Vai trò của ngôn ngữ trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 92 - 95)

Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, như màu sắc đối với hội họa, âm thanh đối với âm nhạc, hình khối đối với kiến trúc. Nói cho cùng, văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Những nhà văn lớn đều là những nhà nghệ sĩ của ngôn từ. Trong sự sáng tạo của nhà văn, sự sáng tạo về ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Trong lao động nghệ thuật của nhà văn có một sự lao tâm khổ tứ về ngôn ngữ. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ toàn dân để sáng tác tác phẩm văn học, để sang tạo ra ngôn ngữ văn học. Giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn học có sự khác biệt. Theo Gorki, ngôn ngữ nhân dân là tiếng nói "nguyên liệu", còn ngôn ngữ văn học là tiếng nói đã được những người thợ tinh xảo nhào luyện. Do vậy, khi nói tới ngôn ngữ văn học thì nó nổi lên với những đặc điểm riêng mà không thể trộn lẫn hay hoà vào các dạng ngôn ngữ khác, đó là sự chính xác, tinh luyện; tính hình tượng và tính biểu cảm.

Truyện (hay truyện ngắn nói chung) là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc phạm trù tự sự) nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mỹ và giải trí của con người bằng cách kể chuyện. Chuyện hấp dẫn người đọc bởi cái cõi đời sống vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm với hàng loạt tình tiết, sự kiện, biến cố liên tiếp xảy ra, tạo nên một cảm giác hồi hộp, căng thẳng và bất ngờ cho người đọc. Truyện lôi cuốn người đọc theo dõi diễn biến cuộc đời của

một hay nhiều nhân vật có tính cách và số phận giống mình hoặc ngược lại với mình trong mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh với môi trường xung quanh từ đó hiểu sâu hơn về tính cách và số phận của chúng. Truyện có khi đi vào phản ánh đời sống tâm tư bí ẩn và tế nhị của con người. Trong tác phẩm

Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí Phèo của Nam Cao có khi gây ám ảnh về một số phận, một cuộc đời bi thảm, hay trong Tấn trò đời của Banzăc, Chiến tranh và hoà bình của L.Tônxtôi… có thể tái hiện những bức tranh xã hội rộng lớn trên một chiều dài của lịch sử. Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ như ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật (trong ngôn ngữ nhân vật có lời đối thoại, lời độc thoại nội tâm). Ngôn ngữ của người kể chuyện cũng được sử dụng khá linh hoạt, có khi ở bên ngoài đóng vai trò dẫn dắt tình tiết, hành động, miêu tả sự kiện, biến cố; có khi nhập vào lời nhân vật. Ngôn ngữ truyện và ngôn ngữ đời sống cũng có mối quan hệ gắn bó được vận dụng uyển chuyển tạo nên sức hấp dẫn của sự sống động và chân thực.

Có thể nói với những đặc điểm ưu việt, ngôn ngữ đã thực sự tạo ra những đóng góp có tính chất quyết định cho sự thành công của văn học nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng trên nhiều phương diện, nhiều cấp độ… nhưng rõ nét và tập trung nhất là ở ngôn ngữ trần thuật (ngôn ngữ người kể chuyện). Đây là phương diện bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả. Ngôn ngữ trần thuật có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc, quan điểm của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật mang tính chính xác, cá thể hoá. Mỗi câu, mỗi chữ trong tác phẩm có thể chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách giải thích. Nhưng mỗi từ thì lại phải mang tính chính xác và cá thể hoá. Ngôn ngữ trần thuật còn là ngôn ngữ đa thanh. Bởi lẽ, đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là sự tác động qua lại rất phức tạp giữa tiếng nói tác giả, người kể chuyện và nhân vật, giữa ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ được miêu tả. Ngôn ngữ đa

thanh trong trần thuật nhấn mạnh vào ngôn ngữ của người khác, hướng về một tiếng nói khác; chẳng hạn tiếng nói tác giả hướng về tiếng nói của nhân vật, hoặc tiếng nói nhân vật trong đó có xen lẫn giọng tác giả, hoặc là tiếng nói của nhân vật này xen lẫn giọng của nhân vật khác. Hay nói cách khác, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là phương tiện, chất liệu của hình tượng, vừa là nội dung với ý nghĩa là cá tính, cảm quan tư tưởng của nhà văn.

Có khi ngôn ngữ trần thuật lại được kể ra từ chính lời nói của nhân vật trong chuyện, vì trong sáng tạo văn xuôi các nhà văn luôn có ý thức khai thác tối đa khả năng của ngôn ngữ nhân vật trong việc thể hiện tính cách, tâm trạng, số phận nhân vật. Hơn thế, ngôn ngữ còn là một cơ sở quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách của mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong quá trình cá biệt hoá nhân vật. Hệ thống nhân vật đa dạng cho phép nhà văn sử dụng được tối đa ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ nhân vật và những đoạn bình luận phụ đề tạo nên sự phong phú, đa dạng trong giọng văn. Trong văn học hiện đại, lời - ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có vị trí ưu trội nhất định trong tác phẩm, là phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể trong tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau; độc thoại không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người và người. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm…. Tổng hợp những chức năng đó, thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Theo Bakhtin, “Lời nói của những nhân vật chính trong tác phẩm tự sự - những nhân vật ít nhiều có tính độc lập về mặt tư tưởng, ngôn từ, có nhãn quan của mình - vốn là tiếng nói của người khác bằng

ngôn ngữ khác, đồng thời có thể khúc xạ cả những ý chỉ của tác giả và do đó, đến một mức độ nhất định, có thể được coi là ngôn ngữ thứ hai của tác giả.” [10, tr. 2]. Không thể tuyệt đối hoá việc phân chia trần thuật của tác giả với trần thuật của nhân vật. Bởi lẽ, với cách chuyển điểm nhìn từ phía người trần thuật sang điểm nhìn của nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài khách quan đến điểm nhìn bên trong chủ quan, rất khó phân biệt đâu là chủ thể của trần thuật. Và cũng nhờ di chuyển điểm nhìn mà văn chương khám phá, chiêm nghiệm về cuộc sống và con người một cách đa diện và có chiều sâu hơn.

Ngôn ngữ - với phương thức trần thuật, đã cho thấy vai trò hết sức to lớn trong việc tạo ra những giá trị có tính quyết định đối với văn học nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng. Nó là phương tiện quan trọng, hiệu quả nhất để nhà văn có thể truyền tải những giá trị, tư tưởng, tình cảm..., những nhìn nhận, đánh giá về hiện thực khách quan... đến với công chúng - bạn đọc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Đức Ban (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w