Không gian địa lí

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 62 - 70)

Không gian địa lí là không gian tồn tại thực, có ý nghĩa xác định tính cụ thể lịch sử của tác phẩm. Ý thức về không gian của Pasternak hết sức rõ ràng, gắn với những địa điểm cụ thể như Moskva, Yuaratin, Meliudev, Urals… bao gồm không gian sinh hoạt ở thành thị, nông thôn, mở rộng đến không gian rộng lớn của núi rừng, rồi vô định trên những không gian trôi dạt. Đặc biệt, có sự chuyển đổi linh hoạt giữa các hình thức không gian theo cuộc đời trôi dạt của nhân vật. Từ Moskva vàng son trở nên điêu tàn trong chiến tranh, đến không gian rộng lớn hơn của những cánh đồng trải rộng, trang trại mênh mông, vùng Urals xa xôi. Sự thay đổi các khoảng không gian tác động nhất định đến tâm lí các nhân vật.

Bối cảnh tác phẩm gắn liền với không gian Moskva: không gian của quý tộc thượng lưu, biểu tượng vàng son của đế chế Nga ở những ngày cuối cùng. Không gian Moskva là tâm điểm chính, nơi đến và đi của nhiều nhân vật chính, chứng kiến biết bao sự đổi thay của cuộc đời, lịch sử. Moskva “không chỉ là nơi xảy ra các sự kiện, còn là nhân vật chính của một thiên truyện dài” [46, tr.803]. Bởi lẽ một mặt nó là nhân chứng cho cuộc đời của các nhân vật, nhất là nhân vật trung tâm, mặt khác nó được xây dựng như một

sinh thể có hồn với số phận riêng, chìm nổi thăng trầm giữa những bão tố lịch sử. Petersburg cũng được tác giả nhắc đến nhưng chỉ là sự khúc xạ qua Moskva.

Hình ảnh Moskva biến đổi thăng trầm qua nhiều thời điểm khác nhau. Trước cách mạng, Moskva còn bình yên, là không gian sinh hoạt của giới thượng lưu. Trong những tác phẩm của mình khi viết về Moskva hay Petersburg, Tolstoy thường tạo nên các không gian đặc trưng như những phòng khách phù phiếm, cảnh trường đua náo nhiệt, nhà hát sặc sỡ, chốn câu lạc bộ ồn ào. Nối tiếp bậc tiền bối đi trước, Pasternak cũng coi trọng miêu tả những ngôi nhà, phòng khách, nhưng ít chú ý đến những không gian tiêu khiển, nếu có chỉ minh họa cho đoạn đời hay bi kịch của nhân vật, ngoài ra ông không miêu tả kỹ (như rạp hát nơi Lara đến cùng Komarovsky để chịu đựng nỗi nhục nhã).

Tập hợp nhà cửa - đường phố tạo thành không gian đô thị rất đặc trưng trong tác phẩm của Pasternak. Hình ảnh ngôi nhà để lại ấn tượng nhiều nhất trong không gian đô thị. Những ngôi nhà thường được xác định với một địa điểm cụ thể, chính xác, gắn liền với tên những con đường. Khách sạn Checnogori nằm trên đường Orugiaynui, khu nhà của nhân viên nhà ga ở gần góc phố Tve, nhà Komarovsky gần phố Petrovka và trục đường Petorov chỉ vài bước chân, phòng trọ của Pasha và sau này của Zhivago ở phố Camecghe, đối diện tòa nhà có tượng ở phố Đại Thương Gia là căn phòng của mẹ con Lara mà Zhivago không thể nào quên được. Việc xác lập tọa độ chính xác thể hiện sự gắn bó sâu sắc của nhân vật với từng con đường, góc phố ở thành phố. Nhiều khi không cần bước ra phố, nhân vật vẫn xác định rõ giờ này trên những con đường, cảnh vật và cuộc sống diễn ra như thế nào (trang 46 - cảm nhận về cuộc sống đang diễn ra của Lara dù cô đang nằm trong phòng).

Nhìn chung những ngôi nhà quý tộc thường rộng, nhiều phòng, có sân rộng và vườn cây râm mát. Trong tác phẩm hầu hết các căn nhà gắn liền với cửa sổ cứ như một người lạ vào nhà, cái người ta tìm đầu tiên là cửa sổ, không chấp nhận sự tù túng. Ngôi nhà hai tầng của giáo sư Gromeko được miêu tả khá kỹ: “tầng trên có phòng ngủ, phòng học, phòng làm việc của giáo sư Alexandr và thư viện… tầng dưới tiếp khách… ấn tượng như một đáy biển xanh xanh với những luồng nước chập chờn”[46, tr.90]. Tại nơi đây giáo sư hay mời các bạn hữu đến tham dự các dạ hội âm nhạc thính phòng, trình diễn piano. Ngôi nhà ấy cùng với những con người hiền hòa của gia đình giáo sư Gromeko tạo nên “bầu không khí thuận lợi đáng thèm muốn” đối với Zhivago.

Moskva hoa lệ thêm những nét mới của chiến tranh: tập dượt của đoàn kỵ binh trong doanh trại, các cuộc chống đối biểu tình ở trung tâm hỏa xa Moskva. Điều này ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống con người cả tầng lớp quý tộc lẫn bình dân. Cuộc sống rộn ràng, nhộn nhịp của tầng lớp thượng lưu vẫn duy trì với những cuộc viếng thăm, tiệc tùng vui chơi, ăn uống, khiêu vũ, đánh bài, với “những gian hàng bày bán các cỗ xe lớn trên sàn gỗ lau chùi sạch sẽ, những cây đèn lắp kính mài treo trên xe ngựa, những con gấu nhồi rơm, sinh hoạt của nhà giàu…” [46, tr.46]. Bên cạnh đó, sự sung túc cũng suy giảm dần ngay trong đời sống thượng lưu, thể hiện rõ qua những không gian sống ngột ngạt, mất ngăn nắp. Phòng làm việc của cha Nikolai “có bốn cửa sổ nhưng vẫn không đủ ánh sáng. Bên trong ngổn ngang những sách vở, giấy má, các tấm thảm và các bức chạm…” [46, tr.66]. Khó có thể chấp nhận đây là một căn phòng của gia đình Sventitski, thuê của công tước Dolgoruki. Nơi đây diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ của cha Nikolai với các triết gia khác, bày tỏ quan điểm về văn học, triết học, lịch sử.

Hình ảnh Moskva bình dị hơn trong không gian sống của tầng lớp bình dân với những căn nhà nhỏ, lộn xộn đủ kiểu, bố trí nghiêng nghiêng, những hàng giậu xiêu vẹo. Đối lập với những căn nhà rộng thênh thang của giới quý tộc là khu nhà bẩn thỉu của công nhân đường sắt, là những khu phố mờ ám đe đọa nhân cách con người. Khu nhà của công nhân tuyến đường xe lửa Moskva - Bretsco, nơi Tiverzin, Pasha, Galiulin sống phơi bày rõ cuộc sống nghèo khổ và sự bất công: “khu nhà xây bằng đá, có hành lang bằng gỗ, bao quanh một sân đất nện bẩn thỉu. Từ hành lang có các cầu thang gỗ nhớp nhúa và trơn trợt đi lên. Khu vực cầu thang toàn mùi cứt mèo và mùi dưa bắp cải” [46, tr.57]. Còn những khu phố mờ ám là nơi định cư tạm thời của những người dân tỉnh lẻ chuyển lên Moskva. Đó là “khu vực gớm ghiếc nhất Moskva, với đám phu xe và các căn nhà lụp xụp, với những dãy phố đầy rẫy các ổ gái điếm” [46, tr.40]. Khách sạn Checnogori nằm trong khu vực này, thời gian đầu mẹ con Lara ở đây với những gian buồng bẩn thỉu, đầy rận rệp, đồ đạc sơ sài. Rác rưởi, chật chội, nghèo đói, nhân cách người lao động bị lăng mạ, người phụ nữ bị khinh khi rẻ rúng. Cũng chính từ nơi đây, Lara sa vào lầm lạc đầu đời.

Sự đối lập giữa hai không gian này ở Moskva như biểu thị hai thế giới đối lập nhau: rộng rãi, thừa thãi và ngột ngạt tù túng bóp chết những ước mơ. Cuộc sống khá giả của giới quý tộc nhiều cái thừa, có một cái gì đó không lành mạnh: “trong nhà thì thừa đồ đạc, thừa phòng ở; trong tình cảm thì thừa sự tế nhị, thừa nhiều cách diễn tả vòng vo” [46, tr.264]. Cuộc sống của những người lao động nghèo thì quá thiếu thốn và biết bao tai họa đang đe dọa rình rập. Đó là hiện thực nước Nga đầu thế kỷ, như dự báo sự bùng nổ của một cái gì ghê gớm, phá tan những rào cản cũ, thiết lập một trật tự mới.

Thời kỳ cách mạng và sau nội chiến, Moskva bị tàn phá như “một đống rác”. Thành phố hoang tàn, những con đường nhộn nhịp trở nên thưa vắng;

bóng người lang thang vất vưởng; quảng trường thành phố vắng ngắt, điên rồ. Khách sạn như nhà thương điên, đồ đạc lung tung bừa bãi. Bệnh viện bẩn thỉu như là hố rác, bệnh dịch lan tràn. Chợ họp vì thói quen, sạp hàng rỗng tuếch, bẩn thỉu, rác rưởi. Những ngôi nhà bị cắt xén, nhà của Tonya nhường tầng dưới cho Học viện Nông nghiệp. Đèn đường tù mù, giao thông đường phố ngừng trệ vì bắn nhau. Thành phố lạ đi trong cảm nhận của hầu hết những con người gắn bó với nó. Thành phố như nơi rừng rú, người ta đi đào giun, đào nấm, toàn mùi lá mục, mùi nấm mốc. Con người thấy mình như một người khác lạ ở Moskva, một người tha phương trên quê hương mình.

Cuộc sống ở Moskva tối tăm, đói khát, người dân đô thị bất lực, cố vùng vẫy vượt qua nghịch cảnh. Một thời gian dài, món ăn thường xuyên của phần đông dân chúng là cháo kê và súp đầu cá trích. Vì thế trong bữa tiệc họp mặt mừng Zhivago trở về, món ăn vịt – tặng phẩm của anh chàng câm điếc - trở thành xa xỉ phẩm và vô vị bởi nó lạc lõng giữa mùa đói kém. Còn bên ngoài là “thành phố Moskva im lìm, tối tăm và đói khát. Các cửa hàng đều trống trơn, còn về những món vịt quay và rượu vốtca, thì chẳng ai dám nghĩ tới” [46, tr.273]. Lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của con người trở nên thấm thía: “hóa ra chỉ có cuộc sống giống như cuộc sống của những người xung quanh và chìm lẫn không chút dấu vết giữa nó mới là cuộc sống chân chính; hạnh phúc bị biệt lập không phải là hạnh phúc” [46, tr.274]. Gia đình Zhivago cũng như người dân rơi vào cảnh thiếu thốn, sắp chết đói. Việc họ rời bỏ thành phố là cần thiết để có thể tồn tại.

Hình ảnh Moskva sau nội chiến, bước vào thời kỳ đầu chính sách kinh tế mới tiếp tục được ghi lại trong những bài viết của Zhivago.

Năm 1922, khi tôi về đến Moskva, tôi thấy thành phố trống trải và tàn phá đến một nửa. Khi vượt qua các thử thách một hai năm đầu cách

mạng nó như thế nào, thì bây giờ nó vẫn vậy. Dân cư thưa thớt hơn. Nhà mới không được xây dựng, nhà cũ không được tu bổ [46, tr. 759].

Moskva có hồi sinh nhưng cuộc sống vẫn còn tạm bợ. Người ta cho phép buôn bán tự do để thúc đẩy cuộc sống, tuy nhiên thành thị vẫn kiệt quệ. Chỗ ở thiếu tiện nghi theo nhiều cách khác nhau. Những dãy nhà về mùa đông đều bị nứt ống dẫn nước và ống lò sưởi. Sinh hoạt thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Các thứ bếp lò tạm bợ, người dân không được tắm rửa, đầy mụn nhọt, rét run vì lạnh. Con người sống trong những ngôi nhà, căn phòng chật hẹp, chắp vá. Phòng ở của Misha là một trong ba phòng của một cửa tiệm may với bậu cửa sổ sát xuống mặt sàn gỗ. Từ ngoài đường nhìn vào có thể thấy cẳng chân của những người có mặt trong phòng. Căn phòng Zhivago ở ở một góc khu nhà cũ của gia đình Sventitski có một buồng tắm cũ không ai dùng, một cửa sổ sát buồng tắm, “một cái bếp xiêu vẹo nối liền với cái cửa hậu đã bị đổ đến lưng chừng” [46, tr.740].

Mặc dù trong tình trạng đó, Moskva vẫn là thành phố hiện đại rộng lớn. Những ngày cuối đời, Zhivago sống ở căn phòng cạnh nhà hát Nghệ thuật. Căn phòng ở ngã tư đông đúc của thành phố, ồn ào nhộn nhịp suốt ngày đêm. Cuộc sống sôi động réo gọi Zhivago, con người phải “nhập cuộc”, không thể để cuộc sống trôi đi. Pasternak đặc biệt chú ý gây ấn tượng về những phòng làm việc của nhân vật trung tâm – “phòng tiệc lớn của tinh thần”, “cái kho chứa các khám phá” và sự hồi sinh cho tâm hồn. Chính trong không gian nhỏ bé này, Zhivago đã tìm lại ý nghĩa của cuộc sống: tiếp tục hăng say sáng tác thơ, và quyết định trở lại nghề bác sĩ.

Không gian Moskva có ý nghĩa quan trọng trong tác phẩm, đó là không gian sinh tồn của mọi tầng lớp Nga. Moskva gắn với giới quý tộc Nga suy tàn và tầng lớp trí thức phải chịu nhiều thăng trầm trong bão táp lịch sử. Một cách chân thực, tác phẩm tái hiện Moskva ở từng thời điểm khác nhau với cuộc đời

của nhân vật trung tâm, Moskva chính là “nhân vật chính của thiên truyện dài” [46, tr.803].

Bên cạnh không gian đặc trưng của giới quý tộc đang suy tàn là hình ảnh sân ga, đường sắt, con tàu tượng trưng cho nước Nga tư sản mới đang hình thành. Hình ảnh sân ga, con tàu gắn liền với sự nổi dậy của công nhân, gắn liền cùng sự trôi dạt của các nhân vật. Không gian sân ga thường xuất hiện cùng với những chuyến đi, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc đời các nhân vật. Sân ga thường được khắc họa vào những ngày tuyết phủ dày, đông đúc với hàng đoàn người dằng dặc chen chúc nhau trên các toa tàu. Người lên tàu thuộc nhiều giai tầng khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích: ra đi để tìm kiếm nơi sinh tồn. Bức tranh sân ga đầy bát nháo, chen chúc như thể hiện rõ những bất ổn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Nga.

Hình ảnh con tàu xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm gắn liền với nhiều cuộc hành trình: sự trở về của Zhivago sau ba năm ngoài mặt trận, chuyến đi đến Varykino của gia đình Zhivago… Đặc biệt, chuyến tàu “dài hai mươi ba toa” trong hành trình của gia đình Zhivago là một cảnh tượng đầy màu sắc như hình ảnh nước Nga thu nhỏ. Các toa tàu chật hẹp gồm đủ mọi lứa tuổi, giai cấp và nghề nghiệp khác nhau. Các toa đầu cho binh lính, các toa giữa cho dân chúng và các toa cuối gồm những người bị cưỡng bức lao động. Tâm trạng của họ cũng hoàn toàn khác nhau. Nhóm người giàu có, ăn mặc chỉnh tề cười ầm ĩ bên bếp lò đỏ rực, chẳng chút buồn phiền vì đã lo liệu xong cho tương lai. Những người bình dân chẳng buồn nói chuyện, cau có nhìn cảnh vật bên ngoài bởi lẽ họ chẳng có gì để hy vọng. Con tàu được tác giả miêu tả như một sinh thể có hồn, chuyên chở những nỗi niềm, số phận của con người. Đồng thời, nó cũng nỗ lực vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên: “Nó vừa bò lên rừng cây vừa thở hồng hộc, bò lết mình chậm rãi như một ông lão gác rừng dẫn đường cho một đoàn lữ

khách…” [46, tr.364]. Có lúc giữa sương mù và sự vắng lặng, đoàn tàu rơi vào trạng thái phi tồn tại “như bị bỏ rơi, bị người ta quên bẵng đi”. Không gian tù túng ngột ngạt trong những toa tàu “như chuồng bò” không chỉ hé mở những số phận nổi trôi của con người trong biến động lịch sử, mà còn mở ra khoảng không gian mênh mông của tuyết trắng, của những cánh rừng taiga bạt ngàn và làng xóm tiêu điều, hiu quạnh. Biết bao điều kì diệu và lạ lẫm trên những chuyến hành trình dọc theo đường tàu. Số phận con người trên những hành trình ấy cũng thật mong manh, vô định.

Bên cạnh không gian đô thị đặc trưng, không gian trong tác phẩm được mở rộng ra mênh mông: những cánh đồng và thảo nguyên, những đô thị và làng mạc, những cánh rừng taiga bạt ngàn, đặc biệt là không gian làng quê. Trên đường cùng ông cậu đến Dulianka, cậu bé Yuri ngạc nhiên trước vẻ đẹp của các cánh đồng bị các dải rừng vây bọc; các trang trại mênh mông với dòng sông lấp lánh. Cảnh bao la, yên tĩnh, ngát hương của chốn làng quê đem đến cảm giác thoải mái, dễ chịu, con người như thoát khỏi những áp lực của cuộc sống đô thị. Đó là thế giới tươi sáng tốt đẹp thấm đượm tình yêu thương hòa hợp và tràn đầy ý nghĩa.

Thế nhưng cùng với chiến tranh – cách mạng, nước Nga lại hiện lên trong đau thương. Hậu quả của chiến tranh và nội chiến là các xóm làng bị tàn phá, “làng xóm hóa thành những đống rác và gạch vụn xếp thành dãy dài thay thế những ngôi nhà thuở nào” [46, tr.178]. Làng xóm hoang vắng, ruộng đồng bị bỏ hoang, không một bóng cây như một “hoang mạc”. Rừng bị tàn phá bởi đại bác. Tuy nhiên dưới lăng kính của tác giả, rừng cây thể hiện sức sống bền bỉ, kỳ diệu. Vượt qua mọi trở ngại của hoàn cảnh, rừng cây vẫn hồi sinh, nỗ lực tìm lấy sự sống. Đó cũng là sức sống mãnh liệt của đất nước Nga.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 62 - 70)