Ngôn ngữ hiểu một cách chung nhất là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người. Ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hoá - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với cách hiểu này chúng ta phân biệt ngôn ngữ trên các phương diện sau:
Ngôn ngữ với tư cách là phương diện giao tiếp và phát triển tư duy của con người với những hiện tượng khác cũng được gọi là ngôn ngữ. Ví dụ, người ta vẫn thường bắt gặp cách nói “ngôn ngữ âm nhạc”, “ngôn ngữ điện ảnh”, “ngôn ngữ hội hoạ”..., và trong những trường hợp này cần phải hiểu “ngôn ngữ” là phương tiện để diễn tả, truyền đạt nào đó. Đối với âm nhạc, đó
là những âm thanh với những giai điệu, tiết tấu khác nhau; đối với hội hoạ, là màu sắc, đường nét với những sắc độ, quan hệ khác nhau...
Về phương diện ngôn ngữ với tư cách là phương tiên giao tiếp nói chung của loài người, tức là khả năng chung của các dân tộc dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp và các ngôn ngữ cụ thể của từng dân tộc.
Với cách hiểu từ những phương diện trên, trong cuốn “Hệ tư tưởng Đức” của Mác và Ăngghen đã viết: “...Ngôn ngữ là ý thức thực tại, thực tiễn, ngôn ngữ cũng tồn tại cả cho những người khác nữa, như vậy là cũng tồn tại lần đầu tiên cho bản thân tôi nữa; và cũng như ý thức, ngôn ngữ chỉ sinh ra là do nhu cầu, do cần thiết phải dao dịch với người khác”. [53, tr. 11].
Ngôn ngữ (Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia) là hệ thống để giao thiệp hay suy luận dùng một cách biểu diễn, phép ẩn dụ, và một loại ngữ pháp theo lôgic, mỗi cái đó bao hàm một tiêu chuẩn hay sự thật thuộc lịch sử và siêu việt. Nhiều ngôn ngữ sử dụng điệu bộ, âm thanh, ký hiệu, hay chữ viết, và cố gắng truyền khái niệm, ý nghĩa, và ý nghĩ, nhưng mà nhiều khi những khía cạnh này nằm sát quá, cho nên khó phân biệt nó. Ngôn ngữ có 3 chức năng chính: để chỉ nghĩa, để thông báo và để khái quát hóa (có quan hệ với tư duy) Chức năng chỉ nghĩa: để chỉ chính bản thân sự vật hiện tượng, để gắn với một biểu tượng nào đó của sự vật hiện tượng và có chức năng làm phương tiện cho sự tồn tại, truyền đạt và nắm vững các kinh nghiệm xã hội, lịch sử loài người.
Trong văn học, ngôn ngữ vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là phương tiện, chất liệu của hình tượng, vừa là nội dung với ý nghĩa là cá tính, cảm quan tư tưởng của nhà văn - nó như cái lý của hình thức - đã thực sự có nhiều đổi thay trong khoảng hơn hai thập kỉ vừa qua. Nó là công cụ, là chất liệu đặc trưng cơ bản của văn học, là “một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách của nhà văn” [79, tr. 215]. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện thẩm mĩ giúp nhà văn xây dựng hình tượng văn học. M.Gorki đã viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng
của cuộc sống là chất liệu của văn học” [26, tr. 54]. Ngôn ngữ văn học có liên quan mật thiết với ý thức văn học, phản ánh một cách cụ thể chính xác, sinh động, những biến đổi của tư duy văn học. Mặt khác, ngôn ngữ cũng là một hiện tượng xã hội, vận động không ngừng theo sự biến đổi của cuộc sống và chính sự phát triển của ngôn ngữ thời đại cũng góp phần chi phối tư duy văn học. Là công cụ của tư duy, là phương tiện truyền đạt tư tưởng tình cảm nên khi tư duy nghệ thuật của nhà văn thay đổi thì ngôn ngữ nghệ thuật cũng có những chuyển động đổi thay. Đổi mới về phương diện ngôn ngữ “đa phần mang tính chất thể nghiệm. Không thể chối cãi rằng nó đã giúp cho văn học mang được nhiều hơn hơi thở của cuộc sống, tăng thêm sự tươi tắn, sinh động cho cuộc sống” [12, tr. 170].