Nhóm nhân vật lí trí bộc lộ trực tiếp nhận thức, quan điểm, suy luận về chiến tranh – cách mạng. Sự nhận thức về lý tưởng sống và lựa chọn hướng đi riêng quyết định số phận của mỗi nhân vật. Có thể khảo sát qua các nhân vật: Zhivago, Pasha, Palyk, Liveri, Ghinso, Pogarevsuk, Misha, Nika, Galiulin, Samdeviatov… Sự soi chiếu giữa các nhân vật thể hiện thông qua những cuộc hội ngộ trực tiếp, trong đó nhân vật Zhivago giữ vai trò là đường dây nối kết.
* Zhivago và Pasha Antipov- Strelnikov
Soi chiếu trực tiếp với Zhivago về lí trí có nhân vật Pasha Antipov. Hai nhân vật quan trọng này vừa có những điểm tương đồng lẫn sự khác biệt. Số phận của hai nhân vật gửi gắm nhiều suy ngẫm của tác giả về cách mạng và cuộc đời. Như một sự ngẫu nhiên, Zhivago và Pasha gặp nhau hai lần trong những hoàn cảnh hết sức oái ăm: khi Zhivago bị bắt lên toa tàu bọc thép của
Strelnikov, khi Pasha trở về tìm gặp vợ con ở Varykino. Hai cuộc gặp gỡ đặc biệt này là cuộc đối thoại trực tiếp của hai tính cách, làm nổi bật lý tưởng mà mỗi người đang theo đuổi cũng như giúp họ nhận ra bi kịch của chính mình.
Hai nhân vật có xuất thân khác nhau nhưng nỗi bất hạnh giống nhau. Nếu Zhivago xuất thân trong một gia đình tư sản, lớn lên trong bầu không khí thân thiện của gia đình quý tộc thì Pasha là con của người công nhân đường sắt Antipov, lớn lên trong tình yêu thương của những người lao động cần mẫn nhân hậu. Tuổi thơ của Yuri không mấy hạnh phúc vì mẹ con cậu bị cha bỏ rơi, mẹ lại đau yếu phải thường xuyên chữa bệnh. Ngay từ nhỏ, Yuri đã quen với sự vắng mặt của cha, không mấy thắc mắc về điều đó, cậu cũng quen với những bàn tay xa lạ thay nhau ẵm bồng. Cũng như Zhivago, Pasha từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương, cha bị đày tù khổ sai do tham gia cuộc biểu tình của công nhân đường sắt, mẹ bệnh nặng, Pasha đến sống với gia đình Galiulin. Pasha học hết trung học, yêu Lara, hai người kết hôn và đến vùng Yuaratin làm giáo viên trung học. Lara rất thích hợp với phong tục của vùng đất xa xôi này. Nàng thích sống với ruộng đất, làm lụng không ngơi tay cùng với những người dân chất phác. Trái lại, Pasha là con thợ hỏa xa Moskva gắn bó với cuộc sống thành thị. Thái độ của chàng đối với người dân Yuaratin nghiêm khắc, chàng khó chịu trước sự thô thiển và dốt nát của họ. Pasha có kiến thức sâu rộng, am hiểu về toán học, vật lý và các khoa học chính xác bằng con đường tự học. Vì thế chàng thấy mình cao hơn các bạn đồng nghiệp, nặng nề khó thở khi bên họ. Căn bệnh tự kiêu, coi mình là trung tâm vũ trụ đã bùng phát trong chàng.
Trái lại, Zhivago lại có tình yêu thương bao la với mọi người bởi thiên chức bác sĩ mà chàng đã chọn. Ngay từ nhỏ Yuri tỏ ra là một câu bé thông minh, tư duy sắc sảo: “Trong tâm trí Yuri, mọi thứ đều xê dịch, lẫn lộn và vô cùng độc đáo, từ các quan điểm, thói quen đến các năng khiếu bẩm sinh.
Chàng có tính mẫn cảm lạ lùng và lối cảm thụ, tri giác hết sức mới mẻ” [46, tr.105]. Đó là một tính cách độc đáo và có tầm trí tuệ cao. Tình yêu với người mẹ bạc phận đã nuôi dưỡng trong cậu một trái tim biết yêu thương bao la không chỉ cho con người mà cả thiên nhiên tạo vật. Lòng nhân ái đã mách bảo Zhivago chọn nghề y. Hơn nữa, việc chọn nghề nghiệp của chàng còn có sự soi sáng của lí trí. Yuri cho rằng “nghệ thuật không phải là một nghề, giống như tính vui vẻ bẩm sinh hoặc chất đa sầu đa cảm không thể tạo nên nghề nghiệp” [46, tr.106]. Chàng chọn nghề y gắn với lý tưởng phục vụ xã hội. Zhivago trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người, góp phần nhỏ vào việc cải thiện cuộc sống còn đầy rẫy những đau thương, mất mát. Đó là sự sáng suốt của lí trí và sự kì diệu của lòng nhân ái trong trái tim đầy nhiệt huyết của chàng trai trẻ tuổi. Bản lĩnh nghề nghiệp của Zhivago đã được thể hiện ngay từ những năm còn là sinh viên y khoa năm thứ nhất khi say mê giải phẫu trên những xác chết vô danh, viết luận văn về hệ thống thần kinh võng mạc, chẩn bệnh cho bà Anna. Zhivago chuẩn đoán bệnh rất chính xác, như một điều tất yếu, chàng trở thành bác sĩ giỏi, và cũng là duyên cớ đưa chàng đến với chiến tranh. Sự tận tụy với nghề không giảm sút trong những năm tháng đó. Chàng cố làm quen với cuộc sống mới nơi chiến trường gắn bó với cuộc sống ấy bằng một tâm hồn đồng điệu. Ở chiến trường, chàng làm công tác cứu trợ cho các thương binh, cứu chữa cho những người bệnh chàng gặp ngoài đường và ngay cả khi chữa bệnh chỉ là một đôi bít tất hay một chai rượu, chàng cũng quyết lặn lội đường xa, rét mướt để cứu người. Dù thuộc quân đoàn du kích nhưng Zhivago vẫn chữa trị cho một anh lính của quân Bạch vệ. Tấm lòng nhân ái của vị bác sĩ không bị giới hạn bởi những rào cản chính trị. Trong trái tim dào dạt tình yêu ấy, mạng sống của con người là vô cùng quý giá. Có thể thấy mục đích sống và quan niệm sống của Zhivago là hết sức rõ ràng (hành
động theo lí trí, theo tiếng gọi của tình thương), không đánh mất mình, luôn giữ vững lập trường quan điểm.
Còn Pasha thì hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống thay đổi cũng khiến chàng biến đổi theo. Ngay từ nhỏ, Pasha luôn vươn tới những điều cao cả và trong sáng nhất. Anh coi cuộc sống là tranh đấu - “nơi mọi người tuân theo thể lệ một cách trung thực, đua tranh với nhau để đạt tới sự hoàn thiện” [46, tr.393]. Nhưng thật trớ trêu, thế giới của Pasha là vùng ngoại ô - thế giới của đường ray xe lửa và xóm thợ - với rác rưởi, chật chội, nghèo đói, nhân cách của người lao động bị lăng mạ, người phụ nữ bị khinh khi rẻ rúng, người giàu sa đọa, quyền thống trị thuộc về những kẻ lười biếng. Tất cả phơi bày sự nghèo nàn, tủi cực lẫn nỗi bất bình về trật tự xã hội. Pasha nhận ra sự phức tạp của cuộc đời, phần đông xã hội là giả dối và hèn nhát, anh chôn sâu mối hận trong lòng – mối hận với cuộc đời và nuôi ý tưởng “sẽ có ngày trở thành vị quan tòa phán xét giữa cuộc sống và những thế lực đen tối làm hoen ố nó, sẽ bảo vệ cuộc sống và trả thù cho nó” [46, tr.393]. Chính vì thế Pasha ra trận: “chấp nhận cuộc đời như một cuộc hành quân”, “dời non lấp biển”, chịu hy sinh cực khổ vì lợi ích tổ quốc, vì những người thân yêu và cả tư tưởng thiết lập trật tự mới mà anh đã nung nấu. Tư tưởng của Pasha rất gần với tư tưởng của Raskolnicov trong “Tội ác và trừng phạt” và nhìn chung giống với lý tưởng vì mọi người của Zhivago.
Lý tưởng của Zhivago được soi sáng bởi khối óc và con tim. Đặc biệt quan điểm của Zhivago về chiến tranh - cách mạng được bộc lộ rõ nét một cách có hệ thống.
Vốn là người tinh tế và mẫn cảm, “một người dường như thấm đượm toàn bộ thiên nhiên xung quanh” (Likhachov), các sự kiện của cách mạng tháng Mười thấm vào Zhivago như thiên nhiên tự thấm vào chàng. Cái nhìn của Zhivago về lịch sử thống nhất với cái nhìn về cuộc sống. Trong quan
niệm của chàng, lịch sử giống như đời sống của thế giới thảo mộc. Lịch sử không có nguyên nhân.
Trước hết, chiến tranh đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc, cách mạng là tất yếu xảy ra, đem đến sự phóng khoáng tự do như người dân Nga đã mong đợi từ lâu. Vì thế con người mong chờ cách mạng như chờ đợi sự đổi thay để cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Zhivago cho rằng cách mạng phá tan hoàn toàn trật tự cũ, đó là “cuộc giải phẫu tuyệt vời… xẻo biến cái ung nhọt thối tha lâu ngày… khai tử luôn cái sự bất công bao thế kỷ nay vẫn quen được người ta qụy lụy vâng dạ” [46, tr.305].
Cách mạng đã đem đến cho nước Nga mặt vinh quang và phép thần kỳ lịch sử:
Cách mạng đã bùng ra ngoài ý muốn, như một tiếng thở dài bị kìm giữ từ lâu. Mỗi người đều sống lại, đã hồi sinh, tất cả mọi người đều biến đổi, đảo lộn. Có thể nói rằng mỗi người đều trải qua hai cuộc cách mạng, một của riêng mình, một của tất cả mọi người… chủ nghĩa xã hội là một biển độc đáo [46, tr.230].
Nhận ra ý nghĩa tích cực và không cưỡng lại được của cách mạng, người trí thức trẻ tuổi Zhivago và cả Pasha đều muốn cống hiến bản thân mình cho đất nước: “Lúc này ta tha thiết được sống một cách trung thực và có tác dụng! Được dự phần vào niềm hứng khởi của toàn dân” [46, tr.230]. Khát vọng sống có tác dụng của Zhivago được thể hiện trong suốt ba năm phục vụ cách mạng và khi chàng trở về, tiếp tục theo đuổi mục đích cuộc sống của mình.
Nhưng chiến tranh - cách mạng không chỉ được nhìn ở mặt tích cực – hào nhoáng bên ngoài của nó, mà còn có cả những khuyết dị đã bị che giấu đi. Chính trong ba năm ngoài chiến trường, Zhivago đã trải nghiệm sâu sắc về điều này. Bên cạnh những điều hứa hẹn tốt đẹp, điều nhức nhói của vị bác sĩ
là những cuộc bắn giết, chết chóc, những sự tàn phá – tất cả là một khối trống rỗng hoàn toàn thù địch với tính thiện và lòng nhân. Trên đường trở về, bao nhiêu tư tưởng chen chúc, lộn xộn trong tâm trí Zhivago nhưng có thể sắp xếp theo hai vòng suy tưởng. Vòng thứ nhất là các ý nghĩ của chàng về Tonya, gia đình với chất thơ, tình cảm tha thiết, sự trong sáng, Zhivago lo lắng mong nó còn nguyên vẹn và nóng lòng trở lại. Đó còn là lòng trung thành và sự thán phục cách mạng, tiếp sau đó là những dấu hiệu của cái mới cho tư tưởng, nghệ thuật, vận mệnh của dân tộc Nga và số phận của chàng. Chàng khát khao sống trong bầu không khí yên bình. Vòng thứ hai cũng là cái mới nhưng lại hoàn toàn khác trước, ngẫu nhiên, không thể xóa bỏ, do thực tại định trước và đột ngột như một cơn chấn động. Đó là chiến tranh, với máu lửa, những nỗi kinh hoàng, cảnh bơ vơ và sự man rợ của nó. Cuộc cách mạng nảy sinh từ chiến tranh đẫm máu của binh lính, bất chấp mọi thứ. Đó là những nơi mà chiến tranh đưa đẩy chàng đến và cả những con người mà chàng đã gặp, trong đó có Lara cùng nỗ lực để khỏi yêu nàng như sự cố gắng yêu thương mọi người. Hai vòng suy nghĩ của Zhivago đã hé mở những trăn trở trong lòng chàng về tính hai mặt của cách mạng, bởi sự khởi đầu này xuất phát từ “khối đậm đặc của cuộc sống”, từ chiến tranh đẫm máu, và liệu rằng những mất mát đau thương sẽ kết thúc. Điều nguy hiểm có sức tàn phá ghê gớm của chiến tranh là cuộc sống chấm dứt, mọi cái riêng tư đều chấm dứt, chỉ còn cảnh giết hại và chết chóc. Số phận con người như con sâu cái kiến trước gánh nặng bạo lực. Chiến tranh tàn phá nhân tính, hủy hoại cả thể xác lẫn tâm hồn con người. Thế nên, kết thúc chiến tranh, Zhivago trở về trong sự thất vọng và cô đơn, ý thức về sự bất lực của mình trong tương lai bởi chàng khao khát điều thiện và hạnh phúc. Cuộc sống sau đó là khập khiễng, chàng như cảm nhận rõ bản than và cả giới của mình sắp bị diệt vong – đây là những ngày cuối cùng dành cho họ. Zhivago ví số phận của mình như ngọn cỏ trước cái bánh xe
khổng lồ của tương lai, cố đương đầu với tình thế bất hạnh, sẵn sàng hiến thân làm vật hy sinh để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, song lại không thể làm gì cả. Đây không chỉ là sự bất lực của chàng, giới trí thức mà là của đất nước Nga trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Mười, khi cuộc sống cũ và trật tự mới chưa trùng khít nhau, tiếp đó lại bị hoang tàn hơn bởi nội chiến. Trong cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn này”, Zhivago còn chứng kiến những cảnh còn tàn khốc hơn. Vì vậy lịch sử qua cái nhìn của chàng như “một tiền định vô nhân đạo”.
Sự vô nghĩa của chiến tranh không phải đến Pasternak mới được thể hiện. Từ Chiến tranh và hòa bình, Lev Tolstoy đã thể hiện điều đó qua hình bóng của Andrei Bonconsky, và không xa lắm với Zhivago là hình ảnh Grigori trong tác phẩm Sông Đông êm đềm của Solokhov. Bản chất hình tượng nhân vật trung tâm của Solokhov đã gây nhiều tranh cãi trong văn học. Đây là hình tượng nhân vật phức tạp không kém so với Zhivago. Bi kịch của Grigori có những điểm gần gũi với Zhivago. Grigori vừa là nhân vật tư tưởng tìm kiếm chân lí, vừa là nhân vật tính cách. Cuộc đời của Grigori gắn chặt với lịch sử vận động của tộc người Kozak. Bi kịch của Grigori xuất phát từ việc chàng phải trăn trở lựa chọn những con đường khác nhau. Cuộc đời của Grigori cũng chênh vênh giữa hai người phụ nữ mà chàng đều yêu và có trách nhiệm. Đó là sự dao động giữa một bên là quan niệm truyền thống và quan niệm mới về tình yêu tự do. Với tư cách là một công dân, sự lựa chọn của Grigori còn chật vật, đau đớn và sai lầm nhiều hơn. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chàng là một chàng thanh niên sống tự do, không quan tâm đến xã hội, thực hiện nghĩa vụ tráng binh Kozak một cách đương nhiên. Bên cạnh ý thức công dân Kozak, lòng trung thành và tính trách nhiệm trong Grigori dần rạn vỡ. Điều đó được đẩy cao hơn trước nỗi ghê tởm vì người lính Áo bị giết, Grigori bất bình đối với sự hách dịch của bọn sĩ quan và những hành vi
bẩn thỉu của lính Kozak. Từ đó, người trung nông Grigori đã bộc lộ thái độ không chấp nhận cuộc chiến tranh vì sự phi nghĩa của nó. Tìm kiếm con đường đúng nhất là một quá trình chật vật, gập ghềnh đối với Grigori bởi nhiều quan hệ chồng chéo, tốt xấu lẫn lộn từ cuộc sống. Grigori chọn lựa dựa trên những gì tốt đẹp thu nhận từ ông cha, gia đình, bạn bè, đồng thời phải vượt qua những định kiến tồn tại từ bao đời của người dân Kozak. Con đường tự nhận thức của Grigori phản ánh con đường chung của nhân dân Kozak trong giai đoạn lịch sử quan trọng của nước Nga.
Nếu như bi kịch của Grigori là sự dao động, đi chệch khỏi con đường cách mạng đã chọn thì bi kịch của Zhivago không dừng lại đó. Zhivago nhận thức sâu sắc về lịch sử, trong hành trình trôi dạt của mình, Zhivago luôn luôn đối thoại cùng những tư tưởng khác về chiến tranh cách mạng. Điều đó không làm chàng chệch hướng mà giúp sáng rõ hơn lẽ sống mà chàng đã chọn. Từ nhận thức sâu sắc về lịch sử, người đọc dễ dàng nhận thấy thái độ trung lập kiên định của Zhivago, thể hiện rõ nhất trong nội chiến cách mạng. Thái độ này là do nghề nghiệp của chàng quy định, trên phương diện hình thức như tinh thần của công ước quốc tế, các bác sĩ quân y và nhân viên các đơn vị cứu thương không được quyền võ trang và tham chiến. Bác sĩ Zhivago một lần đã buộc phải vi phạm quy chế ấy trong một trận đánh nhỏ giữa đồng, phải chia sẻ số phận với các chiến hữu và phải bắn để tự vệ. Chàng không thuộc về bên nào “cái bên đang cầm chân chàng” và những thanh niên “gần gũi về tinh thần với chàng, có cùng nề nếp giáo dục, luân lý, quan niệm như chàng” [46, tr.522]. Nhưng đôi lúc con người phải phục tùng những quy luật của tấm thảm