Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mỹ

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 52 - 70)

NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST HEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ

2.2. Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mỹ

Như đã nêu, Mỹ là một trong những nơi các phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ diễn ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất. Cũng do đó, nơi đây được coi là điểm phát tích hoặc ủng hộ mạnh mẽ những vấn đề lí thuyết văn

học có liên quan đến nữ quyền: phê bình nữ quyền da đen; phê bình sự mô tả phụ nữ trong nghệ thuật thị giác và văn chương; phụ nữ và văn hóa đại chúng; cuộc tranh luận về quyết định luận sinh học chống lại cấu trúc xã hội về giới; sự lưỡng tính (androgyny); văn hóa đồng tính nữ và truyền thống…

Có thể khẳng định các triết thuyết về nữ quyền hiện đại ở Hoa Kỳ đều bắt đầu từ những phong trào dân quyền, hòa bình và những phong trào phản kháng khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới Anh - Mỹ từng chứng kiến hai bước nhảy vọt chính của nữ quyền luận thế kỉ 20: thứ nhất là trong sự kết nối với cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử phổ thông, thứ hai là phát sinh từ những trào lưu chính trị lan rộng vào thập niên 1960 khi phụ nữ thức nhận rằng những mục đích của cánh tả mới đã không chú ý đến nguyện vọng của họ.

Sự hình thành các nhóm phụ nữ diễn ra cùng mối quan tâm lớn dần về các vấn đề của phụ nữ, với lời kêu gọi cho bình đẳng tính dục và cho các khóa học về văn học nữ trong trường đại học. Nghiên cứu văn chương nữ quyền Anh - Mỹ đánh dấu qua các giai đoạn chính: thời kì đầu tác phẩm nhấn mạnh vào sự vắng mặt của phụ nữ trong điển phạm văn chương và nỗ lực khôi phục, thúc đẩy truyền thống văn chương nữ; tiếp đó là sự thực hành phê bình rộng rãi hoặc giải cấu trúc các mô tả về phụ nữ trong các văn bản tác giả là nam giới, rồi dẫn đến khuynh hướng tìm sự mô tả “chính xác” cho phép “tái cấu trúc” về phụ nữ. Các nghiên cứu này tiếp cận những vấn đề nữ quyền về giai cấp, chủng tộc và khuynh hướng giới tính. Cuối cùng, các nhà nữ quyền bắt đầu tham gia vào việc phê bình chính các thực hành của họ, cho thấy sự phát triển tích cực của việc tự nhận thức mang tính phê phán.

Nicholas Davidson trong bài Lược sử về nữ quyền Hoa Kỳ (bản dịch của Hồ Liễu) cho rằng ở đất nước này đã từng biết hai làn sóng về nữ quyền. Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ nửa sau thế kỉ 19 đến hết Thế chiến I và việc hội nhập quyền phụ nữ đầu phiếu vào Hiến pháp năm 1920. Làn sóng thứ hai bắt

đầu năm 1969 như một trong nhiều đám cháy rừng bừng bừng trong xã hội của thập kỉ sáu mươi và vẫn tiếp tục tới nay.

Làn sóng thứ nhất, nữ quyền trong thế kỉ 19 là một “phó sản” (hoặc sản phẩm bất ngờ) của chủ trương bài nô (bãi bỏ chế độ nô lệ). Giai cấp trung lưu, da trắng, chủ yếu là phụ nữ miền Bắc Hoa Kỳ khi tham gia chiến dịch chống lại việc nô lệ hoá những người da đen miền Nam đã thấy rằng khả năng tham gia vào những sự kiện công cộng bị bó hẹp bởi những hạn chế áp đặt lên giới tính. Cùng với vài nhà lãnh đạo nam giới bài nô, hai trong những người phụ nữ bài nô này thảo ra một Bản tuyên ngôn Tình tự (Declaration of Sentiments) mô phỏng Bản Tuyên ngôn Độc lập. Nó được lấy làm niên đại khai sinh cho nữ quyền Hoa Kỳ từ việc công bố của bản tuyên ngôn này trong cái năm xuất hiện nhiều sự kiện 1848 (sự ra đời bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels, và nhiều cuộc cách mạng chính trị, xã hội ở châu Âu). Phong trào này quan tâm tới những đề xuất rộng rãi như quyền sở hữu cho phụ nữ và sự kiến thiết bình đẳng giới giữa những thành viên cấp tiến hơn của phong trào này. Đến thập niên 1890, phong trào đã trở thành tâm điểm thu hẹp hơn vào việc tranh thủ quyền bỏ phiếu cho phụ nữ Hoa Kỳ.

Làn sóng thứ hai cũng xuất phát từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960. Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị. Hệ thống pháp lí ở Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều quy định để bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1972, Quốc hội Mỹ đã bổ sung sửa đổi Hiến pháp, quy định “Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính”. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1973, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá

thai trong những tháng đầu mang thai. Tuy nhiên chung quanh năm 1969 tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận những phong trào nữ quyền theo xu hướng bảo thủ, đối ngược. Một số nhóm cho rằng chính những yếu tố gọi là nữ quyền đã làm rạn nứt mối quan hệ gia đình, thể hiện ở tỉ lệ li dị của các cặp vợ chồng tăng cao, dẫn đến đời sống bất ổn của một lớp thanh thiếu niên. Họ giận dữ tin rằng phụ nữ đang bị lừa mất những thứ đúng là thuộc quyền của họ. Những nhà nữ quyền mới tin rằng họ có quyền, bổn phận, và khả năng để tái tạo những vai trò nữ giới “truyền thống”, hay thậm chí hoàn toàn định nghĩa lại phái nữ. Quả thực là vô cùng phức tạp!

Đến Hemingway, nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ đã trải qua một chặng đường dài để hoàn thiện. Có thể thấy được dấu ấn nữ quyền trong sáng tác của nhiều tác giả văn học Mỹ, nó kết tinh trong hệ thống nhân vật nữ mà họ thể hiện cho dù các nhà văn có thực sự bị chi phối bởi hệ thống lí thuyết đó hay không. Nhiều nhân vật nữ trong các giai đoạn văn học trước hoặc cùng thời với Hemingway đã trở thành những hình tượng nghệ thuật điển hình. Có thể điểm qua một số nét lược sử như sau:

Nhân vật nữ xuất hiện một cách “tròn vai” đầu tiên trong văn học Mỹ phải kể đến người vợ của Rip trong truyện ngắn Rip Van Winkle của Washington Irving (1789 -1851), người được mệnh danh là nhà văn Mỹ mang “chất” Mỹ đầu tiên của tân thế giới. Truyện ngắn này nằm trong cuốn Kí sự của Geoffrey

Crayon, Quý ông (The Sketch Book of Geoffrey Crayon, Gent), được Irving

viết trong khoảng thời gian từ 1819 - 1820. Điều đặc biệt là khi chế độ nô lệ đang còn tồn tại, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội gần như là con số không, Irving lại xây dựng nên một “mô hình ngược”: Nữ giới ở địa vị thống trị. Người vợ của Rip trong truyện ngắn này hiện lên đầy hung dữ, là cơn ác mộng không chỉ với Rip mà với nhiều người khác, kể cả những người đáng kính trong ngôi làng mà Rip ở. Mọi người đều bị bà ta “khủng bố” mà không

một ai có thể chống lại nổi. Sự dữ tợn của bà vợ Rip còn tác động khủng khiếp tới cả loài vật. Con Sói (tên con chó mà Rip nuôi), rất thân cận với Rip, là một con vật dũng mãnh nhưng mỗi khi bà vợ Rip nổi cơn tam bành thì nó cũng chẳng khác gì một con mèo hen. Chính vì vậy mà mong ước được thoát khỏi bà vợ luôn là một mong ước cháy bỏng trong con người Rip.

Nếu xét trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ, với tư cách một người vợ, có lẽ vợ của Rip không có được một “quyền năng” như thế. Tuy nhiên đây là nhân vật biểu tượng và được khắc họa theo kiểu phóng đại của bút pháp lãng mạn. Trong cái nền truyện thấm đẫm chất lãng mạn bay bổng diệu kỳ, tác giả đặt vào một nhân vật quá ư trần tục nhưng chính vì vậy mà tác phẩm của ông trở nên sống và đời hơn.

Khi xây dựng hình tượng nữ nhân vật này, có lẽ Washington Irving không có dụng ý về quyền phụ nữ. Cái mà nhà văn muốn thể hiện là ngụ ý phê phán xã hội. Người vợ của Rip như một biểu tượng cho một thế lực xấu xa. Nhiều ý kiến cho rằng Washington Irving muốn hướng tới nước Anh. Trong dáng vẻ của vợ Rip, nước Anh hiện lên như một mụ già lắm lời, khủng khiếp và đầy khủng bố.

Tiếp nối là hình tượng nữ nhân vật trong các sáng tác của Nathaniel Hawthorne (1804 - 1864). Nhà văn này đã thể hiện một cách chân thực cuộc sống của người phụ nữ thời đó nhưng quan trọng hơn cả, ông đã thể hiện một quá trình vươn lên không mệt mỏi của những người phụ nữ để vượt qua những định kiến khắc nghiệt của xã hội. Tiêu biểu là nhân vật Hester Prynne trong tiểu thuyết Con chữ đỏ thắm (The Scarlet Letter). Hester Prynne là một người đàn bà xinh đẹp nhưng nàng lấy nhầm một gã chồng mọt sách, suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở, không ngó ngàng gì đến người vợ trẻ. Theo tiếng gọi con tim, nàng đã yêu và hiến thân cho một vị mục sư - Dimmesdale. Họ có con với nhau. Trước những luật lệ hà khắc, độc đoán, cùng với kế

hoạch trả thù thâm hiểm của người chồng, Hester Prynne đã phải chịu vô vàn cay đắng, tủi cực. Cô bị đưa lên đài bêu với một chữ A (Adultery - ngoại tình) màu đỏ đeo trước ngực. Sự việc sẽ là bi kịch nếu Hester Prynne cam chịu. Tuy nhiên cô không hề cam chịu. Hester Prynne sống một cách quyết liệt, ngoan cường với mục đích nuôi dạy con nên người. Mọi sự xa lánh, kỳ thị của xã hội không làm cho cô nao núng. Hester Prynne tự xác định cho mình một lối sống và cô tin vào đó. Bất chấp sự ghẻ lạnh của mọi người, cô vẫn sống một cuộc sống đàng hoàng, kiếm sống bằng chính bàn tay lao động của mình và sẵn sàng hòa đồng với mọi người xung quanh. Để sống, Hester Prynne với tài khâu vá của mình đã kiếm được rất nhiều tiền. Cô sẵn sàng giúp đỡ người khác. Thái độ sống của Hester dần thuyết phục được mọi người, kể cả những người ghét bỏ cô nhất. Mọi người dần yêu mến cô. Sự ghẻ lạnh với con chữ oan nghiệt kia dần được gỡ bỏ, đến mức mọi người xem đấy như là dấu hiệu thiêng liêng của thánh thần: "Tại nơi đó, ánh lên chữ A màu đỏ thêu trên ngực chị, với một nguồn an ủi toát ra từ những ánh sáng tự nhiên của nó. Ở mọi nơi khác, nó là biểu tượng của tội lỗi, còn ở đây nó là ngọn nến nhỏ trưng trong buồng người bệnh. Thậm chí nó còn rọi ánh sáng qua bên kia bờ vực của thời gian, trong khi người bệnh khổ đau lâm vào giờ phút tận cùng khắc nghiệt. Nó soi cho người ấy thấy chỗ đặt chân đi, trong khi mà ánh sáng của trần gian đang tối sập xuống và trước khi ánh sáng của cõi tương lai chiếu được đến kẻ lìa trần. Trong những tình huống khẩn thiết như vậy, bản chất của Hester Prynne bộc lộ ra nồng hậu và dồi dào tình cảm vô tận - một nguồn suối nhân tình hiền dịu, không bao giờ cạn đối với mọi yêu cầu chính đáng và không bao giờ biết mệt mỏi trước những đòi hỏi to lớn nhất. Bộ ngực mang dấu hiệu ô nhục chỉ còn là chiếc gối mềm dịu để kê đầu người bệnh cần chỗ gối êm" [12;131]. Đức cha Dimmesdale dẫu biết mình phạm tội tày trời trước Chúa và sự ăn năn sám hối có lớn đến mức nào đi nữa cũng không thể chuộc lỗi được

với Người, tuy nhiên mối ân hận lớn nhất trong lòng đức cha Dimmesdale lịa hướng về mẹ con Hester bởi nỗi khổ ải mà họ gánh chịu và những hành động cao thượng mà chính Hester đối xử với chính đức cha và những người xung quanh. Với điều này, dường như Nathaniel Hawthorne muốn gửi đến thông điệp: Tình yêu chân chính của người phụ nữ có thể cảm hóa cả Đức Chúa trời. Một người phụ nữ đã vượt qua được những định kiến của xã hội, tôn giáo không chỉ để sống mà còn để mọi người phải nhìn nhận lại chính mình. Đây chính là lí do để nhiều ý kiến cho rằng Hester Prynne là người tiên phong cho phong trào nữ quyền, cho sự đấu tranh chống lại những hủ tục đè nặng lên cuộc sống con người.

Không xây dựng nhân vật nữ trung tâm trong tác phẩm bởi nó không nằm trong mục đích sáng tác nhưng Harriet Beecher Stowe cũng đã tái hiện thân phận của nhiều người phụ nữ da đen trong bể khổ nô lệ ở tiểu thuyết Túp

lều của bác Tom. Những người phụ nữ bị đày ải nhưng vẫn toát lên những nét

đẹp thánh thiện với những thiên chức làm vợ, làm mẹ, đức hi sinh và sự nhân từ cao cả. Cảnh nữ nhân vật Eliza ôm con bỏ trốn đến chân trời mới là một trong những hình ảnh hết sức có ý nghĩa trong tác phẩm. Hình ảnh người phụ nữ trẻ ôm con lao trên những tảng băng bồng bềnh trên sông, để lại đằng sau những vệt máu rỏ từ đôi chân không giày cho thấy một tình mẫu tử vô hạn và cả khát vọng tự do không cùng của người bỏ trốn.

Những nhân vật nữ trong các tác phẩm của Henry James (1843 - 1916) cũng đã để lại dấu ấn khá đặc biệt trong tiến trình văn học Mỹ. Tiêu biểu phải kể đến nhân vật Daisy trong Daisy Miller (1879). Đây là một cô gái Hoa Kỳ, trẻ đẹp, ngây thơ. Cô nhận thấy những giá trị mình tôn thờ xung đột với thói chuộng hư danh, hợm hĩnh, khinh người của châu Âu. Tương tự, Isabel trong

Chân dung thiếu phụ (The Portrait of a Lady, 1881) là cô gái Hoa Kỳ hồn nhiên đến thánh thiện. Chính sự hồn nhiên đó đã mang đến tai họa cho cô. Kẻ

xấu đã lợi dụng cô để kiếm chác tiền bạc. Qua cuộc đời Isabel dường như tác giả đã hé mở sự bát nháo của xã hội bị đồng tiền chi phối. Những người yêu Isabel đích thực thì không đến được với cô, kẻ muốn lợi dụng, bằng sự láu cá, lươn lẹo thì rốt cục lại chinh phục được trái tim của Isabel. Có thể nói với Isabel lần đầu tiên người phụ nữ được đặt trong mối quan hệ phức tạp, đa chiều với xã hội. Tương tự như vậy ở tác phẩm Chén vàng (The Golden Bown, 1904), hai nữ nhân vật là Maggie và Charlotte quay cuồng trong các mối quan hệ tình tiền.

Tác phẩm Người Boston (The Bostonians, 1886) được viết trong thời kì phong trào đấu tranh nữ quyền dâng cao. Olive Chancellor, nhân vật phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền được Henry James xây dựng rất thành công. Qua các hoạt động xã hội của Olive Chancellor, Varena Tarant, có thể thấy được sự chuyển biến của một giai đoạn lịch sử đấu tranh nữ quyền. Hình ảnh người phụ nữ đăng đàn đòi quyền lợi cho giới của mình trong tác phẩm này có thể coi là một trong những dấu mốc nữ quyền. Tuy nhiên đây không phải là điều duy nhất để làm nên thành công của tác phẩm. Hình ảnh Ransom xuất hiện ngay trước khi Verena bắt đầu diễn thuyết, thuyết phục Verena bỏ đi với mình, mặc kệ Olive và những người trong phong trào đấu tranh nữ quyền của cô; hình ảnh Verena khóc ở cuối tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở phương diện đấu tranh cho nữ quyền. Nó còn thể hiện những chuyển biến tâm lí tinh tế trong tâm hồn con người, những xung đột giữa lí tưởng và tình cảm, giữa hạnh phúc cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng. Nó cho thấy ngay cả khi có thể lựa chọn thì con người đâu dễ chọn cho mình một giải pháp tối ưu và dứt khoát trong cuộc đời.

Có thể thấy hình ảnh xuyên suốt tiểu thuyết của Henry James chủ yếu hướng đến chân dung của một con người (thường là phụ nữ) độ lượng, hiểu biết và nhạy cảm. Có phần giống như Washington Irving, nhân vật nữ của Henry James cũng mang nhiều nét biểu tượng. Ở đây là biểu tượng về sự

ngây thơ của một thế giới mới (chỉ Hoa Kỳ) tương phản với sự đồi bại và lọc

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 52 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w