Nhịp điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 103 - 105)

Trên phương diện thể loại, cơ bản nhịp điệu trần thuật của tiểu thuyết chậm, thể hiện một “kiểu soi ngắm cuộc sống một cách trầm tĩnh, trang trọng, khoan thai trước tính nhiều mặt rộng lớn đối với thế giới’ (Pô-xpê-lốp). Tuy nhiên đối với từng tác phẩm, tác giả có những cách xử lí nhịp điệu trần thuật khác nhau biểu hiện ở tốc độ trần thuật nhanh hay chậm, cách xử lí mối quan hệ giữa thời gian thực tế và thời gian trần thuật. Trong tiểu thuyết, thường có sự kết hợp giữa các loại nhịp điệu trên cơ sở một nhịp điệu nổi trội, chiếm ưu thế. Nhịp điệu kể trong Sống mòn (Nam Cao) chậm rãi bởi nhà văn chú trọng miêu tả trạng thái tâm lí nhân vật để thấy cuộc sống đang “mòn đi”, “ghỉ đi”’ của giới trí thức tiểu tư sản trước cách mạng. Nhịp điệu kể trong tiểu thuyết giàu chất thơ của Thạch Lam khoan thai, nhấn nhá. Ngược lại nhịp điệu của Tắt đèn (Ngô Tất Tố) nhanh, gấp gáp bởi không gian, thời gian, các biến cố sự kiện bị dồn nén hết sức căng thẳng. Trong văn học đương đại, nhịp điệu nhanh, gấp gáp với những câu văn ngắn, lối kể liệt kê, giản lược tối đa những lời bình luận thường thấy ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, rất nhiều đoạn trong tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Chinatow của Thuận… Những tiểu thuyết như Nỗi buồn chiến tranh

của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Người sông Mê của Châu Diên… nổi lên nhịp chậm rãi. Nhịp điệu trần thuật là nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu tâm lí của con người qua thái độ đánh giá và cảm thụ của nhân vật và người kể chuyện.

3.2.2.1. Nhịp điệu trần thuật chậm rãi, khoan thai

Đây là nhịp điệu nổi bật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Nhịp điệu chậm rãi, khoan thai có được bởi ngoài việc khắc hoạ những sự kiện, biến cố liên quan đến cuộc đời nhân vật, nhà văn thường xen vào những đoạn dài miêu tả cảnh vật, đồ vật, tâm lí con người hoặc chêm chen những lời bình luận, trữ tình ngoại đề. Câu chuyện được kể bị “trì hoãn” ở những quãng dừng đó tạo cảm giác nhịp kể chùng xuống nhấn nhá, chậm rãi.

Trong Đội gạo lên chùa, nhịp điệu trần thuật chậm rãi được thể hiện ở những đoạn miêu tả tâm trạng nhân vật An, nhất là khi An vừa quy y tam bảo chưa nguôi nỗi nhớ cha mẹ và chưa quen với không khí tính lặng, buồn bã của nhà chùa “Riêng tôi, tôi thèm khóc lắm, nhưng dù cố thế nào thì nước mắt trong tôi cũng chẳng chảy ra. Tôi nằm đấy nghe chim đêm, nghe giun dế nỉ non và tắm ánh trăng dàn dụa chảy từ mái chùa xuống. Ánh trăng cứ chảy mãi, chảy mãi đến mức đầy ắp cái tâm hồn nức nở của tôi…” [33, 29], “Tại sao tôi không khóc được nhỉ? Phải chăng vì tôi chưa quen với không khí nhà chùa? Nó mênh mông khac hẳn không khí đầm ấm trong căn nhà bé nhỏ của cha mẹ tôi…” [33, 31]. Hay những đoạn dài cắt nghĩa về tính cách tàn bạo của nhân vật Bernard, cắt nghĩa về tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả của sư Vô Uý, những đoạn triết luận về vai trò của Phật giáo mang tinh thần nhập thế, những đoạn trữ tình ngoại đề về kiếp nhân sinh, cảnh rừng Cò dưới đêm trăng nhễ nhại nơi Vô Trần bị “điểm đạo trần gian”... Với nhịp điệu trần thuật này, luận đề về sự thăng trầm của Phật giáo ở những thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt ở thế kỉ XX đến với người đọc không còn cứng nhắc, khô khan.

Lấp đầy những khoảng trống giữa các sự kiện, làm giãn nhịp điệu kể trong

Mẫu Thượng Ngàn chính ở những đoạn miêu tả nội tâm của Trịnh Huyền, cái hồ hởi, say đắm của bà ba Váy khi xăm xăm vào rừng nấm gặp người yêu sau hội Ke Đình, tâm trạng chán chường, mặc cảm, cô độc, lo sợ của Philippe Mesmer khi nhận thấy sức mạnh bí ẩn của người đàn bà bản địa, cảnh rừng nấm vào mùa xuân, cảnh đẹp và hoang dại và huyền bí của khu rừng xứ Mường… Đặc biệt, những trang miêu tả các nghi lễ tôn giáo, lễ hội Ke Đình với tục rước ông Đùng bà Đà và mùa “trải ổ” vừa tái hiện sinh động sinh hoạt tinh thần của người Cổ Đình vừa dẫn dụ người đọc chìm đắm vào thế giới huyền thoại linh thiêng của đời sống tôn giáo.

Trong Hồ Quý Ly, để làm loãng cốt truyện với những sự kiện lịch sử dày đặc, căng thẳng, nhà văn đã giảm tốc độ trần thuật bằng những yếu tố “thừa” như miêu tả cận cảnh, chi tiết vườn mai thượng tướng Khát

Chân từ các loài mai, dáng cây, dáng hoa, lá quả, màu sắc, hương thơm; cảnh trong rừng, cảnh bến Bình Than với cơn mưa rừng dịu mát hoà tấu cùng bản nhạc của muôn loài sinh vật đã làm nên khung cảnh hoang sơ, dân dã, trữ tình cho giây phút giao kết vợ chồng của vua Thuận Tông và hoàng hậu Thánh Ngẫu. Những đoạn miêu tả không gian hội thề Đồng Cổ, Đốn Sơn tỉ mỉ từ vị trí địa lí của đền Đồng Cổ, vị trí chiến lược, quy mô hoành tráng của Tây kinh cho đến không khí chuẩn bị lễ hội, diễn biến đám rước, không gian nghi lễ hội thề. Hay những đoạn diễn tả những trăn trở, dằn vặt của các nhân vật Hồ Nguyên Trừng, Nghệ Tông, Quý Ly… đều có ý nghĩa “trì hoãn sử thi”, làm giảm nhịp điệu trần thuật để mở rộng biên độ phản ánh và giúp người đọc thư giãn.

Nhịp độ trần thuật chậm rãi còn được thể hiện ở hiện tượng cùng một chi tiết về sự kiện, một nhân vật nhưng được kể lặp lại nhiều lần trong những phần khác nhau. Chân dung Khát Chân hiện lên khá đầy đủ, sắc nét trong chương V, một lần nữa được Hồ Nguyên Trừng kể lại ở phần VI của tác phẩm. Bà ba Váy đã có hẳn một chương để tự kể về mình nhưng lí lịch vẫn được nhắc lại và bổ sung qua hồi tưởng của Trịnh Huyền và lời người kể chuyện khách quan. Vẫn lối kể ấy trong Đội gạo lên chùa trận càn khủng khiếp của giặc được kể qua lời Nguyệt tiếp tục được tái hiện qua hồi tưởng của An. Cách kể nhấn nhá này vừa tạo sự hấp dẫn cho cốt truyện vừa khắc sâu những ám ảnh về số phận nhân vật, gợi mở khoảng trống để người đọc suy ngẫm.

Tốc độ trần thuật chậm rãi, khoan thai trong ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh có được là do nhà văn sử dụng dày đặc những yếu tố “thừa”. Thế nên, ngoài khả năng “trì hoãn” để tạo hứng thú, hấp dẫn cho cốt truyện được kể, nhà văn còn dùng nó như khoảng trống, khoảng lặng để người đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 103 - 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w