Thời gian lịch sử riêng biệt của tác phẩm bắt nguồn từ các sự kiện, biến cố lịch sử, gắn với tiến trình lịch xã hội. Lịch sử được thể hiện trong tác phẩm phản ánh thời gian lịch sử khách quan nhưng hoàn toàn không trùng hợp với thời gian lịch sử khách quan. Trong tác phẩm, thời gian lịch sử diễn ra theo tuyến tính, trình tự và liên tục, hoặc có thể bị gián đoạn đảo nghịch.
Bác sĩ Zhivago tái hiện lịch sử Nga 40 năm (1903- 1943) với những sự kiện: Sự kiện tháng Chạp 1905, Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914, Cách mạng tháng Mười 1917, Nội chiến 1918 - 1922, Chiến tranh thế giới lần II. Cách đưa thời gian và sự kiện lịch sử của Pasternak cũng rất đặc biệt, thời gian sự kiện lịch sử thường hòa quyện hoặc chìm ẩn sau thời gian sự kiện cá nhân.
Mùa thu năm đó xảy ra các cuộc chống đối ở trung tâm hỏa xa Moskva. Những ngày đáng nhớ ở phố Presnaia, nhà của mẹ con nàng nằm trong khu vực khởi nghĩa [46, tr.83].
Từ ba hôm nay, thời tiết rất xấu. Chiến tranh đã bước sang mùa thứ hai [46, tr.163].
Một hôm vào cuối tháng mười một theo lịch cũ, Zhivago lang thang trên những con phố nhỏ và biết tin: thiết lập chính quyền Xô viết và nền chuyên chính vô sản trên toàn cõi nước Nga [46, tr.303].
Thông qua câu chuyện với Liveri, nội chiến đang ở giai đoạn kết thúc [46, tr.582]. Bạch vệ rút khỏi thành phố Yuaratin, bỏ nó lại cho Hồng quân. Cảnh bắn phá, đổ máu và các mối lo thời chiến chấm dứt [46, tr.588]. Zhivago về Moskva vào thời đầu chính sách kinh tế mới [46, tr.725].
Rất khó khăn để nhận thấy những mốc thời gian cụ thể gắn với sự kiện lịch sử. Tác giả không tái hiện sự kiện lịch sử ồ ạt, mà lịch sử đi vào tiểu thuyết thông qua tâm trạng, cảm xúc, cảm giác, những ấn tượng cá nhân của nhân vật. Cuộc cách mạng Nga năm 1905 được thu nhỏ trong hình ảnh cuộc bãi công của công nhân đường sắt mãi sau này Tiverzin mới hiểu sự thật. Cuộc biểu tình vào ngày giá rét đầu tháng mười một nổ ra một cách ngẫu hứng qua cái nhìn của cậu bé Pasha là hình ảnh của sự kiện ngày 19/10. Toàn bộ sự khủng khiếp của Thế chiến I được “tóm gọn” qua một cảnh thu nhỏ ở tại bìa rừng (Meliuzev) với sự tham gia của Zhivago, Misha, Lara, Galiulin. Cách mạng tháng Mười với tính chất lớn lao như một cơn bão tuyết bất ngờ ập xuống một ngã ba vắng vẻ. Sự tàn khốc của cuộc nội chiến được thu gọn trong trận đánh giữa phe Đỏ và Trắng mà Zhivago tình cờ lọt vào và chứng kiến. Thực trạng khó khăn của thời kỳ chính sách kinh tế mới được phác họa vắn tắt nhưng đầy đủ qua bức tranh sinh hoạt tám, chín năm cuối đời của
Zhivago. Nỗi khổ đau của con người trong Thế chiến II được thể hiện súc tích qua câu chuyện của Misha, Nika và Tania (con gái của Lara và Zhivago).
Những bức tranh lịch sử trên cho thấy Pasternak cảm nhận, lắng nghe, và nắm bắt tinh tế bước chân lịch sử, âm vang thời đại. Điều này phủ nhận những ý kiến cho rằng tiểu thuyết “thiếu tính xác thực sử thi”, và cho rằng Pasternak không nghe được bước chân của thời đại. Chẳng những Pasternak có thể nghe thấy, hơn nữa, ông còn thể hiện được lịch sử trong tâm hồn con người. Đó là thứ lịch sử “lấp lánh như qua một ống kính vạn hoa” (Siniavxki). Vì thế, lịch sử được mô tả theo một phẩm chất mới. Bày tỏ quan niệm về tiến trình lịch sử, Lev Tonstol đặc biệt dành trong tác phẩm mình những đoạn ngoại đề lịch sử thành thực hơn, còn Pasternak nó bị cảm xúc trữ tình che lấp. Đối với Zhivago, “lịch sử vẽ ra trước mắt chàng như đời sống của thế giới thảo mộc”. Không ai làm nên lịch sử, không ai trông thấy lịch sử cũng như không thể thấy cỏ mọc như thế nào. Lịch sử vượt ra ngoài ý chí của con người. Không tô đậm lịch sử, không ngợi ca tán thưởng những thành tựu, nhòe đi những mất mát, sự kiện lịch sử chiến tranh cách mạng nổi lên trước mắt người đọc trong toàn bộ tính phức tạp của nó, có cả những mâu thuẫn, những điều chưa được phân tích lí giải thấu đáo, bởi lẽ tác giả chỉ miêu tả mà không lí giải sự kiện. Pasternak coi mình là người miêu tả cuộc sống của các sự kiện như ông đã từng nói: “Đối với tôi, muốn gọi là gì cũng được cái sức mạnh đã đem lại cuốn sách, bởi vì nó ngàn lần lớn hơn tôi và những quan niệm thi ca bao quanh tôi”.