Thời gian tâm lí

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 90 - 96)

Hình thức quan trọng của thời gian nghệ thuật là thời gian tâm lí. Thời gian tâm lí gắn với tâm trạng và nỗi niềm của nhân vật hoặc của tác giả được biểu hiện một cách nghệ thuật trong tác phẩm. Thời gian tâm lí mang màu sắc cá nhân, phá vỡ tính vật lí, khách quan của thời gian tự nhiên. Nó tự do và mở

rộng, nhằm đạt đến tính toàn vẹn của sự thể hiện nghệ thuật, khái quát nghệ thuật.

Điểm đặc biệt của thời gian tâm lí là cả ba chiều thời gian có thể cùng đồng hiện trong khoảnh khắc tâm lí. Đặc biệt tác giả nhạy cảm tinh tế với từng khoảnh khắc đang diễn ra. Sự vận động tiếp diễn trong khoảng thời gian ngắn nhưng lại hàm chứa những nội dung, ý nghĩa sâu sắc, dẫn đến những biến đổi về nhận thức, tâm lí, hành vi của con người. Điều này được Pasternak thể hiện qua tần số xuất hiện cao của các từ “bỗng nhiên”, “tình cờ”, “đột nhiên”, “bất ngờ”; hình thức so sánh: “như từ dưới đất chui lên”. Khoảnh khắc đột biến làm cho các cuộc gặp gỡ mang tính ngẫu nhiên, tạo hấp dẫn cho độc giả, đồng thời nhấn mạnh bước chuyển đột ngột từ cực ý thức này sang cực ý thức khác. Hành trình trở về Moskva sau ba năm ngoài mặt trận với Zhivago là đoạn đường khá dài. Sự mệt mỏi khiến Zhivago mất ngủ. Bao nhiêu tư tưởng chen chúc trong tâm trí chàng, suốt mấy tiếng đồng hồ ròng rã là cả “một mớ lộn xộn”. Tư tưởng phá hoại của Pogarevsuk khiến Zhivago trở nên mệt mỏi. “Đột nhiên, lần đầu tiên trong suốt những ngày

qua. Zhivago chợt hiểu rất rõ chàng đang ở đâu, điều gì đang xảy ra với chàng và cái gì đang đợi chàng trong một, hai giờ nữa” [46, tr.257]. Ba năm chiến tranh với rất nhiều biến động bỗng trở thành một khối trống rỗng, mất hết nội dung. Chàng hướng về ngôi nhà thân thương - nơi mà mỗi hòn đá nhỏ trong đó đều thân thiết. Đó là sự tồn tại, là cuộc sống, là xúc cảm chân thành. Khoảnh khắc này cho thấy rõ sự chuyển biến trong nhận thức, tình cảm của Zhivago. Cuộc sống ngoài mặt trận đã đem đến cho chàng cái nhìn khác về chiến tranh và chàng càng khao khát hơn mái ấm gia đình. Sự đột biến này đánh dấu bước chuyển tâm lí của nhân vật, là sự phản ứng của con người trước hiện thực hỗn loạn, không tham dự vào nó nhưng bị nó cuốn đi, trôi dạt.

Những khoảnh khắc đột biến giúp lột tả nhân vật sâu sắc hơn, khám phá chiều sâu tâm lí con người, tạo ấn tượng mới mẻ về bản thân và thế giới. Dấu ấn hiện đại còn thấy rõ trong cách thể hiện thời gian đồng hiện, làm xuất hiện cả quá khứ, tương lai trong hiện tại. Chẳng hạn đoạn nói về cảm nhận của Zhivago khi trở về Moskva sau ba năm ngoài mặt trận. Thay vì miêu tả trực tiếp cảm nhận của chàng ở hiện tại, tác giả lại miêu tả nó dưới cái nhìn hồi cố của thời điểm ở tương lai: “Sau này, khi nhớ lại ngày hôm đó, Zhivago có cảm tưởng – chàng không rõ đó là ấn tượng đầu tiên hay nó đã lẫn lộn với kinh nghiệm của những năm sau” [46, tr.259]. Cái “sau này” đã không được nhắc lại ở một thời điểm nào khác như trong cách thể hiện thời gian của văn học hậu hiện đại (Trăm năm cô đơn), nhưng ở một mặt nào đó nó đã nối kết hiện tại và dự báo tương lai.

Thời tương lai còn dự báo thông qua những giấc mơ. Tâm trạng nhân vật, niềm khát khao lẫn nỗi lo âu được đọc qua giấc mơ. Trong tác phẩm, Pasternak cũng đã quan niệm về “giấc mơ” thông qua nhân vật Zhivago:

“chính những cái ta ít để ý ban ngày, những tư tưởng chưa được suy nghĩ đến cùng, những lời nói chơi và thoảng qua, thì đêm đến sẽ trở lại, hiện ra nguyên hình và trở thành đầu đề của các giấc mơ” [46, tr.445]. Có thể xem những giấc mơ của Zhivago và một số nhân vật chính tạo nên một thế giới khác – thế giới của mơ ước, khát khao, thế giới của những điều chưa nói hết. Trên đường cùng gia đình đến Varykino, Zhivago có giấc mơ về hoa anh đào tuyệt diệu hứa hẹn những điều tốt đẹp, êm đềm hạnh phúc nơi miền đất hứa. Ngay trong những ngày tháng sống hạnh phúc bên gia đình – tạo dựng thế giới riêng với công việc trồng trọt, Zhivago lại gặp phải giấc mơ phi lý. Tiếng nói của một phụ nữ trong giấc mơ đã đánh thức chàng dậy, vẫn vang vọng trong thời gian hiện tại. Zhivago cố lục trong kí ức những người phụ nữ đã quen nhưng không tìm ra chủ nhân của giọng nói “trầm nặng, dịu dàng, ướt át” ấy.

Chàng cố lùi khoảng cách thật xa để kiểm chứng có phải là Tonya. Thế nhưng sau này, Zhivago mới nhận biết được đó là giọng của Lara. Có thể nói giấc mơ như sự đánh thức những điều tưởng quên lãng của Zhivago. Và chưa bao giờ, chàng quên được Lara. Những tình cảm ấy bị cuộc sống thường ngày che lấp đi, và nó bừng sáng, chân thực trong những giấc mơ. Giấc mơ về những con đường gợi cảm hứng sáng tác cho Zhivago và cũng là những dự cảm về những hành trình bất định như “Onegin” của chàng trong cuộc đời. Những giấc mơ khủng khiếp hơn cho thấy tâm trạng hỗn loạn và tương lai đầy đau buồn. Giấc mơ về bé Xaxa bị ngăn cách với chàng qua cửa kính. Một thác nước ầm ầm xối thẳng vào cậu bé. Zhivago cố kéo chiếc cửa, muốn bồng con nhưng lại không cho bé Xaxa vào, biến nó thành vật hy sinh cho một quan niệm sai lầm về danh dự và bổn phận trước một người phụ nữ khác. Sự bất lực ghê gớm hiện lên trong giấc mơ của Zhivago như báo trước về sự xa cách mãi mãi của cha con bác sĩ. Họ chẳng thể gặp nhau nữa.

Trong tác phẩm, ta còn bắt gặp sự dồn nén hay kéo dài của thời gian thông qua cảm nhận của tác giả hay logic hành động của nhân vật. Sự vận động thời gian nhanh chậm, dài ngắn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tâm lí nhân vật. Pasternak tạo dựng nhịp độ thời gian trong sự chi phối của trạng thái tâm lí. Có tình tiết được miêu tả tỉ mỉ nhưng có khi nhà văn không dàn trải theo trình tự thời gian vật lý mà lướt nhanh sang thời điểm mới của cuộc đời nhân vật. Chẳng hạn như ở phần thứ hai - Cô gái thuộc tầng lớp khác, tác giả đã dành chương 14, 15, 16, 17, 18 để khắc họa đầy đủ những cung bậc cảm xúc của Lara về nỗi đau đầu đời vừa ghê tởm vừa kiêu hãnh, vừa đau khổ hoảng sợ vừa say mê, thích thú. Tác giả mổ xẻ tâm lí nhân vật một cách chân thực: nàng ý thức về những lý do khiến mình sa ngã, ý nghĩ dùng sự trong trắng và cao thượng chế ngự sự đê tiện và xấu xa, nhận ra cuộc đời hỗn loạn đầy cạm bẫy, hiểu bản chất giả dối hèn hạ của con người, cảm nhận một điều rất quan

trọng về tình yêu chân chính cao đẹp thật khác những ham muốn tầm thường. Ở những căng thẳng nội tâm như thế dường như thời gian chậm lại hoặc không còn khái niệm rõ. Sự gián đoạn thời gian trong tác phẩm cũng là một dụng ý nghệ thuật về kết cấu. Sự gián đoạn thời gian tạo nên một không gian và tạo ra sự căng thẳng của thời gian mới. Đoạn đường Zhivago đến khách sạn để cứu người sắp chết (mẹ Lara tự sát) được cảm nhận dài đằng đẵng, thời gian rất lâu. Đó là sự xê dịch giữa không gian vật lý và cách cảm nhận thời gian tâm lý. Cả không gian lẫn thời gian được cảm nhận bằng tâm trạng:

Chưa bao giờ có cảm tưởng đi xa thế. Sự thực, đường đâu có xa xôi gì… Nhưng cái rét dữ dội kèm theo sương giá như làm đảo lộn không gian, cách nó ra thành nhiều mảnh rời rạc, khác hẳn nhau, chẳng mảnh nào giống mảnh nào [46, tr.95]

Việc đảo lộn không gian và thời gian khiến họ tưởng rằng đã đi rất lâu và đang lạc lõng ở nơi xa xôi đáng sợ nào. Thời điểm này được miêu tả dài ra như cố trì hoãn sự việc sắp tới - cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Zhivago và Lara. Cái ấn tượng đó theo mãi suốt cuộc đời chàng, sau này được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, và như sự đảo lộn của không gian, cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi cuộc đời Zhivago hoàn toàn theo một hướng khác. Thời gian ngoài mặt trận đối với Zhivago là sự đảo lộn, nặng nề và vô nghĩa: “Thế mà bây giờ có giết tôi cũng không còn nhớ trước kia mình đã ở đâu. Tôi tưởng chừng đã sống ở đây cả thế kỳ”. Ba năm là khối trống rỗng, thời gian dài bằng thế kỷ. Bi kịch của nhân vật toát lên từ đó. Thời gian đã gắn liền với số phận nhân vật cùng những mất mát về tinh thần.

Thời gian chậm lại của tác phẩm được lồng ghép vào những câu chuyện khác, hay thông qua những cuộc đối thoại kéo dài của các nhân vật mà hình thức chủ yếu là độc thoại. Cuộc nói chuyện của cha Nikolai và ông Nin kéo dài từ trang 69 đến trang 74, hay cuộc đối thoại giữa Zhivago và Lara dài từ

trang 616 đến trang 632. Những cuộc đối thoại dài làm giãn thời gian trần thuật cho thấy phần lớn các nhân vật của Pasternak là nhân vật tư tưởng, phát ngôn cho cái tôi trữ tình tác giả.

Đôi khi để khắc họa tâm trạng nhân vật, tác giả chú ý đến trạng thái phi thời gian. Sự ngưng đọng, trì trệ, cảm giác thời gian như ngừng trôi thể hiện những nỗi đau thương mất mát trong tâm hồn nhân vật. Cảm giác phi thời gian còn tìm thấy trong những dòng ý thức bột phát, những cơn mê sảng ban ngày, các ý nghĩ, cảm giác, liên tưởng bất chợt thường xuyên lạ lùng, phi logic của nhân vật. Không ý thức về thời gian thường xảy ra với nhân vật Zhivago. Do những biến động về tâm lí, bệnh tật, Zhivago thường hay ngất đi, rơi vào mê sảng, trong khoảng thời gian dài không còn khái niệm thời gian. Nỗi đau mất mẹ đầu đời là mất mát tinh thần rất lớn, cậu bé Yuri ngất đi, mất ý thức, sau đó trạng thái mê sảng lặp lại khi bà Anna mất. Bỏ trốn đoàn du kích trở về sau một hành trình đầy nguy hiểm, Zhivago chìm vào mê sảng, lẫn lộn hiện tại tương lai bởi chằng chịt những ác mộng. Đọc thư vĩnh biệt của Tonya, Zhivago rên lên, ôm lấy ngực và bất tỉnh. Sau khi Lara ra đi, Zhivago mất trí dần, bỏ bê nhà cửa, ngừng quan tâm đến bản thân, biến đêm thành ngày và hoàn toàn mất ý niệm về thời gian.Đôi khi chìm vào trong suy tưởng, Zhivago cũng quên hẳn thời gian hiện tại, đắm chìm trong những kí ức, những khát khao, những dự cảm không hay về tương lai. Lúc ấy, Zhivago mất ý niệm về thời gian.

Ngoài ra, tác giả còn dùng những hình ảnh biểu tượng để triết lý về thời gian, cuộc đời. Một chiếc xe quen thuộc nhưng là một khám phá của Pasternak về quy luật đời người. Trên chuyến xe định mệnh, bằng sự việc một bà lão mặc áo tím vừa xa lạ vừa quen thuộc vượt qua Zhivago hết lần này đến lần khác, chàng nhớ đến các bài toán đố của học trò về cách tính thời gian và

thứ tự của những chuyến xe khởi hành vào các giờ khác nhau, vận tốc khác nhau, chàng nghĩ đến bài toán về thời gian đời người:

Một số cuộc đời đang tiếp diễn bên nhau, đang vận động với tốc độ khác nhau, cuộc đời người này bên cạnh cuộc đời người kia, đến một ngày nào đó thì số phận người này vượt qua số phận người kia và ai là kẻ sống lâu hơn” [46, tr.762].

Nguyên lý tương đối đang được áp dụng vào trường đời. Câu trả lời khó khăn ấy Zhivago chưa giải đáp nhưng người đọc thì có thể nhận biết thông qua cuộc đời chàng. Bà lão áo tím đi song song với chuyến xe điện của Zhivago hoàn toàn không biết rằng bà đã vượt qua Zhivago và sống lâu hơn chàng. Zhivago luôn khao khát sống, mà sống có nghĩa là phải tiến lên cái cao cả, hoàn thiện nhất và đạt tới nó. Chàng đã không gặp may, chàng đi chiếc xe bị hư và chàng đã kết thúc đoạn đường đời sớm hơn dự định. Phải chăng chiếc xe ấy chính là cái xã hội đã đưa đẩy cuộc sống của chàng, nhấn chìm những khát khao mãnh liệt của chàng về một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 90 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)