Ngay từ những tác phẩm đầu tiên được in trong tập truyện ngắn Mưa rừng (1978) truyện ngắn Đức Ban đã bộc lộ sự đa dạng, nhiều sắc thái (đa thanh) giọng điệu, góp phần đưa đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ, cách hiểu, cách nghĩ khác nhau về cùng một nhân vật, tình tiết, nội dung của một câu chuyện… Khi thì chậm rãi theo lời kể dẫn truyện, khi thì trào lộng hài hước theo tâm trạng nhân vật, lúc thì ngôn ngữ phóng túng dân dã, nhưng có khi lại trang trọng cổ kính đầy triết lý. Có thể nhói, văn Đức Ban là một dấu nối giữa quy phạm và tự do, nó không đơn điệu mà sinh động giàu âm
hưởng đời sống - nhịp điệu nhanh chậm, độ ngắn dài cũng như hình ảnh, từ ngữ rất gợi cảm được thể hiện cụ thể ngay trong mỗi lời văn, câu văn và đoạn văn. “...Chao cái lửa củi của làng quê ấy... Đến cái khói của nó cũng ấm ngọt... Anh bỗng thấy nhớ làng cồn cào. Anh phải về có chết cũng chết ở làng. Đất làng anh dẻo quắn, ấm sực. Anh quyết thế và rời gốc bằng lăng. Giữa trưa anh nom thấy dãy tre làng. Tự nhiên người anh run lên. Cái cơn run không phải vì rét. Mắt anh cay xè. Anh lang thang ngoài thành phố bao nhiêu năm trời. Thật tệ. Tệ với làng. Tệ với cô ấy. Anh bỏ cô ta? Cô ta bỏ anh? Không biết ai đúng ai sai nữa. Cơ mà cái duyên trời buộc vào cổ tay hai người hàng chục năm nay rồi thì cứ sống trong anh lúc nó bùng rực lửa, lúc nó leo lắt. Cái đầu anh thì càng thêm mụ mị chuyện nọ xọ chuyện kia. Anh nhớ làng có cái cầu tre bắc qua sông nhỏ đầy cá mương và bống đất...” [9, tr. 153].
Qua khảo sát 15 truyện ngắn và một số truyện vừa của Đức Ban, chúng tôi thấy nổi lên các sắc thái giọng điệu chính như: giọng khách quan, giọng hoài nghi mang tính chất vấn, giọng suy tư, khắc khoải mang tính chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh.
3.2.2.1. Giọng khách quan
Giọng trầm tĩnh, khách quan, hay nói đúng hơn là cái tôi nhà văn, người dẫn chuyện được che giấu khá kỹ, qua đó sự vật, hiện tượng được tái hiện một cách khách quan dưới con mắt của độc giả, để từ đó độc giả tự đưa ra, nêu lên những đánh giá, những nhận xét đối với sự vật, hiện tượng theo cách hiểu (nhận thức chủ quan của bản thân) mình. Đây cũng là giọng chủ đạo của văn xuôi nước ta trong mười, mười lăm năm đầu sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ (1975).
Chất giọng trầm tĩnh, khách quan đã được Đức Ban thể hiện xuyên suốt trong hầu hết các sáng tác của mình. Mặc dầu “Có một đôi chỗ, hình như không kìm được khi nói về cái ác thắng thế, tác giả có tham gia bình luận. Nhưng không nhiều” [56]. Hầu hết nội dung các câu chuyện được tác giả kể hết sức khách quan bằng việc bóc tách từng lớp một để đi tới tìm hiểu, khám phá, chỉ ra bản chất của cái ác trong đời sống, do vậy tính thuyết phục của câu
chuyện là rất cao. Tiêu biểu là truyện vừa Suối chảy trong rừng, bằng lối viết dung dị và được thể hiện qua cách kể hết sức khách quan với các tình tiết, diến biến… đã làm nổi bật tính triết lý hết sức sâu sắc của câu chuyện. Với lối kể đó đã làm nổi bật được các nhân vật được thể hiện trong truyện, đó là sự độc ác của một trưởng phòng bưu điện Ky xuất thân từ anh làng chài “thi trật đại học”, “đen tối trong bụng dạ” ngay cả đối với cha đẻ của mình; một thanh niên hư hỏng mang nặng thù oán như Trín… Bên cạnh đó là sự mát lành, trong trẻo, nhân hậu, tràn đầy lòng yêu thương con người như “suối chảy giữa rừng” của bố con lão May, người dân tộc Ơ - Đu…; tính triết lý về lòng yêu thương con người như “suối chảy giữa rừng” không bao giời cạn. Nó là một biểu hiện về “bản tính thiện” đã có trong máu của những con người vô tư này; là ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc mà nhà văn muốn thể hiện, chuyển tải qua giọng kể hết sức khách quan của câu chuyện là “không bao giờ cuộc đời này hết những người tốt, cho dù đấy chỉ là một nơi xó xỉnh giữa rừng sâu thoạt nhìn chỉ có núi rừng hoang dã!” [56].
Ở một câu chuyện khác, cũng với giọng kể hết sức khách quan, nhiều lúc còn có phần dững dưng, lạnh lùng và tàn nhẫn trước số phận của nhân vật trong tác phẩm. Đó chính là toàn bộ diễn biến, tình tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật Cô Nhi trong truyện Cô Nhi nhỏ bé. Nhân vật Cô Nhi trong câu chuyện đã dám thách thức với số phận mình, vượt qua những dị nghị, thành kiến về giai cấp của người đời, dám dũng cảm từ bỏ hạnh phúc của mình - cái hạnh phúc mà người yêu của cô đưa ra đánh cược. Rồi cũng chính Cô Nhi tự phấn đấu trở thành nhà báo và dám vạch mặt những kẻ nhân danh “làm ăn lớn”, nhân danh cách mạng với tinh thần “mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản”, di dân lên núi để “sắp xếp lại giang sơn” theo “ý chí” của một vài cá nhân, bất chấp tính mạng của nhân dân. Trong khi phong trào đang được phát động lên cao cuồn cuộn “… không biết cơ man nào là người, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà, khắp các ngõ ngách, xó xỉnh trong cả huyện được điều về đông nghìn nghịt… Kèn, kèn trầm, kèn bổng, trống, trống cái, trống ếch, cờ đuôi nheo, cờ lá chuối, cờ rước thần, cờ đỏ sao vàng… và sang sảng, hào
hùng tiếng loa buộc trên những cây tre chôn dọc bờ sông, thông báo công việc, thành tích, năng suất…” [9, tr. 336], thì Cô Nhi phát hiện ra bệnh thành tích chủ nghĩa của một số cán bộ chủ trì và lên tiếng báo động việc xem thường sức dân, tính mạng dân… Bài báo đã đưa tác giả của nó thành người mất việc, bị hất ra lề cuộc sống, trở thành nạn nhân của cái ác, mặc dù chị là người đã vào sinh ra tử trong những ngày chiến tranh. Với giọng kể khách quan, đối lập các tình tiết và diễn biến của sự việc xoay quanh cuộc đời nhân vật Cô Nhi đã đẩy tình tiết câu chuyện đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn. Và đây chính là điểm nhấn, nút thắt để biểu đạt dụng ý nghệ thuật đúng như tác giả viết: trên mặt đất này kẻ xấu chưa hết, nhưng mà chỗ nào cũng có người tốt, nhiều người tốt.
Giọng kể khách quan của tác giả còn được thể hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của mình. Chúng ta dễ dàng bắt gặp lời kể hết sức khách quan, có phần vô cảm của nhân vật “tôi” trong truyện Cô Tề làng tôi. Đây là một ví dụ: “Cô Tề về làng sau hơn bốn chục năm. Cô về làng một mình lặng lẽ. Theo sau cô là một chiếc xe ngựa… Dân làng từ trong các lối ngõ ùa ra, kéo đến thăm cô. Có ai đó đã mở cửa ngôi nhà xây tường lợp ngói bỏ hoang từ ngày cha cô mất… Trong đám đông dân làng có tiếng thở dài nghe thật buồn. Có lẽ đó là nỗi buồn cho một thần tượng bị sụp đổ…” [9, tr. 19]. Cũng như thế là lời kể khách quan đến mức lạnh lùng qua đoạn hội thoại của nhân vật Bí thư, chủ tịch xã và Cô Bờ của một nhân vật giấu tên trong truyện Người đàn bà choàng khăn:
“Bí thư xã nói:
- Chúng tôi sẽ cấp cho chị một suất đất tử tế, sẽ dựng cho chị một ngôi nhà tử tế chừng 10 mét vuông. Một mình chị cần gì nhà to, rộng. Hí!
Chủ tịch xã nói:
- Một thân một mình, ở nhà rộng thêm lạnh lùng, cô Bờ hé! Chồng con thì không…
- Chồng con thì không có. Ông muốn nói vậy chứ, gì… Nhìn tôi đây này! Nhìn kỹ vào. Sẹo vì câu vương hồi xưa, giờ có thêm vết bỏng vì bom
Mỹ nữa đây này! Nhìn đi. Nhìn mà nhớ lấy. Các ông im đi! Đừng bàn bạc chi nữa. Cho các ông cả, tất cả đó.” [9, tr.68]…
Qua việc khảo sát hai truyện vừa và hai truyện ngắn trong số các sáng tác của Đức Ban, phần nào cho thấy tác giả đã sử dụng khá thành công giọng điệu khách quan trong sáng tác của mình, qua đó góp phần hình thành, tạo nên phong cách của nhà văn qua từng tác phẩm. Và điều quan trọng hơn, qua việc phản ánh hiện thực bằng một giọng điệu khách quan, tác giả đã truyền tải được dụng ý nghệ thuật của mình đến với người đọc một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.
3.2.2.2. Giọng hoài nghi mang tính chất vấn
Giọng hoài nghi mang tính chất vấn là một sự bổ sung đáng kể nhất, góp phần bổ sung cho sự phong phú, đa dạng về mặt giọng điệu của văn xuôi sau 1975 (trên phương diện hình thức ngôn ngữ). Có thể nói trong quá trình thâm nhập hiện thực đời sống để sáng tạo ra tác phẩm văn chương thì không phải bao giờ sự tự ý thức về cá tính cũng làm nên một cá tính (về mặt nghệ thuật nói chung). Nhưng nếu chủ thể đã có ý thức thì ít nhiều sẽ có sự tìm tòi và tạo nên những sự đa dạng nhất định. Do đó, khi cá nhân được chấp nhận như một nhân vị, giá trị cá nhân được coi trọng, thì những giọng điệu khác nhau biểu hiện những cách cảm, cách nhìn, cách đánh giá đời sống khác nhau cũng được chấp nhận như một sự phong phú tất yếu và thú vị của đời sống, của văn chương, là cơ sở để văn học phát triển theo hướng dân chủ hoá và đa dạng về giọng điệu.
Nếu trong khoa học, sự hoài nghi là động lực để phát triển, thì trong nghệ thuật, sự hoài nghi sẽ phù hợp với tinh thần “luôn luôn có sự nhận thức lại, đánh giá lại mọi thứ” (M.Bakhtin). Có thể về mặt nào đó hay ở một khía cạnh nhất định, giọng hoài nghi là sự khúc xạ tâm lý thất vọng, là “âm vang của một khủng hoảng xã hội”, nhưng cái đáng chú ý hơn từ góc độ nghệ thuật trần thuật là nó gắn liền với hình ảnh của một người kể chuyện “không biết hết”, không muốn đứng cao hơn bạn đọc. Chúng ta dễ dàng bắt gặp ở các tác
phẩm của Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu và nhất là ở Nguyễn Huy Thiệp…, dù là sắc thái đậm nhạt khác nhau thì cũng đều có giọng hoài nghi. Đức Ban cũng vậy, với giọng hoài nghi mang tính chất vấn đã xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác của ông. Trong đó khá đậm là ở thể loại truyện ngắn, chúng ta dễ bắt gặp những dòng ký ức về hiện thực cuộc sống sau chiến tranh của hình ảnh một Cô Tề trong truyện ngắn Cô Tề làng tôi: “… Hàng ngày Cô Tề đi họp, hoặc đi nói chuyện đánh Mỹ… Một thời gian như thế. Rồi người ta nhận ra ký ức chiến tranh buồn nhiều hơn vui; vả, hiện tại còn bao nhiêu lo lắng cho cái ăn, cái mặc. Cô Tề cũng thấy chán chính mình… cô giật mình sờ lên khuôn mặt đã hằn đầy vết nhăn của mình. Cô nghĩ sẽ không lấy chồng nữa…” [9, tr. 25]. Và: “Cô Tề nhìn thẳng vào mắt ông Phó Ty. Sự mãn nguyện lộ liếu trong mắt ông ta làm cô choáng váng; lúc ấy một ý nghĩ chua xót chợt đên với cô: sự tồi tệ trong con người ông ta từ bao giờ? Ông Nghi như không quan tâm tới những điều mình nói. Ông lặng lẽ ra về” [9, tr. 28]. Với giọng hoài nghi mang tính chất vấn đã làm cho người đọc phải trăn trở, suy nghĩ cho một thực cảnh, một hình ảnh đối lập của một người anh hùng trong chiến tranh và giữa đời thường. Đó là những vấn đề hiện thực của nhân sinh, của xã hội mà một trong số chúng ta, ở thời điểm hiện tại không dễ dàng cắt nghĩa hay lý giải một cách ngọn ngành. Còn đây là hình ảnh hai người đàn bà trong truyện ngắn Mồng mười tháng tám: “… Họ cùng tuổi, cùng đi thanh niên xung phong, cùng làm công nhân di tu bảo dưỡng đường và cùng chưa chồng. Kỹ hơn cái quá khứ của họ ở trong ba tờ báo in thuở chiến tranh đã úa vàng nằm tại thư viện tỉnh và trong ký ức của người cùng thời với họ. Mà những người ấy nay ở thị xã tôi thì ít ỏi lắm…” [9, tr. 33]. Còn đây là giọng của cô Bờ trong truyện ngắn Người đàn bà choàng khăn: “… Anh còn hỏi để làm gì ư? - Bờ trút một hơi thở dài, giọng chùng xuống - tiểu đội sáu người chết ba, còn ba. Hoà bình, những ai ở rừng đều ào xuống đồng bằng, xuống thành phố… Trung đoàn bộ các anh kéo đi lúc nửa đêm về sáng, quên mất chúng tôi… Một tháng rồi một năm; không ai đến. Một mình tôi giữa với rừng với núi, với nghĩa trang trung đoàn… Tôi bỏ tất cả lại cho
họ chạy khỏi hang, ra khỏi rừng, không giấy tờ, không hành lý, không đơn vị…” [9, tr. 62, 63]. Và đây là giọng của nhân vật Ông lão chữa khoá trong truyện Chuyện quanh quán cây dừa: “… Chao ôi, con người thời nay sâu sắc lắm, nhiều mưu ma, chước quỷ lắm, khó hiểu lắm…” [9, tr. 94], “… Cuối cùng người ta đỗ mọi tội lỗi lên đầu cô ấy. Từ quan hệ nam nữ bất chính đến gây mất đoàn kết nội bộ, đến xúc phạm đồng chí mình, đến không tôn trọng lãnh đạo. Không ai bênh vực cô ấy. Ở đời có những chuyện như vậy. Người ta vì cái lợi riêng cho mình mà bán sự thật cho quỷ...” [9, tr. 97]; hay nhân vật nàng trong truyện Đêm thức “... Không ai biết tên nàng là gì? Quê quán ra sao? Đã có chồng con chưa?... Giám đốc tôi bảo, nàng điên. Cậu bảo vệ nói, nàng là nhà văn ngồi suy ngẫm sự đời để đưa vào tiểu thuyết. Ông thợ sửa xe đạp bên kia đường phố bảo, nàng thất tình, vừa bị câm, vừa bị điếc...” [9, tr. 103]... Dù có khác nhau trong sắc thái, song ở những dẫn trích trên đều toat lên chất giọng hoài nghi mang tính chất vấn của nhà văn, người trực tiếp cầm súng, chứng kiến những đau thương, mất mát, sự thật, mặt trái hết sức phủ phàng của chiến tranh. Đây là giọng điệu mà chúng ta dễ bắt gặp trong nhiều tác phẩm văn xuôi sau chiến tranh, như: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh,
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp… Trong bức tranh hiện thực thời hậu chiến, hiện lên những số phận, dù trực tiếp hay gián tiếp, một sự khập khiểng không ăn khớp của chiến tranh và hoà bình. Trong thế giới đa chiều đó có sự tồn tại song song giữa những yếu tố khả giải - bất khả giải, duy lý - phi lý, tất nhiên - ngẫu nhiên... Thế giới đó không được các nhà văn nhìn nhận một cách an nhiên như trước đây, mà đó là một thế giới đầy những nỗi niềm, khắc khoải, lo âu về sự suy mòn của nhân tính, của đạo lý truyền thống. Giá trị đạo đức bị tấn công từ nhiều phía; ở hiền chưa hẳn đã gặp lành; hành động tốt, việc tốt nhưng tâm chưa hẳn đã sáng?... Đây chính là điều kiện, nguyên nhân làm cho giọng điệu hoài nghi mang tính chất vấn được các nhà văn sử dụng tương đối nhiều, xem đó như là một thủ pháp nghệ thuật để phản ánh hiện thực đời sống
một cách hiệu quả nhất của các nhà văn sau 1975 - Đặc biệt là về thể loại truyện ngắn.
Từ khảo sát, phân tích trên đây, có thể thấy giọng hoài nghi chất vấn không phải là một sáng tạo mang tính phát hiện của Đưc Ban. Đóng góp của ông là ở chỗ, ông đã bổ sung và mang đến cho truyện ngắn đương đại những gam màu riêng trong cái bè chung của giọng điệu văn xuôi thời hậu chiến.
3.2.2.3. Giọng suy tư, khắc khoải mang tính chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh
Với hứng thú nghiên cứu đời sống và trình bày trải nghiệm cá nhân cùng