2.2.1.1. Giới thuyết khái niệm nhân vật
Nhân vật được hiểu là “hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ” [5, tr. 241]. Theo cách hiểu thông thường, phổ biến, nhân vật là con người trong tác phẩm, song cũng có lúc nhân vật là các con vật, cây cối, thậm chí là đồ vật. Tất nhiên, những con vật, đồ vật, thậm chí các thực thể tồn tại qua ý niệm (ma, quỷ) đều được gán cho những đặc điểm của con người. Như vậy, dù nhân vật (tồn tại có thể hình dung được trong tác phẩm) là con người, con vật, đồ vật thì đặc điểm quy tụ vẫn là tính người, thuộc tính người. Chính vì quy tụ ở tính người, thuộc tính người nên khái niệm nhân vật gần với khái niệm tính cách.
Dù nhân vật là con người ở trong tác phẩm, là phương tiện để khái quát hiện thực (chức năng) song giữa nó và con người ngoài cuộc đời cũng không phải là một, ngay cả khi nhà văn lấy nguyên mẫu ngoài cuộc đời. Nhân vật
văn học là một phạm trù nghệ thuật, mang tính ước lệ. Nhân vật trên thực tế là sự cụ thể hóa quan niệm của nhà văn về cuộc đời, về con người. Con người ngoài cuộc đời là một tồn tại vật lý, một tồn tại tổng thể nhiều mặt và chưa có nghiên cứu toàn diện về con người. Để xây dựng nhân vật trong tác phẩm, nhà văn phải sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, song biện pháp nghệ thuật cơ bản đó là miêu tả và biểu cảm. Đây là hai biện pháp hầu hết các nhà văn sử dụng khi nói tới nhân vật dù muốn dù không.
Nhân có mặt ở tất cả các thể loại văn học, tuy nhiên tự sự và kịch là các thể loại giúp người đọc hình dung dễ dàng nhất các đặc điểm của nhân vật. Và các thể loại này cũng là các thể loại thể hiện đầy đủ nhất những đặc điểm, thuộc tính con người. Có được điều này là do đặc trưng thể loại quy định đồng thời do cách thức tạo dựng nhân vật (miêu tả, biểu cảm). Văn học tự sự, kịch, điểm mạnh là khắc họa chi tiết, cụ thể các hình tượng. Bản chất của tự sự là miêu tả sự thực khách quan thông qua nhãn quan trần thuật, nó giành khá nhiều “chỗ” cho miêu tả, kể, tường thuật, tạo dựng các tình huống, xung đột… Ngược lại, tác phẩm trữ tình thiên về miêu tả cảm xúc của chủ thể trữ tình nên nhân vật trong tác phẩm hiện lên chỉ ở dạng ý niệm, không phải là một tồn tại khách thể có thể hình dung được (ngoại hình, tính cách, diễn biến tâm trạng…).
2.2.1.2. Nhân vật trong truyện ngắn hiện đại
Nhân vật là phạm trù cốt yếu của tác phẩm văn học. Văn học ngày càng phát triển đa dạng, phong phú về cách thức, bút pháp. Do đó, cách quan niệm và thể hiện nhân vật cũng thay đổi theo chiều thời gian. Nói khác đi, ở chừng mực tương đối nào đó, nhân vật có tính lịch sử - cụ thể trong thế giới nghệ thuật.
Nếu sử thi là nhân vật lý tưởng hóa, chủ nghĩa cổ điển là nhân vật - mặt nạ cố định, chủ nghĩa lãng mạn là nhân vật bị vò xé bởi những mâu thuẫn, chủ nghĩa hiện thực phê phán là nhân vật chân thực được đặt trong tính lịch sử, xã hội, thì nhân vật văn học hiện đại (thuộc nhiều trào lưu văn học thế kỷ XX và hôm nay) lại có xu hướng tìm tòi “phản nhân vật”. Phản nhân vật có nghĩa là
đi ngược lại quan niệm nhân vật trong truyền thống bằng những quan niệm riêng, những cách thức thể hiện riêng. Nhà văn tước bỏ nhiều khía cạnh quan trọng trong phạm trù nhân vật song vẫn đảm bảo cho nhân vật tồn tại ở vị trí trung tâm của tác phẩm.
Truyện ngắn hiện đại với sự phát triển phong phú, đa dạng về cách thức, bút pháp đã tạo nên thế giới nhân vật đa dạng trong tính bút pháp. Có những nhà văn tạo dựng nhân vật bằng nghệ thuật cá thể hoá, bằng sự sinh động của miêu tả, kể chuyện và ở đó, nhân vật hiện lên như là sự cá biệt hình ảnh con người trước đời sống hiện đại. Ở đó, nhân vật có ngoại hình, tính cách, có chiều sâu tâm lý, song đó là những nhân vật - những mẫu hình người chịu sức ép của đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhà văn cố tình đi sâu khai thác nhân vật theo lối truyền thống, một trào lưu mới cũng ra đời, đó là trào lưu xây dựng nhân vật trong khi nhân vật không có ngoại hình, không tính cách. Nhân vật ở trong trường hợp này là con người với tư cách là những tồn tại theo kiểu bóng dáng, trong quan hệ với khách thể (là thế giới bên ngoài). Nói đúng hơn, ở đây nhân vật - bóng dáng con người, con người ở dạng ý niệm ở thời hiện đại, chứ không phải con người một tồn tại vật lí. Mục đích của những nhà văn trong việc xây dựng kiểu nhân vật này là chất vấn một số vấn đề tưởng chừng đã đóng đinh vào lịch sử. Đó là vấn đề mối quan hệ giữa hiện thực và biểu tượng, giữa khách thể tồn tại và sự tồn tại thông qua ngôn ngữ, giữa con người và thế giới, những vấn đề nhân sinh. Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này là nhân vật của trào lưu hiện sinh và hậu hiện đại, trong đó Kafka là nhà văn tiêu biểu nhất. Nói một cách khái quát thì trong truyện ngắn hiện đại vai trò của nhân vật được nhường chỗ cho vai trò của lời (đây là một vấn đề mang tính hiện thực cao). Truyện ngắn là một dạng thức diễn trình lời, chất vấn với những vấn đề tồn tại mang tính hiện thực (“Khởi thuỷ là lời”).