Người đàn bà suy thoái thiên chức

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 140 - 142)

NỮ QUYỀN QUA ĐỊNH DẠNG KIỂU NHÂN VẬT NỮ

4.3.Người đàn bà suy thoái thiên chức

Sự suy thoái thiên chức xét cho cùng cũng là một dạng “vết thương” ở nhân vật nữ của Hemingway. Bản chất thiên phú ở người phụ nữ trong các tác phẩm của Hemingway dần mai một. Họ thay đổi về nhân dạng, tính cách, thái độ, hành động. Nhiều người phụ nữ trở nên phi giới tính đến độ nếu không thêm vào các đại từ chỉ giới tính, cách đặt tên, chỉ nhìn nhận họ qua hành động, cách sống, thì người đọc rất dễ nhầm với đàn ông. Pilar, Brett, Miss Mary… là kiểu nhân vật như vậy. Thậm chí ở Mặt trời vẫn mọc, Hemingway còn để cho Jake gọi Brett là man (đàn ông).

Không có con cũng là một dạng của suy thoái thiên chức. Leslie Fieder nhận định: “với Hemingway phụ nữ hầu hết yếu mềm, sinh ra để duy trì nòi giống”. Điều này có vẻ không chính xác lắm. Các nhân vật nữ mà Hemingway miêu tả đều không có con hoặc không có cơ hội làm mẹ: “Đâu chỉ riêng đứa con trong bụng Catherine chết, Maria không có thai sau lần bị

làm nhục, Pilar không con, Catherine (Vườn địa đàng) với những biểu hiện của đồng tính luyến ái; mà Brett sau bao cuộc chung đụng xác thịt vẫn không có thai. Nhân vật nữ của Hemingway hầu như mất khả năng làm mẹ ngay từ Brett” [3;198].

Việc sinh con được có thể coi như là biểu tượng của sự tiếp nối tới tương lai. Nhiều tác giả, kể cả tác giả văn học Mỹ đã khắc họa thành công cảnh sinh nở của phụ nữ, hình ảnh người đàn bà với đứa con nhỏ nhiều khi là thông điệp báo hiệu cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Hemingway không làm được điều này. Trong sự nghiệp sáng tạo của mình, có hai tác phẩm ông miêu tả cảnh sinh nở của người phụ nữ, một ở truyện ngắn Trại người da đỏ và một ở tiểu thuyết Giã từ vũ khí đều gắn với sự chết chóc.

“Một vị bác sỹ bước ra, theo sau là một cô y tá. Ông cầm trong tay một vật gì giống như một con thỏ mới bị lột da. Ông bước nhanh qua hành lang và biến mất sau một cánh cửa khác. Tôi tiến tới cửa mà bác sỹ vừa đi vào, tôi thấy ông ta đương làm gì đó với một trẻ lọt lòng. Ông ta nâng hài nhi lên cho tôi xem. Ông nắn gót chân đứa nhỏ và phát mạnh vào người nó.

- Đứa bé có khá không?

- Tuyệt. Nó cân đến năm lí lô.

Tôi hoàn toàn dửng dưng đối với đứa nhỏ. Nó có vẻ xa lạ đối với tôi. Tôi không cảm thấy chút tình phụ tử nào cả… .

Tôi nghĩ rằng Catherine đã chết. Nàng giống như một xác chết. Mặt nàng, mà tôi thấy được, xám ngắt...” [32;522,523].

Cảm giác như có sự bất nhẫn của người cha khi chào đón đứa con chào đời. Ngay cả khi nghe tin đứa trẻ chết, người cha vẫn mang cái vẻ dửng dưng như vậy. Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng các nhân vật của Hemingway rất giỏi che đậy cảm xúc. Đành là vậy, nhưng thiết nghĩ ở đây không chỉ đơn thuần là che đậy cảm xúc. Cái Hemingway miêu tả là tâm trạng hụt hẫng đến

trơ lì, tâm lí lạc loài của “thế hệ vứt đi” trở thành nỗi ám ảnh nặng nề ở các nhân vật của ông. Không chỉ có đứa con và Catherine chết, ngay cả Henry ở một phương diện nào đó cũng đã “chết”.

Ở hầu hết các nền văn hóa, việc người đàn bà chết sau khi cho ra đời một đứa con có một ý nghĩa thiêng liêng, giống như ý nghĩa hiến tế mạng người để đảm bảo tính trường tồn của sự sống. Nhiều tác phẩm văn học cũng đã xây dựng mô típ này thành những hình tượng đẹp. Như vậy cái chết của Catherine và đứa con càng nhấn mạnh đến cùng cực sự cô đơn của con người. Những con người dường như không còn một chiếc phao tinh thần nào để bấu víu. Sống không còn biết đến ngày mai.

Bên cạnh hai tác phẩm này, Hemingway còn sáng tác một truyện ngắn nữa mà toàn bộ nội dung chỉ xoay quanh chuyện “cố để có con” (Ông và bà

Elliot). Tuy nhiên, cho dù có cố đến mấy thì cái mục tiêu của cặp vợ chồng

trong truyện ngắn này cũng vô vọng.

Một số thiên hướng nữ quyền oán trách tiềm năng sinh đẻ của phụ nữ và coi đó như một nguyên nhân của sự bất bình đẳng với phụ nữ, đẩy họ vào vị trí phục vụ đàn ông. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây không phải là thiên hướng ảnh hưởng tới Hemingway để ông tước đi quyền sinh nở của người phụ nữ (trên phương diện sáng tác). Cái quan trọng hơn, qua chính điều đó, nhà văn phản ánh được cái bi kịch thời đại mà các nhân vật của ông phải nếm trải. Những người đàn bà không thể sinh nở hoặc sinh nở không thành thể hiện sự khắc nghiệt của chiến tranh, của cuộc sống đã trút gánh nặng lên những người phụ nữ khiến họ suy thoái dần cả về hình hài lẫn thiên chức làm mẹ.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 140 - 142)