Giọng điệu và vai trò của giọng điệu trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 103 - 105)

Giọng điệu, với tư cách là “một phạm trù thẩm mỹ”, “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn” [2, tr. 91]. Một nhà văn đích thực phải có sự ý thức về mình như một nhà ngôn ngữ bởi đơn giản ngôn ngữ “là yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử” của chính nhà văn, là phương tiện chính yếu để nhà văn giao tiếp với bạn đọc. Cụ thể, “Đối với văn chương, ngôn ngữ không chỉ là “cái vỏ của tư duy” mà còn là tài năng, cá tính và quan điểm nghệ thuật, do đó giọng điệu của tác phẩm trước hết cũng là giọng điệu của ngôn ngữ” [3, tr. 351]. Do vậy đã có nhiều thế hệ nghiên cứu đi trước - các bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone). L. Tônxtôi cho rằng, “Cái khó nhất khi bắt tay vào một tác phẩm mới không phải là chuyện đề tài, tư liệu, mà là phải chọn được giọng điệu thích hợp” [50, tr. 216], giọng điệu không phát lộ trên bề mặt câu chữ mà nó nằm ở tầng sâu của lớp vỏ ngôn từ, nó chỉ được cảm nhận một

cách trọn vẹn khi độc giả hoà nhập vào mạch văn của tác phẩm một cách có ý thức. Nếu hiểu như vậy, thì chúng ta thấy giọng điệu chính “là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của một nhà văn nào đó đối với một hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [30, tr. 23]. Đối với tác phẩm văn học cụ thể, giọng điệu là “một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật phải có khẩu khí, giọng điệu riêng. Giọng điệu trong tác phẩm phải gắn bó với các giọng “trời phú” của tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không đơn điệu” [30, tr. 135].

Giọng điệu trong tác phẩm văn học, không đơn giản là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để thể hiện ra lời nói, mà cao hơn nữa là mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử trước hiện thực đời sống. Bản thân giọng điệu là một hiện tượng bộc lộ ra từ tác phẩm văn học chứa đựng tư tưởng thẩm mĩ. Do vậy “Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [31, tr. 135]. Do vậy một yêu cầu đặt ra đối với người trần thuật là phải định hình cho mình một khẩu khí, một giọng điệu riêng. Thông qua giọng điệu để biểu hiện quan điểm, thái độ, cảm xúc của nhà văn đối với đời sống. Nó mang nội dung tình cảm, cái nhìn đa chiều của nhà văn đối với hiện thực được phản ánh, quan hệ chủ thể tác giả với cái được miêu tả. Trong văn xuôi tự sự nói chung và truyện ngắn nói riêng, giọng điệu trần thuật giữ vai trò chủ đạo trong sắp xếp, liên kết và kết nối các yếu tố hình thức với nhau nhằm tạo nên một tác phẩm mang giá trị riêng.

Cùng với quan điểm góp phần làm rõ nội dung giọng điệu là gì? trong cuốn “Những vấn đề thi pháp của truyện” của tác giả Nguyễn Thái Hoà quan niệm: "Giọng điệu chính là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng, đánh

giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể" [35, tr. 154]. Quan điểm này trùng với quan điểm của nhóm các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” đã khẳng định giọng điệu chính là: "Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng , đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm" [30, tr. 113). Cùng với nhận định về giọng điệu thơ nêu trên, trong công trình nghiên cứu “Giọng điệu trong thơ trữ tình” Nguyễn Đăng Điệp thêm một lần nữa khẳng định "Giọng điệu là sự thể hiện lập trường xã hội, thái độ tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ, sở trường ngôn ngữ của tác giả, nó gắn chặt với đối tượng giao tiếp và cách thức tổ chức lời lẽ diễn đạt" [19, tr. 35].

Qua sự lập luận và một số ý kiến nhận xét, đánh giá của các tác giả và các nhà nghiên cứu đã trích dẫn, chúng tôi xác định giọng điệu là sự thể hiện thái độ, quan điểm, cảm xúc, cách đánh giá về hiện thực được miêu tả của người sáng tạo thông qua tổ chức ngôn từ tác phẩm văn chương. Đây cũng chính là điểm gặp gỡ thống nhất về cách hiểu của các nhà lí luận trong và ngoài nước như M.Bakhtine (Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết Dostoevski), M.khravchenko (Những vấn đề phong cách), Đặng Anh Đào (Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại), Lê Huy Bắc (Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại), Nguyễn Thái Hoà (Những vấn đề thi pháp truyện)...

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 103 - 105)