TƯƠNG QUAN NHÂN VẬT NỮ NAM
3.2.2.2. Đồng tính nữ như là biểu hiện của nữ quyền
Với Hemingway, cho đến thời điểm hiện tại vẫn có những tồn nghi liệu ông có đồng tính. Bên cạnh những người cho rằng Hemingway là đàn ông đích thực còn có một số cố tìm cách chứng minh ông là người đồng tính hoặc lưỡng tính. Sau khi đọc các tác phẩm của Hemingway, Brenner kết luận rằng “Hemingway cũng có hơi hướng đồng tính”. Những người khác, như Comley và Scholes, đã nhấn mạnh vào những câu từ tiêu cực của Hemingway về đồng tính luyến ái, và họ cho rằng những câu từ đó thể hiện sự quan tâm gần như là ám ảnh của ông đối với vấn đề đó. Quả thực, như trên đã nêu, Hemingway có phần lạc vào cái mớ bòng bong của sự phức tạp giới tính. Người ta cho rằng mẹ của Hemingway phần nào đó là người đồng tính, đến Pauline Pleiffer, người vợ thứ hai của ông cũng vậy. Những bạn bè văn sỹ mà ông quen biết nhiều người cũng có biểu hiện của đồng tính luyến ái. Theo Gajdusek, đến khi 19 tuổi, Hemingway đã nhận ra một cách đầy đủ và choáng váng về mối quan hệ đồng tính luyến ái của mẹ mình với Ruth Arnold. Theo những phỏng đoán đó, trong suốt những năm tháng Hemingway phát triển đầu đời, khi nhận thức về tính dục hình thành trong ông, ông đã có thể phải chứng kiến mối quan hệ đồng tính luyến ái của mẹ mình. Điều này có thể dẫn đến sự rối trí về giới tính và sự quan tâm có tính ám ảnh về quan hệ tính dục của phái nữ (female sexuality) mà Hemingway mang trong mình khi trưởng thành và ông đã phải kìm nén nó để gìn giữ thể diện của ông. Mối quan hệ giữa Grace và Ruth có thể là gợi ý cho hình mẫu người vợ và bạn gái trong tác phẩm Ông và Bà
Elliot. Cha của Hemingway, trở thành người thừa do sự hiện diện của Ruth,
giống hệt người chồng vô dụng Elliot trong tác phẩm đó. Nếu như những phỏng đoán về quan hệ đồng giới nữ hoặc thậm chí là sự thể hiện của quan hệ đó là đúng, thì Hemingway có thể đã có sự bối rối về những vai trò đã xác định của giới.
Tuy vậy, vì không có những câu từ tích cực, cũng như không có các bằng chứng được ghi trong tiểu sử, nên việc thảo luận về sự đồng tính luyến ái của Hemingway chỉ là một việc làm có vẻ hợp lý.
Hiện tượng đồng tính của các nhân vật trong tác phẩm Hemingway đã được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá. Một điểm đáng lưu ý là biểu hiện đồng tính của nhân vật nữ được đề cập nhiều hơn. Brett, Catherine (Vườn Địa đàng) và cô gái được nhắc tới qua đối thoại trong Biển đổi thay là
những người có biểu hiện của căn bệnh ấy: “- Tôi sẽ giết cô ta, - anh ta nói.
- Xin đừng, - cô ta nói. Cô có hai bàn tay thật đẹp, người đàn ông ngắm chúng. Đôi bàn tay màu nâu, mảnh mai và cực kỳ đẹp.
- Tôi sẽ. Thề có Chúa, tôi sẽ.
- Làm thế thì anh cũng sẽ chẳng hạnh phúc đâu… - Em lấy làm tiếc, - cô nói. - Nếu anh không hiểu.
- Tôi hiểu, - cô nói. - Dĩ nhiên, việc này càng khiến nó thêm tồi tệ.
- Đương nhiên, - anh nói lúc nhìn thẳng vào cô. Bao giờ tôi cũng hiểu. Cả đêm cũng như ngày. Đặc biệt là về đêm. Tôi sẽ hiểu. Cô không phải lo về điều ấy.
- Em xin lỗi, - cô nói,
- Giá như đấy là một gã đàn ông…” [40;168].
Trong khi đó điều này ít thấy ở nhân vật nam. Rõ rệt nhất là Paco trong
tự truyện - Hội hè miên man, Hemingway có nói về dấu ấn đồng tính và những bất thường về giới tính ở một số người bạn văn chương của mình. Thậm chí một số nữ văn sĩ mà ông quen biết còn tham gia cái gọi là “Hội những nhân vật nữ trí thức đồng tính” như: Gertrude Stein, Flanner Janet, Natale Barney, Romain Brooks…
Miss Stein (cái cách mà Hemingway gọi Gertrude Stein) không chỉ có thời gian đã đỡ đầu văn chương cho Hemingway mà còn “giáo huấn” cho ông về tình dục và đồng tính: “Vào cái buổi chiều lạnh giá tôi đi ngang qua nhà người gác cổng và cái sân lạnh để bước vào sự ấm áp của căn hộ ấy… Ngày hôm ấy Miss Stein chỉ bảo tôi về tình dục. Đó là thời gian chúng tôi cực kỳ quý mến nhau và tôi hiểu rằng bất kỳ những gì mình không hiểu đều rất có khả năng liên quan đến chuyện ấy. Miss Stein cho rằng tôi thiếu giáo dục tử tế về tình dục và tôi phải thú nhận rằng tôi có vài thành kiến chống lại chuyện đồng tính, bởi vì tôi mới chỉ biết một vài khía cạnh sơ khai và nguyên thủy của nó mà thôi” [37;34].
Phải chăng cũng chính người đàn bà này (hoặc có thể không phải hoàn toàn đàn bà!) cùng với những gì Hemingway đã chứng kiến từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành này đã gieo vào nhận thức của ông những quan niệm về đồng tính nam và đồng tính nữ để Hemingway mặc định rằng đồng tính nữ là một cái gì đó có thể chấp nhận được còn đồng tính nam thì ngược lại? Như thế ngay từ đầu Hemingway vẫn đề cao vai trò của người nam trước người nữ. Chỉ có điều qua thời gian thái độ đó đã thay đổi và nữ quyền đã xuất hiện trong tác phẩm của ông như một phần không thể thiếu của một nhà văn tiến bộ.
Trở lại với Stein, “Cậu thật sự chẳng biết gì về chuyện này, Hemingway ạ - bà nói. Cậu gặp toàn những tay tội phạm và những kẻ bệnh hoạn, những loại hư hỏng có tên tuổi. Vấn đề mấu chốt là những gì đàn ông đồng tính làm với nhau đều rất tởm và phản cảm, để rồi sau đó họ ghê tởm chính họ. Họ
uống rượu và chơi thuốc hòng làm giảm nhẹ điều đó đi, nhưng họ kinh tởm hành vi của họ và họ thay đổi bạn tình thường xuyên và không thể nào tìm thấy cảm giác hạnh phúc đích thực…
Phụ nữ thì ngược lại. Họ chẳng làm gì để phải ghê tởm và không có gì phải sợ, và sau đó họ vui vẻ và có thể sống hạnh phúc cùng nhau” [37;35].
Đương nhiên, chuyện đồng tính này có liên quan tất yếu đến nữ quyền và không phải Hemingway là người đầu tiên đưa vấn đề đồng tính vào trong văn chương. Thực tế là xã hội từ xưa đến nay luôn có những con người đồng tính. Nó như một sự hiện hữu đặc thù của con người (và cả loài vật), có bản chất tự nhiên, tồn tại ngay từ khởi thủy cùng với sự có mặt của con người trên trái đất. Trong lịch sử, đồng tính luyến ái được ghi chép trong nhiều nền văn hóa và được ca tụng hoặc lên án vì mỗi xã hội có những chuẩn mực tình dục khác nhau.
Văn chương phản ánh đồng tính thiết nghĩ cũng là một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên không phải lúc nào đồng tính cũng được thừa nhận, thậm chí đến ngay thời hiện đại, những người đồng tính vẫn phải chịu sự kỳ thị, xa lánh, bị coi như một thứ quái thai của xã hội. Họ phải tự ẩn mình, giấu đi danh tính thực sự của mình để hòa chung vào cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, dấu ấn về sự hiện diện của người đồng tính vẫn thể hiện đâu đó qua những tác phẩm văn chương. Từ thời cổ đại, chúng ta có thể thấy những huyền thoại đề cập đến chuyện đồng tính hoặc quan hệ của những người cùng giới. Thần thoại Hy Lạp đã từng đề cập đến nhân vật Thần gió Tây Zephyrus. Mặc dù đã có nhiều vợ và nhiều con nhưng Zephyrus vẫn say mê chàng hoàng tử Hyacinth người Spartan. Tuy nhiên, Hyacinth lại tôn thờ thần Apollo. Quá tức giận và ghen tuông, Zephyrus đã dùng đĩa ném vỡ đầu Hyacinth. Khi chết đi, máu của Hyacinth biến thành cây hoa dạ hương.
Hy Lạp cổ đại cũng là nơi hiện tượng luyến ái đồng tính phổ biến. Ngay cả các triết gia, học giả nổi tiếng thời kỳ này cũng không thể chối bỏ hiện
tượng này. Có thể thấy điều đó qua cách miêu tả tiểu sử của Socrates, Platon, Aristote với các môn đệ của họ. Thậm chí Hoàng đế Hy Lạp còn cho phép binh sỹ của mình quan hệ đồng tính. Hoàng Tùng khi nghiên cứu về văn học đồng tính đã viện dẫn một tác phẩm tiêu biểu viết về hiện tượng đồng tính giai đoạn này: Trong tác phẩm Lịch sử có thật (True History) của nhà văn người Hy Lạp Lucian (120 - 185) được coi là tác phẩm đầu tiên đề cập đến chuyện tình yêu của những người nam đồng tính. Cốt truyện kể về nhân vật chính, bị cơn bão cuốn lên mặt trăng và chứng kiến cuộc chiến tranh giữa cư dân mặt trăng và cư dân mặt trời. Nhân vật chính (nam giới) sau những chiến công trên chiến trường đã được vua mặt trăng chọn làm con rể bằng cách cho lấy… con trai của nhà vua. Điều này cũng dễ dàng tìm thấy trong truyền thống tính dục châu Á. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cuốn sách hướng dẫn tình dục tối cổ của Ấn Độ - Kamasutra đã có đề cập đến hình thức tính giao đồng giới. Người Trung Hoa với sự phát triển của thuật “phòng trung” trong lịch sử đã để lại những tư liệu đáng kinh ngạc về tình dục cũng như tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, văn học viết về đề tài đồng giới cũng phải chịu nhiều sóng gió như chính thân phận những con người mà nó miêu tả. Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, đồng tính bị coi là chủ đề cấm kỵ nghiêm ngặt. Mãi sau này, hiện tượng đồng tính mới xuất hiện trở lại một cách dè dặt trong các tác phẩm văn học. Carmilla (tác giả Sheridan Le Fanu) là tác phẩm đề cập đến quan hệ đồng tính nữ đầu tiên, thể hiện ở hình tượng những cô gái bị biến thành ma cà rồng và có hành vi sex với người đồng giới. Trong khi đó, tiểu thuyết Bức tranh của Dorian Gray (The Picture of Dorian Gray) của nhà văn danh tiếng
Oscar Wilde đã khiến độc giả đương thời sốc nặng với những cảnh quan hệ đồng tính dày đặc. Tiểu thuyết Tiếng trống khác - A Different Drum (tác giả Chris Davidson) cũng kể về tình yêu phát sinh giữa hai chàng lính Yankee và
lính Liên Bang ở hai chiến tuyến trong cuộc nội chiến Mỹ.
Những tác phẩm đồng tính có thể gây ra vô số rắc rối cho tác giả. Nhà văn Radclyffe Hall, người viết cuốn sách đồng tính nữ đầu tiên có tên Giếng
cô đơn (The Well of Loneliness,1928). Sau đó, ông đã phải hầu tòa vì đã mô tả
những hành động trái tự nhiên giữa nữ giới (unnatural practices between women). Cuốn sách bị cấm tại Anh hàng thập kỷ sau đó. Trong khi ở Mỹ, cuốn sách thoát khỏi kiểm duyệt, trở thành cuốn sách dẫn đầu cho làn sóng viết về đồng tính nữ sau này. Xem ra, phong trào đấu tranh nữ quyền không chỉ gắn với việc giải phóng tính dục ở nữ giới mà còn gắn bó mật thiết với việc đưa tính dục đồng tính nữ vào văn chương.
Cho đến giữa thế kỷ 20, đề tài đồng tính vẫn chỉ được đề cập đến một cách khá dè dặt. Tuy nhiên, không ít tác giả cũng đã bắt đầu có những tác phẩm chất lượng về đề tài này. Tác phẩm Doanh trại Nữ (Women’s Barracks, Tereska Torres) lấy đề tài là một nhóm nữ binh sĩ có quan hệ trên mức tình cảm với nhau tại London trong Thế chiến II. Cuốn sách đã được bán ra hơn bốn triệu bản, trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 1952 tại Anh. Tuy nhận khá nhiều lời chỉ trích nhưng chất lượng cuốn sách đã khiến giới phê bình không thể phủ nhận giá trị. Nhà phê bình Donna Allegra đã phát biểu: “Tại sao phải ngại ngùng khi đó là một phần hiện thực xã hội?”.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của những hoạt động nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền, người đồng tính dần được sự chấp nhận mạnh mẽ hơn từ xã hội và dư luận. Cùng với đó, văn học với đề tài đồng tính đã trở thành một trào lưu khá mạnh mẽ, đồng thời nó cũng gây ra không ít tranh cãi.
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói văn chương đồng tính đã có một “hành trình từ bóng tối ra ánh sáng”. Những tồn nghi liệu Hemingway có phải là người đồng tính hay không theo chúng tôi vẫn sẽ mãi mãi là những tồn nghi. Nó sẽ là những ẩn số như chính cuộc đời và cái phần chìm của tảng
băng trôi trong những tác phẩm của ông. Tuy nhiên một điều có thể khẳng định được đó là nhà văn là người có những trải nghiệm, chứng kiến về đồng tính. Ông đã thể hiện nó như “một phần hiện thực xã hội”, đồng thời đã tạo được dấu ấn riêng.
Cái cách mà Hemingway đề cập đến đồng tính (nam và nữ) rất đặc biệt. Ông không xoáy sâu vào những bất thường giới tính của các nhân vật mà gần như đã “bình thường hóa” chúng. Người đọc ít khi dừng lại để truy vấn về giới tính của nhân vật mà thường bị cuốn theo những biến cố của cuộc đời họ, cùng họ trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống. Điều đó cho thấy tính “khuynh nữ” luôn thường trực trong ông.
Như đã nêu, một số quan niệm của các nhà nữ quyền luận đã cho rằng
tình dục cũng là một trong những phương thức người đàn ông sử dụng để chế
ngự đàn bà. Sự cam chịu, không chủ động trong tình dục của đàn bà cho thấy vị trí thứ yếu của họ. Trong cái thế giới có phần phức tạp mà Hemingway kiến tạo nên, phần nào đó có thể thấy được sự tự giải thoát của người phụ nữ ở khía cạnh này. Cụ thể, họ đã phần nào vượt qua được những yếu tố được xem là “quy chuẩn tính dục” dành cho nữ giới.
Việc thiết lập quan hệ tình dục khác giới được coi là yếu tố “đẩy phụ nữ vào vị trí phục vụ đàn ông”. Nữ quyền không chấp nhận điều này. S. de Bauvoir đã từng nêu vấn đề về nữ đồng tính luyến ái: “Bạn tình trai gái khi đã không ôm ấp nhau nữa, thì liền cảm thấy xa lạ nhau, bên gái có thể thấy chán ghét thân xác của bên trai, và nhục thể của bên gái cũng có thể làm cho bên trai cảm thấy vô vị. Trái lại sự hấp dẫn nhục thể giữa bạn gái với nhau tương đối bình lặng, mang tính chất kéo dài, họ không lâm vào tình trạng cuồng mê, cũng không thể sản sinh ra sự lạnh nhạt thù địch” [48; 605]. Với cách thức miêu tả đồng tính nữ, Hemingway dường như đã đáp ứng được "tiêu chí" này.
đấu bình quyền nữ - nam, mặt khác nó cho thấy sự chưa thể thắng thế hoàn toàn của nữ giới trong xã hội nam quyền. Những con người đồng tính, trong sự ghẻ lạnh của người đương thời, còn là biểu tượng cho thảm họa của một thế giới hỗn độn, khi con người mất hết niềm tin.
Cái lớn nhất mà Hemingway làm được là đằng sau việc miêu tả hiện tượng tâm lí và sinh lí mang những nét bất thường đó ông đã thể hiện được thế giới tâm hồn con người một cách sâu sắc. Cũng bởi vậy cái đọng lại trong người đọc từ những cuộc tình đồng tính không phải là sự lạ lẫm, dị biệt mà là sự đau đáu về thời cuộc, nhân sinh. Theo chúng tôi, đây cũng là điểm thể hiện yếu tố nhân văn “thiên nữ” ở con người và văn chương của Hemingway.