Là một thể loại dài hơi, tiểu thuyết có khả năng tổng hợp nhiều thể loại, dung chứa nhiều câu chuyện khác nhau trong một câu chuyện lớn từ đó mở rộng biên độ phản ánh hiện thực đời sống nên cuộc sống hiện lên phong phú nhiều chiều hơn. Kết cấu đan lồng đảm bảo cho tác phẩm văn học trở thành một cấu trúc đa tầng, thậm chí một tác phẩm có nhiều chủ đề cùng tồn tại. Cuốn tiểu thuyết nào dù ít hay nhiều đều
xuất hiện kiểu kết cấu này. Kết cấu đan lồng có khả năng biến tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết có dung lượng lớn, quy mô phản ánh sâu rộng trở thành bản “hợp xướng nhiều bè”. Tìm hiểu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy nổi lên hai kiểu đan lồng: truyện lồng trong truyện và đan lồng thể loại.
Trong ba thiên tiểu thuyết Hồ Quý Ly,Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa, kết cấu truyện lồng trong truyện thể hiện ở nhiều câu chuyện nhỏ được lồng trong một câu chuyện lớn nhằm làm rõ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly là câu chuyện của một triều đại suy tàn đang oằn mình chống thù trong giặc ngoài, trong đó nổi lên là sự giằng co quyết liệt giữa cái cũ - cái mới liên quan đến sự tồn vong và phát triển của một quốc gia. Nhưng lồng trong câu chuyện của đất nước ở thế kỉ XIV là rất nhiều câu chuyện nhỏ về cuộc đời, số phận của các nhân vật: Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Trần khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Thanh Mai, công chúa Huy Ninh, quận chúa Quỳnh Hoa… Hồ Quý Ly - nhân vật trung tâm của tác phẩm mang bi kịch của kẻ đi tiên phong trong một thời đại mà cơ chế vận hành nhà nước lạc hậu và ấu trĩ về mặt tư tưởng. Vì thế, chính sách cải cách của Hồ Quý Ly nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe phù Trần. Để thực thi khát vọng và tham vọng, nhân vật không ngừng thâu tóm quyền lực bằng những thủ đoạn lạnh lùng, tàn bạo nhất. Tuy nhiên ông cũng không được sống thanh thản. Câu chuyện cuộc đời Nghệ hoàng là một bi kịch về sự “dùng dằng lịch sử”. Lên ngôi từ loạn phường chèo Dương Nhật Lễ, ông mong muốn dùng đức trị để đưa lại nền thái bình cho muôn dân nhưng nhà Trần đến thời ông đã bắt đầu suy vi. Trần Nghệ Tông trở thành kẻ đứng giữa ngã ba đường, vừa muốn xuôi theo chính sách cải cách của Quý Ly vừa muốn nối dài cơ nghiệp tổ tiên nên đến chết vẫn còn trăn trở. Khát vọng của thượng tướng Trần Khát Chân - người giữ vị trí then chốt trong phe phù Trần là muốn đẩy lùi tầm ảnh hưởng của thái sư, khôi phục cơ nghiệp nhà Trần nhưng kết cục bi thảm. Cái chết hùng tráng của Khát Chân chứng tỏ nhà Trần đã suy kiệt, sắp giã từ vũ đài chính trị. Đó còn là cuộc đời của Hồ Nguyên Trừng, một cuộc đời đau khổ của đứa con sớm mất mẹ, trở thành con mồi quăng ra giữa biển chính trị khốc liệt, nặng ân tình với vợ thì vợ mất, yêu say đắm “người con gái của đời mình” thì buộc phải chia lìa. Là câu chuyện đời của bà công chúa Huy Ninh sống lặng thầm như một cái bóng của Quý Ly bởi lựa chọn theo chính sách cải
cách của chồng hay cơ nghiệp tổ tiên với bà đều khó khăn như nhau. Là câu chuyện của quận chúa Quỳnh Hoa nguyện cùng chồng đứng riêng một phe để yêu thương, hạnh phúc nhưng không được. Cái chết của nàng là cái chết của một loài hoa trong chậu cảnh khi mà chốn triều đình không còn dưỡng chất mà chỉ đầy rẫy những mưu toan đen tối. Mỗi cuộc đời riêng trong tác phẩm Hồ Quý Ly đều thấm đẫm nỗi đau và sự dang dở cho dù họ là ông hoàng bà chúa hay những thường dân. Những câu chuyện đời này góp phần tái hiện không khí chính trị ngột ngạt, bế tắc của xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIV.
Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn lồng trong câu chuyện lớn về cuộc giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông - Tây khi thực dân Pháp xâm lược là những câu chuyện nhỏ về cuộc đời của các nhân vật như ba anh em nhà Mesmer, Phác - Trịnh Huyền, bà Tổ cô, bà ba Váy, cô Mùi, Nhụ… Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, một số phận bi kịch. Đinh Công Phác mang bi kịch của con người sống hai cuộc đời với hai nửa khuôn mặt đẹp đẽ và xấu xí. Câu chuyện của bà Tổ cô Vũ Thị Ngát hai lần cải đạo, hai lần lấy chồng là hai lần dang dở và bà không giữ được giọt máu nào để vui vầy giữa cuộc đời. Còn cô Mùi lấy chồng ba lần mà chưa nếm mùi hạnh phúc, thậm chí bị cha từ mặt, dân làng xa lánh… Đau đớn nhất phải kể đến cuộc đời Nhụ - một cô gái ngây thơ, trong trắng. Theo cha nuôi về làng khi mới “chum chúm núm cau”, lấy chồng nhưng vẫn giữ gìn chờ đến mùa “trải ổ”. Nhưng chính thời điểm cô hồi hộp chờ đợi giây phút hạnh phúc thì bị Julien hãm hiếp. Chồng trốn đi biệt tích, cô bỏ làng ra đi khi mang trong mình giọt máu thực dân, rồi cô trở về trong vòng tay của Mẫu. Cuộc đời các nhân vật trong Mẫu thượng Ngàn đầy bất hạnh, truân chuyên và những câu chuyện này đều châu tuần xung quanh câu chuyện lớn về số phận làng Cổ Đình, rộng hơn là số phận dân tộc trong cơn nguy biến. Ở đó đạo Mẫu nổi lên như một sức sống nội sinh của văn hoá dân tộc có khả năng dung hoà các nền văn hoá ngoại lai.
Trong Đội gạo lên chùa, đằng sau câu chuyện lịch sử làng Sọ, chùa Sọ là câu chuyện thăng trầm của Phật giáo Việt nam ở thế kỉ XX. Số phận long đong, lận đận của những nhân vật như sư cụ Vô Uý, sư bác Khoan Độ, sư Vô Trần, Nguyệt, Hải, An … được nhà văn tái hiện khá cụ thể qua lời kể của người kể chuyện hoặc chính hồi tưởng của nhân vật. Tuy nhiên trục chính câu chuyện vẫn là cuộc đời của chị em An và ngôi chùa làng Sọ. Hai câu chuyện này hoà quện, đan bện vào nhau để cùng làm bật
nổi chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Chùa Sọ là trung tâm tâm linh của làng và An, Nguyệt trưởng thành từ đây. Thế nên, mọi biến động lịch sử tác động tới chùa Sọ đều ảnh hưởng tới cuộc đời của chị em An, từ việc thực dân Pháp nghi ngờ chùa che dấu Việt Minh đến chính thể mới xếp chùa Sọ vào thành phần mê tín dị đoan bắt sư đi cải tạo và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sư An đi bộ đội tham gia bảo vệ tổ quốc. Chính sự đan lồng nhiều câu chuyện dựa trên một trục chính khiến người đọc bị dẫn dụ vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, đắm chìm trong số phận đất nước, số phận con người trước dòng chảy lịch sử.
Ngoài kết cấu truyện lồng trong truyện, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh còn có kết cấu đan lồng thể loại. Sự pha trộn thể loại (thơ, huyền thoại, ca dao…) vào tiểu thuyết giúp cho cấu trúc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trở thành cấu trúc phức hợp. Thực ra, trong tiểu thuyết truyền thống, không ít nhà văn cũng có ý thức dung chứa nhiều thể loại nhằm phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng. Tuy nhiên tiểu thuyết thời kì đổi mới do hấp thu tư tưởng dân chủ nên hiện tượng đan cài những đoạn thơ, đoạn kịch hay tiểu luận vào tác phẩm để mở rộng biên độ phản ánh trở thành phổ biến như tiểu thuyết Phạm Thị Hoài, Thuận, Nguyễn Bình Phương…
Tiểu thuyết Hồ Quý Ly có sự kết hợp giữa tiểu thuyết và thơ. Bữa tiệc Đại Mai của Khát Chân hội tụ đầy đủ các thế lực thù địch từ hai phe bảo hoàng và cách tân. Chính trị vốn nhạy cảm và càng nhạy cảm hơn trong bầu khí quyển đậm chất trữ tình như ở trại Mai. Vì thế, cả hai phía không ai thốt ra lời nhưng chí khí, tâm sự thời thế đều được gửi gắm qua chén rượu, nét vẽ, câu thơ. Thừa tướng nhân lúc tửu hứng đọc bài thơ Giang Mai của Đỗ Phủ. Hồ Nguyên Trừng đề hai câu thơ của Trần Nhân Tông vào bức kí hoạ tặng Khát Chân nhằm giải bày sự bất lực bởi xem thượng tướng là tri kỉ nhưng giữa ông và Khát Chân vẫn có rào cản của phe cánh, thủ đoạn. Nghệ Hoàng muốn nhắc nhở lòng trung của Quý Ly qua hai câu thơ người viết tặng đề trên bức trướng. Thái sư vừa phục tài vừa muốn lôi kéo Khát Chân về phe cánh của mình đã ướm lời trách khéo bằng bài thơ vịnh cây mai già.
Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn dung hợp các huyền thoại trong truyện kể dân gian như “huyền thoại về hai vị thần khổng lồ sáng tạo lên vũ trụ, huyền thoại về cuộc hôn nhân của hai anh em ruột sống sót trong đại hồng thuỷ, huyền thoại Nữ Oa - tứ tượng …” [ 1 ]. Thế nên, câu chuyện được kể trong tác phẩm nhuốm màu linh thiêng,
huyền bí tạo nên lực hấp dẫn riêng cho tác phẩm. Mẫu Thượng Ngàn và Đội Gạo Lên Chùa còn hấp thụ loại hình trữ tình dân gian như câu hát chầu văn, lời của bài ca dao cổ. Các nhân vật trong Mẫu Thượng Ngàn gặp nhiều trắc trở bất hạnh nhưng khi hoá thân vào ông hoàng bà chúa, đắm chìm trong điệu Cờn, điệu Dọc khi tươi tắn réo rắt, khi nghiêm trang, khi sảng khoái, tưng bừng thì dường như họ rủ bỏ tất cả. Trong tiểu thuyết
Đội gạo lên chùa, mượn lời câu ca dao xưa để làm nhan đề, Nguyễn Xuân Khánh cố tình dẫn dụ người đọc vào thế giới nghệ thuật do mình tạo ra - một thế giới bàng bạc màu sắc tôn giáo, thấm đẫm Phật tính. Lời cao dao còn trở đi trở lại trong câu hát của những đứa trẻ làng Sọ: Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…(Ca dao). Ý tứ của câu ca dao đã hé lộ một trong những câu chuyện tình yêu thú vị và tai tiếng nhất trong tác phẩm, đồng thời hé mở chủ đề, tư tưởng của cuốn tiểu thuyết này. Kết cấu đan lồng có khả năng tạo nhiều bất ngờ, thú vị buộc người đọc luôn ở tâm thế liên tưởng để xâu chuỗi và suy ngẫm về vấn đề. Mặt khác, với kết cấu này điểm nhìn được di chuyển theo nhiều chiều không gian, qua nhiều nhân vật nên hiện thực được phản ánh khách quan và những nội dung, tư tưởng của tác phẩm được kiến giải một cách đầy đủ, thuyết phục hơn.