Cùng với việc tổ chức nhân vật, tổ chức hệ thống sự kiện là vô cùng quan trọng trong tác phẩm. Sự kiện là những biến đổi, tác động, sự cố có ý nghĩa quan trọng đối với nhân vật, làm cho nhân vật và quan hệ của chúng không giữ nguyên hiện trạng mà biến đổi theo. “Sự kiện một mặt phản ánh các quan hệ, xung đột xã hội của các nhân vật, mặt khác lại có chức năng kết cấu, làm cho các nhân vật gần nhau hoặc xa nhau, chống nhau” [33, tr.302]. Sự kiện giúp bộc lộ nhân vật, hợp thành lịch sử nhân vật. Hình thức tổ chức sự kiện cơ bản nhất của văn học là liên kết các sự kiện thành truyện. Theo đó, truyện là “chuỗi sự kiện xảy ra liên tiếp trong không gian và thời gian cho nhân vật và có ý nghĩa đối với tác giả, có mở đầu, có phát triển và kết thúc, thể hiện những quan hệ, mâu thuẫn và quá trình nhất định của cuộc sống”
[33, tr.302].
Cốt truyện là hình thức tổ chức sơ đẳng nhất của truyện. Thực chất cốt truyện là cái lõi diễn biến của truyện từ xảy ra cho đến kết thúc. Cốt truyện bao gồm các thành phần chính: thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút, ngoài ra còn phần trình bày và vĩ thanh. Không nhất thiết, cốt truyện lúc nào cũng có đầy đủ những thành phần trên, điều đó tùy thuộc vào quan hệ thẩm mỹ của tác giả đối với hiện thực. Nhận định đúng thành phần cốt truyện có ý nghĩa then chốt để lí giải đúng đắn nội dung và tư tưởng tác phẩm.
Trong bài viết “Vấn đề cách dịch thuật ngữ cốt truyện trong tự sự”, Lê Huy Bắc cũng khẳng định: “Cốt truyện (plot) là toàn bộ những sự kiện được nhà văn kể trong văn bản tự sự (và văn bản kịch) mà người đọc có thể kể lại. Cốt truyện là yếu tố quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong bất kì một hình thức tự sự nào” [6, tr.179]. Nhà nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò quan trọng của cốt truyện là thành tố cốt lõi của hình thức tự sự. Nếu truyện là chuỗi sự kiện tuân thủ theo trật tự tự nhiên, thời gian tuyến tính, theo quan hệ nhân quả, thì cốt truyện là:
sự sắp xếp thẩm mĩ, không tuân theo trật tự biên niên của sự kiện và quan hệ nhân quả nghiêm nhặt, thống nhất theo ý đồ chủ quan của người kể về những sự kiện của một câu chuyện nào đó, nhằm mục đích nêu bật được tư tưởng chủ đề và tạo sức hấp dẫn tối đa tới người đọc [6, tr.180].
Trong văn học hiện đại, cốt truyện là phương tiện để bộc lộ tính cách, cốt truyện được sử dụng để triển khai các tính cách chứ không phải cốt truyện quyết định và chi phối tính cách như trước kia. Nói như thế không có nghĩa là xem thường vai trò của cốt truyện vì tính cách chỉ có thể được biểu hiện và phát triển thông qua cốt truyện. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn luôn cố gắng xây dựng những cốt truyện chân thực và hấp dẫn đồng thời thể hiện được chiều sâu tâm lí của tính cách nhân vật.
Trong “Dẫn luận nghiên cứu văn học”, G.N.Pospelov đã xác định thuật ngữ cốt truyện dùng để chỉ “tiến trình sự kiện thường hình thành từ hành vi của nhân vật, tức sự vận động không – thời gian của cái được miêu tả” [48, 229]. Các cốt truyện tạo ra một trường hành động cho nhân vật và do đó cho phép tác giả bộc lộ và lí giải tính cách của chúng. Gorky khi nói về cốt truyện như là một hệ thống các quan hệ qua lại của các nhân vật, đã xác định nó như “lịch sử phát triển và tổ chức của một tính cách, một điển hình nào đó” [19,
tr.211]. Vậy vai trò của cốt truyện là phơi bày các xung đột xã hội, thể hiện các số phận, tính cách con người. Nhà văn xây dựng cốt truyện là để phản ánh các quan hệ và mâu thuẫn của đời sống, bộc lộ tính cách và số phận nhân vật. Nhưng, ý kiến trên không phải định nghĩa về bản chất cốt truyện, bởi trong nhiều tác phẩm tự sự và kịch, các nhân vật được miêu tả bên ngoài sự hình thành tính cách của chúng.
Cách hiểu cốt truyện như là tiến trình của các sự kiện đã có một truyền thống lâu đời trong giới văn học Nga (từ Thi pháp cốt truyện của A. N. Vêsêlôpxki – thế kỷ XIX). Đề xuất một cách hiểu khác, các đại biểu của trường phái chủ nghĩa hình thức Nga, nhất là V.B.Sklovxki gọi cốt truyện (như cách gọi của các nhà học giả Nga trước cách mạng) là fabula – “cốt truyện” (tiếng La-tinh, fabula là truyện ngụ ngôn). Còn thuật ngữ “truyện” (siugiet) thì họ dùng chỉ cái cốt truyện đã gia công một cách nghệ thuật, tức sự sắp xếp các sự kiện, sự việc và các tình tiết của chúng trong văn bản của tác phẩm. Tán đồng cả hai quan niệm trên, nhưng để rõ ràng hơn, G.N.Pospelov xác định: sự trình bày liên tục các sự kiện và chi tiết của chúng trong văn bản (mà Sklovxky gọi là truyện) sẽ gọi là kết cấu của truyện. Còn thuật ngữ “cốt truyện” vẫn giữ ý nghĩa ban đầu của nó từ thế kỷ XIX.
Nhìn chung, có nhiều quan niệm về cốt truyện. Song về cơ bản, cốt truyện (plot) là toàn bộ những sự kiện được nhà văn kể trong văn bản tự sự, là phương diện để bộc lộ tính cách, kết nối nhân vật cùng các yếu tố không – thời gian. Cốt truyện là yếu tố quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong bất kỳ hình thức tự sự nào, là cái khung để đỡ cho toàn bộ toà nhà nghệ thuật ngôn từ đứng vững.
Trong thực tế, các thành phần của cốt truyện không phải khi nào cũng được trình bày tuần tự theo trật tự nhân quả liền mạch của chuỗi sự kiện. Việc xáo trộn trật tự trước sau của cốt truyện tùy thuộc vào nghệ thuật kết
cấu của tác phẩm, để tạo ra một trật tự trần thuật theo dụng ý của tác giả, nhằm mang lại một hiệu quả nghệ thuật cùng sự hấp dẫn cho tác phẩm, như Lotman và Uspensky định nghĩa: "Trần thuật là thay đổi, là sự đổi thay vị trí của các yếu tố trong nội bộ cốt truyện".