Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền với phương thức thể hiện nhân vật nữ của Ernest Hemingway

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 70 - 75)

NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST HEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ

2.3. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền với phương thức thể hiện nhân vật nữ của Ernest Hemingway

nhân vật nữ của Ernest Hemingway

Tiểu sử của Hemingway có nhiều yếu tố gắn với “nữ quyền”. Ngay từ thời thơ ấu, nhà văn đã được chứng kiến cái gọi là nữ quyền ngay ở gia đình mình: bà ngoại, mẹ, những người dì của ông là những nhà hoạt động xã hội tích cực ủng hộ các phong trào đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ. Những cứ liệu về tiểu sử gia đình của Hemingway cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn là đề tài không kém phần hấp dẫn so với những tác phẩm văn chương mà nhà văn sáng tác. Trong đó có lẽ nặng nề nhất là luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân cha của ông tự tử xuất phát từ sự áp chế của mẹ ông. Trong gia đình của Hemingway, nam giới trên một phương diện nào đó được xem là nạn nhân của nữ quyền. Khi bàn về vấn đề này, Linda Wagener-Martin đã viện dẫn nhận định của Jamie Barlowe:

“Tiến sĩ Jamie Barlowe đã đưa ra những bằng chứng xác đáng về vai trò của những người thân là nữ từ bà đến mẹ của ông, Grace Hall-Hemingway đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ông xét theo khía cạnh về giới. Bài bình luận của Barlowe trong Giáo dục giới tính của Hemingway chính là

thông qua cuộc đời của nhà văn, “các cuộc thảo luận về vấn đề giới tính trở nên phổ biến như đã từng diễn ra trong những năm cuối của thế kỷ 20”. Bà đã bàn luận đến những người thân là nữ của Hemingway như Hadley Richardson và tầm quan trọng trong việc giáo dục của phụ nữ, cho thấy Hemingway bị hấp dẫn bởi Hadley, người vợ đầu tiên của ông vừa bởi vì bà giống những người phụ nữ mạnh mẽ khác và vừa bởi bà có những nét khác biệt với họ. Trong bài viết đề cập đến tiểu sử và văn hóa, Barlowe đã cung cấp nhiều thông tin không tương quan với nhau: độc giả biết thêm về những bí ẩn liên quan đến giới tính đã ghi dấu ấn trong phong cách viết văn và cuộc đời của Hemingway” [102;6].

Khi trưởng thành, tham gia văn giới, Hemingway tiếp xúc nhiều với các nhà văn theo xu hướng nữ quyền, thậm chí trong số đó có người còn góp phần định hướng cách viết, đỡ đầu văn chương cho ông như Gertrude Stein (1874- 1946) nữ văn sĩ đồng tính Hoa Kỳ, sống chủ yếu ở Pháp, người mà Hemingway trong cuốn tự truyện Hội hè miên man gọi là “Miss Stein giáo huấn”. Gertrude Stein là người đã gieo vào tâm tưởng của Hemingway quan điểm đồng tính nữ là thứ sạch sẽ khả dĩ có thể chấp nhận được còn đồng tính nam thì ngược lại.

Cũng thế, Hemingway giao du với Barney Natali (1876 - 1972), người luôn nỗ lực quảng bá cho tác phẩm của các nhà văn nữ và là người sáng lập ra “Viện Hàn lâm Phụ nữ” làm đối trọng với Viện Hàn lâm Pháp gồm chỉ toàn đàn ông. Bà công khai là người đồng tính và đứng tên thật trong các bài thơ tình viết cho những người phụ nữ khác. Tác phẩm của bà từ tập thơ đầu tiên đến tập thơ cuối cùng đều cổ xúy cho nữ quyền, phi tôn giáo và chủ nghĩa hòa bình.

Người thứ ba có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng nữ quyền của Hemingway là Flanner Janet (1892 - 1978), nhà văn, nhà báo người Mỹ. Bà là người lưỡng tính, tham gia hội những nhân vật nữ trí thức đồng tính. Bên cạnh đó, ông còn

thân thiết với Zelda (1900 - 1948), nữ tiểu thuyết người Mỹ, vợ của Scott Fitzgerald, người bạn văn chương gần gũi của Hemingway. Trong cuốn tiểu sử về Zelda, người ta đã mô tả bà như một biểu tượng của nữ quyền…

Nhìn chung, cái ảnh hưởng trực tiếp đến Hemingway (từ cuộc sống đến văn chương) là những nội dung thuộc tư tưởng của nữ quyền luận chứ không phải đơn thuần phê bình nữ quyền trong văn chương. Nữ quyền như là một khách thể của cuộc sống để Hemingway miêu tả nhiều hơn là yếu tố lý thuyết văn chương chi phối sáng tác của nhà văn.

Lịch sử văn chương đã thể hiện những vấn đề mang tính chất quy ước trong phương thức thể hiện hình tượng nhân vật nam hay nữ. Những yếu tố mang tính chất mặc định về hình tượng người phụ nữ đã bị các nhà nữ quyền phê phán kịch liệt, bởi qua một số mặc định đó, thân phận, vai trò của người phụ nữ bị xếp ở hàng thứ yếu. Nhiều nhà phê bình nữ quyền mong ước tránh được “những sự cố định và xác quyết” của lí thuyết và phát triển một diễn ngôn nữ giới không thể bị ràng buộc về khái niệm như là thuộc về một truyền thống lí thuyết được thừa nhận (và bởi vậy có lẽ do nam giới tạo ra).

Nếu lấy những tiêu chí về nữ quyền để nhìn nhận nữ nhân vật của Hemingway, có thể khẳng định rằng hệ thống nhân vật nữ mà ông tạo dựng có nhiều phương diện mang dấu ấn nữ quyền dù nhà văn có ý thức hoặc vô thức khi miêu tả (chúng tôi sẽ phân tích kỹ điều này trong chương tiếp theo). Tiêu biểu có thể thấy trên các mặt: Nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway đã thể hiện được vai trò làm chủ. Qua cái nhìn của nhà văn cũng như trong mối quan hệ giữa các nhân vật mà ông xây dựng, có thể thấy hầu hết những người phụ nữ mà Hemingway miêu tả đều có những vai trò nổi bật, thậm chí thống soái đàn ông. Hemingway dường như không khu biệt những địa hạt dành riêng cho nam giới hoặc phụ nữ. Nhân vật nữ trong tác phẩm của ông tham gia vào hầu hết các lãnh địa của nam giới, thậm chí trong cái lãnh

địa có phần độc tôn theo lẽ thông thường ấy, họ còn giữ vai trò thủ lĩnh.

Tiểu kết

Trên nguyên tắc hòa hợp âm - dương của tồn tại, bất cứ một nhà văn ở xứ sở nào và cho dù có viết dưới bất kì ánh sáng hay nguyên tắc triết học nào thì nhà văn đó cũng không thể nào tránh được những vấn đề thuộc về giới nam và giới nữ, cũng như mối quan hệ của hai giới. Vì lẽ đó, nữ quyền luận dường như trở thành một bộ phận tất yếu của sáng tạo và tiếp nhận phê bình. Dưới thời nam quyền, vấn đề nữ quyền chưa được đặt ra. Nhưng một khi xã hội phát triển, vai trò người phụ nữ được đề cao thì tất nhiên những quyền lợi của người nam đâu còn là đặc quyền riêng của họ. Thời đại càng dân chủ, bình đẳng thì vai trò của người nữ được chú trọng và đề cao.

Nữ quyền luận với những tiêu chí bênh vực chính đáng người phụ nữ ở vào thế kỉ XX đã trở thành những chuẩn mực mới trong sáng tạo và tiếp nhận. Trong dòng vận động của văn chương Mỹ từ truyền thống đến hiện đại, vấn đề người phụ nữ trong tác phẩm Hemingway có một ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp tranh đấu nữ quyền.

Tổng hợp một số đặc trưng của nữ quyền luận đã được các nhà nghiên cứu đề cập, chúng tôi mong muốn chỉ ra những sự tương quan và ảnh hưởng của nó tới phương thức xây dựng hình tượng nhân vật nữ của Hemingway. Đến ông, nữ quyền đã trải qua một chặng đường dài để phát triển cả về mặt xã hội và những lí thuyết mà nó kiến tạo nên. Tuy nhiên có thể thấy giai đoạn nhà văn sống và sáng tác là giai đoạn mà quyền của người phụ nữ cùng với hệ thống lí thuyết đảm bảo cho các hoạt động của nó đạt được những kết quả nổi bật. Hemingway đã chứng kiến điều đó và phản ánh lên trang viết của mình. Nhân vật nữ của ông đã mang hơi thở của nữ quyền như một lẽ tất yếu của cuộc sống xã hội. Như đã nêu, chúng tôi lựa chọn một số lý thuyết về phê bình nhận diện - một trong ba loại cơ bản của phê bình nữ quyền - làm cơ sở

để nhìn nhận nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway. Tuy nhiên cũng chỉ trên một số phương diện cơ bản như mối quan hệ nữ - nam, vấn đề giới tính, tính dục, mối quan hệ với xã hội... bởi phạm vi của phê bình nhận diện rất rộng, nó nhìn nhận toàn diện thân phận của người phụ nữ. Bên cạnh đó, để đánh giá một cách xác đáng hệ thống nhân vật nữ của Hemingway và những đặc trưng của chúng, không thể chỉ có mình lý thuyết về nữ quyền.

Chương 3

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận Chuyên ngành: Lí luận Văn học (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(175 trang)
w