Không gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 70 - 76)

Ngoài không gian thực tại mà nhân vật hoạt động, B.Pasternak còn khắc họa kiểu không gian tâm trạng đặc sắc. Không gian này rất đa chiều, phong phú, phụ thuộc vào sự vận động của ý nghĩ, tình cảm của nhân vật. Không gian thấm đẫm ý thức của nhân vật. Đây là hình thức không gian đặc sắc, góp phần thể hiện thế giới tinh thần phong phú của con người.

Để biểu đạt tâm lí nhân vật, Pasternak đặc biệt chú ý xây dựng không gian “ngưỡng”. Loại không gian đặc biệt như một cách khám phá tâm lí của nhân vật ở trạng thái động, với những biến đổi tinh tế, những cung bậc tâm trạng trái ngược nhau, cả những mâu thuẫn giằng xé. Cầu thang, cửa sổ, con đường- ngã ba, ngã tư, con tàu, căn phòng, trong xe ngựa… có thể xem thuộc loại không gian này.

* Không gian cửa sổ

Hình ảnh cửa sổ xuất hiện đậm đặc trong tác phẩm, mang nhiều giá trị thẩm mỹ. Cửa sổ xuất hiện trong kiến trúc nhà cửa, là điểm chú ý đặc biệt ở hầu hết các ngôi nhà trong tác phẩm. Cửa sổ xuất hiện đa dạng trong toa tàu, trong phòng, trong nhà… Ngoài tính chất tạo hình trong kiến trúc, không gian cửa sổ thể hiện tinh tế tâm lí nhân vật. Các nhân vật của Pasternak luôn có nhu cầu hướng về phía cửa sổ, về phía có ánh sáng. Dù vui hay buồn, sung sướng hay hạnh phúc, họ đều tìm thấy trong không gian nhỏ bé này sự thụ cảm chân thành. Cửa sổ mở ra, tràn ngập “khoảng trời xanh biếc, sáng sủa, bao la như dòng sông mùa nước lớn” gợi biết bao hi vọng mơ ước, gắn con

người với thế giới rộng lớn. Bên ngoài cửa sổ là thiên nhiên Nga tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Dù chỉ giao tiếp với thế giới qua một khoảng không vuông hẹp, cửa sổ trong tác phẩm của Pasternak không chỉ soi chiếu vẻ đẹp lung linh của thế giới bên ngoài, mà còn thấu suốt chiều sâu thế giới tinh thần nhân vật. Đó là thứ không gian ngưỡng, vừa thu nhận nhìn ngắm vạn vật xung quanh, đồng thời là tấm gương soi rõ tâm hồn con người.

Với những căn phòng chật chội, cửa sổlà khoảng trống duy nhất để nhìn ra thế giới, là nơi đón nhận và lưu giữ cuộc sống. Ấn tượng rõ nhất là sự đón nhận về ánh sáng, âm thanh, mùi hương… Ánh sáng mang sức sống tràn ngập căn phòng, nhà cửa; những âm thanh đời thường vang đến qua cửa sổ tạo nên nhịp sống rộn ràng, khuấy động không gian; vô vàn những mùi hương bay vào đánh thức tình yêu của con người với cuộc sống.

Những ngày chủ nhật, lúc còn là nữ sinh trung học, Lara hay nằm trên giường nghe vọng lại từ phía cửa sổ những âm thanh quen thuộc của cuộc sống: tiếng xe ngựa lộp cộp trên con đường rải đá rồi thành tiếng bánh xe trượt êm trên đường ray. Lúc này, tiếng ồn ngoài phố vang lên như một bài hát ru đánh thức trong Lara về “chính con người nàng, linh hồn và bản chất của nàng” [46, tr.46].

Cửa sổ phản chiếu cuộc sống. Những đêm Giáng sinh, bên ngoài sửa sổ là băng giá, tuyết phủ dày, bên trong là sinh hoạt ấm cúng, thiêng liêng của những gia đình Moskva. Qua cửa sổ phòng Lara, Zhivago kinh ngạc vì phong cảnh bên ngoài: khoảng sân, ngôi nhà bên cạnh, khu đất trống của thành phố Yuaratin ven sông với các bầy dê, cừu đang gặm cỏ. Tất cả những nét bình dị nhất của cuộc sống được ghi nhận, trân trọng tạo nên vẻ đẹp riêng trong tâm hồn nhân vật. Ở đây Zhivago, Lara có tình yêu sâu sắc với những gì bình dị, thân thuộc như yêu chính gia đình mình. Chọn góc nhìn phù hợp bên cửa sổ, cha Nikolai theo dõi biểu tình, cố tìm ra những người quen thuộc trong toán

biểu tình ấy, nhìn thấy cuộc sống hiện ra như nó vốn có, những kí ức về mùa đông rộn ràng ở Petersburg sống lại, hơn bao giờ hết, cha khao khát một không gian bình yên.

Chọn vị trí và góc nhìn từ cửa sổ, các nhân vật nhìn ngắm suy xét bằng niềm tin vào bảng giá trị của mình. Cái “lỗ thủng” hình chữ nhật cực kỳ biến ảo ấy đã mở ra tình yêu của con người với cuộc sống, hơn hết là tình yêu với đất nước Nga. Bởi thông qua không gian này, ta thấy được tâm hồn Nga yêu thiên nhiên, khao khát điều thiện, giao hòa hết mình với cuộc sống. Vì vậy, các nhân vật không ngần ngại đứng trước bậu cửa, “chụm đầu” nhìn ra cửa sổ với không gian vô tận chỉ để nhìn ngắm cuộc sống tươi đẹp. Không gian cửa sổ thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của tác giả: tư tưởng hài hoà, thống nhất giữa cá nhân với thế giới. Qua cái nhìn triết học đầy tính nhân văn, chúng là những ô cửa tương thông, ô cửa nhìn ra thế giới, nối cái bên trong với cái bên ngoài, “nối cái tôi với cái không phải tôi” (Hà Thị Hòa).

* Không gian con đường

Hình ảnh con đường xuất hiện đậm đặc trong tác phẩm, có chức năng đặc biệt trong tư duy nghệ thuật của B.Pasternak: thể hiện sự vận động của tiểu thuyết, nơi hội tụ gặp gỡ, ghi nhận những sự kiện có ý nghĩa với cuộc đời của nhân vật. Không phải ngẫu nhiên, tác giả lại chú ý gọi tên những con đường, trước hết qua tiêu đề các phần: “Cuộc hành trình”, “Trên đường cái quan”. Hình ảnh con đường xuất hiện nhiều lần như tín hiệu thẩm mỹ giúp lý giải số phận nhân vật.

Thủ đô Moskva với cảm quan nhà – phố gắn kết bởi những con đường. Trong đó những thời khắc quan trọng trong cuộc đời nhân vật tìm thấy trên những con đường.

Ngoài hình ảnh con đường xuất hiện ở những phần khác nhau, Pasternak đặc biệt dành riêng hình ảnh con đường ở phần thứ mười “Trên đường cái

quan”. Con đường này chạy qua rất nhiều thành phố, thôn xóm, trạm trại, là đường bưu trạm cổ nhất ở Sibir được cảm nhận rất sống động: “Đường bưu trạm sống như một gia đình. Các thành phố, các làng xóm biết nhau, thân thiết với nhau như ruột thịt. Ở Khoidatskoye, nơi đường cái quan và đường xe lửa gặp nhau” [46, tr.482]. Đường cái quan song song với đường xe lửa. Trên tuyến đường huyết mạch này, có nhiều cuộc hành trình khác nhau: từ Đông sang Tây là những chuyến hàng hóa, từ Tây sang Đông là sự vận chuyển tù binh, những kẻ hành khất rách rưới chen chúc. Xung quanh con đường là những khu rừng rậm âm u. Con đường mở ra không gian nước Nga mênh mông rộng lớn. Dọc đường là sự giàu có, trù phú của nước Nga.

Con đường trở thành sợi dây liên kết các bộ phận hợp thành của tiểu thuyết, nơi gặp gỡ của nhiều nhân vật gắn liền với những sự kiện quan trọng của tác phẩm. Đặc biệt đây là loại không gian chứa nhiều bất trắc, hiểm họa. Trên con đường nhất là những ngã ba - ngã tư là biết bao sự kỳ lạ. Toàn chuyện bất ngờ xảy ra trên con đường giữa hai phố Serebriannui (Hàng Bạc) và Monachanovca như: gặp một người quen đã hai chục năm chưa thấy mặt, hoặc bắt được một cái gì đấy, ghê sợ hơn còn bị cướp vì chỗ ấy tiện tẩu thoát về sào huyệt của bọn bất lương. Zhivago gặp đủ chuyện tình cờ rình rập ở cái ngã ba ấy. Chàng đã từng cứu một chính khách nổi tiếng, nhờ đó sau này chàng được ông ta che chở, thoát nhiều hiểu lầm phiền phức vào cái thời đầy những nghi kỵ. Cũng ngay ngã tư ma quái đó, vào ngày bão tuyết dữ dội, Zhivago biết tin “thiết lập chính quyền Xô Viết và nền chuyên chính vô sản trên toàn cõi nước Nga” [46, tr.303]. Sự cao cả và bất diệt của giây phút đó khiến chàng xúc động mãnh liệt đến ngơ ngác, và lần đầu tiên chàng đã gặp Yevgraf. Tại một ngã ba khác trên con đường từ thành phố trở về Varykino – ngã ba trong rừng được xác định rõ, nơi có đường quẹo dẫn đến xóm chài Vaxilepskoye trên sông Sacma và tấm biển quảng cáo nông cơ của hãng “Mro

– Vetchinkin. Máy gieo hạt. Máy đập lúa” hồng lên trong nắng chiều, Zhivago bị bắt vào đoàn quân du kích.

Đặc biệt, cuộc đời các nhân vật gắn chặt với những con đường. Ngoài những không gian cố định, con đường biểu thị sự dịch chuyển, in dấu những hành trình gian nan vất vả, sáng ngời ý chí nghị lực của con người. Dù trải qua những ngày đông giá, bão tuyết phủ đầy, những ngày hè nắng cháy như thiêu như đốt, những khi đầy hiểm họa rình rập, con người vẫn vượt qua bằng sức sống kì diệu của mình. Có thể nói, con đường trở thành nhân chứng sinh động nhất ghi lại một thời đại bão táp và thân phận trôi dạt mong manh của con người. Cuộc đời Zhivago đã thực hiện rất nhiều hành trình trên những con đường khác nhau. Từ tuổi ấu thơ Zhivago đã theo mẹ đến miền Nam nước Pháp và miền Bắc nước Ý để trị bệnh, rồi những ngày lang thang cùng ông cậu đến miền thiên nhiên tuyệt đẹp Duplyanka. Sau đó Zhivago trở về Moskva từ mặt trận, rồi cùng gia đình từ Moskva đến Varykino trong những ngày băng giá. Hành trình trở về từ đoàn quân du kích vất vả hơn nhiều, biết bao tai ương rình rập. Sau đó, để bảo vệ sự an toàn, Zhivago cùng Lara rời thành phố Yuaratin về Varykino. Khi Lara đi xa, Zhivago tiếp tục hành trình về Moskva trong cô đơn, tuyệt vọng. Cũng trên đường tìm lại ý nghĩa cuộc sống, Zhivago qua đời. Con đường gắn liền với tính chất trôi dạt của số phận con người. Con đường mang ý nghĩa tượng trưng là con đường đời, hành trình, phiêu lưu của nhân vật Zhivago nói riêng và của các nhân vật nói chung trong một xã hội đầy biến động. Đó là hành trình tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa của sự tồn tại. Đặt cuộc đời nhân vật trôi dạt, mong manh trên những con đường, Pasternak muốn khẳng định sự nỗ lực, ý chí và sức sống mãnh liệt của con người trước sức mạnh ghê gớm của nghịch cảnh.

* Không gian cầu thang

Xuất hiện ít hơn không gian cửa sổ và con đường, hình ảnh cầu thang lại có ảnh hưởng không nhỏ trong tác phẩm. Không gian hẹp, trắc trở này được nhắc đến vài lần nhưng lại là nơi xảy ra những diễn biến tâm lí phức tạp của các nhân vật chính. Trong khoảng không gian hẹp, nhân vật tự soi ngắm lại mình, đấu tranh giữa cái cao cả - thấp hèn, lưu lại kí ức những khoảnh khắc khó phai.

Nỗi nhớ của Zhivago về Lara gắn liền cùng ngôi nhà, cái cầu thang quen thuộc vô cùng thân thiết với tâm hồn chàng. Lúc ở căn cứ du kích, nhiều lần chàng vẫn hình dung “các bậc thang đúc bằng gang, với các lỗ trống hình hoa văn” [46, tr.592] mà chàng không sao quên được. Chàng ghi nhớ đến khúc quành, qua các lỗ trống dưới chân, dưới gầm cầu thang là đủ thứ vật dụng sinh hoạt. Tất cả những nét đời thường của cuộc sống vẫn nguyên vẹn khi chàng trở lại. Zhivago vô cùng sung sướng bởi đó là hình ảnh của quá khứ tươi đẹp nuôi dưỡng tâm hồn chàng, động lực giúp chàng vượt qua những nghịch cảnh.

Cầu thang nhà Komarovsky nhắc Lara nhớ những chuyện không hay đã xảy ra. Trước đó, cũng ngay khúc quành cầu thang, một cuộc đấu tranh nội tâm đã diễn ra ở Komarovsky. Hắn ta liên tiếp dừng chân ở mỗi bậc cầu thang bởi toàn tâm trí dành hết cho sự lạ lùng đang diễn ra bên trong con người mình. Sự lạ lùng này chính là tiếng gọi của lương tâm, là sự day dứt và buồn bã vì hắn đã hủy hoại vẻ đẹp trong trắng của Lara. Nhưng sự ân hận đó bị xua đi nhanh chóng bởi tiếng gọi của “thói quen”: đê tiện và tàn nhẫn. Hình ảnh đáng sợ của Komarovsky đi kèm với con chó Zech như biểu tượng cho thú tính, đoạn tuyệt với con người. Bắt gặp cái nhìn sùng kính của con vật cưng, lòng trung thành với thói quen của Komarovsky được củng cố, dù bực tức hậm hực nhưng hắn không dễ dàng chấp nhận đổ vỡ và mọi sự sẽ tiếp tục như

cũ. Đây là chi tiết duy nhất trong tác phẩm có ý nghĩa đánh thức lương tri đối với Komarovsky. Với Pasternak, thế giới bên trong của con người cực kỳ phức tạp, ngay cả con thú Komarovsky đam mê dục vọng cũng có lúc trăn trở, suy tư, cái tính người không phải mất hết, mà đã bị thú tính lấn át. Làm sao để thoát ra khỏi bóng tối, đòi hỏi mỗi con người phải có nghị lực phá vỡ những thói quen. Điều đó Komarovsky không làm được, hắn mãi là “ác thần”. Nhân vật của Pasternak hiện lên rất sống động và chân thực. Rõ ràng những khoảnh khắc trôi qua trong không gian hẹp cũng đủ sức sống lên cả chân dung, tâm hồn và những khát vọng của con người. “Không gian hẹp có tính chất cố định thường gắn với lớp đặc tả tâm trạng” (Nam Ý Minh). Đi sâu vào những không gian sinh hoạt nhỏ bé, Pasternak khám phá chất đời thường của con người. Nhân vật của Pasternak luôn gắn kết với không gian sống cụ thể.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)