Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 57 - 65)

Tổ chức cốt truyện theo thời gian tuyến tính là cách bố trí cốt truyện thường thấy trong thể loại truyện ngắn. Đại để, bố trí cốt truyện theo thời gian tuyến tính là đi tuần tự theo thời gian, sự kiện diễn ra trước miêu tả trước, sự kiện diễn ra sau miêu tả sau. Cứ như thế, chuyện chảy trôi từ trang đầu đến trang cuối và hết thời gian trần thuật cũng là câu chuyện hiện lên đầy đủ theo dụng ý tác giả.

Nhìn chung, kết cấu cốt truyện theo thời gian tuyến tính là cách tổ chức tương đối đơn thuần. Tuy nhiên, tùy vào sức bút của từng nhà văn mà có cách thức trần thuật, dẫn dắt câu chuyện sinh động. Có thể nói rằng, cũng là tổ chức cốt truyện theo thời gian tuyến tính song mỗi nhà văn, mỗi câu chuyện diễn ra theo một kết cấu khác. Ở truyện ngắn Đức Ban, thời gian tuyến tính được ông sử dụng trong khá nhiều truyện ngắn như: Mồng mười tháng tám, Đêm thức, Mắt giếng, Tiếng đêm, Bến tắm, Đền thờ Đức Thánh Mẫu…

Thông thường, đó là câu chuyện được kể dựa theo “cảm xúc” của nhân vật chính trong tác phẩm.

Đặc điểm dễ thấy nhất của kết cấu cốt truyện theo thời gian tuyến tính là làm cho người đọc dễ hình dung câu chuyện được nói trong tác phẩm. Người đọc khi đọc những tác phẩm này thường ở trong trạng thái tâm lý thuần nhất, không phải vận dụng trí não để lục lọi tìm nguồn gốc nhân vật, nguồn gốc sự kiện (như lối hồi ức). Nhờ đó, trên thực tế, đọc tác phẩm là xâu chuỗi các sự kiện diễn ra theo chiều thời gian. Câu chuyện diễn ra trong Bến tắm bắt đầu từ những sự kiện thời niên thiếu của “tôi” trong đó đáng chú ý nhất là nỗi sợ bóng ma, kết thúc ở sự kiện “tôi” bất lực trước “em” cũng vì một nỗi sợ tương tự. Từ sự kiện đầu đến sự kiện cuối cùng là hành trình theo thời gian của “tôi”. “Tôi” từ nhỏ đã gắn bó với bến sông, nhưng do nỗi sợ ma (trò đùa của chị Ngàn), bố “tôi” đã đưa lên thủ đô, rồi đi học ở nước ngoài, trở về thăm quê, gặp em - người con gái của chị Ngàn và có tình cảm. “Tôi” và “em” quấn quýt nhau ngay phút gặp đầu tiên, nhưng rồi chẳng ăn nhập được với nhau bởi nỗi sợ của quá khứ bỗng ùa về đúng lúc “tôi” và em đang tha thiết, chờ đợi. Còn ở truyện Mồng mười tháng tám lại bắt đầu từ câu chuyện

hai người đàn bà sống trong một ngôi nhà ở ngoài rìa thành phố; diễn tiến câu chuyện là sự xuất hiện của người đàn ông trong ngôi nhà - một gã bốc vác, làm xáo trộn tâm trạng của người đàn bà thứ hai; kết thúc câu chuyện là cảnh hai vợ chồng người đàn bà thứ nhất sống trong ngôi nhà cũ, còn người đàn bà thứ hai lên cửa rừng chờ đợi người cũ - là mối tình thời chiến tranh của chị.

Tuy nhiên, như đã nói từ trên, vấn đề kết cấu không mới, nhưng cái làm cho độc giả thích hay không thích tác phẩm của nhà văn là ở chỗ nhà văn tổ chức trần thuật như thế nào. Ở đây, hơn dạng kết cấu nào khác, nghệ thuật trần thuật được xem là quan trọng nhất và mối quan hệ giữa cốt truyện và trần thuật là thể hiện rõ nhất. Điều này cũng hoàn toàn dễ giải thích bởi lẽ cốt truyện đơn thuần, vậy nên để thu hút độc giả và kể câu chuyện sao cho sinh động, hấp dẫn, cố nhiên nhà văn phải dung nạp các yếu tố khác trong quá trình trần thuật. Yếu tố trần thuật trong diễn biến cốt truyện là giọng điệu, ngôn ngữ, nghệ thuật miêu tả, nhất là miêu tả bối cảnh không gian (để dễ hình dung) và miêu tả tâm trạng nhân vật trong cảnh huống, không gian ấy. Truyện ngắn Mồng mười tháng tám nếu xét đơn thuần về nội dung thì không có gì đáng nói, ngoại trừ chi tiết, người đàn bà thứ hai lên rừng chờ đợi người đã thề hẹn, song nó lại là truyến ngắn giàu sức truyền cảm. Rõ ràng, điều ấy không phải do cốt truyện (dĩ nhiên cốt truyện phải là rường cột). Cái hay của truyện Mồng mười tháng tám nằm ở nghệ thuật trần thuật, ở cách miêu tả tâm trạng nhân vật, miêu tả bối cảnh, nhất là tâm trạng trái ngược của hai người: người đàn bà thứ nhất phấn chấn vì có người đàn ông đến với mình song vẫn rất để ý đến bạn; người đàn bà thứ hai khao khát, đau khổ và cuối cùng chìm hẳn vào ký ức như một niềm tin cứu rỗi khỏi đời sống chơ vơ sau chiến tranh. Có thể dẫn trích một đoạn văn ngắn: “Nghe kể, sau cái đêm người đàn bà thứ hai biến khỏi nhà, cả vườn trinh nữ ngã rạp, hoa rũ xuống. Người đàn bà thứ nhất vừa khóc vừa chạy khắp thị xã hỏi han, tìm kiếm bạn. Quá chiều, đột ngột trời đổ mưa bụi lay phay, nỗi lo lắng trong chị mới dịu xuống được chút ít” [9, tr. 42].

Như vậy, có thể thấy, kết cấu cốt truyện theo thời gian tuyến tính làm cho câu chuyện được trần thuật liền mạch, người đọc dễ theo dõi và hình dung cốt truyện. Song, cái đặc sắc của những tác phẩm tổ chức cốt truyện theo kết cấu này không nằm ở nội dung “cốt truyện” mà nằm ở các yếu tố nương dựa vào cốt truyện, tạo thành tác phẩm như: ngôn ngữ, giọng điệu, kỹ thuật trần thuật, cách miêu tả không gian, thời gian.

Trong truyện ngắn Đức Ban, ngoài kết cấu cốt truyện theo thời gian tuyến tính còn có các hình thức kết cấu cốt truyện khác, đó là kết cấu cốt truyện đồng tâm và kết cấu cốt truyện phi tuyến tính.

2.1.3.2. Kết cấu cốt truyện đồng tâm

Cốt truyện đồng tâm là một khái niệm ước định, chỉ cốt truyện mà ở đó các sự kiện có “mối liên hệ nhân quả chiếm ưu thế” [70, tr. 34]. Nhóm tác giả G.N.Pospelov đưa ra dẫn dụ rất cụ thể, đại để cốt truyện đồng tâm có thể hình dung như câu: “nhà vua chết, hoàng hậu đau buồn rồi mất”. Cốt truyện đồng tâm trên thực tế là cách thức tổ chức cốt truyện. Có nghĩa, sự kiện, cốt truyện là một, nhưng cách bố trí theo lối nhân quả, hành động này dẫn tới hành động kia, làm cho cốt truyện diễn tiến theo chiều tăng cấp và đạt đến độ cần thiết trong dụng ý của nhà văn. Do chỗ, cốt truyện đồng tâm là cách thức tổ chức cốt truyện nên trong một tác phẩm có thể tồn tại đồng thời nhiều hình thức tổ chức cốt truyện. Ngoài cốt truyện đồng tâm, trong truyện còn có thể có cốt truyện theo thời gian tuyến tính và phi tuyến tính. Điều này có thể giải thích một cách đơn giản là cốt truyện đồng tâm tuân theo logic nhân quả, sự kiện này dẫn đến sự kiện kia, trong khi các sự kiện phải diễn ra trong một thời gian nhất định. Thời gian ấy trong một số trường hợp đồng thời là thời gian trần thuật, thời gian diễn tiến của cốt truyện.

Trong truyện ngắn Đức Ban, kết cấu cốt truyện đồng tâm được sử dụng tương đối phổ biến. Thường đó là những tác phẩm có tính xung đột cao, nhiều sự kiện chen lấn, thậm chí xuất hiện nhiều bè. Các tác phẩm có thể kể: Người đàn bà choàng khăn, Chuyện quanh quán cây dừa, Đền thờ Đức Thánh Mẫu, Hoa bần, Miếu làng, Tiếng đêm, Sông nước …

Ưu điểm lớn nhất của cốt truyện đồng tâm là mở ra trước mắt nhà văn nhiều viễn cảnh, cũng có nghĩa tạo cho nhà văn trường liên tưởng rộng mở, những chân trời cứ mở ra mãi mãi. Một sự kiện, có tính biến cố xảy ra, đồng thời có thể xảy ra nhiều kết quả nối liền, hoặc thế này, hoặc thế kia, tùy theo dụng ý và cách khai thác của nhà văn. Trong truyện ngắn Đức Ban, có khi sự kiện khơi mào (sự kiện là “nhân”) dẫn đến một sự kiện hệ quả, song cũng có khi dẫn đến nhiều sự kiện hệ quả. Tiếng đêm, Sông nước, Miếu làng… thuộc dạng thứ nhất; Đền thờ Đức Thánh Mẫu, Người đàn bà choàng khăn, Chuyện quanh quán cây dừa … thuộc dạng thứ hai. Trong Tiếng đêm, cốt truyện được mở đầu bằng sự kiện “bố tôi đã ruồng bỏ chị ta”[9, tr. 145], diễn tiến câu chuyện là người đàn bà hóa thành người đàn bà điên, luôn miệng hát: “Lươn à… Con lươn… nó bò a… nó i … để nhớt cho sảo a. Ta ăn a… i… cái nhớt… sướng ghê a cái i a đầu bò” [9, tr. 147]. Người đàn bà choàng khăn cốt truyện được mở đầu bằng sự kiện: cô bé 16 tuổi (Bờ) chống xuồng gỡ lưới trong đêm mưa lũ, không may cô rơi xuống sâu và mắc câu, khuôn mặt xinh đẹp trở nên nhăm nhúm, xấu xí. Tiếp đó, các sự kiện được gọi là hệ quả là: “mẹ Bờ thương con, lâm bệnh rồi mất”, “cha Bờ trở nên cau có, lầm lì” , Bờ đau khổ đến vô cùng. Tiếp nối nỗi đau khổ đó, cũng là nguyên nhân từ sự kiện đầu tiên, Bờ che mặt, choàng khăn gia nhập quân đội. Tiếp đó là một loạt sự kiện mà người đàn bà phải trải qua từ chiến tranh trở ra hòa bình. Lúc chiến tranh, Bờ bị bỏ rơi, ra khỏi chiến tranh, chị bị tước đoạt tài sản, đau khổ tột cùng, chị nương nhờ cửa Phật.

Cốt truyện được tổ chức theo kết cấu đồng tâm không chỉ giúp cho nhà văn đứng trước nhiều viễn cảnh, mà xét trong nội tại tác phẩm, nó giúp tác phẩm tạo tính nhất quán và trọn vẹn của hình thức nghệ thuật. Các sự kiện trong tác phẩm có thể xem như là sự kiến có tính chất kiến trúc và hành động trong tác phẩm, về cơ bản thống nhất. Chính vì lí do này mà cốt truyện được tổ chức theo kết cấu đồng tâm thường có tính tăng cấp về mức độ, thậm chí có lúc đẩy đến mức căng thẳng đòi hỏi phải giải quyết bằng xung đột. Câu chuyện của Bờ mà chúng tôi dẫn trích trên là một ví dụ. Hay như câu chuyện

của Anh và “chị” trong Miếu làng với rất nhiều lần cha chị bắt ép, đánh đập, không cho anh con đường sống trên đất quê dù anh đã bị tách ra khỏi rìa xã hội… Tuy nhiên, khác với các nhà văn khác trong truyền thống, Đức Ban đẩy câu chuyện đến độ phát triển tăng cấp song không giải quyết bằng xung đột mà thay vào đó, nhân vật chính (nạn nhân) luôn tự giải thoát cho mình bằng những hành động giàu vị tha, tự nhận thiệt thòi về mình, từ chị Bờ, nhân vât Anh, đến cô Tề, con Nợi…

Như vậy, có thể thấy, cốt truyện đồng tâm đã tạo cho tác phẩm tính chỉnh thể thống nhất về diễn biến sự kiện. Chính từ đặc điểm này mà Arixtốt đã đánh giá rất cao cốt truyện có quan hệ nhân quả, ông cho rằng: “Một hành động và đồng thời là hành động nhất quán, và các bộ phận của sự kiện cần phải được liên kết sao cho nếu thay hay tước bỏ một bộ phận nào đó thì chỉnh thể sẽ thay đổi” [70, tr. 36]. Cốt truyện đồng tâm tạo cho nhà văn trường viễn cảnh rộng mở, đồng thời tạo cho tính nghệ thuật của tác phẩm trở nên lôi cuốn hơn, có khi các sự kiện diễn ra theo quan hệ 1 - 1, có khi theo quan hệ 1 - nhiều.

2.1.3.3. Kết cấu cốt truyện phi tuyến tính

Trái ngược với kết cấu cốt truyện tuyến tính, kết cấu cốt truyện phi tuyến tính là cách bố trí cốt truyện không theo trình tự thời gian (sự kiện diễn ra trước miêu tả trước, sự kiện diễn ra sau miêu tả sau) mà đảo ngược các trật tự, có khi sự kiện diễn ra sau lại được trần thuật trước. Cách đảo ngược trật tự này mức độ, hình thức ở từng nhà văn, thậm chí từng tác phẩm của từng nhà văn là không giống nhau. Có khi câu chuyện chỉ đảo trật tự có một lần, chẳng hạn như truyện Chí Phèo (Nam Cao) mở đầu là cảnh Chí Phèo ở tù về, giữa tác phẩm là quá khứ, phần cuối là hiện tại của Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo

có thể xem là tác phẩm tiêu biểu của hình thức tổ chức cốt truyện phi tuyến tính.

Trong truyện ngắn Đức Ban, kết cấu cốt truyện phi tuyến tính được ông sử dụng trong các truyện như: Cô Tề làng tôi, Chuyện vẫn còn, Người đàn bà choàng khăn, Sông nước, Miếu làng, Hoa bần…

Nếu như cốt truyện được kết cấu theo thời gian tuyến tính làm cho người đọc dễ tiếp nhận tác phẩm và dễ hình dung câu chuyện thì ngược lại, đối với các tác phẩm kết cấu theo lối phi tuyến tính buộc người đọc phải lục lọi trí nhớ, ghép nhập các diễn biến ở các đoạn văn khác nhau trong tác phẩm thành một trình tự diễn biến sự kiện. Nói một cách tường minh thì để lắp ghép thành cốt truyện, người đọc có khi phải đưa sự kiện diễn ra giữa tác phẩm (có khi là trọng tâm của câu chuyện) lên đầu tiên, sau đó đến diễn biến ở phần đầu tác phẩm, cuối cùng là diễn biến ở phần cuối tác phẩm. Các tác phẩm minh họa cho điều này là: Sông nước, Miếu làng, Hoa bần.

Trong truyện ngắn của mình, trong một tác phẩm cụ thể, Đức Ban không chỉ sử dụng sự đảo ngược trật tự tuyến tính chỉ một lần duy nhất (theo cấu trúc dạng tác phẩm (Chí Phèo) mà còn sử dụng luân phiên khi thực tại, khi quá khứ đan xen (Cô Tề làng tôi, Chuyện vẫn còn, Người đàn bà choàng khăn). Bởi vậy, câu chuyện diễn ra rất sinh động và lôi cuốn độc giả. Dĩ nhiên, độc giả khi đọc những tác phẩm đó phải thể hiện sự tập trung cao độ trong việc chú ý các tình tiết sự kiện. Có như thế, trình tự câu chuyện mới được lắp ghép lại một cách liền mạch, không bị đứt quảng. Cô Tề làng tôi mở đầu bằng chuyện cô Tề về làng sau bốn chục năm, tiếp đó là những câu chuyện về thời thiếu nữ của cô, rồi cô đi bộ đội, ra Hà Nội…, sau đó là chuyện về thực tại cô Tề và mọi người có mặt trong nhà cô lúc cô về, rồi Chủ tịch xã, quan tỉnh đến nhà hỏi giấy tờ, tiếp đó là chuyện về cô Tề ngay sau khi chiến tranh kết thúc - cô mang hàm Trung úy, được giữ chức vụ quan trọng ở Ty lao động, rồi chồng bỏ cô mà đi…, tiếp đó nữa là chuyện thực tại: cô Tề xin nghỉ hưu, cô Di về ở với cô Tề, rồi cô Tề chết. Kết thúc tác phẩm là chuyện về người người đàn ông sống câm lặng, bí ẩn giữa Tây Nguyên - đó có thể là chồng cô Tề và chuyện của hai vợ chồng anh trai cùng cha khác mẹ của “tôi” nuôi kế hoạch mua lại nhà cô Tề. Ở đây, rõ ràng, để hình dung cốt truyện, người đọc buộc phải sắp xếp lại trình tự sự kiện trước - sau rất nhiều lần. Câu chuyện chung quy kể về cuộc đời cô Tề, một số phận người, chịu nhiều thiệt thòi do quan niệm ấu trĩ của tập tục làng xã, thiệt thòi cho chiến

tranh, do bụng dạ đồng nghiệp và do cả cách điều hành có vấn đề của quy định thủ tục hành chính. Các câu chuyện được diễn tả trong Chuyện vẫn còn, Người đàn bà choàng khăn cũng theo cấu trúc tương tự.

Đặc điểm dễ thấy nhất của những tác phẩm tổ chức cốt truyện theo lối phi tuyến tính là sự thay đổi điểm nhìn. Gắn với mỗi điểm nhìn là một bối cảnh không gian, thời gian, một trạng huống cụ thể của tâm trạng, hoàn cảnh của nhân vật. Do đó, khi thay đổi điểm nhìn, lập tức sự kiện cung cấp cho người đọc những thông tin mới. Đó có thể là sự thay đổi của môi trường: từ làng Vạn ngoảnh mặt ra sông Nghèn, quay lưng ra cánh đồng mênh mông, đến không gian ở Hà Nội gắn với cảnh sinh hoạt của gia đình Hà trong Người đàn bà choàng khăn. Đó cũng có thể là sự thay đổi của hoàn cảnh cá nhân: từ một người phụ nữ thành đạt trong mắt mọi người (cô Tề ngày về làng) đến một cô Tề trải qua nhiều biến động, dư chấn trong tâm hồn từ thời niên thiếu đến chiến tranh, lãnh dạo Ty lao động (cô Tề trước khi về làng), rồi lúc chết ở

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 57 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w