]. Hay đã thấm nhuần bài học gõ mõ, đã được tắm tưới hương giải thoát nhưng trong lòng An vẫn chưa dứt được sân hận ở đời như sư thầy

Vô Uý bởi rất nhiều lần đối diện với chính mình cậu thú nhận nỗi sợ hãi cô đơn, thú nhận căm thù kẻ giết hại cha mẹ, kẻ bắt giam thầy ở phòng nhì PC, kẻ đưa thầy đi cải tạo... Rõ ràng, tính người, tình người được biểu hiện rõ nhất qua độc thoại nội tâm của nhân vật.

Được thẩm thấu qua tâm trạng nhân vật nên ngôn ngữ độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh giàu chất trữ tình, đậm suy tư và chất chứa nỗi buồn. Đặc biệt, nhà văn thường sử dụng kiểu câu nghi vấn nhằm lật xới vấn đề hoặc kiểu câu hỏi có cấu trúc đồng dạng như “Công ư? Tội ư?...” [34, 172], “Đánh giá thành ư? Bại ư?.. [34, 635 ], “Từ bi ư? Hận thù ư? Sống thế nào mới phải?” [33, 375 ], “Họ cam chịu ư? Họ hèn hạ ư? Hãy coi chừng!” [32, 193]… để từ những giả định đối lập nhân vật có điều kiện tự vật lộn với chính mình. Chính hệ thống câu hỏi này có ý nghĩa đào sâu nỗi niềm suy tư, trăn trở, xoáy sâu vào đời sống nội tâm của nhân vât và hướng độc giả tham gia đối thoại cùng nhân vật. Vì thế, cùng với ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thứ ngôn ngữ trần thuật mới mẻ, hiện đại, giàu tính đa thanh trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ sau đổi mới.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w