Xu hướng nam hóa trong hành động của nhân vật nữ

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 121 - 125)

TƯƠNG QUAN NHÂN VẬT NỮ NAM

3.3.2.Xu hướng nam hóa trong hành động của nhân vật nữ

Nhân vật của Hemingway là nhân vật hành động. Nhà văn đã tạo ra nhiều môi trường để nhân vật của mình vẫy vùng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa phần những hành động trong tác phẩm của Hemingway đều mạnh mẽ, đầy nam tính và cũng rất nhân bản: chống chiến tranh, yêu thiên nhiên, đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ, quý mạng sống của con người... Nhiều khi con người thực hiện những hành động này như thực hiện những sứ mệnh cao cả. Ca ngợi con người hành động cũng chính là hướng đến việc khắc họa một thế giới nữ năng động, đang cố vượt thoát những giới hạn giới của mình.

Một điều đặc biệt là Hemingway hầu như không khu biệt địa hạt hành động cho các nhân vật nữ. Khảo sát tác phẩm của Hemingway, trừ đấu bò và quyền Anh, phụ nữ tham gia tất cả các hoạt động như nam giới: săn bắn, ra trận, đi săn thú dữ... Dường như ông muốn nêu lên quan điểm: những gì đàn ông làm được, đàn bà cũng làm được. Những người đàn bà đi săn sư tử, những người đàn bà cầm súng trong chiến tranh, những người đàn bà quyết đoán đi tìm chân lí đích thực, đi tìm “một nơi sạch sẽ và sáng sủa”. Qua đó, ta thấy cái nhìn của Hemingway mang đậm tính nữ quyền. Người nữ và hành động nữ, ta có thể thêm một lần khẳng định rằng luôn có một vị trí quan trọng trên trang sách của Hemingway.

Sự vẫy vùng thoát khỏi thực tại: Người ta dùng khái niệm “thế hệ vứt đi”

để nói về thế hệ văn nghệ sĩ cùng thời với Hemingway. Những con người bước ra khỏi những cuộc chiến tranh với đầy mất mát, đau thương, chết chóc. Họ thấy rằng tất cả chỉ là phù vân, họ mang trong mình những chấn thương về tinh thần khó có thể hàn gắn. Hemingway đã khắc họa được cái thực tại bi đát của chiến tranh, cái thực tại bi đát của những con người trải qua chiến tranh. Những nhân vật của ông thường không cam chịu mà luôn vẫy vùng để thoát ra khỏi những thực tại ấy. Như đã nêu, nhân vật nữ của Hemingway luôn nhạy cảm và

thường rất dị ứng với sự hèn nhát, giả dối... chính vì vậy nên sự chuyển vận để vượt qua cái thực tại mà họ không thể chấp nhận được được thể hiện một cách mạnh mẽ, đầy quyết đoán dẫu có lúc họ băn khoăn, dằn vặt, trăn trở.

Như đã nêu, những người phụ nữ Hemingway xây dựng nên phần nhiều có xu thế hướng ngoại, chủ động trong cuộc sống. Điều này thêm một lần nữa khẳng định sự bình quyền giữa họ và nam giới. Ở một số phương diện, hướng ngoại cũng chính là hình thức người nữ hành động để thoát khỏi thực tại. Dù mạnh mẽ hay yếu mềm, dù chín chắn thủy chung hay lăng loàn thì nhân vật nữ của Hemingway đều không cam chịu. Họ luôn vận động không ngừng để thoát khỏi cái thực tiễn mà họ không chấp nhận. Pilar trong Chuông nguyện

hồn ai tham gia du kích mong xóa bỏ chế độ phát xít, chống lại chồng vì anh

ta không can đảm để đi hết con đường chính nghĩa, Catherine rũ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi tình yêu, Margot bỏ đi theo người đàn ông khác vì không chấp nhận sự hèn nhát của người chồng...

Không những thế, người phụ nữ của Hemingway luôn đi tìm chân lí,

khẳng định mình. Dường như mỗi người phụ nữ mà Hemingway xây dựng

nên trong tác phẩm đều xác định cho mình một lẽ sống hướng về chân lí. Trong tình yêu, họ không chấp nhận sự nửa vời, khao khát đi đến tận cùng mạch nguồn yêu thương, dâng hiến hết mình, kể cả tính mạng cho người mình yêu; trong cuộc sống họ không chấp nhận sự hư vô, nhàn nhạt, không chấp nhận sự hèn nhát, giả dối. Họ tự vận động để đi đến cái đích mà họ cho là lẽ phải, là sạch sẽ và sáng sủa.

Nhiều hành động của người phụ nữ đã được xây dựng như những biểu tượng của hành trình đi tìm chân lí. Ở tiểu thuyết Từ ánh sáng đầu tiên, Hemingway đã miêu tả hành trình truy tìm con sư tử khổng lồ của Miss Mary như việc thực thi một thứ nghi lễ tôn giáo thiêng liêng: “Miss Mary bắn con sư tử của nàng vào một ngày thật đẹp trời. Và đó hầu như là tất cả những gì

đẹp đẽ liên quan đến ngày trọng đại đó. Những đóa hoa trắng đã nở ra trong đêm cho tới tia sáng đầu tiên trong ngày, trước khi vầng trăng tròn chiếu trên làn tuyết mới xuyên qua một màn sương” [36;217]. Dường như để cho xứng đáng với con sư tử, tất cả đều phải đẹp và tươi sáng hơn lên một bậc. Không đơn thuần chỉ là con vật bị săn, sư tử còn là thử thách, là cái đích mà Miss Mary vượt qua để tự khẳng định mình. “Sư tử” đó đích thị là biểu tượng cho sức mạnh nam giới… Riêng ở góc độ này, có thể thấy Hemingway “nữ quyền” hơn ai hết. Những người phụ nữ mà ông xây dựng nên luôn thể hiện được ý thức làm chủ số mệnh của bản thân.

Trên cơ sở lý thuyết “vô thức tập thể” của Karl Gustave Jung, yếu tố nữ tính, sự hoán đổi giới tính hoàn toàn không phải là địa hạt của cá nhân Hemingway mà nó có ở hầu hết các tác phẩm văn chương. Karl Gustave Jung là người đã đưa ra khái niệm về Anima và Animus. Anima là cái ý tưởng nữ tính trong lòng nam tính và Animus là ý tưởng về nam giới trong tâm linh nữ giới. Ông cho rằng ý tưởng dị tính đó là không thể thiếu trong nhân cách hoàn thiện.

Hemingway đã điểm vào cái phần “dị tính” này như điểm vào một phần tất yếu vốn có của cuộc sống. Ông không đẩy nó lên đến mức quá nồng đậm để làm méo mó nhân cách của các nhân vật. Qua cách xây dựng nhân vật của Hemingway, có thể thấy sự bất thường về giới tính, về sex không phải là những gì đáng ghê tởm, lên án. Cái đọng lại cho người tiếp nhận là sự chấp nhận, cảm thông, chia sẻ.

Ngày nay, chúng ta đều chấp nhận rằng cái mà chúng ta gọi là giới tính chính là kết quả của sinh học và của kiến tạo xã hội (social construction). Hemingway được sinh ra vào thời điểm vị thế của nữ giới - ít nhất là trong cộng đồng người da trắng trung lưu của ông - đang trải qua nhiều thay đổi quan trọng. Không phải quá lời khi nói rằng những chuyển biến trong truyền thống và quan niệm tình dục về vai trò của giới là sự kiến tạo lại giới tính, ở một góc

độ nào đó chính là một chấn thương đối với Hemingway và nhiều người khác cùng thế hệ ông. Khi ông đến tuổi thanh niên, đã có một cuộc đấu tranh - rất quyết liệt nhưng người ta chỉ nhận ra một phần - giữa nam giới và nữ giới về tự do cá nhân, tự do tình dục, vị thế độc lập về kinh tế, và quyền lực chính trị. Cuộc chiến đó giữa hai giới đã có tác động mang tính quyết định đối với tư tưởng và các tác phẩm của ông về nữ giới, và bất kỳ ai muốn tìm hiểu lịch sử đầy bí ẩn của các mối quan hệ giới ở nước Mỹ trong thế kỷ 20 cũng cần phải đọc cẩn trọng các tác phẩm của ông.

Tiểu kết

Có thể thấy các nhà nghiên cứu thường lí giải sự phức tạp về sex, giới tính ở các nhân vật mà Hemingway xây dựng nên từ những dữ kiện phân tâm. Họ tập trung vào hoàn cảnh gia đình và những ẩn ức tuổi thơ mà nhà văn đã trải qua. Nếu xem xét vấn đề này trên cơ sở phân tâm học thì chỉ có thể khẳng định sự phức tạp (hay đa dạng) về giới tính chứ hoàn toàn không thể khẳng định đó là sự dị biệt. Thực chất vấn đề ở đây là nền tảng nữ quyền của thời đại và cả trong tư chất nghệ sĩ của Hemingway đã chi phối đặc tính này.

Hemingway không hoàn toàn lựa chọn những thủ pháp riêng biệt khi thể hiện hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của mình. Từ ngoại diện nhân vật, ngôn ngữ, bối cảnh hành động của nữ nhân vật đều có nhiều điểm tương đồng với phương thức thể hiện nhân vật nam. Tuy nhiên chính điều này lại góp phần nổi bật vai trò của của người phụ nữ trong tác phẩm của Hemingway.

Thế giới nhân vật Hemingway thường là đàn ông, nhưng đấy là những người đàn ông “phục tùng phụ nữ”. Không đơn giản chỉ vì phép lịch sự hay “ga lăng” mà còn là sự xuất phát từ tư tưởng nữ quyền chi phối mạnh ngòi bút của ông. Vậy nên dù cho những người đàn ông đó có đồng tính hay không thì thiên tính nữ hay quyền phụ nữ luôn hiện diện trên trang sách của Hemingway.

Chương 4

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 121 - 125)