Khảo sát truyện ngắn Đức Ban, chúng tôi nhận thấy, Đức Ban là nhà văn sử dụng khá nhiều dạng cốt truyện trong tổ chức tác phẩm như cốt truyện biên niên, cốt truyện lồng trong truyện, cốt truyện tâm lý, cốt truyện theo lối phân mảnh… Tuy nhiên, dựa vào tính phổ biến, chúng tôi nhận thấy hai dạng cốt truyện mà ông sử dụng nhiều nhất là dạng cốt truyện biên niên và dạng cốt truyện lồng trong truyện. Chính vì lí do này, mà trong luận văn, chúng tôi chỉ khảo sát, phân tích hai dạng cốt truyện này mà thôi. Cũng có nghĩa, cái nhìn về cốt truyện của Đức Ban (qua hai dạng này) đã là cơ bản.
2.1.2.1. Dạng cốt truyện biên niên
Cốt truyện biên niên là khái niệm được nhóm tác giả do G.N.Pospelov chủ biên đưa ra trong công trình Dẫn luận nghiên cứu văn học. Ky thực, đó chỉ là một cách định danh cốt truyện, bởi như chúng tôi đã giới thuyết ở trên, quan niệm về cốt truyện vẫn chưa thống nhất trong giới nghiên cứu. Theo nhóm tác giả cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, cốt truyện biên niên là cốt truyện “có mối liên hệ thời gian lấn át trong các sự kiện” [70, tr. 34]. Điều ấy có nghĩa, cốt truyện biên niên cũng căn cứ vào điểm cơ bản là sự kiện, song nhấn mạnh đặc điểm, tính chất mối liên hệ của sự kiện đó là mối liên hệ thời gian. Nhóm tác giả trên đã ví cốt truyện biên niên có mô hình như là câu nói: “Nhà vua chết, rồi hoàng hậu qua đời”, đây là mối liên hệ thời gian chứ không phải mối liên hệ nhân quả.
Trong văn chương hiện đại Việt Nam, cốt truyện biên niên được sử dụng tương đối phổ biến ở hầu hết các sáng tác của các tác giả. Đây là một đặc điểm chung của văn học nước nhà, kể cả văn học trong thời điểm hiện nay. Đức Ban là nhà văn sống và viết trong thời điểm cái cũ chưa qua, cái mới chưa đến (sau 1986) nên việc sử dụng cốt truyện biên niên trong bút pháp là một đặc điểm không thể khác. Khảo sát truyện ngắn Đức Ban, chúng tôi nhận thấy, cốt truyện biên niên chiếm tới 80% số truyện được khảo sát. Trong đó, có thể kể những truyện tiêu biểu như: Khúc hát ngày xưa, Chuyện quanh quán cây dừa, Người đàn bà choàng khăn, Miếu làng, Bến tắm, Đền thờ Đức Thánh Mẫu…
Tổ chức cốt truyện biên niên trong truyện ngắn Đức Ban đã làm cho không gian, thời gian được liên tưởng hết sức tự do. Nói cách khác, khả năng chiếm lĩnh không gian, thời gian của nhà văn trở nên linh hoạt. Cũng theo đó, cuộc sống với nhiều vẻ hiện thực được hiện lên sinh động, nhiều màu sắc. Do chỗ, mối liên hệ trong sự kiện là mối liên hệ thời gian nên sự ghép nhập sự kiện vốn cách xa nhau về thời gian gần lại với nhau trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn, ở truyện Chuyện quanh quán cây dừa, tác giả đã đưa người đọc đi từ không gian quanh gốc dừa với túp lều của ông lão chữa khóa, ngôi nhà và là cửa hàng của chị Yên đến không gian của phố thị gắn với Sở Văn hóa và tên tuổi của Nghiêm Hoàn, Trịnh Soa và xa hơn là không gian gắn với công việc trồng chè ở Yên Bái (thực chất là chạy trốn khỏi nơi quen thuộc) của Yên và con đường chông gai đi tìm cách minh oan cho chồng. Ở truyện
Miếu làng, mở đầu bằng không gian “con đường phố ngập nước… bốn phía là mưa”, gắn với việc ý định trở về làng quê của nhân vật Anh, tiếp đó là không gian xa xăm, gắn với câu chuyện ngày xưa qua hồi ức của Anh - không gian gắn với miếu làng, dòng sông, câu chuyện hai người yêu nhau và tìm cách có con với nhau, đến cuối tác phẩm là không gian của nhà chị, tiêu điều, xơ xác. Gắn với không gian trên và những câu chuyện xưa - nay, hiện tại - quá khứ luân phiên là một thực tại đầy ắp với những sự nhiễu nhương vừa tệ bạc vừa có chút nghĩa tình thầm lặng.
Cốt truyện biên niên trong truyện ngắn Đức Ban, một đặc điểm dễ thấy đó là được sử dụng để miêu tả phương thức sinh hoạt của xã hội, biểu lộ thế giới nội tâm của nhân vật. Lần theo các bước thời gian của sự kiện, với những bức tranh khác nhau của những không gian khác nhau là những cảnh đời, những cách sống, những hiện thực bày ra trước mắt khác nhau. Dĩ nhiên, tác giả luôn đặt nhân vật chính vào trong không gian và bối cảnh được mô tả đó, cho nên nhân vật luôn gửi gắm những tâm trạng khác nhau trước bối cảnh. Truyện Miếu làng, mở đầu là không gian thành phố, gắn với con đường sũng nước gắn với tâm trạng trộn lẫn bao suy nghĩ về chuyện quá khứ, về quyết định nên về lại thăm quê hay không của Anh; tiếp đó, câu chuyện kể về quá
khứ, ky thực đó là hồi ức của nhân vật - một dạng thức tâm lý; tiếp theo câu chuyện trở về thực tại, Anh đến nhà chị, hai con người giờ đã tiều tụy nhận ra nhau, tâm trạng của Anh lúc này hội tụ đầy đủ quá khứ đau buồn xa xưa (gắn với miếu làng), trộn lẫn với những quyết định khó khăn trước cuộc sống hiện tại: nên ở với chị (vì Anh rất yêu, thương chị) hay là ra miếu làng, vạch tội quá khứ.
Từ phân tích trên, có thể thấy, tính biên niên của cốt truyện còn đẩy đến một đặc điểm rất quan trọng đó là hình thành sự tự ý thức của nhân vật, làm cho ý thức nhân vật phát triển theo quá trình thức nhận song không hoàn kết mà ở dạng chưa hoàn thành (một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn hiện đại). Nhân vật Anh trong Miếu làng đến cuối tác phẩm vẫn chưa thể tự đưa ra cho mình những câu hỏi quan trọng đã làm tan nát cuộc đời anh: anh có lỗi hay chị có lỗi? giờ phải quyết định ra sao khi chị cũng đã trải qua tất cả nỗi đau và còn lại một mình? Cần thanh toán với quá khứ, với miếu làng hay là quên quá khứ, ở với chị và bù đắp cho chị? Đó rõ ràng là sự phát triển chưa hoàn thành của quá trình tự ý thức. Đây chính là đặc điểm quan trọng của truyện ngắn hiện đại. Ở chỗ, truyện ngắn hiện đại luôn giành ưu tiên tạo “khoảng trống” khi kết thúc tác phẩm, tác phẩm kết thúc song sự suy nghĩ và hành động của nhân vật là chưa kết thúc. Hiển nhiên, điều ấy phụ thuộc lớn vào đối tượng tiếp nhận tác phẩm, tức là độc giả.
Tạo dựng cốt truyện biên niên trong tác phẩm đã đem đến sự ghép nhập những khoảng không gian, thời gian và câu chuyện xa cách nhau gần lại với nhau theo một sự kết cấu logic nhất định, từ đó toát lên thông điệp thẩm mỹ. Trong truyện ngắn Đức Ban, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là ông thường miêu tả, tái hiện không gian về một vùng quê, bến đò, gốc đa, bãi vắng, con thuyền… Do đó, đối chiếu tính biên niên của cốt truyện trong các truyện riêng lẻ với các truyện về cùng một không gian, thời gian như kể trên, có thể nhận thấy tính liên văn bản. Tính liên văn bản ấy vừa thể hiện trên quy tắc, bút pháp nghệ thuật (tạm hiểu là cách viết) vừa thể hiện trên nội dung phản ánh (thế giới được miêu tả). Đặc điểm liên văn bản này đã đẩy câu
chuyện tới những trường liên tưởng rộng mở, tạo khoảng không gian thoáng đảng cho trí tưởng tượng của độc giả, qua đó, hiểu rõ hơn những cảnh đời, những số phận, những phong tục, tập quán ở làng quê.
Như vậy, có thể nhận thấy, cốt truyện biên niên là dạng cốt truyện được sử dụng phổ biến trong truyện ngắn Đức Ban. Vừa được sử dụng nhiều, vừa được vận dụng theo nhiều hình thức, do đó cốt truyện biên niên trong truyện ngắn Đức Ban đã để lại những dấu ấn nghệ thuật quan trọng, giúp người đọc phiêu diêu trong thế giới liên tưởng rộng mở, từ đó mở rộng không gian, liên đới tới nhiều câu chuyện, nhiều cuộc đời trong “tầm ngắm” của nhà văn. Ngoài cốt truyện biên niên Đức Ban còn sử dụng các loại cốt truyện khác, mà nổi bật là cốt truyện lồng trong truyện.
2.1.2.2. Dạng cốt truyện lồng trong truyện
Cốt truyện lồng trong truyện là khái niệm chỉ tính tương đối, không có nội hàm xác định, hay nói đúng hơn, nó không phải là một thuật ngữ mà chỉ là một khái niệm định danh một hiện tượng. Trong quá trình trần thuật, tùy theo từng bối cảnh câu chuyện, tùy theo cách bố trí tình tiết, sự kiện, dụng ý riêng, nhà văn có thể trần thuật một câu chuyện rồi lồng vào trong đó một câu chuyện khác. Đặc điểm của câu chuyện khác, tạm gọi là câu chuyện thứ hai, là có sự tương đối về mặt tồn tại, có tính chất như một cốt truyện thu nhỏ. Giữa hai câu chuyện thứ nhất và thứ hai dĩ nhiên là có mối quan hệ theo một logic nào đó, có khi câu chuyện thứ hai là thứ yếu so với câu chuyện thứ nhất, cũng có khi câu chuyện thứ nhất lại là chính yếu, toàn bộ câu chuyện của tác phẩm tập trung ở chuyện thứ hai. Có thể tạm hiểu cốt truyện lồng trong truyện như là mô hình tập hợp (mẹ và con) trong toán học. Mặc dầu cách hiểu về cốt truyện lồng trong truyện và cốt truyện biên niên là khác nhau, tương đối độc lập, song giữa hai dạng thức cốt truyện này trong một số trường hợp tác phẩm không tách bạch khỏi nhau. Câu chuyện được kể theo lối biên niên cũng có khi lồng vào đó một câu chuyện khác do một nhân vật nào đó kể ra và dĩ nhiên người kể đó phải lùi về thời gian quá khứ. Sau khi câu chuyện được kể, lùi vể quá khứ, có thể là đã hết câu chuyện của người kể, tác phẩm bắt sang
một diễn biến sự kiện khác, song giữa các sự kiện này có mối quan hệ nhất định nào đó, nó không chỉ dừng lại ở mặt quan hệ thời gian.
Sau cốt truyện biên niên, cốt truyện lồng trong truyện cũng được Đức Ban sử dụng tương đối nhiều. Trong truyện ngắn của ông, cốt truyện lồng trong truyện được thể hiện ở các tác phẩm như: Cô Tề làng tôi, Sóng Bến Duềnh, Sông nước, Chuyện vẫn còn…
Cốt truyện lồng trong truyện thực chất là cách bố trí những câu chuyện khác nhau đan xen với nhau theo các tầng tuyến. Trong truyện ngắn Đức Ban, tuyệt đại đa số, truyện ngắn có cốt truyện lồng trong truyện là hai câu chuyện ở hai thì hiện tại và quá khứ. Hiện tại là câu chuyện mà các nhân vật đang sống, trao đổi, thực hành các hành động thường nhật; quá khứ là chuyện của một trong hai người. Trong tương quan giữa hai câu chuyện thì chuyện thứ hai mới là chính yếu, là cái cơ bản để nói lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Chuyện vẫn còn kể câu chuyện hiện tại “tôi” và Chung gặp nhau tình cờ và ôn lại những chuyện đã qua. Câu chuyện mà hai người kể với nhau là chuyện của Chung, khi Chung ngày trước “về Vạn Phúc tăng cường cho cơ sở”, ở đó có một hoàn cảnh đặc biệt, đó là hoàn cảnh của cô Phượng. Đan xen giữa câu chuyện Chung kể là những lời đối thoại qua lại giữa “tôi” và Chung cho đến lúc “đã nửa đêm về sáng”. Hạt nhân câu chuyện của Chung là cô Phượng, người bị chính quyền cơ sở đặc biệt chú ý vì nhiều lí do, trong đó có lí do Phượng được xem là thuộc giai cấp tư sản (vì là người thành phố). Chính quyền cơ sở, trong đó, đứng đầu là ông Đảo đã dùng nhiều biện pháp để o ép Phượng, thậm chí đã giở trò bỉ ổi với cô. Thất bại, Đảo đã vu khống Chung và đuổi Chung khỏi xã, sau đó Chung vào bộ đội. Bẵng đi thời gian hơn 20 năm, một hôm Chung nhận được thư của Nhân - chồng Phượng. Hai người gặp nhau và câu chuyện kết thúc ở thì hiện tại, trở lại chuyện “tôi” và Chung: “Chung đứng dậy vươn vai, cả khuôn mặt nở ra cười… Chắc đã quá nửa đêm về sáng” [9, tr. 60]. Tương tự, trong Sông nước là câu chuyện “tôi” gặp Khang, rồi Khang kể cho tôi nghe chuyện của Khang, về mối tình với Tịnh, nói đúng hơn là sự trớ trêu của người lính trở về sau chiến tranh. Kết thúc tác
phẩm, Tịnh và Hưng (chồng Tịnh) chia tay nhau; Khang viết thư cho “tôi” báo rằng anh không thể trở lại tàu vì đứa con của Tịnh là con của Khang và Tịnh, chứ không phải của Hưng.
Do chỗ, cốt truyện được tổ chức theo các tầng tuyến nên tác phẩm tạo được sự hồi hộp, sự dự phần của độc giả. Đa phần độc giả thường rất chăm chú khi đọc những tác phẩm được xây dựng dạng cốt truyện này. Dĩ nhiên, để hiểu tác phẩm, người đọc phải hiểu từng tầng tuyến, từng mối quan hệ. Nếu chỉ hiểu một tầng tuyến, một câu chuyện tồn tại trong truyện thì chưa hiểu hết thông điệp thẩm mỹ nghệ thuật. Chẳng hạn, hiểu nội dung câu chuyện của Khang và Tịnh - câu chuyện cơ bản trong Sông nước, song nếu hiểu như thế chỉ mới một khía cạnh của nội dung tác phẩm, trong đó tập trung khai thác ở khía cạnh: sự thiệt thòi của người lính trở về từ trong chiến tranh. Do đó, phải gắn chặt câu chuyện lồng trong truyện với câu chuyện giữa tôi và Khang. Câu chuyện làm khung bao đã cung cấp cho câu chuyện ở trong nó những giá trị khác đó là: tình đồng đội, bằng hữu, sự thương cảm của những người ngoài cuộc đối với từng cuộc đời. Ghép nhập những câu chuyện trong mối quan hệ tầng tuyến ấy, chúng ta có được thông điệp trọn vẹn mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Điều đó, theo chung tôi, là cái đích cơ bản nhất làm cho nhà văn quyết định sử dụng dạng cốt truyện này.
Như vậy, trong truyện ngắn Đức Ban có hai dạng cốt truyện cơ bản: cốt truyện biên niên và cốt truyện lồng trong truyện. Những hình thức cốt truyện này đã làm cho thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Đức Ban hiện lên nhiều vẻ đẹp, nhiều sắc màu và cảm xúc. Tuy vậy, cốt truyện nói chung cũng chỉ là một dạng tồn tại - tồn tại cơ bản trong tác phẩm, nó chưa thể phát huy hết giá trị thẩm mĩ nếu chỉ được vận hành một cách đơn nhất. Do đó, đòi hỏi mỗi nhà văn, dẫu đã xác định cốt truyện, thì cũng phải huy động mọi tiềm lực để tổ chức cốt truyện ấy. Nói cách khác, cái quan trọng của việc “nuôi sống” cốt truyện, chưa phải là “nội dung” của nó mà là nghệ thuật tổ chức nó.