Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Đức Ban đã xuất bản hơn chục đầu sách bao gồm nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, kịch... Với những đóng góp quan trọng của mình cho mảng văn xuôi, Đức Ban được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của Hà Tĩnh trong vòng ba chục năm lại đây. Bút lực dồi dào, vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc cộng với niềm đam mê, tâm huyết và đặc biệt là sự lao động thực sự nghiêm túc, cẩn trọng với nghề văn chương chữ nghĩa đã tạo nên những thành công đã được ghi nhận của ông.
Quan tâm nhiều vấn đề, nhiều mảng hiện thực cuộc sống và nỗ lực khai thác những vấn đề của hiện thực ở nhiều chiều khác nhau khiến Đức Ban quan tâm đến việc đổi mới thể loại. Sự cơ động, linh hoạt trong vận dụng thể loại một mặt thể hiện tài năng, một mặt cho thấy sức sáng tạo cũng như cảm quan hiện thực nhạy bén, phong phú của người viết. Nhưng điều cơ bản nhất có thể thấy vẫn là vốn sống dồi dào, khả năng trải nghiệm, phân thân, biến hóa trí tuệ và tâm hồn, tư duy của nhà văn trên từng trang viết.
Đối với các nhà thơ, nhà văn, việc xuất bản các tuyển tập gần như là một cách để họ nhìn nhận, tổng kết lại hành trình sáng tác cùng “vốn liếng” tác phẩm của mình. Và ở góc độ nào đó việc làm tuyển tập hay tuyển tác phẩm chọn lọc đối với nhà văn bao hàm một sự đánh giá lại chân giá trị của các sáng tác ấy. Đối với bạn đọc, qua đó có thể nhận diện một cách đầy đủ và hệ thống hơn về một phong cách sáng tác, nắm bắt sâu sắc hơn những vấn đề tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn. Có lẽ việc xuất bản tuyển Tác phẩm chọn lọc của Đức Ban không nằm ngoại lệ. Chọn lọc từ hơn chục đầu sách đã xuất
bản để chọn ra 15 truyện ngắn, 3 truyện dài, 01 tiểu thuyết Trăng vỡ và hơn chục truyện thiếu nhi đưa vào tập sách là một sự lựa chọn khắt khe, và thể hiện rất rõ chủ ý của tác giả. Những vấn đề cơ bản của văn xuôi Đức Ban được thể hiện khá tập trung, hệ thống qua các tác phẩm mà tác giả muốn giới thiệu trong tuyển tập. Dù quá khứ đã qua hay hiện tại còn dang dở thì những trang viết của Đức Ban đã làm đọng lại được “chuyện nhân tình thế thái” để người đọc tiếp tục suy ngẫm. Tin chắc rằng Đức Ban sẽ còn viết tiếp những câu chuyện mới về cuộc sống, bởi những điều mà ông trăn trở: “... Bao nhiêu là người kiên nhẫn chống đỡ gánh nặng của quá khứ, sự trớ trêu của dòng đời trôi chảy đầy trắc ẩn và biến ảo để lương tâm không bị biến dạng mà yêu thương, mà thực thi cái lẽ công bằng.... Họ nhìn thấy và cả không nhìn thấy họ ở hiện tại và của tương lai mà dòng đời thì vẫn trôi, những câu hỏi thì cứ lửng lơ trên mỗi thân phận...” [9] vẫn không thôi tồn tại trong thế giới của con người.
Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết mới mà thế hệ ông theo đuổi, và không ít nhà văn đồng hương đã có những thành công như Xuân Thiều, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Thân..., Đức Ban cũng vậy, với những đóng góp ở nhiều thể loại, chọn mảng đề tài, cách xây dựng nhân vật, tạo bối cảnh, không gian, tình huống… cho chuyện đã góp phần tạo ra một khuynh hướng mới mẻ trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước không đơn giản, nhất thể hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý.
Chương 2