Hạt nhân liên kết cốt truyện

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 111 - 117)

Có thể nhận thấy tư tưởng tiền định của số phận, định mệnh chi phối mạnh mẽ nguyên tắc xây dựng cốt truyện của Pasternak. Cốt truyện với các sự kiện không tuân theo mối quan hệ nhân quả mà đưa vào lí giải như sự ngẫu nhiên. Các sự kiện nối tiếp nhau, đặt cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, được nối kết bằng những “mầm phôi”. Người đọc có thể nhận ra đường dây liên kết, bện chặt tác phẩm thông qua đường đời của nhân vật trung tâm Zhivago. Tuy tách rời các chương nhưng mạch truyện không bị đứt gãy, rời rạc bởi tác giả đã khéo léo cài một hoặc nhiều “mầm phôi” vào mỗi chương, mầm phôi ấy sẽ nảy nở và phát triển thành những “bộ phận” mới, có thể là một nhân vật, một tình huống thậm chí là một chi tiết trong những chương kế tiếp. Bằng

cách đó, tác giả giữ vững được tính cố kết của truyện, lôi cuốn người đọc dõi theo những chặng đường tác phẩm.

Tính liên tục của cốt truyện thông qua những “mầm phôi” được thể hiện qua ví dụ sau:

Phần đầu của tác phẩm, sau sự xuất hiện và một số chi tiết về lai lịch của Zhivago, chương 5 là đoạn đối thoại dài giữa cha Nikolai và giáo sư Ivan về văn chương và những lực lượng mới và trẻ trong khoa học. Câu chuyện tạm gác khi họ nhìn xuống dòng sông, giữa khu đồng lầy nơi có chuyến tàu tốc hành năm giờ đi qua. “Bỗng hai người thấy tàu đỗ lại, những cụm hơi nước màu trắng phụt lên từ đầu máy” [46, tr.23]. Giáo sư Ivan cảm nhận có sự trục trặc do sự cố bất ngờ này. Kết thúc chương 5 với “mầm phôi” về chuyến tàu kì lạ. Chương 6 là sự tha thẩn của Yuri xung quanh nhà cùng lúc cha Nikolai và giáo sư Ivan đang làm việc. Cậu bé cầu nguyện cho mẹ, bộc lộ nỗi buồn vò xé tâm can, rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên cậu nhớ là khi nãy cậu quên không cầu nguyện cho người cha như lời mẹ dặn. Cậu hứa là lần sau sẽ làm, và cậu hoàn toàn không nhớ cha mình như thế nào nữa. Sự bí ẩn về người cha của Yuri gợi tò mò cho người đọc. Vì sao cậu bé quên cầu nguyện cho cha? Điều này khẳng định tình cảm, vị trí của người cha đối với cậu, hơn nữa một người không được cầu nguyện, người ấy không được cứu rỗi. Chương 7 kể về cậu bé Misha cùng cha trên tàu đến Moskva. Như lời nhận định của người kể chuyện: “mọi sự vận động trên thế gian, nếu xem xét riêng, đều được tính toán một cách tỉnh táo; nhưng nhìn toàn diện, gộp lại, thì chúng điều là vô thức, bị dòng đời cuốn hút, liên kết lại với nhau” [46, tr.26]. Sự liên kết rõ ở đây là ngay khi Misha đang bất bình vì cha mẹ không thể giải đáp cho cậu rõ lý do người Do Thái bị khinh miệt thì dòng suy nghĩ bị gián đoạn bởi tàu dừng lại, cha cậu kéo tay thắng tàu để ngăn cản “lão điên” lao đầu xuống vệ đường. Xác chết nằm sóng sượt trên cỏ, mọi người tò mò vây

quanh, chưa rõ nguyên nhân, không biết là ai. Trừ vị luật sư đi cùng được miêu tả như “một loài động vật thuần chủng… vẻ lầm lì, không lộ vẻ thương tiếc người bạn” (Đó là Komarovsky - xuất hiện lần đầu tiên với ấn tượng của kẻ hủy diệt. Sau này khi gặp lại lần thứ hai ở khách sạn ngày mẹ Lara tự vẫn, Misha đã nói cho Zhivago biết). Bà góa Tiverzina (mẹ của Tiverzin, người sau này chăm sóc Pasha) cũng xuống tàu nhìn xác chết. Misha bị chấn động mạnh vì tai nạn xảy ra bởi suốt thời gian đi tàu vừa qua, nạn nhân nhiều lần vào trò chuyện cùng cha con cậu và bày tỏ sự âu yếm khó hiểu đối với Misha, món quà cuối cùng của người quá cố cho Misha là chi tiết đặc biệt lí giải nỗi day dứt của nạn nhân về đứa con xa cách. Liên kết các chương, nhờ những “mầm phôi”, người đọc có thể hiểu vì sao chuyến tàu dừng lại. Misha – bạn thân của Zhivago như tình cờ đã chứng kiến cái chết của cha cậu (Zhivago nhắc đến trong câu chuyện với Lara ở trang 624). Những nhân vật chứng kiến liên quan sâu sắc đến cốt truyện sau đó. Tiverzin sẽ xuất hiện ở những chương tiếp theo gắn liền với cuộc bãi công của công nhân đường sắt. Pasha trở nên bơ vơ đến ở nhà Tiverzin. Komarovsky lại là nhân tình của mẹ Lara, thủ phạm hại đời nàng. Tuyến truyện Lara – Pasha bắt đầu xuất hiện.

Có thể nhận thấy, các sự kiện trong tác phẩm của Pasternak không tuân theo trật tự nhân quả, nhiều khi là ‘quả” rồi mới thấy “nhân”. Thủ pháp đặc biệt cài mầm phôi vào cốt truyện vừa tạo sự hứng thú vừa dẫn dắt người đọc theo đường dây cố kết riêng. Các sự kiện được nuối tiếp, đặt cạnh nhau, những sự kiện đồng thời được kể trước sau, nhưng khung thời gian không thay đổi. Điều này thấy rõ như sau:

Quyển một, phần II “Cô gái thuộc tầng lớp khác”: tác giả kể song hành hai tuyến Zhivago -Tonya và tuyến Lara - Pasha:

- Tuyến Zhivago - Tonya: xuất hiện ở chương 9, 10 về cha Nikolai và cuộc sống của Yuri ở Moskva

- Tuyến Lara - Pasha:

+ Chương 1, 2, 3, 4 về Lara.

+ Chương 5,6,7,8 về cuộc sống nghèo khổ của công nhân đường sắt, đặc biệt gia đình Tiverzin, Antipov, tuổi thơ Pasha và hình ảnh cuộc biểu tình. + Chương 11,12,13,14, 15 về tâm trạng đau khổ kéo dài của Lara sau nỗi đau đầu đời.

+ Chương 17,18,19 những cố gắng của Lara thoát khỏi Komarovsky) trước khi Zhivago và Lara gặp nhau (Chương 19, 20).

Những mầm phôi liên kết không chỉ xuất hiện ở những chương kế tiếp, mà đôi khi nằm ở những phần rất xa nhau, nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng cốt truyện. Trước khi có hành động dữ dội, tuyên chiến với định mệnh, nã súng vào Komarovsky cũng như tự bắn mình, bắn vào định mệnh của mình, Lara đã ghé nhà tìm Komarovsky nhưng hắn vắng nhà, cảnh vật dưới cái nhìn của Lara ảm đạm, giá buốt như nỗi đau đang thổn thức lòng nàng (phần III,chương 8). Cảnh mùa đông lại được Zhivago cảm nhận khi chàng đi qua (chương 10). Đặc biệt trên nền bức tranh ảm đạm của mùa đông, cuộc trò chuyện giữa Pasha và Lara diễn ra trong ánh sáng mờ ảo của ngọn nến - “một luồng ánh sáng êm dịu tỏa khắp phòng. Lớp băng phủ bên ngoài kính cửa sổ bắt đầu tan thành một vòng tròn đen đen”

[46, tr.127] – chi tiết ngọn nến xuất hiện lần thứ nhất. Như một sự tình cờ, lúc xe chạy trên đường, Zhivago đã chú ý đến “hốc mắt đen giữa đám tuyết bao phủ một cửa sổ. Ánh lửa của cây nến rọi qua hốc mắt ấy, chiếu xuống đường phố như một ánh mắt có ý thức, tựa hồ ngọn lửa dõi theo khách qua lại đề rình bắt ai đó” [46, tr.131]. Chi tiết hốc mắt - cây nến xuất hiện lần hai. Hai chi tiết này xảy ra đồng thời, tái hiện thời gian đồng thời dù theo thứ tự trước sau. Chính lúc ấy hình ảnh “cây nến cháy sáng” trở thành một cảm hứng thi ca nhưng Zhivago chưa định hình rõ. Chi tiết này lại được trở lại nhiều lần

khác như sự thổn thức, sự ẩn ức của điều chưa nói rõ, và có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời Zhivago. Sau này Lara khi khóc thương vĩnh biệt Zhivago (Đoạn cuối, chương 14), nhớ lại trước giờ nổ súng, tất cả nhạt nhòa không rõ điều gì ngoài cây nến nhỏ thắp sáng bệ cửa và vòng tròn nhỏ do nó tạo ra. Nàng đâu biết rằng, người nàng khóc thương đã nhìn thấy và đã để ý đến ngọn nến như con mắt ấy vào khoảnh khắc đó. Chính từ lúc đó, “sự tiền định của chàng đã bước vào đời chàng”. Và cũng chính căn nhà nơi Zhivago ở cuối đời – là nơi Pasha đã sống trước đây, nơi tồn tại ánh nến tiền định đó. Ánh nến nhắc lại nhiều lần như sự tiền định số phận Lara bước vào đời Zhivago, mở đầu sự trôi dạt. Ánh nến là chi tiết nghệ thuật độc đáo, có thể xem là một “mầm phôi” hiệu quả đưa đến nhiều thông điệp, đặc biệt lý giải sự tiền định, ngẫu nhiên như điều mà con người không cưỡng lại được, không có bất cứ sự chuẩn bị nào, tạo nên sự vận động của tiểu thuyết.

Đường dây nối kết cốt truyện còn được tạo nên bởi sự gặp gỡ giữa các nhân vật. Đặc biệt là sự gặp gỡ của nhân vật trung tâm với nhiều nhân vật khác trên đường đi của anh ta: 6 lần gặp Lara, 2 lần gặp Strelnikov, 3 lần với Komarovsky có liên quan đến trục chính của cốt truyện – chuyện tình yêu; ngoài ra còn có 18 cuộc gặp gỡ khác có liên quan đến sự vận hành cốt truyện. Các cuộc gặp gỡ này xảy ra ở nhiều chặng khác nhau trong đường đời của nhân vật trung tâm: Cuộc gặp gỡ ở thời kỳ chiến tranh chứng kiến người thương binh trút hơi thở sau cùng, có con trai bác ta, Galiulin – bạn thiếu thời của Pasha, cô y tá Lara, Misha và Zhivago:

Tất cả có mặt nơi đó, đứng gần nhau, có những người không nhận ra nhau, có những người chưa biết nhau bao giờ, có cái sẽ mãi mãi nằm trong vòng bí ẩn, có cái phải chờ một dịp khác, một cuộc gặp gỡ khác mới tỏ lộ ra [46, tr.188].

Cuộc gặp gỡ với chàng câm điếc trên hành trình trở về Moskva, chuyện xảy ra với Vasya, chuyện Teresa, gặp Ghinso và chứng kiến cái chết vô nghĩa lí của anh ta và tám năm sau, gặp Palyk, Zhivago tình cờ được biết Palyk chính là người phát súng cợt đùa bắn chết Ghinso, trở thành nỗi ám ảnh khó phai trong tâm hồn hắn. Zhivago gặp Yevgraf trong những hoàn cảnh hết sức lạ lùng. Trên đường đến Varykino, Zhivago đã gặp Samdeviatov, được nghe câu chuyện về Miculisyn - viên quản lí của cụ Cruyghe. Liveri - con trai lão - là thiếu úy cách mạng lãnh đạo đoàn quân du kích mà Zhivago sẽ gặp sau đó. Câu chuyện về ba cô em vợ của Miculisyn cũng được nhắc đến và Zhivago gặp cả ba người ở những hoàn cảnh khác nhau: Epdokia ở thư viện thành phố gắn với cuộc tao ngộ Lara, Galia sôi nổi khéo léo là người cắt tóc cho Zhivago sau khi chàng bỏ trốn du kích trở về thành phố Yuaratin, Seraphima thường đến thăm Lara và có những cuộc nói chuyện thú vị về Phúc âm mà Zhivago nghe được. Nghe tiếng nói tinh nghịch của Cubarikha, Zhivago xúc động và đánh thức khát vọng trở về…

Những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này thúc đẩy sự vận hành của cốt truyện. Để bác bỏ những ý kiến chê trách, cho rằng những ngẫu nhiên là thể hiện sự non kém trong trình độ tiểu thuyết của Pasternak, khiến tiểu thuyết rời rạc, mất tính chỉnh thể, nhà nghiên cứu Hà Thị Hòa chỉ rõ những ngẫu nhiên mà Pasternak dụng công đưa vào không hề “pha loãng chủ đề” hay làm “lỏng cốt truyện”, mà là sợi dây nối kết sự kiện tác phẩm.

Việc xây dựng nhiều tuyến cốt truyện là một giải pháp tối ưu cho việc mở rộng đường đời của nhân vật trung tâm. Các tuyến cốt truyện có hướng phát triển riêng, nhưng vẫn quan hệ chặt chẽ, đối thoại ngầm với nhau, mang lại tính khái quát và thống nhất cho chỉnh thể tác phẩm. Với cốt truyện đa tuyến, kết cấu tác phẩm trở nên phức tạp hơn, quy mô hơn, bao quát hiện thực cuộc sống ở mọi phương diện cá nhân, gia đình, xã hội. Dòng tự sự có tính

chất tản mạn bởi nhiều câu chuyện đan xen. Ở đây, cốt truyện có hình thức lỏng lẻo của cấu trúc tự sự hiện đại. Cái chết với nhân vật là điều đã dự liệu trước, nhưng tác giả thực hiện nhiều thao tác làm chậm lại kết thúc bằng cách đan xen vào mạch trần thuật những câu chuyện khác, những bức tranh phong cảnh thiên nhiên, những tư tưởng quan điểm về Kyto giáo, về chiến tranh cách mạng. Tác phẩm lắp ghép xâu chuỗi tài tình các bức tranh nhiều khổ, nhiều màu về hiện thực cuộc sống. Điều này đã trình bày rõ ở phần trước. Hơn nữa, sự tan loãng cốt truyện tạo nên những điểm dừng hợp lí để nhà văn dõi theo tâm lí nhân vật, làm nảy sinh chất thơ của tiểu thuyết. Việc sử dụng linh hoạt và chuyển đổi thành công vai trò của yếu tố cốt truyện truyền thống thành dạng truyện đa tuyến linh hoạt hơn đã làm cho tác phẩm trở nên phóng khoáng, tự do, mang dấu ấn của tiểu thuyết hiện đại.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 111 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)