Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 93 - 95)

9. Kết cấu của Luận văn

3.3.1. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như hiện nay việc đẩy mạnh xã hội hóa truyền hình sẽ tạo ra những bước ngoặc quan trọng trong việc phát triển ngành truyền hình Việt Nam nói chung và Đài Truyền hình TP.HCM nói riêng.

Xét về khía cạnh sản xuất, sản phẩm truyền hình mang hàm lượng sáng tạo cao, mỗi sản phẩm trong cùng một dây chuyền công nghệ sản xuất đều đòi hỏi phải có sự thay đổi, sự sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại nét mới lạ trong sản phẩm nhằm thu hút lượng khán giả xem truyền hình. Với đòi hỏi cả về chất lượng, số lượng và tính đa dạng của sản phẩm truyền hình phục vụ cho 22 kênh phát sóng liên tục 24/24 giờ thì tự Đài khó có thể đáp ứng cả về mặt con người và mặt dây chuyền, thiết bị sản xuất. Trong đó, một lần nữa yếu tố con người lại đóng vai trò trọng tâm, vì hàm lượng sáng tạo liên quan chặt chẽ đến yếu tố con người, khi con người đã có sức ì, không có áp lực đổi mới và làm việc theo lối mòn thì sự sáng tạo của họ sẽ mất đi, đó cũng chính là thời điểm phải thay thế bằng một đội ngũ mới năng động hơn, nhiệt huyết và sáng tạo hơn, điều này khó thực hiện trong mô hình biên chế của cơ quan Nhà nước như Đài Truyền hình TP.HCM. Do đó, việc thiết lập sự liên kết giữa các Đài truyền hình, các doanh nghiệp tư nhân để thu hút được nguồn nhân lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác sản xuất chương trình truyền hình là một giải pháp tốt để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sáng tạo.

Xét về khía cạnh công nghệ, việc liên kết với đơn vị ngoài sẽ làm giảm áp lực trong việc đầu tư công nghệ mang tính dàn trải, chia sẻ năng lực công nghệ giữa các đơn vị sản xuất, tạo điều kiện cho Đài tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cải tiến, cải tạo qui trình công nghệ

tiến tới xây dựng và thiết kế dây chuyền công nghệ mới. Thực tế hoạt động cho thấy, Đài Truyền hình TP.HCM thường xuyên đổi mới, nâng cấp hoặc nhập một dây chuyền công nghệ sản xuất chương trình truyền hình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để phù hợp với việc sản xuất tại Việt Nam nhiều dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh sau khi được chuyển giao cho Đài phải được cải tiến lại cho phù hợp. Hiện nay, trong các Đài phát thanh, truyền hình của 63 Tỉnh, Thành phố ở Việt Nam chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP.HCM là hai đơn vị có đội ngũ nhân lực KH&CN đủ năng lực thực hiện can thiệp sâu, cải tạo, hợp lý hóa qui trình công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao từ nước ngoài sau đó tiến đến xây dựng và thiết kế dây chuyền công nghệ mới (đó là năng lực cao nhất trong tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình) tiến tới hỗ trợ, chuyển giao công nghệ được cải tiến cho các Đài truyền hình địa phương góp phần phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam. Trong thời gian tới, đây là hướng đi phù hợp với điều kiện phát triển công nghệ truyền hình ở Việt Nam và nên được triển khai nhân rộng mô hình này cho các Đài phát thanh truyền hình địa phương khi họ đạt được các điều kiện cơ bản về nhân lực, vật lực, tài lực.

Xét về khía cạnh tài chính, việc liên kết với các đơn vị ngoài sẽ làm giảm chi phí về nhân lực (không phình to biên chế, tạo điều kiện tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực KH&CN có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có năng lực cao), chi phí đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất chương trình. Trong đó, giảm đáng kể nhất là chi phí sản xuất chương trình thông qua việc hợp tác sản xuất, trao đổi, mua bán, đặt hàng sản xuất chương trình truyền hình với các Đài truyền hình trong nước và ngoài nước, các đơn vị, tổ chức trong xã hội. Thời gian qua, việc xã hội hóa sản xuất phim truyện truyền hình đi đầu và tiên phong trong việc liên kết sản xuất với các đơn vị ngoài.

Một khía cạnh tài chính khác của việc xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình cũng đánh giá và định lượng một cách khoa học mối quan hệ giữa “cung” và “cầu” dựa vào phương pháp đo số lượng khán giả xem truyền hình tại một số giờ nhất định hoặc đánh giá thông qua số lượng

doanh thu quảng cáo của chương trình từ đó có sự điều chỉnh về qui mô cũng như chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất hoặc có thể ra quyết định “khai tử” các chương trình không đạt được mức độ thỏa mãn của khán giả đối với chương trình.

Tóm lại, việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sản xuất chương trình truyền hình bằng hình thức thu hút các nguồn lực xã hội bao gồm: vật lực, tài lực, nhân lực… là một nhu cầu tất yếu để phát triển Đài. Nó góp phần từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh cả về chất lượng chương trình, kỹ thuật công nghệ cao và dịch vụ, đồng thời cũng giảm áp lực đầu tư các dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình cho Đài, phát huy hết khả năng, năng lực công nghệ và cuối cùng là huy động được sự đóng góp của xã hội đối với các chương trình của Đài Truyền hình TP.HCM.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 93 - 95)