Nằm trong quỹ đạo chung về tiến trình phát triển của văn học cả nước, văn học Hà Tĩnh qua các thời ky (tuy vào giai đoạn lịch sử cụ thể) đều có những đóng góp nhất định cho nền văn học nước nhà. Bên cạnh thiên tài mang tính tổng hợp (theo quan điểm của người xưa: văn - sử - triết bất phân) như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Rồi đến một thế hệ “nhà thơ mới trong các nhà thơ mới” như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Khắc Hoè…, thì những giá trị mà các sáng tác của họ mang lại đã vượt xa ra ngoài tầm lãnh thổ của một quốc gia.
Nối tiếp những truyền thống mà thiên tài Nguyễn Du đã khái quát “văn chương nết đất, Thông minh tính trời” (Truyện Kiều), văn học Hà Tĩnh nói chung và văn xuôi Hà Tĩnh nói riêng sau năm 1975 đến nay tiếp tục có những đóng góp nhất định trên các lĩnh vực với một số gương mặt tiêu biểu như: về văn xuôi có Xuân Thiều, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Khắc Phê, Đình Kính, Đức Ban, Nguyễn Quốc Trung…; về thơ có Phạm Ngọc Cảnh, Lê Thành Nghị, Phan Cung Việt, Duy Thảo, Nguyễn Ngọc Phú…; về phê bình có Hồ Tôn Trinh, Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Thiếu Mai, Bùi Việt Thắng, Tôn Phương Lan…; dịch thuật có Đoàn Tử Huyến, Lê Xuân Giang… và “đa năng” có Phạm Xuân Nguyên… đó là những cá thể sáng tạo mà mỗi người góp phần làm nên một khoảnh trong mảnh đất nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, những đóng góp đáng kể và đáng ghi nhận nhất của văn học Hà Tĩnh giai đoạn sau 1975 thì phải nói tới lĩnh vực văn xuôi, mà cụ thể là các cây bút viết truyện ngắn. Với các trang viết của mình, các nhà văn đã dần bộc lộ cá tính sáng tạo mà không trượt theo lối mòn cũ trước đây. Đằng sau những số phận, những nhân vật… của câu chuyện, người đọc bắt gặp một thế giới đa chiều đang vận động và biến đổi, thể hiện một sự trăn trở, tìm tòi trong sáng
tạo của các tác giả. Điều này đã thực sự làm nên tên tuổi với các sáng tác tiêu biểu của văn xuôi Hà Tĩnh từ 1975 lại nay như: Đức Ban với Sông nước, Mồng mười tháng Tám, Mạng nhện bạc…, Như Bình với Đêm nguyệt thực, Giông biển…, Nguyễn Thị Phước với Chuyến tàu tháng bảy, Trần Đắc Túc với Chơi dao, Hoa lác bẹ màu tím…, Phan Trung Hiếu với Đêm mù sương, Ngôi nhà không có cầu thang…, Phan Tấn Linh với Chuyện hàng phố, Tống Phù Sa với Vòng xoáy, Quynh Nga với Bí đỏ, Vương Khả Sơn với Ký ức chiến tranh, Hà Lê với Nước mắt tôm, Rừng goá…
Có thể nói, văn xuôi Hà Tĩnh nói chung và Truyện ngắn Hà Tĩnh nói riêng sau 1975 lại nay đã góp phần tạo nên sự đa dạng của loại hình văn xuôi nghệ thuật bằng chính khả năng miêu tả và phân tích nhạy bén cuộc sống cũng như thế giới nội tâm của nhân vật. Mặc dầu nội dung truyện không có những cốt truyện ly ky, không có các biến cố, sự kiện đáng kể hay tạo ra xung đột ghê ghớm…, nhưng ở đó các tác giả đã biết lẩy ra những vấn đề nhỏ nhất nhưng lại có sức lay động lòng người từ bức tranh đa màu sắc của cuộc sống. Đó là những vấn đề của người lính sau khi rời quân ngũ về với đời thường, là sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên do cơ chế kinh tế thị trường mang lại, là sự thờ ơ, vô cảm giữa con người với con người chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích đồng tiền… với cách thể hiện khá mới như: xây dựng cốt truyện theo dòng tâm trạng nhân vật, khai thác mảng màu vô thức, hư ảo, hay mô phỏng lối kể dân gian… đã tạo nên một bút pháp tự sự - trữ tình trong truyện ngắn. Chính sự nhiệt tình, hăm hở đi tìm một bản sắc cho riêng mình, nên ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn họ đã không ngừng trau dồi kiến thức, vốn sống và năng lực sáng tạo để rồi tác phẩm sau ra đời chất chứa nhiều giá trị cuộc sống hơn tác phẩm trước, làm cho độc giả phải băn khoăn, suy nghĩ hơn… Đây cũng chính là lý do cơ bản và có tính quyết định nhất để đưa các nhà văn Hà Tĩnh đến với các giải thưởng uy tín trong cả nước, mà tiêu biểu là Đức Ban, Như Bình, Quynh Nga, Hà Lê…
Dẫu biết rằng, với một đội ngũ đang còn mỏng, thiếu về mọi mặt trong tác nghiệp, đặc biệt là tính kế thừa giữa các thế hệ nhà văn, nhiều vấn đề phản
ánh chưa được thể hiện đồng đều ở các tác phẩm và các thể tài, kỹ thuật viết cũng như nghệ thuật xây dựng tình tiết trong truyện vẫn còn những mặt hạn chế nhất định... Nhưng tin tưởng với những gì đã đạt được của một đội ngũ các nhà văn trẻ đang đi vào độ chín, văn học Hà Tĩnh nói chung và văn xuôi Hà Tĩnh nói riêng sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường kế tiếp.