Với những gì đã có, Đức Ban đã khẳng định được vị trí nổi bật của mình trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ. Ông hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp. Tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, ông về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. Cho đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại: truyện, bút ký, kịch, chân dung văn học..., nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước.
Nói đến nghệ thuật dựng truyện là nói đến cách chọn chi tiết, xây dựng cốt truyện và khắc hoạ nhân vật. Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng, từ một cái đầm làng, một gốc bồ đề, hay một ngôi đền đều ẩn chứa nhiều giai thoại, huyền thoại, dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức. Thực ra cốt truyện ở các tác phẩm Đức Ban không có nhiều mới lạ nhưng bù vào anh chú ý tạo dựng những kết cấu khá độc đáo. Đó là lối kết cấu tương phản (Mồng mười tháng tám), đưa nhân vật vào hai tuyến trái ngược làm bật ra ý nghĩa chủ đề , hay lối kết cấu “truyện trong truyện” tạo một hồi hộp cho người đọc (Sông Nước,
hiện theo tâm trạng, không theo thời gian tuyến tính. Lối kết cấu đa dạng được cộng hưởng bằng một giọng văn đa dạng nhiều sắc thái (đa thanh) đưa đến người đọc nhiều cảm xúc thẩm mỹ, khi thì chậm rãi theo lời kể dẫn chuyện, khi trào lộng hài hước theo tâm trạng nhân vật, lúc thì ngôn ngữ phóng túng dân dã nhưng có khi lại trang trọng cổ kinh đầy triết lý. Lời văn trong truyện ngắn Đức Ban là một dấu nối giữa quy phạm và tự do. Nó không đơn điệu mà sinh động giàu âm hưởng đời sống - nhịp điệu nhanh chậm, độ ngắn dài cũng như hình ảnh, từ ngữ rất gợi cảm.
Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết mới mà thế hệ ông theo đuổi, và không ít nhà văn đã có những thành công , Đức Ban cũng có những đóng góp nhằm tạo nên một khuynh hướng mới mẻ trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận “một lối viết khác trước” không đơn giản, nhất thể hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý. Trong tuyển tập các truyện ngắn của Đức Ban, nổi lên với hai mảng đề tài chính, được tác giả phản ánh, khai thác từ nhiều khía cạnh, nhiều góc độ và nhiều điểm nhìn đó là mảng đề tài nông thôn và đề tài chiến tranh thời hậu chiến.
Ở mảng đề tài nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh. Thế nhưng, đi vào thể hiện, ông đã chọn một lối đi riêng để đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh bằng một bút pháp hiện thực mới, tạo được hiệu ứng thẩm mỹ không theo lối mòn ở nhiều tầng lớp độc giả. Nông thôn trong bối cảnh những năm sau chiến tranh như một bức tranh xã hội thu nhỏ với tất cả những gì tốt đẹp, thuần khiết lẫn ấu trĩ, lệch lạc, thành kiến, đố kị và thù hận... Có thể nói đó là thế giới nghệ thuật đặc trưng của Đức Ban. Đây là mảng hiện thực mà ông am hiểu. Nhất quán trong một cảm quan hiện thực, viết về nông thôn Đức Ban không đi vào khía cạnh đói rách áo cơm mà chủ yếu là mối quan hệ, bi kịch tinh thần của những thân phận nhỏ bé... Thời buổi hội nhập mở cửa cùng
với sự phát triển của kinh tế thị trường kéo theo đó là những đổi thay đến chóng mặt trong đời sống con người, phơi bày những sự thực đáng sợ: sự tha hóa về đạo đức, sự lạnh lùng thực dụng trong các mối quan hệ của con người, sự chi phối của tiền bạc và quyền lực, sự lẫn lộn của đúng sai, thật giả... Tất cả những rối rắm, nhập nhằng đó được đề cập khá thẳng thắn trong các truyện, nhất là những truyện vừa được viết gần đây: Khúc hát ngày xưa, Ngôi sao hôm leo lét, Hoa bần, Mắt giếng, Miếu làng… Đặc biệt sự quan sát trực quan, thể hiện sự cảm quan sắc sảo của nhà văn trước hiện thực được thể hiện khá rõ trong nhiều truyện ngắn, truyện vừa như: Mạng nhện bạc, Cô Nhi bé nhỏ…
Về mảng đề tài chiến tranh, cùng với khuynh hướng chung của văn học thời hậu chiến, chiến tranh được nhìn đa chiều, phức tạp hơn. Nỗi đau chiến tranh không còn là đạn bom gian khổ mà là những bi kịch khi con người quay trở về với đời thường, chạm mặt với những thói đời, đối diện với sự vô ơn, thờ ơ của người đời... Mảng hiện thực mờ tối, chìm khuất trong hiện thực đời sống thời hậu chiến được phản ánh khá đậm trong truyện ngắn Đức Ban. Nhà văn không trực tiếp miêu tả các trận chiến, hay đời sống hậu phương thời binh lửa mà ngòi bút anh tập trung vào thân phận những người lính, những người đồng đội của ông - những TNXP thời hậu chiến. Các tác phẩm tiêu biểu như:
Sông nước, Mồng mười tháng tám, Cô Tề làng tôi, Chuyện vẫn còn... Nỗi đau chiến tranh bây giờ không chỉ còn lại ở sự không hoàn hảo lành lặn của thân thể, mà còn chìm lặn vào nỗi thương tổn trong tâm hồn vì sự thờ ơ lạnh nhạt của con người với quá khứ, vì thói vô ơn, vì thói vụ lợi. Đó là nỗi đau của các cô gái lỡ thì, tuổi xuân để lại dọc Trường Sơn chồng chất bom đạn, giờ họ sống với những ước mong bình thường, đơn giản nhưng nào có được, không những thế những kẻ ác khẩu lại mỉa mai, bóng gió khiến những mất mát họ càng cháy bỏng như những vết thương (Mồng mười tháng tám)...
Viết về một hiện thực lớn của xã hội, ngòi bút Đức Ban biết lẩy ra vấn đề từ những sự việc hằng ngày tưởng như bằng lặng nhưng lại có sức nổi sóng. Anh biết chọn chi tiết để tạo tình huống. Đằng sau những sự việc và
hành động của nhân vật Đức Ban thường đi sâu khơi gợi những khía cạnh khác nhau, có khi chỉ là những khía cạnh rất nhỏ, rất riêng, dễ bỏ qua nhưng lại rất quyết định trong việc hình thành tính cách nhân vật. Từ tính cách nảy sinh số phận. Nhiều nghịch lý giữa tính cách và số phận làm bật lên nội dung nhân đạo sâu sắc .Tính triết lý của tác phẩm cũng từ đó bộc lộ!
Nếu làm một khảo sát nhỏ về tác phẩm văn xuôi của Đức Ban và dùng thao tác phân loại đề tài có thể xác lập được một số mảng đề tài cơ bản như đã đề cập ở trên. Nhưng thiết nghĩ sự xác lập này sẽ không hoàn toàn rõ ràng và chính xác. Có sự dàng dịt, xâu chuỗi và “thẩm thấu” vào nhau của các đề tài, các không gian hiện thực trong truyện của ông. Nói chính xác hơn là trong ý đồ nghệ thuật của mình, Đức Ban sử dụng các chi tiết của hiện thực, của ngoại cảnh chỉ nhằm tạo lập bối cảnh, môi trường sống mà ở đó những nhân vật của ông bộc lộ thân phận, tâm hồn, tính cách và đặc biệt thái độ sống, hành vi ứng xử với nhau, và với ngay cả chính mình. Trong các truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của mình, Đức Ban kể với người đọc rất nhiều chuyện, chuyện ở làng, ở phố, chuyện chiến tranh, chuyện thời bình… và huy động khá nhiều chi tiết cuộc sống. Lấy bối cảnh làng quê vào những ngày bình yên, truyện Khúc hát ngày xưa kể câu chuyện éo le về một người đàn ông suốt đời dằn vặt đau khổ vì không có quyền nhận con của mình và một gia đình vốn yên ổn, hạnh phúc bỗng nhiên tan vỡ khi người cha phát hiện ra một sự thật đứa con yêu thương của mình không phải là con đẻ. Cũng lấy không gian làng quê làm bối cảnh, truyện ngắn Hoa bần kể về ông Trìu, người đàn ông khốn khổ bị đẩy ra khỏi mảnh đất hương hoả cha ông phải sống lênh đênh trên sông nước và rồi chết trong cô độc. Và còn rất nhiều câu chuyện buồn về những cuộc đời như cô Tề (Cô Tề làng tôi), cô Bờ, người phụ nữ gan dạ mạnh mẽ bị bỏ quên trong rừng khi chiến tranh kết thúc, đến lúc trở về được quê hương lại bị những kẻ có thế lực nghi ngờ, tịch thu nhà cửa và cuối cùng phải vào nương nhờ cửa Phật (Người đàn bà choàng khăn), anh Khang, người đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường khi trở về quê, người yêu bị cướp, nhà cửa không còn, bản thân bị đẩy vào tù vì những lý do không
đâu (Sông nước), ông Cự (Ngôi sao hôm leo lét)... Với những người đọc chỉ quan tâm đến việc tác giả “kể chuyện gì” có thể tìm thấy vô số câu chuyện đáng quan tâm. Nhưng thành công đáng kể của Đức Ban là đã hướng được người đọc vào chủ đích cuối cùng của mình: quan tâm đặc biệt đến những mối quan hệ người, là cách mà con người sống, đối xử với nhau trong cuộc đời lắm những oái oăm, hệ luỵ này. Ở truyện Khúc hát ngày xưa, ấn tượng đọng lại sâu sắc trong tâm trí người đọc chính là những cư xử đầy tình người và đạo lý của chị Nhàn, anh Thắng - những con người đã dám sống vì người khác, dám chịu thiệt thòi để tìm thấy sự thành thản và bình yên cho lương tâm. Cũng vậy, ở truyện Sông nước, cái chính mà người đọc cảm nhận được không chỉ là câu chuyện về nhân vật Khang và cuộc đời với những oan trái sóng gió không đâu của anh mà chính là thái độ, là hành vi của những kẻ đầy thù hằn, hẹp hòi như Hưng, chủ tịch xã, đã đem ra để đối xử với anh. Đó là sự vô ơn, là sự nhỏ nhen, ti tiện, đầy thành kiến phổ biến mọi thời, mà cuộc đời như Khang là những nạn nhân… Phần lớn sáng tác của ông đều hướng người đọc quan tâm đến khía cạnh nhân sinh này và tạo nên mảng chủ đề khá đậm. Tất nhiên điều này không khỏi tạo ra ấn tượng về sự gò ép, thiếu tự nhiên, về lối mòn trong kết cấu, tình huống và dạng nhân vật trong truyện của ông.
Quan tâm đến con người ở góc độ số phận cùng những mối quan hệ, hành vi, suy tư và cách thức cảm nhận cuộc sống của họ, Đức Ban đã có cái nhìn sâu xa hơn vào hiện thực, cảm nhận và lý giải rõ ràng hơn về những vấn đề của cuộc sống. Chính vì vậy dù viết về nông thôn hay thành thị, chiến tranh hay thời bình thì vấn đề cốt lõi mà người đọc cảm nhận được là lẽ sống, lương tâm, trách nhiệm, là con người với gánh nặng sống, gánh nặng làm người... Đi qua những trang viết của Đức Ban có không khí, hình bóng của quá khứ đã qua chưa xa, có một hiện tại ngổn ngang nhiều vấn đề mà con người đang phải đối diện. Không dụng tâm tạo dựng bối cảnh xã hội làm đối tượng phản ánh, hiện diện trong mỗi tác phẩm của ông chỉ là những cuộc đời, những số phận, nhiều khi chỉ là một mối quan hệ nhỏ, một tình huống ứng xử nhưng người đọc vẫn có thể hình dung rất rõ “kích thước xã hội” ở trong đó.
Đây cũng chính là những yếu tố cơ bản, mang tính quyết định đến sự thành công của thể loại truyện ngắn - một thành tựu nổi bật trong sáng tác của Đức Ban.