Giọng hồi tưởng, chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 115 - 118)

- Tao dìu mẹ mày đi sau.

3.3.2.1. Giọng hồi tưởng, chiêm nghiệm

Hồi tưởng là một thủ pháp nghệ thuật hiện đại có khả năng thâm nhập vào thế giới nội tâm để khám phá các tầng hữu thức và vô thức của con người. Hồi tưởng thường gắn với chiêm nghiệm, triết lí suy tư bởi quá khứ đã trở thành kinh nghiệm trong nhận thức của nhân vật. Giọng điệu hồi tưởng khá phổ biến trong tiểu thuyết đương đại khi nhà văn men theo dòng ý thức để “xem trộm” những bí ẩn trong nội tâm nhân vật. Với Nguyễn Xuân Khánh, giọng hồi tưởng thường được nhà văn sử dụng ở tất cả các chương tường thuật theo ngôi thứ nhất xưng Tôi” hoặc những đoạn điểm nhìn được nhà văn tin cậy trao cho nhân vật để hoài niệm về ngày xưa.

Ở Mẫu Thượng Ngàn, giọng điệu hồi tưởng của bà ba Váy thường bắt đầu bằng những hình thức diễn đạt mang hàm ý chỉ dẫn như :“Đêm hội mùa xuân năm ấy…” [32, 522], “Lại nói khi tôi về với lí Cỏn…”[32, 530], “Riêng tôi, tôi vẫn nhớ tới chuyện năm xưa…”[32, 537]. (Môtip này cũng thường trở đi trở lại trong

Hồ Quý LyĐội gạo lên chùa khi tác giả để cho nhân vật xưng Tôi tự hoài niệm về quá khứ.) Sau những chỉ dẫn, kỉ niệm ăm ắp hiện về, có kỉ niệm ngọt ngào, say đắm của mối tình đầu với anh Phác và mùa “trải ổ” đầu tiên của đời mình, có hoài niệm cay đắng, buồn tủi khi về làm vợ ba lí Cỏn… Nhưng màu sắc chiêm nghiệm, suy tư thể hiện rõ nhất khi nhà văn để bà ba Váy tự nhìn sâu vào tình cảnh, nỗi niềm ẩn ức, những khao khát thầm kín của bản thân: “Trong tôi vẫn

luôn có một khao khát, trong tôi vẫn luôn có một tình cảm không thoả mãn, mối tình xưa thời con gái vẫn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào không nguôi… Tôi như một cánh đồng hạn lâu ngày… Nó chỉ chờ một cơn mưa…” [32, 528]. Là vợ ba của ông lí, có với nhau bốn mặt con nhưng ông lí chưa bao giờ đưa đến cho bà sự thoả mãn khao khát sau những lần ghé thăm vụng trộm, nhập nhụa. Hơn nữa, tình yêu với anh Phác quá sâu đậm trong bà, vì vậy bà không nguôi nhớ về mối tình xưa. Thú nhận những điều “bé nhỏ hơn tính người’ của mình, giọng hồi tưởng trở nên trầm lắng, suy tư pha chút cay đắng, cảm thương cho thân phận mình của chính nhân vật. Dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện khách quan sang nhân vật, nhà văn tiếp tục để Trịnh Huyền hồi tưởng về mùa “trải ổ” đầu tiên với cô Váy và giọng điệu hồi tưởng lúc này là những thú nhận ngọt ngào “Cô gái mủm mỉm ấy có được ai dạy bảo gì đâu. Sao mà cô đằm thắm đến thế, sao mà cô đàn bà đến thế, sao mà cô ngọt ngào đến thế.” [32, 60].

Ở Hồ Quý Ly, giọng kể của Hồ Nguyên Trừng - nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm đầy ưu tư, phiền muộn khi nhớ về tuổi thơ, hạnh phúc ngắn ngủi với Quỳnh Hoa, tình yêu mặn nồng dang dở với Thanh Mai, những toan tính, tham vọng của cha…Đây là nhân vật nhiều tâm sự u uẩn nhất trong tác phẩm bởi “Sự sầu lặng ấy phải chăng là sự suy tư, sự hối hận, là bước đi chuệnh choạng của một linh hồn và đang nghiêng ngả” [34, 63].Vì thế, giọng hồi tưởng của Nguyên Trừng thấm đẫm suy tư của một con người mang tâm sự của ke “đứng riêng một phe” trong cuộc giằng co quyền lực khốc liệt giữa hai phe cách tân và thủ cựu. Trừng hồi tưởng và suy ngẫm về thân phận: “Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá lớn đớp lấy tôi và cha tôi cầm chiếc cần câu. Tôi là ke đứng giữa và hai bên cùng co kéo” [34, 63]. Có lúc chàng suy tư về tham vọng quyền lực và số phận của cha, em, người tri kỉ trong vòng quay chính trị nghiệt ngã: “Hôm nay trong cái chập choạng, tôi lại ngồi ở thềm ngôi nhà cổ nghĩ xa nghĩ gần, lòng buồn man mác, nghĩ tới số phận của những người thân đang bị cuốn theo không cưỡng nổi những cơn co giật cuồng nộ của sóng thịnh suy” [34, 650]. Giọng hồi tưởng suy tư hé lộ bi

kịch của một con người “ưu thời mẫn thế” nhưng luôn dùng dằng trước những lựa chọn: cải cách hay thủ cựu, nghĩa phụ tử hay nghĩa vua tôi, hiếu hay tình.

Trong Đội gạo lên chùa, giọng hồi tưởng, chiêm nghiệm khá dày đặc với những lời tự thú của nhân vật An. Bị ám ảnh bởi cái chết của cha nên dù quy y của Phật, uống hương giải thoát, thấm nhuần đức từ, bi, hỉ, xả của Phật nhưng An vẫn không dứt nổi sân hận ở đời bởi “Tuy tôi còn nhỏ nhưng cái chết của cha tôi đã ghi một vết hằn rất sâu, sự hận thù đã có lúc làm đầu óc tôi đen ngòm, tê dại. Sự yêu thương của thầy tôi, tiếng chuông chùa vang lên hàng ngày ngân nga, thực quả cũng làm vết thương hàn gắn lại nhưng sự đau đớn đâu phải đã hết” [33, 374]. Cái chết đầy nghĩa khí và bi thảm của thầy giáo Hải một lần nữa khiến tâm hồn non nớt của An bị tổn thương và khi nhớ lại cậu không dấu nổi sự sân hận về sự tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai trong đó có Bernard “ Sự căm hờn là điều tối kị ở nhà chùa. Phải tránh xa sự căm hờn nhưng thú thực lúc ấy tôi đã nhìn thấy những tia nhìn ấy. Và thú thực lòng tôi dâng lên một niềm xúc động” [33, 430]. Rồi khi chứng kiến nhục hình ở hố phân công cộng mà những nhà cách mạng mới đối xử với trí thức “một luồng khí nộ đen ngòm dù tôi cố ngăn giữ vẫn cứ vùn vụt xông lên che kín đặc tâm hồn tôi” [33, 615]. Quá khứ đã trở thành kinh nghiệm trong nhận thức của nhân vật, vì thế có những chiêm nghiệm mang đậm chất triết lí suy tư, nhất là khi nhân vật có ý thức khái quát quy luật đời sống. Triết lí về kiếp nhân sinh được An nhận thức sau khi trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời từ cậu bé An đến chú tiểu An, sư thầy An, anh bộ đội An và cuối cùng là Nguyễn Văn An lấy vợ, lập am thờ Phật trong một trang trại tự cung tự cấp: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, toả chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.” [33, 866]. Từ giọng hồi tưởng chiêm nghiệm đan xen giọng điệu tự thú, giọng triết lí, suy tư của nhân vật kể chuyện xưng tôi, người đọc thấu hiểu những ẩn ức đau đớn của An và rõ ràng trong sâu thẳm cậu vẫn chưa cắt hết “duyên” với cõi trần tục. Điều này giải

thích phần nào quyết định hoàn tục hành đạo giữa đời của An sau ngày thống nhất đất nước.

Nếu giọng điệu hồi tưởng trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thấm đẫm nỗi buồn dằng dặc, đứt nối bởi những kí ức chiến tranh và kí ức tình yêu như là nỗi ám ảnh thường trực, vò xé tâm can khiến nhân vật luôn sống trong mộng ảo, không thể hoà nhập với cuộc đời thì giọng hồi tưởng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nhẹ nhàng, sâu lắng, phảng phất nỗi buồn suy tư, chiêm nghiệm như chính tâm sự u ẩn của nhân vật. Giọng hồi tưởng có khả năng dẫn dắt người đọc thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, chìm đắm trong mạch cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của nhân vật.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 115 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w