Người đàn bà “nguồn sáng của thế giới”

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 142 - 144)

NỮ QUYỀN QUA ĐỊNH DẠNG KIỂU NHÂN VẬT NỮ

4.4. Người đàn bà “nguồn sáng của thế giới”

Nguồn sáng của thế giới (The light of the world) là tiêu đề một truyện ngắn

của Hemingway. Tác phẩm này có điểm đặc biệt, nhân vật nữ - Alice, một cô gái làm tiền được miêu tả bằng mối thiện cảm không che giấu. Cô được coi như

nguồn sáng của thế giới bởi bản tính luôn chân thành, có thể là xa xỉ với cái nghề của cô và trong thời đại của cô nhưng đáng quý và trân trọng.

Có ý kiến nhận định: “Chính vì mang thanh gươm phụng sự điều chân thực nên tôi (một nhân vật trong truyện) đã không ngần ngại phong một cô điếm lên làm nguồn sáng của thế giới” [3;197]. Điều này có thể coi là minh chứng để thấy rằng Hemingway rất tôn trọng phụ nữ. Hơn thế nữa, nhà văn luôn tìm tòi khám phá những nét đẹp, thiên lương ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người.

Dẫu có những người đàn bà hành hạ đàn ông (tạm cho là vậy), những người đàn bà ngoại tình, thậm chí giết chồng nhưng về cơ bản nhân vật nữ (cũng như nhân vật nam) ở các tác phẩm của Hemingway đều mang những phẩm chất tốt đẹp. Họ dám sống thực với những cảm xúc của mình, đi đến tận cùng những điều mà họ cho là đúng, không bao giờ chấp nhận sự hèn nhát, bỉ ổi. Thậm chí ở nhiều tác phẩm, người phụ nữ là chỗ dựa tinh thần cho những người đàn ông.

Brett, Catherine, Maria… trong quan hệ với những người đàn ông của họ, vừa là người tình nhưng có khi như là những bảo mẫu về tinh thần. Jake Barnes tìm thấy ở Brett sự đồng điệu về tâm hồn. Anh cần ở cô điều đó chứ không phải bất kỳ một thứ gì khác. Henry, Robert Jordan, những người đàn ông tưởng đã chai sạn, trơ lì bởi chiến tranh khốc liệt được hồi sinh trong mối tình với Catherine, Maria:

“Chúng ta ngủ đi. Anh nói và cảm thấy cái thân hình nhẹ nhàng thon thon, ấm áp bên người anh, dịu dàng bên anh, như có phép lạ xóa bỏ nỗi cô đơn của anh, chỉ cần một sự đụng chạm của bên sườn, của đôi vai, đôi chân là như sức mạnh cùng với anh chống lại cái chết” [33;492].

Những phẩm chất ở nữ nhân vật của Hemingway tỏa sáng hơn bao giờ hết trong chiến tranh, trong những hoàn cảnh bi đát và khắc nghiệt của cuộc sống. Có những người đàn ông hèn nhát (chính xác là có lúc hèn nhát) nhưng với phụ nữ, ta

rất hiếm gặp. Tất nhiên không loại trừ lí do khách quan là phụ nữ ít gặp hoàn cảnh để bộc lộ sự hèn nhát và nếu có ở họ thì điều đó cũng dễ cảm thông hơn.

Sự suy thoái thiên chức như đã nêu đều do hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống mang lại nhưng “thiên tính nữ” ở những người đàn bà mà Hemingway xây dựng nên không hề mất đi. Đó là lòng nhân hậu, sự bao dung, tình thương yêu con người. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất là Pilar trong Chuông nguyện hồn ai. Người đàn bà này có cái vẻ bên ngoài xù xì thô nhám, táo tợn nhưng lại là hiện thân của “cái đẹp, cái cao cả, của đức tin, hi sinh và khát vọng vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn” [3;42].

Nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway cũng có lúc giữ vai trò “định hướng” cho nhân vật nam. Giúp họ tin tưởng hơn ở cuộc sống, dám theo đuổi đến tận cùng những lí tưởng, ước mơ, khát vọng của mình. Đánh thức dậy ở họ bản ngã nam tính.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 142 - 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w