Brett người đàn bà “lưỡng tính”

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 144 - 157)

NỮ QUYỀN QUA ĐỊNH DẠNG KIỂU NHÂN VẬT NỮ

4.5. Brett người đàn bà “lưỡng tính”

Brett là nữ nhân vật trung tâm đầu tiên và duy nhất trong tiểu thuyết của Hemingway. Chính vì vậy, đây là đối tượng được nhiều học giả quan tâm khi nghiên cứu về nhân vật ở các tác phẩm của ông.

Brett tiêu biểu cho kiểu nhân vật “lưỡng tính” mà Hemingway đã xây dựng thành công. Brett “lưỡng tính” ở nhiều phương diện: Ngoại diện (vừa mang nét đẹp nữ tính, vừa bị đàn ông hóa); hành động (vừa mạnh mẽ, nam tính vừa bị động theo kiểu nữ nhi thường tình); tâm trạng (vừa phá phách, ngang tàng bất cần đời, vừa đau khổ, mềm yếu)…

Dường như ở Brett hội tụ một cách tổng hòa những nét đặc trưng ở các nhân vật nữ của Hemingway. Có thể thấy ở Brett hình bóng của Catherine, Maria, Pilar, Margot… Do vậy, rất khó để phân loại nhân vật này vào một dạng cụ thể. Brett còn thể hiện hành trình chung trong diễn biến tâm trạng ở các nhân vật của Hemingway:

Thực tế phũ phàng Vùng vẫy để tự giải thoát Thất bại cô đơn. Hành trình của Brett là hành trình đi sâu vào thế giới của sự cô đơn. Brett mang trong mình cái bi kịch của cả một thế hệ. Những nhận định về Brett của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng mang hơi hướng “lưỡng tính” như vậy. Họ coi Brett là dạng tiêu biểu cho kiểu đàn bà tàn hại đàn ông. Đàn ông đụng vào loại đàn bà này không mất mạng thì cũng thân bại danh liệt. Nhưng đồng thời họ cũng đồng cảm, chỉ ra cái hoàn cảnh thực tế trớ trêu xô đẩy cuộc đời Brett.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính đa chiều trong việc thể hiện hình tượng Brett. Carol H. Smith cho rằng Brett là: “một người phụ nữ xấu của Hemingway... khác biệt cơ bản so với những mẫu phụ nữ tích cực của Hemingway... Brett không hề tốt cho những người đàn ông có mối quan hệ với cô” [83;132]. Tuy vậy xét ở phương diện biểu đạt, phản ánh, Carol H. Smith lại khẳng định: “Brett trung thực hơn so với phần còn lại” [83;133]. Đồng thời bà cũng thể hiện sự đồng cảm với Brett: “Brett nỗ lực để che giấu nỗi đau của mình bằng những cơn say hoặc đi cặp kè với một ai đó” [83;134], hoặc: “Brett coi tình dục như là một liều thuốc an thần để quên đi quá khứ, hiện tại, tương lai” [83;133].

Về vai trò của Brett, James Nagel đánh giá: “Brett không chỉ là một phụ nữ mà còn là một phụ nữ rất đặc biệt ở thời kỳ đó. Điều này được thể hiện rõ khi đặt nhân vật này vào bối cảnh lịch sử. Nhìn từ phương diện này, người phụ nữ trong Mặt trời vẫn mọc được đánh giá thú vị hơn những người đàn ông” [83;92].

Ông coi Brett như là một nữ nhân vật kiểu mới: “Chắc chắn Brett không phải là đại diện đầu tiên của những người phụ nữ tự do quan hệ hay tự do suy nghĩ trong văn chương Mỹ nhưng cô là hiện thân của những gì được gọi là

Mimi Reisel Gladstein cho rằng: “Brett có lẽ là nhân vật phụ nữ phá hoại hấp dẫn nhất của Hemingway” [77;64]. “Cô ấy là người phụ nữ phải chịu đựng nhiều bất hạnh" [77;67].

Leslie Fieder nhận định về sự suy thoái thiên chức, một dạng “vết thương” của Brett: “Brett không bao giờ trở thành một người đàn bà theo đúng nghĩa... cô không trở thành đàn bà dù có cố gắng thế nào đi nữa” [124;89]. Mark Spilka viết: “Brett mang những đặc tính của đàn ông. Uống rượu và chung chạ bừa bãi” [124;130]…

Trên cơ sở đó, nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng có những nhận định tương tự. Khi phân loại nhân vật nữ trong các tác phẩm của Hemingway, Lê Đình Cúc cho rằng Brett là một dạng “con cái” tàn hại “con đực”. Lê Huy Bắc thì cho rằng “Brett không phải đàn bà”. Bắt đầu bằng ngoại diện của Brett: mái tóc cắt ngắn, tính cách thất thường, thiên chức suy thoái: không thể có con sau nhiều lần chung chạ. Tuy nhiên cái mà nhà nghiên cứu này muốn thể hiện không chỉ dừng lại ở những điểm khác thường của nhân vật Brett. Ông đã đi sâu lí giải những căn nguyên dẫn đến sự dị thường ở nhân vật này để làm nổi bật cái bị kịch thời đại mà mỗi nhân vật của Hemingway phải chịu đựng: “Những năm tháng chiến tranh tàn khốc của hai cuộc chiến mà dư âm của nó còn đọng lại trên nhiều lĩnh vực đã làm nảy sinh trong con người những cảm nhận phi lí về cuộc đời. Thực trạng đó đã phá tan ảo tưởng về một trật tự xã hội. Điều ấy đã tạo nên một náo loạn thời đại, phản ánh hiện thực, Hemingway phần nào đã tái hiện chúng thông qua sự mất cân đối giữa hai giới tính” [3;199].

Philip Young đề xuất vấn đề “kiểu nhân vật mang tính chất mã” trong các tác phẩm của Hemingway. Ông cho rằng đây là dạng nhân vật “xuất hiện minh họa cho những nguyên tắc về danh dự, lòng can đảm và sự chịu đựng nào đó” [3;15]. Tuy nhiên sự “giải mã” không hề đơn giản bởi tất cả nhân vật

của Hemingway đều không đồng nhất về mặt tính cách cũng như không đại diện cho những triết thuyết nhất định. Nhân vật của Hemingway xuất hiện để chứng minh một điểm: Mọi điều đều có thể xảy ra trong cuộc sống. Với Brett cũng vậy, quả thật rất khó để đi đến kiến giải cuối cùng. Chúng tôi thống nhất với quan điểm cho rằng Brett là con người “nạn nhân” chứ không phải con người “tội nhân”.

Điều đặc biệt là Brett đã thoát khỏi những quy chuẩn trong sáng tạo văn chương cũng như trong thực tế cuộc sống. Ở khía cạnh văn chương, với Brett, Hemingway đã tạo nên một kiểu nữ nhân vật hoàn toàn mới. Brett là một trong những nhân vật có sức gợi (cũng như gây tranh cãi) nhiều nhất trong tác phẩm của Hemingway. Người đồng cảm với Brett cũng nhiều như những người phản ứng với cách sống của cô. Chỉ với điều này ta thấy dung lượng và chiều phản ánh ở nhân vật Brett là vô cùng rộng lớn và đa dạng. Xét ở góc độ xã hội, lịch sử Mỹ đã ghi nhận chặng đường dài đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ. Khi tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc ra đời, vai trò và vị thế của người phụ nữ ở Mỹ và châu Âu nói chung đã được khẳng định. Trong công trình

Brett và những người đàn bà khác trong “Mặt trời vẫn mọc”, James Nagel

nêu nhận định: “Xã hội Mỹ thay đổi nhanh chóng, được thấy rõ trong các điều khoản của Luật sửa đổi lần thứ 19 vào ngày 26/8/1920. Lần đầu tiên, phụ nữ có quyền tham gia chính trị… Vào năm 1920, có khoảng 80 tổ chức phụ nữ bình quyền ở Paris với hơn 60 nghìn phụ nữ tham gia, ở một khía cạnh nào đó thì những ảnh hưởng của họ về vấn đề giới tính và các quy tắc xã hội đã được đưa vào thể hiện ở nhân vật Brett Ashley” [84;92]. Nhận định này có vẻ như gần với nhận định về tính “minh họa” của Philip Young. James Nagel cho rằng Brett chính là hiện thân của “kiểu phụ nữ mới”, là kiểu phụ nữ dám tự đưa ra những nguyên tắc đạo đức, quy chuẩn sống cho chính bản thân mình, nhưng đồng thời ông cũng khẳng định nhân vật này “không phải là đại diện

đầu tiên của những người phụ nữ tự do quan hệ hay tự do suy nghĩ trong văn chương Mỹ”. Brett cũng không phải là kiểu nhân vật phụ nữ có quan điểm cấp tiến nhất trong những nhân vật “kiểu phụ nữ mới” mà các nhà văn Mỹ xây dựng nên ở giai đoạn này.

Như vậy, qua Brett và những nhận định của các nhà nghiên cứu về nữ nhân vật này, có thể thấy tác phẩm của Hemingway luôn mang đậm hơi thở của thời đại, chịu sự chi phối của thời đại nhưng ở một khía cạnh nào đó ở ông vẫn có những yếu tố “cổ điển”. Chính vì điều này, nếu đặt Brett vào bối cảnh xã hội đương thời, thì ta thấy nhân vật này mang cá tính đặc biệt nhưng không hề dị biệt trong dòng chảy của xã hội.

Nữ nhân vật này không chỉ tiêu biểu cho nhân vật nữ nói riêng mà còn tiêu biểu cho cả hệ thống nhân vật trong trong tác phẩm của Hemingway nói chung. Chính bởi vậy, hầu như nghiên cứu phương diện nào trong sáng tác của Hemingway, các nhà nghiên cứu cũng viện dẫn hình tượng nhân vật này: ngoại diện, ngôn ngữ, tính cách, dụng ý nghệ thuật… Với Brett, Hemingway đã có cái nhìn tương đối toàn vẹn về thân phận người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ: Những đổi thay của họ so với cái được gọi là chuẩn của truyền thống, bi kịch thời đại phản chiếu trên cuộc đời của nhân vật, sự bế tắc trước cuộc sống, hành trình đi tìm bản ngã của và vị thế của bản thân. Do vậy, việc các nhà phê bình coi Brett là dạng “con cái tàn hại con đực” cũng mới chỉ nói được một khía cạnh nhỏ không phải là tiêu biểu của nhân vật này và cũng không phải là dụng ý mà nhà văn muốn thể hiện. Với Brett, theo chúng tôi Hemingway thể hiện cái nhìn đồng cảm hơn là ác cảm. Sự đồng cảm thể hiện ngay ở cái bi kịch thời đại quy chiếu lên thân phận nhân vật này.

“Tính dục” là một bộ phận cấu thành những triết thuyết của nữ quyền. Nhiều nhà nữ quyền luận lấy đây là tiêu chí để đánh giá quyền của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới. Ellen Messer-Davidow cho rằng: “Về

mặt tri thức, nghiên cứu nữ quyền tiến hành điều tra tỉ mỉ về giới tính, chủng tộc, sắc tộc, quốc tịch, giai cấp và tính dục; coi đó như là những loại hình tổ chức nên những hệ thống xã hội và hệ thống biểu tượng” [87;62].

Lessing - nhà văn đoạt giải nobel văn học năm 2007 - khi trả lời phỏng vấn về cuốn sách The Golden Notebook (Sổ vàng), đã khước từ dấu ấn đây là “tác phẩm tiên phong của phong trào nữ quyền” theo cách “tôi luôn bối rối khi The Golden Notebook được coi là cuốn kinh thánh của phong trào nữ quyền, bởi vì tôi không muốn viết một tiểu luận về chủ nghĩa nữ quyền, mà là viết về cuộc đời của những người phụ nữ. Mọi người vẫn còn luôn tin rằng đó là một tuyên ngôn chính trị. Nhưng không phải thế... Tôi không thích chủ nghĩa nữ quyền của những năm 1960-1970, và đến nay vẫn vậy. Tôi chưa bao giờ thích cái khía cạnh thù nghịch đàn ông của những người phụ nữ trẻ quá tả, những người tỏ ra khinh thường đàn ông, hôn nhân và những đứa con. Thật tồi tệ và trước hết là lãng phí thời gian. Lẽ ra người ta phải tiếp cận những vấn đề này một cách khác...” [129].

Tư tưởng về tính dục và nữ quyền cực đoan này, có lẽ ngay chính ở Hemingway đã hiện diện. Nhân vật Brett của ông mang nỗi đau nhiều hơn là những khoái lạc cuộc đời mang lại. Một khi người phụ nữ có những biểu hiện bên ngoài là đủ mạnh để tự định đoạt cuộc đời mình, thì rất có thể ở đâu đó trong cõi sâu tâm hồn vẫn trống trơ những xúc cảm trước những hành vi xác thịt không tình yêu. Đây là đoạn đối thoại giữa Brett với Jake: "Brett! Chúng ta có thể sống với nhau không? Chúng ta có thể cứ sống với nhau thế thôi.

Em không nghĩ thế. Em sẽ lại lừa dối anh bất cứ lúc nào. Anh không chịu nổi đâu.

Bây giờ anh chịu nổi.

Như vậy thì khác. Lỗi tại em, Jake ạ. Em sinh ra là vậy. Chúng ta có thể đi về một miền quê một thời gian không?

Chẳng lợi ích gì. Nếu anh thích thì em đi. Nhưng em không thể sống yên ổn ở vùng quê được. Không thể như vậy với người yêu chân thật của mình" [31;72]. Bên cạnh sự quyết liệt, rạch ròi để được sống thật với chính mình của Brett, dường như còn cả nỗi niềm đau đáu về thân phận, sự mâu thuẫn giữa những khát khao về thể xác và tình yêu.

Xét ở độ bất thường, sự dị biệt so với những quy chuẩn đương thời đối với phụ nữ, có thể thấy những điểm giống nhau giữ Brett và nữ nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner. Hai người đàn bà này phần nào đó đều coi đàn ông như là những đối tượng để giải khuây. Họ có thể theo bất của ai và lên giường với người đó. Trong các cuộc tình với nam giới, họ giữ vai trò chủ động. Tuy nhiên họ hoàn toàn không phải là những kẻ đam mê nhục dục. Cũng như Brett, việc tìm đến với những người đàn ông đối với Caddy như là một hình thức vượt qua khỏi những bức bách của xã hội và gia đình chụp lên họ. Đó là hình thức tự giải thoát chính mình.

Một điểm trùng hợp khá thú vị là cả Ernest Hemingway và William Faulkner đều có các chuyên luận nghiên cứu mối quan hệ của hai nhà văn này với phụ nữ cũng như phương thức thể hiện hình tượng nhân vật nữ (Cuốn

Faukner với phụ nữ - Faulkner and Women do Doreen Fowler và Ann J.

Abadie biên soạn và cuốn Hemingway với phụ nữ - Hemingway and Women do Lawrence R. Broet và Gloria Holland biên soạn). Dường như các nhà văn của thế hệ vứt đi này nhận thấy rằng trong cái thế giới đầy bi quan, vỡ mộng ấy, phụ nữ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng quan trọng hơn, họ có sự đồng cảm với quá trình vươn lên khẳng định mình của người phụ nữ. Chính điều này mà sự bất bình thường, phá phách ở hai nữ nhân vật này cần nhận được nhiều sự đồng cảm hơn là lên án từ phía người đọc.

Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ bi kịch, bi kịch của Brett có lẽ nặng nề hơn so với Caddy. Nữ nhân vật của Faukner có gia đình, mặc dù nhiều người trong cái

gia đình ấy coi cô như món nợ đời. Quan trọng hơn, Caddy còn có con, sợi dây nối cô với tương lai, là niềm tin để cô bấu víu lấy cuộc sống. Cuộc sống của Brett chỉ là một mảng của thực tại đầy ngang trái. Như nhiều nữ nhân vật khác, cô không có gia đình. Cô lạc lõng giữa đám đông ồn ào và cô đơn ngay trong vòng tay những người tình của mình. Brett là một ốc đảo cô đơn.

Tiểu kết

Bàn về nhân vật trung tâm của Hemingway, đã có ý kiến nhận định rằng: “Cuộc đời của Hemingway là một văn bản, thế giới nhận vật trung tâm của ông cũng là một văn bản. Nơi giao nhau giữa văn bản đời và văn bản nghệ thuật ấy đã tạo nên kiểu nhân vật trung tâm có mức độ hư cấu rất thấp, tựa như những phiên bản của Hemingway. Thế giới đàn bà trong môi trường đó phải hội nhập vào dòng nam tính” [3;283]. Không khó để sự thấy sự bất thường về giới tính của các nữ nhân vật, đặc biệt là sự “hội nhập vào dòng nam tính”. Tuy nhiên, nếu xét đến tận cùng, thiên tính nữ vẫn là yếu tố bao trùm lên các nhân vật của Hemingway. Kể cả trong cách thức ông xây dựng nhân vật nam. Nếu bỏ qua cái nhìn mang màu sắc phân tâm, có thể coi đây là một trong những phương diện biểu hiện được tư tưởng nhân văn sâu sắc của tác giả.

Tuy không viết nhiều về nhân vật nữ do những nguyên nhân đã nêu nhưng có thể thấy rằng Hemingway có đóng góp lớn trong việc xây dựng hình tượng nữ trong tiến trình văn học Mỹ. Ông đã thể hiện một phương thức miêu tả, biểu đạt mới. Nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway có một vị thế riêng biệt khó lẫn vào các hình thức thể hiện khác. Chúng tôi đã định dạng một số kiểu nhân vật nữ trong tác phẩm của ông để góp phần định hướng rõ hơn về sự tác động của ý thức nữ quyền đến phương thức xây dựng các kiểu hình tượng.

Sự phân loại cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi Hemingway không cực đoan trong bất cứ điều gì. Những vấn đề mà ông thể hiện trong tác phẩm bao giờ cũng có sự giao thoa. Đối với nhân vật nữ cũng vậy, bởi dụng ý của

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 144 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w