2.2.1.1. Khái quát chung về con người trong tiểu thuyết
Nhân vật là linh hồn của tác phẩm, là chìa khóa để mở cánh cửa hiện thực và khám phá những bí ẩn của cuộc sống con người, đồng thời là yếu tố nghệ thuật mang ý nghĩa tư tưởng, thể hiện ý đồ sáng tạo của nhà văn. Vì thế, tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật.
Trong tiểu thuyết, để phản ánh cuộc sống toàn vẹn, sâu sắc dưới góc độ đời tư, nhà văn trao sứ mệnh cho nhân vật, mà chủ yếu là hình tượng con người trong tác phẩm. Đó là kiểu “con người nếm trải”: “Nhân vật tiểu thuyết cũng hành động, nhưng với tư cách là con người nếm trải, cảm nhận, tư duy, chịu khổ đau và các dằn vặt của đời. Tiểu thuyết miêu tả con người trong hoàn cảnh, không tách nó khỏi hoàn cảnh một cách giả tạo, không cô lập nó cũng như không cường điệu sức mạnh của nó. Nó miêu tả nhân vật như một con người đang trưởng thành, biến đổi và do đời dạy bảo” [58, 299 - 300]. Nó “thống nhất trong bản thân những nét vừa chính diện vừa phản diện, vừa tầm thường vừa cao cả, vừa buồn cười vừa nghiêm túc” [58, 297-298]. Nhân vật tiểu thuyết được miêu tả với tổng hoà mọi bình diện từ ý thức đến vô thức, từ tư
tưởng đến bản năng, từ mặt xã hội đến mặt sinh học. Nó chịu rất nhiều những trải nghiệm trong cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, có sự lớn lên, trưởng thành trong ý thức, tư duy.
Nếu nhân vật sử thi tương đối đơn giản và thường là nhân vật hành động vì danh dự cộng đồng thì nhân vật tiểu thuyết là “con người trong con người”, “con người không trùng khít với chính nó” (Bakhtin). Nhân vật Hecto và Asin trong thiên sử thi I-li-át của Hô-me-rơ, Uylitxơ trong Ô-đi-xê, Rama trong Ramayana, Đăm san trong sử thi Đăm san… đều là những con người đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp cộng đồng. Ngay cả bi kịch của người anh hùng cũng nằm trong nghĩa sử thi đó. Chẳng hạn, cơn giận xung thiên động địa của Asin dẫn đến cuộc chiến chiếm thành Tơroa trong mười năm ròng xuất phát từ sự xúc phạm danh dự bộ tộc khi người đứng đầu bị tước mất người đẹp. Hecto đấu anh dũng và chết một cách vinh quang trước cổng thành cho thấy chàng đã làm tròn nghĩa vụ của một vị tướng, một người công dân trong cuộc chiến bảo vệ quê hương. Nó hoàn toàn khác với nhân vật Anđrây Bôncônxki, Pie Bêdukhôp trong tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và hoà bình của L. Tôn-xtôi, mặc dù họ là những người anh hùng chân chính của nhân dân Nga. Nhân vật của đại văn hào Nga là những thanh niên quý tộc có khát vọng cá nhân và bất chấp khó khăn, gian khổ để thực hiện lí tưởng, thậm chí có lúc rơi vào bi kịch “vỡ mộng Tulon”. Hành trình tìm về với nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là kết quả của những trải nghiệm đớn đau, những mất mát, tổn thương tinh thần, những dằn vặt suy tư trong nội tâm…Vì lẽ ấy, nhân vật tiểu thuyết gần cuộc đời hơn.
Là một thể loại nằm trong cùng phương thức với tiểu thuyết nhưng nhân vật của truyện ngắn chỉ là “một cuộc đời” trong nhiều cuộc đời của tiểu thuyết. Nhân vật chỉ được tái hiện trong “một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, một khoảnh khắc đời sống”(Nguyễn Minh Châu). Còn trong tiểu thuyết, con người sống quảng đời dài với sự miêu tả toàn diện, tỉ mỉ đến mức chi tiết theo từng bước thăng trầm của số phận mà nhân vật “nếm trải”.
Thế giới nhân vật trong Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa rất phong phú, đa dạng và mang đầy đủ đặc điểm về nhân vật trong tiểu thuyết nói chung. Việc phân ra hình tượng nhân vật lưỡng diện, nhân vật người phụ nữ, nhân vật “tuy duyên” hành đạo chủ yếu dựa vào số lượng, vai trò của nhân vật trong việc làm bật nổi chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
2.2.1.2.Nhân vật lưỡng diện
Nhân vật lưỡng diện là sản phẩm của văn học hiện đại. Nếu trong văn học cổ trung đại chỉ có nhân vật tuyến tính, hoặc tốt hoặc xấu, tính cách gần như nhất quán từ đầu đến cuối thì văn học hiện đại, nhân vật là một khối thống nhất của các mặt đối lập như cách nói của MiLan Kundra: “Con người là hiển minh của lưỡng lự”. Bên trong các nhân vật đó luôn tồn tại hai mặt đối lập: đẹp - xấu, thiện - ác, cao cả - thấp hèn, trong sáng - tăm tối, hạnh phúc - khổ đau… Con người có lúc là thần thánh song cũng có lúc là quỷ dữ. Việc tạo nên nhân vật mang trên mình các mặt đối lập như vậy làm cho tác phẩm văn học gần với đời sống và con người hơn bởi cuộc sống hiện đại vốn phức tạp, biến đổi khôn lường. Con người lưỡng diện đã từng được biết đến trong sáng tác của Nam Cao như Thứ trong Sống Mòn, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, Hộ trong Đời thừa… Văn học thời kì đổi mới, kiểu nhân vật này xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết của Lê Lựu, Dương Hướng, Bảo Ninh… Không chỉ những con người đời thường, những “thần tượng” lịch sử như người anh hùng áo vải Lê Lợi trong Hội Thề (Nguyễn Quang Thân), nguyên phi Ỷ Lan trong Giàn Thiêu (Võ Thị Hảo), chúa Nguyễn Hoàng trong Minh Sư (Thái Bá Lợi)… cũng được nhà văn khai thác những mặt tối không hề có trong chính sử.
Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh có nhiều kiểu nhân vật lưỡng diện. Có nhân vật mang trên mình nhiều khuôn mặt của những cuộc đời khác nhau. Có nhân vật trong mình tồn tại các dòng tư tưởng khác nhau hoặc tính cách phát triển theo nhiều chiều hướng đối lập vừa tốt vừa xấu, vừa lạnh lùng, tàn bạo vừa tình cảm. Xây dựng nhân vật lưỡng diện thể hiện cái nhìn đa chiều, dân chủ của nhà văn về cuộc sống và con người trong quá khứ gắn với những thời điểm lịch sử nhạy cảm.
Trịnh Huyền trong Mẫu Thượng Ngàn là kiểu nhân vật lưỡng diện về hình thức và cuộc đời. Tham gia nghĩa quân Đề Nghĩa chống Pháp nhưng thất bại, Đinh Công Phác từ một anh trai làng khoẻ mạnh, tài hoa trở thành kẻ tàn phế. Khuôn mặt anh bị biến dạng gớm giếc, một nửa khuôn mặt còn nguyên vẹn, đẹp đẽ và một nửa khuôn mặt nhăn nhúm, chằng chéo vết sẹo với con mắt hỏng luôn mở trừng trừng kể cả khi ngủ. Anh trốn chạy sự truy đuổi của thực dân Pháp, trốn chạy nỗi đau của chính mình bằng cách dạt về sống ở một vùng chiêm trũng Sơn Nam, học đàn và kiếm sống bằng nghề đàn hát. Sau những bất hạnh nối tiếp, vợ con chết trong một ca đẻ khó, anh và
đứa con riêng của vợ lại dắt díu về quê. Ở đây, anh đã sống hai cuộc đời của một con người. Đó là cuộc đời của Đinh Công Phác, con cụ Đồ Tiết, đã từng tham gia khởi nghĩa, có người yêu là cô Váy. Biểu trưng cho cuộc đời này là khuôn mặt đẹp đẽ, hiền lành. Và cuộc đời của Trịnh Huyền, mang danh người cháu họ xa của cụ Đồ Tiết, có nghề thổi kèn, đánh đàn nguyệt, hát cung văn, có một cô con gái nhỏ tên Nhụ. Biểu trưng cho cuộc đời này là nửa khuôn mặt xấu xí, đầy sẹo.
Anh đã sống hai cuộc đời dưới cái tên xa lạ Trịnh Huyền trên chính mảnh đất quê hương mình. Hằng ngày, Trịnh Huyền vẫn sống bằng nghề con hát phục vụ tang lễ hay kéo đàn trong các buổi hầu đồng. Nhưng thỉnh thoảng anh vẫn gặp lại chính mình khi nhớ lại kỉ niệm mùa “trải ổ” đầu tiên với cô Váy, những lần giăng bẫy bắt cu gáy bằng cái thông thạo rất riêng của Đinh Công Phác. Sống không đúng thân phận đã là một nỗi đau và nỗi đau nhân lên gấp bội khi đứng trước gia tộc dòng họ mà không dám nhận, thấy người yêu xưa đành đau đớn quay mặt đi. Mỗi lần gặp bà ba Váy, lòng anh lại lo lắng, sợ hãi, giằng co nhưng sự hồn nhiên, vẻ đẹp tròn đầy, tràn trề sức sống và trên hết tình yêu xưa nồng nàn, cháy bỏng đã thôi thúc anh sống thật với con người mình, sống cả phần đời của Phác và Trịnh Huyền. Anh còn biết một sự thật cò Xuân chính là con ruột của anh với bà ba Váy. Sau này, được Huy giác ngộ cách mạng anh lại năng nổ hoạt động như Phác ngày xưa khi theo Đề nghĩa kháng Pháp. Trịnh Huyền hi sinh khi đánh vào đồn điền Mesmer nhằm tiêu diệt tên thực dân tàn ác Julien. Trong Đội gạo lên chùa, Bernard là nhân vật lưỡng diện về hình thức, tính cách và tư tưởng. Là sản phẩm của cuộc lai ghép lịch sử giữa hai nền văn hoá Pháp - Việt, Bernard thừa hưởng từ người cha làn da trắng, mũi lõ, mắt xanh và “cái can trường, táo tợn của kẻ phiêu lưu mạo hiểm” [33, 52]. Người mẹ cho hắn tầm vóc trung bình, bộ tóc rậm đen nhánh, sự lanh lẹn, tháo vát, láu lỉnh và cả những khao khát rất Việt về một người đàn bà thắt đáy lưng ong, đầy sức sống, tháo vát, dịu dàng. Có lẽ, sự dung trộn hai dòng máu khác biệt đã hình thành ở Bernard những nét tính cách đối lập vừa hung ác, cực đoan vừa thân thiện, hiền hoà. Một mặt hắn là tên Tây lai khét tiếng tàn bạo nhưng lại rất quý trọng người cậu, yêu thương người mẹ An Nam và thích trẻ con, thường ra phố huyện thấy bọn trẻ là cho kẹo. Con người thông minh này cũng biến báo linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh. Người Pháp thắng thế trên chính trường, hắn quyết liệt thanh lọc dòng máu mẹ ra khỏi cơ thể để sống với niềm kiêu hãnh về dòng máu hùng mạnh của người cha và sẵn sàng chà
đạp hung bạo lên mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng hắn trưởng thành. Nhưng khi thất thế, hắn là một anh chàng An Nam đặc sệt từ cái tên Lê Na, từ vóc dáng, cách ăn mặc cho đến sở thích ăn lòng lợn chấm mắm tôm, ăn tiết canh tì tì không biết sợ.
Bernard cũng là nhân vật lưỡng diện về tư tưởng. Hai dòng máu trong một con người đã co kéo, giằng hắn về hai phía “dân tộc thượng đẳng” và “dân tộc hạ đẳng”. Hắn tự hào về màu trắng anh hùng, kiêu hãnh của cha bao nhiêu thì càng mặc cảm, căm thù dòng máu mẹ đang chảy trong huyết quản bấy nhiêu. Ý nghĩ dằn vặt Tây lai, thôi thúc hắn “gột rửa cho nhanh cái màu vàng ấy ra khỏi tâm hồn, phải thanh lọc cho nhanh cái chất vàng ấy ra khỏi dòng máu” [33, 61]. Hắn tìm mọi cách “đi tìm lại cái nhân dạng Âu Châu cho một chàng trai bị da vàng hoá” [33, 52]. Nhưng “cái cái mặc cảm bị nhuộm vàng ấy và cái mong ước được tẩy rửa nó quá mạnh mẽ nên hắn trở thành một con người lạnh lùng khét tiếng” [33, 68]. Mặc cảm đã đẩy cái ác trong con người Bernard trỗi vượt, giết chết căn Phật tính từng được chăm sóc tưới tắm bởi bà mẹ - một me Tây nhưng với một đồng bạc sư thầy cho làm vốn xuất thân và bởi văn hoá Việt đã gắn bó với y từ khi lọt lòng. Mặc cảm cùng với quyền lực do bọn thực dân trao cho và những mưu mô xảo trá vặt như một tính cách mặt trái của cư dân tiểu nông hình thành mà hắn tiêm nhiễm, đã biến Bernard thành kẻ ác nguy hiểm, không từ một thủ đoạn nào để sát hại cán bộ Việt Minh và người dân làng Sọ gây ra bao cảnh tang tóc, chia lìa. Dưới bàn tay của Bernard, cái bào thai bốn tháng tuổi của nữ chiến sĩ cách mạng bị mổ sau vài giờ mới chết; những xác người bị cắt toang hoác cuống họng, máu chảy lênh láng trong ngôi miếu hoang; thầy giáo Hải bị chặt đầu, mổ bụng cột vào cây thập ác trôi giữa dòng sông; sư cụ Vô Uý bị bắt giam và bị đánh gãy chân ở phòng nhì PC huyện… Tội ác này khiến cho người quy y cửa Phật như sư Khoan Độ không thể làm ngơ và chính sư đã bắt sống, giao cho Thuồng Luồng hành quyết để trừ hoạ cho dân. Thực chất Bernard là nạn nhân bị mắc kẹt giữa hai dòng máu, hai nền văn hoá, hai dân tộc Pháp - Việt.
Hồ Quý Ly là cuốn tiểu thuyết có nhiều nhân vật lưỡng diện về tư tưởng nhất trong ba tác phẩm. Đó là các nhân vật như Hồ Quý Ly, Trần Nghệ Tông, Trần Khát Chân, Hồ Nguyên Trừng, Thuận Tông… Thực ra, việc xây dựng nhân vật lịch sử không đồng nhất với chính nó trong chính sử không còn mới mẻ khi nhà văn có ý hướng mượn lịch sử để chuyển tải thông điệp thời đại. Nhân vật Quang Trung -
Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lu của Nguyễn Mộng Giác anh hùng đến mức xuất sắc, thiên tài nhưng bình dị trong đời thường với tình yêu tha thiết, sâu sắc nhưng không trọn vẹn. Gió lửa của Nam Giao mang đến cho người đọc một Nguyễn Huệ đa chiều vừa là phản Nguyễn Huệ, vừa là Nguyễn Huệ lịch sử và Nguyễn Huệ đi trước thời đại. Vị anh hùng dân tộc, minh chủ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng rất đời thường trong Hội Thề của Nguyễn Quang Thân khi “đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm một miếng cơm cháy”, “lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến”. Nhân vật Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết Minh Sư của Thái Bá Lợi được miêu tả không chỉ là một anh hùng mở rộng bờ cõi về hướng Nam mà rất con người ở nỗi sợ hãi bị hãm hại nên tìm mọi cách để thoát thân tránh sự truy sát của bọn Trịnh Kiểm… Nhưng trăn trở lịch sử nhiều nhất có lẽ ở Hồ Quý Ly.
Hồ Quý Ly là nhân vật lịch sử có vấn đề cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau khi bàn về công và tội. Chính sử xem đây là kẻ tham tàn, hiểm độc, thoán ngôi đoạt vị, nói chung công nhiều hơn tội. Rọi cái nhìn dân chủ trên cơ sở xem lịch sử chỉ là đinh treo tư tưởng, Nguyễn Xuân Khánh “nhìn ngắm” nhân vật trong cái nhìn đa chiều để thấy những mặt sáng - tối, tốt - xấu, tàn bạo - nhân đạo, lạnh lùng, kiêu ngạo và tình cảm… Đúng như Phạm Sinh nhận xét: “Ông ta vừa tàn bạo đến cùng cực … nhưng lại vĩ đại vô cùng. Vừa đáng căm giận lại vừa đáng thương, đáng kính” [34, 727].Còn Hán Thương sùng kính cha: “Cha thân mật mà tài giỏi! Cha kiêu ngạo mà giản dị ! Cha cứng rắn mà dịu dàng…” [34, 89]. Hồ Quý Ly là con người có chí lớn, có khát vọng thay đổi giang sơn xã tắc, đưa lại cuộc sống yên ấm cho muôn dân. Chí khí này được biểu lộ ngay từ nhỏ ông muốn nhen “một ngọn lửa không khi nào tắt”, “giữ một ngọn lửa đời đời” [34, 542] cùng chí khí “làm mây làm mưa để thấm nhuần cho dân” [34, 52]. Đây là điểm khởi đầu của một số phận bi kịch như chính con ông cảm nhận “Chí càng lớn, bão tố càng lớn. Chí mà thành thì muôn đời có công làm rạng rỡ liệt tổ liệt tông. Chí mà bại lưu tiếng xấu ngàn thu” [34, 53]. Là người thông minh, tài trí, ông hiểu rõ thực trạng “ngàn cân treo sợi tóc” của Đại Việt lúc này. Bên ngoài giặc Minh lâm le, dòm ngó, quân Chiêm Thành năm lần bảy lượt kéo quân sang xâm lược. Nội tình rối ren, hết loạn phường chèo Dương Nhật Lễ lại đến loạn Phạm Sư Ôn trong khi vua Trần bạc nhược, quan lại nhũng nhiễu, đục khoét của dân. Cách tân với Quý Ly là phương tốt nhất để không có cảnh “người nông phu chết đói đầy đường”,
“dân hèn bị lũ cường hào bóp đầu bóp cổ, không chổ kêu oan” [34, 457] và “không muốn trong dân gian có kẻ lang thang…” [34, 538]. Rõ ràng, khởi nghiệp của Quý Ly không ngoài mục đích an hoà thịnh trị cho muôn dân và đất nước. Vì thế, chính sách canh tân của ông đồng đều trên tất cả các lĩnh vực chính trị - quân sự, kinh tế, giáo