Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 114 - 115)

- Tao dìu mẹ mày đi sau.

3.3.2.Giọng điệu trần thuật

Bên cạnh điểm nhìn trần thuật, nhịp điệu trần thuật, giọng điệu trần thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của tác phẩm, thể hiện rõ phong cách của nhà văn.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là: “Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [26, 112]. Giọng điệu là yếu tố đóng vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể. “Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật [26, 113].

Mỗi nhà văn thường có một giọng điệu riêng in dấu trong sáng tác của mình. Vũ Trọng Phụng chiếm lĩnh một giọng văn hài hước, mỉa mai sâu cay; Nam Cao sắc lạnh, tỉnh táo; Thạch Lam nhẹ nhàng, giàu chất thơ; Tô Hoài lại pha chút dí dỏm, hài hước,

suồng sã, tự nhiên... Giọng điệu có được phần nhiều nhờ cảm hứng chủ đạo. Giọng điệu góp phần quan trọng hình thành phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Giọng điệu tiểu thuyết là giọng điệu đời sống nhưng được chắt lọc qua tâm hồn, cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn. Tuy không súc tích cô đọng như giọng điệu thơ, giọng điệu truyện ngắn nhưng nó vẫn là giọng điệu nghệ thuật với nhiều cung bậc tình cảm và màu sắc thẩm mĩ khác nhau. Tìm hiểu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi thấy đan xen nhiều loại giọng điệu như giọng phân tích, lí giải; giọng triết lí, suy tư; giọng hồi tưởng, chiêm nghiệm; giọng chất vấn, hoài nghi; giọng trữ tình sâu lắng, giọng cảm thương... Dựa vào cảm hứng nổi bật xuyên suốt ba cuốn tiểu thuyết và tần suất xuất hiện các loại giọng điệu, chúng tôi đi sâu phân tích một số giọng điệu cơ bản sau.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn thể loại (qua ba tác phẩm: Hồ quý ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa) (Trang 114 - 115)