Cốt truyện và vai trò của cốt truyện trong truyện ngắn hiện đạ

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 48 - 51)

Cốt truyện là một thành tố trong cấu trúc nhiều tầng bậc của tác phẩm văn học. Là khái niệm quen thuộc song đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về cốt truyện, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều lý thuyết nghiên cứu như hiện nay. Theo cách hiểu được nhiều người thống nhất, cốt truyện là: “Hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [30, tr. 99].

Theo quan niệm truyền thống, cốt truyện có 3 thành phần chính: thắt nút (khai đoạn), cao trào (phát triển, đỉnh điểm) và mở nút (kết thúc). Trong đó, thắt nút là sự xuất hiện các sự kiện đánh dấu điểm khởi đầu của một quan hệ tất yếu sẽ phát triển; cao trào là toàn bộ các sự kiện thể hiện sự triển khai,

vận động của các mối quan hệ và mâu thuẫn đã xẩy ra; sự kiện phát triển tăng cấp đến mức đạt đến đỉnh điểm, đòi hỏi phải giải quyết (bằng tình thế nội tại trong tác phẩm và bằng thủ pháp nghệ thuật, trong triết học, hiện tượng này gọi là “độ”; mở nút là sự kiện xuất hiện ngay sau cao trào, là cách giải quyết vấn đề khi sự kiện đã phát triển đến đỉnh điểm, giải quyết xong mở nút, truyện kết thúc. Ngoài ra, ở một số trường hợp cụ thể, cốt truyện có thể có thêm các phần như trình bày (thường ở đầu tác phẩm) hoặc vĩ thanh (lời cuối truyện, bổ sung cho phần mở nút). Tất nhiên, cũng có quan niệm cho rằng, phần trình bày và phần vĩ thanh nếu có cũng không thuộc cốt truyện. Điều này, như chúng tôi đã giới thuyết từ đầu, cách hiểu về cốt truyện vẫn chưa thống nhất, thậm chí xuất hiện những quan niệm trái ngược nhau.

Cốt truyện trong tác phẩm tự sự đóng vai trò như tứ trong tác phẩm trữ tình. Nó không chỉ tạo mạch xương sống xuyên suốt, xâu chuỗi các chi tiết, sự kiện, nhân vật mà còn hàm chứa hệ thống thế giới quan, quan niệm về cuộc đời, con người của nhà văn. Tuy vào mục đích của từng tác phẩm mà nhà văn có thể áp dụng kiểu cốt truyện nhiều sự kiện, phức tạp, đầy đủ các khâu như

thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút hay một cốt truyện nặng về tâm lí. Tuy nhiên, dù cốt truyện được triển khai như thế nào thì trong tác phẩm tự sự, nó luôn để lại dấu ấn trên các yếu tố nội dung như chủ đề, tư tưởng của tác phẩm hay chi phối các yếu tố hình thức như kết cấu. Đối với việc xây dựng nhân vật, cốt truyện không chỉ bao chứa, tìm được “đất diễn” cho các nhân vật mà còn làm nổi hình, nổi sắc, bộc lộ tính cách, tâm trạng, hành động, số phận của nhân vật.

Truyện ngắn hiện đại trên thực tế chỉ là một cách nói ước lệ. Nói cách khác, khái niệm truyện ngắn hiện đại là một khái niệm mà nội hàm không thống nhất. Hiện đại có thể được hiểu ở góc độ lịch sử - loại hình, hoặc hiểu ở phương pháp, phương thức, cấu tứ. Trong luận văn này, chúng tôi áp dụng cách hiểu truyện ngắn hiện đại là truyện ngắn được sáng tác trong thời ky hiện đại, tức là nghiêng về lịch sử - loại hình. Dĩ nhiên, theo tiến trình lịch sử, sự phát triển của thể loại, truyện ngắn được viết trong thời ky hiện đại luôn

hàm chứa các yếu tố về phương pháp, cách tổ chức truyện theo dạng thức mới, tạm gọi là dạng thức hiện đại.

Trên cơ sở hiểu truyện ngắn hiện đại như trên, chúng tôi nhận thấy, cốt truyện trong truyện ngắn hiện đại rất đa dạng. Nhìn chung, do sự thay đổi về nghệ thuật trần thuật, cùng với đó là sự thay đổi về quan niệm văn học, quan niệm về thế giới nên cốt truyện thay đổi theo. Chẳng hạn: trong trào lưu tiểu thuyết mới, nhiều nhà văn quan niệm đồ vật chiếm một vị trí rất quan trọng, nên khi họ viết truyện ngắn cũng đã chuyển tải tinh thần này, làm cho truyện ngắn đầy ắp các sự vật được kể đến, câu chuyện được kể trong tác phẩm, đương nhiên có sự dự phần của đồ vật.

Khác với các tác giả truyền thống, trong khi tập trung, dụng công để xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh, chặt chẽ, giàu tình tiết thì các nhà văn hiện đại chủ trương xây dựng cốt truyện đơn giản hơn nhiều, thậm chí dấu hiệu cốt truyện đang dần trở nên “mờ nhạt” và biến đổi đa dạng. Vẫn còn tồn tại kiểu cốt truyện truyền thống gồm đầy đủ các thành phần nhưng trong văn học hiện đại trong xu thế tiến tới hậu hiện đại đang dần phổ biến hơn các kiểu cốt truyện thiên về kỹ thuật như: lồng ghép, phân mảnh, cấu trúc lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nhiều tác giả vẫn chú tâm xây dựng loại cốt truyện giàu tình tiết, kịch tính và dạng cốt truyện tâm lí.

Trong các dạng cốt truyện chúng tôi điểm qua trên, dạng cốt truyện phân mảnh chiếm một tỷ lệ lớn. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân cơ bản là do thay đổi cảm quan về đời sống. Đó là cảm quan về một thế giới phân rã, thiếu sự liên kết (nhiều người gọi là sự rời rạc). Đây ky thực là hiện thực trong cảm quan hậu hiện đại. Dầu có lúc các mảnh vụn được chắp nối với nhau theo một tâm điểm, có lúc sự tồn tại cạnh nhau không theo logic chặt chẽ, song tựu trung, tất cả các sự vật, các biến cố liên hệ với nhau theo một trình tự tương đối ngẫu nhiên, như là tự nhiên mà có. Cốt truyện phân mảnh, bởi hình thành trên nguyên tắc sáng tác ấy nên bị xé lẻ thành từng mảnh, mỗi mảnh tồn tại một cách độc lập tương đối, làm cho tính liên kết lỏng lẻo, mạch nguồn của cốt truyện khó nắm bắt. Thậm chí, nhiều tác phẩm viết theo lối

phân mảnh, người đọc đọc xong tác phẩm có cảm giác như đang đọc những chuyện vu vơ ngoài cuộc đời, song rất chân thực và có ý nghĩa. Chẳng hạn một số truyện ngắn của Nguyễn Bình Phương như Đi, Ngồi, Những đứa trẻ chết già…

Cùng trong trào lưu chung của văn học thế giới, văn học đương đại Việt Nam, nhất là từ sau 1986 lại nay, có xu hướng tìm đến với kiểu cốt truyện phân mảnh một cách có ý thức. Có thể tìm thấy đặc điểm này trong sáng tác của rất nhiều cây bút như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận, v.v. Dấu hiệu này cũng được các nhà phê bình bước đầu nhận diện: “Tiểu thuyết ở ta gần đây có xu hướng mờ nhạt về tính “chuyện”, cốt truyện. Đặc điểm này có phần hơi ngược với truyền thống thích nghe “chuyện”, “hóng chuyện”, đọc “chuyện” của một số đông công chúng. Tóm lại, dù tiểu thuyết có nhiều tầng ý nghĩa đến đâu thì điều đầu tiên người ta cần khi đọc, đó là: nó phải có “chuyện”. Thực tế cho thấy, ở ta, những tác phẩm mờ nhạt về cốt truyện thường không thu hút được nhiều độc giả” [85]. Điều này cho thấy, dạng cốt truyện phân mảnh ở văn chương Việt là được công chúng hiểu một cách đầy đủ và chấp nhận nó như một sự thường. Đây cũng là điều dễ hiểu trong tâm lí tiếp nhận văn học nói chung của số đông.

Như vậy, có thể thấy, cốt truyện là thành phần rất cơ bản của truyện ngắn. Nó vừa tồn tại độc lập ở tính tương đối vừa có mối quan hệ biện chứng với các thành tố nghệ thuật khác như nhân vật, chủ đề tư tưởng, nội dung tác phẩm, không gian, thời gian, kể cả quan niệm nghệ thuật về con người. Cốt truyện cũng như các thành phần nghệ thuật khác trong tác phẩm nghệ thuật nói chung đều biến đổi, phát triển không ngừng, do đó càng ngày càng sản sinh nhiều dạng thức. Ngoài cốt truyện truyền thống với đầy đủ thành phần, còn có các dạng cốt truyện như cốt truyện tâm lý, cốt truyện có tính chất kịch, cốt truyện phân mảnh… Các dạng thức cốt truyện này đều được các nhà văn Việt Nam sử dụng phổ biến và có ý thức.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w