Giới thiệu khái quát về Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 37 - 40)

9. Kết cấu của Luận văn

2.1. Giới thiệu khái quát về Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh

Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Television) là Đài truyền hình do Nhà nước quản lý, trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM, bắt đầu phát sóng từ ngày 01/5/1975.

Trong lịch sử hình thành và phát triển thì Đài Truyền hình TP.HCM có thể chia làm ba giai đoạn sau:

Giai đoạn từ năm 1965 đến 30/4/1975: Đài Truyền hình Sài Gòn là Đài vô tuyến truyền hình thuộc Nha Vô tuyến Truyền hình Việt Nam của Việt Nam Cộng hòa được thành lập năm 1965, trong giai đoạn chưa xây dựng cơ sở trên mặt đất thì các buổi phát hình được thực hiện bằng phi cơ bay ở độ cao từ 3km đến 6km và phủ sóng từ Phan Thiết đến Cần Thơ với thời lượng phát khoảng 3 giờ/ngày.

Năm 1968, Đài Truyền hình Sài Gòn hoàn thành việc xây dựng trụ sở làm việc và bắt đầu thực hiện việc phát sóng thông qua cột anten cao 122m với phạm vi phủ sóng từ khu vực miền Đông Nam Bộ đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và phát trên 2 kênh: K9 của Truyền hình Sài Gòn, thời lượng phát khoảng 9 giờ/ngày và K11 của Đài AFVN Hoa Kỳ, thời lượng phát khoảng 12 giờ/ngày.

Buổi phát sóng cuối cùng của Đài Truyền hình Sài Gòn là vào chiều ngày 29/4/1975 và chính thức được chuyển giao cho Ủy ban Quân quản Thành phố chiều ngày 30/4/1975 đồng thời chấm dứt 10 năm hoạt động của Đài Truyền hình đầu tiên tại Việt Nam dưới sự quản lý của chế độ cũ.

Giai đoạn từ 01/5/1975 đến năm 1991: sau khi tiếp quản, Đài Truyền hình Sài Gòn được đổi tên thành Đài Truyền hình Giải phóng và bắt đầu đưa vào hoạt động từ chiều 01/5/1975 với đội ngũ kỹ thuật, phóng viên, biên tập

tại chỗ và được bổ sung thêm nguồn lực từ miền Bắc và các chiến khu nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của Đài. Trong giai đoạn đầu, Đài vẫn tiếp tục sử dụng toàn bộ hệ thống thiết bị kỹ thuật của Hoa Kỳ để lại, đồng thời bổ sung một số thiết bị từ các nước XHCN và các nước khác như: VTR Umatic của Nhật, xe màu của Tiệp Khắc, camera...

Trước năm 1991, Đài hoạt động dưới cơ chế quản lý bao cấp (cơ chế xin – cho) thiếu thốn về mọi mặt: đội ngũ CBCNV ít được tái đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đời sống vật chất thiếu thốn dẫn đến tình trạng một số CBCNV bỏ nghề, chuyển công tác khác hoặc đi hợp tác lao động tại các nước XHCN. Hệ thống thiết bị kỹ thuật xuống cấp, hư hỏng sau nhiều năm sử dụng nhưng không có thiết bị thay thế hoặc có nhưng giá rất cao (vì thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn bị Hoa Kỳ cấm vận và nước ta chưa mở cửa thông thương với các nước trên thế giới), song song với nó là việc không theo kịp với sự phát triển của ngành truyền hình nói chung và công nghệ truyền hình nói riêng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, với nỗ lực của cơ quan chủ quản nhằm vực dậy hoạt động của Đài, năm 1986 Đài đã được trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật của Pháp (sử dụng hệ SECAM) thay cho hệ thống cũ của Mỹ (sử dụng hệ NTSC) từ nguồn tài chính do Ủy ban Nhân dân TP.HCM cấp, sự kiện này được xem là lần đầu tiên Đài tham gia mua bán trên thị trường công nghệ trong lĩnh vực truyền hình.

Giai đoạn từ năm 1991 đến nay: Đài Truyền hình TP.HCM phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của đất nước sau thời kì bao cấp. Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã mang đến những thay đổi kì diệu trong sự phát triển của Đài. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện qua việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí và giải trí cho khán giả, Đài còn có thể tự tạo nguồn thu thông qua các chương trình quảng cáo. Điều này đã dẫn đến những thay đổi cơ bản sau:

- Các hệ thống thiết bị kỹ thuật được nâng cấp, đầu tư mới và có chiều sâu để có thể theo kịp với sự phát triển chung của ngành truyền hình trong khu vực và trên thế giới.

- Chất lượng về nội dung, kỹ thuật, kỹ xảo không ngừng nâng cao. - Qui trình sản xuất chương trình truyền hình đang dần được hoàn thiện thông qua việc từng bước hợp lý hóa dây chuyền sản xuất.

- Đội ngũ CBCNV ngày càng nhiều với năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

- Đời sống của CBCNV được cải thiện.

- Khả năng quản lý từng bước được hoàn thiện...

Với những thay đổi cơ bản trên thì từ năm 2000 đến nay, Đài Truyền hình TP.HCM đã phát triển đồng đều và mạnh mẽ về mọi mặt và đạt được một số thành tựu quan trọng như sau:

- Số lượng kênh phát sóng: 22 kênh phát sóng dưới các hình thức vệ tinh, analogue, digital. Ngoài ra, Đài Truyền hình TP.HCM còn mua bản quyền từ nhiều hãng truyền hình khác và phát sóng hơn 70 kênh trên hệ thống truyền hình cáp HTVC.

- Thời lượng phát sóng: đa số các kênh được phát sóng 24/24.

- Vùng phủ sóng: với cột anten cao 252m mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hoạt động từ giữa năm 2010 thì sóng analogue của Đài Truyền hình TP.HCM có thể phủ trong vòng bán kính 150km (bao gồm hầu hết các Tỉnh, Thành khu vực phía nam). Ngoài ra, tất cả cả Tỉnh, Thành trên cả nước, toàn bộ các nước khu vực Đông Nam Á và một số nước Châu Á có thể tiếp sóng của Đài Truyền hình TP.HCM qua vệ tinh Vinasat 1.

- Hệ thống thiết bị kỹ thuật được trang bị hiện đại với công nghệ đầu tư cho sản xuất chương trình, phát hình, phát sóng... thuộc nhóm đứng đầu cả nước và có thể so sánh ngang với các Đài truyền hình lớn trong khu vực.

- Đội ngũ kỹ sư, phóng viên, biên tập thuộc biên chế Đài và lực lượng cộng tác viên thường xuyên cho Đài tổng cộng hơn 1.000 người. Đội ngũ này

dần được trẻ hóa và thường xuyên được bổ sung, được đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng chuyên môn cả trong và ngoài nước.

- Cơ cấu tổ chức ngày càng hoàn thiện với 26 Phòng, Ban, Trung tâm trực thuộc thực hiện nhiệm vụ riêng biệt và có tính chuyên môn hóa cao.

- Về mặt nội dung thì đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao nhưng cách thức thể hiện không mang nặng hình thức giáo điều vì thế đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước dễ dàng đi sâu vào các tầng lớp nhân dân. Thông tin được cập nhật liên tục, có tính thời sự và độ chính xác cao, các chương trình giải trí hấp dẫn, sinh động và được đổi mới liên tục nhằm mục tiêu phục vụ nhu cầu giải trí của nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau.

- Doanh thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác trong những năm gần đây đã vượt con số 1.500 tỉ đồng.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 37 - 40)