Các yếu tố ngoài cốt truyện

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 117 - 119)

Nhà văn Mạc Ngôn đã nói về sự bao quát rộng lớn của tiểu thuyết:

Gọi là người nổi tiếng chữ nghĩa, chính là biểu hiện bên ngoài của dòng suối lớn, rặng núi cao, cảnh tượng lớn trong lòng họ. Sức sống mạnh mẽ, đan xen nhiều lo âu, nhiều thương xót, đem lại hoài bão lớn như ngựa thần bay bổng, lưu lại cảnh ngộ lớn lao trên vùng đất mênh mông trắng xóa… Tất cả những khí lực lớn đó làm nên trường lực và đại kiến tạo của tiểu thuyết [42, tr.257].

Lời bàn của Mạc Ngôn cho thấy sự bao chứa kì diệu của tiểu thuyết, nó mở rộng cho ta bao điều hấp dẫn về cuộc sống về con người. Để đạt tới “sự trường lực, đại kiến tạo về nghệ thuật”, một trong những điều kiện cần phải chú ý là các yếu tố ngoài cốt truyện.

Ở trên, chúng ta đã khảo sát vai trò quan trọng của cốt truyện trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm, đó là hạt nhân của truyện kể. Yếu tố ngoài cốt truyện (thuộc về các thành phần trần thuật có tính chất tĩnh tại) tuy không tham gia

vào hệ thống sự kiện tạo thành cốt truyện nhưng vẫn có sức mạnh hỗ trợ cho cốt truyện và làm tăng sức hấp dẫn của cốt truyện. Các nhà văn giàu kinh nghiệm thường quan tâm khai thác yếu tố tương đối độc lập này, dành cho nó một địa vị xứng đáng trong tác phẩm. Yếu tố ngoài cốt truyện là một thành phần của hệ thống trần thuật, đóng vai trò quan trọng trong kết cấu nghệ thuật tiểu thuyết. Bên cạnh hệ thống mang tính động: các sự kiện nối tiếp nhau tạo thành cốt truyện, trần thuật còn bao gồm các thành phần có tính chất tĩnh tại như:

miêu tả ngoại cảnh, môi trường, đồ vật, giới thiệu lai lịch nhân vật, miêu tả chân dung, tái hiện tâm trạng, độc thoại nội tâm, hồi tưởng, các đoạn đối thoại, những lời trữ tình ngoại đề, những nhận xét mang tính triết lí, những bình phẩm đi sát nhân vật, những biểu tượng hoặc những câu chuyện nhỏ bổ sung hay giải thích cho một chi tiết, một nhân vật… [42, tr.258].

Những yếu tố ngoài cốt truyện này được gọi bằng những tên gọi khác nhau. G.N.Pospelov gọi là “sự miêu tả tự sự có chức năng tạo hình khách thể”. Trần Đình Sử gọi là “thành phần tĩnh tại, dư thừa” hay “thành phần xen”. Các yếu tố này dù là thành phần phụ nhưng không thể thiếu, bởi chúng làm nên “hơi thở, không khí, linh hồn và sự sống” cho chính tác phẩm. Vì vậy nghiên cứu các yếu tố ngoài cốt truyện góp phần không nhỏ vào việc giải mã thế giới nghệ thuật bí ẩn của tác phẩm, làm sống dậy cả thế giới nghệ thuật đa dạng, sinh động, thể hiện sâu sắc thế giới quan của nhà văn.

Trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, các yếu tố ngoài cốt truyện có vai trò quan trọng trong việc bộc lộ quan điểm của tác giả về Phúc âm, nghệ thuật, số phận con người trong lịch sử… trực tiếp thể hiện cái nhìn, thế giới quan của tác giả.

B.Pasternak thể hiện hệ thống quan điểm của mình hết sức đa dạng phong phú với nhiều hình thức khác nhau như: miêu tả thiên nhiên, đàm thoại, những đoạn trữ tình ngoại đề, những trang ghi chép, nhật kí, những bài thơ của Zhivago ở cuối tác phẩm.

Đặc sắc của tác phẩm là những bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ vừa tạo độ co dãn của cốt truyện, khắc họa hoàn cảnh làm nền cho sự việc xảy ra, đặc biệt là những đoạn miêu tả cảnh vật để khắc họa tinh tế tâm lí nhân vật (Phần này đã khảo sát nên không nhắc lại nữa). Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, chúng tôi chú ý đến hai hình thức thể hiện đặc biệt: đàm thoại và các bài thơ của Zhivago. Việc tạo nên những đoạn đối thoại dài với đặc điểm riêng phần nào thể hiện rõ dụng ý của tác giả về một cuộc đối thoại lớn trong tiểu thuyết. Hơn nữa việc tách phần thơ của Zhivago khỏi phần văn xuôi là một khám phá mới về kết cấu, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật nhất định.

Một phần của tài liệu nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b pasternak (Trang 117 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)