Đổi mới chính sách chuyển giao công nghệ truyền hình

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 84 - 89)

9. Kết cấu của Luận văn

3.2.2. Đổi mới chính sách chuyển giao công nghệ truyền hình

Đài Truyền hình TP.HCM là một nhà máy sản xuất sản phẩm truyền hình hoạt động liên tục 24/24 giờ dựa trên các dây chuyền công nghệ sản xuất truyền hình hoàn chỉnh. Nét đặc thù của sản phẩm truyền hình là các sản phẩm chỉ giống nhau ở định dạng nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau về mặt nội dung, hình thức lẫn chất lượng dù được hình thành trong cùng một dây chuyền sản xuất. Sự khác nhau của từng sản phẩm được thể hiện ở hàm lượng sáng tạo mà trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định mức độ thành công khác nhau cho từng sản phẩm. Ví dụ: để thu hút đông đảo lượng khán giả xem truyền hình thì chương trình cuộc thi “Tiếng ca học đường toàn quốc” được Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức hằng năm phải liên tục thay đổi về hình thức thể hiện, nội dung thi… chỉ giữ lại định dạng và qui trình sản xuất, tức nghĩa sản phẩm của dây chuyền công nghệ sản xuất chương trình

này đã có sự khác biệt nhau. Khi đó, việc thay đổi sẽ mang lại sự hấp dẫn hay nhàm chán, tích cực hay tiêu cực phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ biên tập, đạo diễn, quay phim… nghĩa là phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố con người.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, mặt bằng trình độ phát triển công nghệ tại Việt Nam đang ở mức thấp, việc dấn sâu vào công tác nghiên cứu cơ bản sẽ mang đến độ rủi ro cao, đặc biệt là một cơ quan Nhà nước như Đài Truyền hình TP.HCM. Hiện nay, để sản xuất một chương trình truyền hình có định dạng mới Đài sẽ phải nâng cấp hoặc đầu tư một dây chuyền công nghệ mới hoàn chỉnh phù hợp. Xét các yếu tố năng lực công nghệ hiện tại, trình độ nhân lực KH&CN, khả năng hoạt động nghiên cứu, cơ sở hạ tầng của tổ chức R&D… thì chính sách tập trung nâng cấp, cải tiến công nghệ hoặc đầu tư mới là một hướng đi phù hợp với xu thế. Để tập trung cho chiến lược phát triển này cần phải có các giải pháp sau:

Một là, lựa chọn công nghệ phù hợp, một trong những yếu tố giúp nâng cao năng lực sản xuất chương trình truyền hình. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã góp phần làm cho thị trường công nghệ trên thế giới trở nên sôi nổi và đa dạng. Chính sự đa dạng này đòi hỏi Đài phải xây dựng các tiêu chí cụ thể rõ ràng để thúc đẩy việc lựa chọn công nghệ diễn ra chính xác, đạt hiệu quả cao. Các tiêu chí được xây dựng dựa trên những nội dung cơ bản sau:

- Thông tin chi tiết của hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị chuẩn bị đầu tư, một yếu tố quan trọng trong công tác lựa chọn công nghệ.

- Đánh giá phân tích chiến lược phát triển công nghệ với nhu cầu phát triển sản xuất chương trình truyền hình thực tế.

- Trình độ năng lực công nghệ hiện có so với trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới.

- Dự báo lộ trình phát triển công nghệ. Hiện nay, với sự phát triển nhanh của KH&CN đã làm rút ngắn đáng kể vòng đời công nghệ, việc đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất mà không đánh giá được tiến trình phát

triển công nghệ trong thời gian tới (tương đối) sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho Đài trong quá trình đầu tư đổi mới công nghệ.

- Khả năng nâng cấp, cải tạo và tương thích giữa công nghệ hiện hữu và công nghệ chuẩn bị đầu tư. Ví dụ: để chuyển đổi từ công nghệ analogue sang digital bằng hình thức số hóa hoàn toàn thiết bị sản xuất chương trình truyền hình thì Đài sẽ phải xây dựng lộ trình chuyển đổi và kinh phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Trong quá trình thay đổi công nghệ thì Đài vẫn phải duy trì kế hoạch phát song song tín hiệu tương tự và tín hiệu số vì thế đòi hỏi phải có sự tương thích giữa công nghệ cũ và công nghệ mới, khả năng nâng cấp của công nghệ mới và công nghệ mới hơn.

- Ngoài ra, cần phải đánh giá thêm các yếu tố sau: xuất xứ công nghệ, kinh phí đầu tư đổi mới công nghệ, hiệu suất, độ bền và độ tin cậy, tính an toàn và tiết kiệm…

Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp hoạt động chuyển giao công nghệ. Vì hiện nay, cơ chế quản lý tài chính và cơ chế quản lý KH&CN vẫn chưa thật sự có sự phối hợp đồng bộ tạo môi trường thuận lợi nhằm làm cho mối liên kết giữa KH&CN với sản xuất trở thành mối quan hệ hữu cơ. Từ năm 2005 Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành qui định 252/QĐUB về việc cho phép Đài thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, đây là một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Đài, nó đã tạo ra cơ chế mở thoáng hơn, chủ động hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hoạt động KH&CN của Đài trong đó bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động chuyển giao công nghệ thì cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính:

- Tiếp tục giản lược và rút ngắn thời gian thẩm định, kiểm tra thủ tục, giải trình, cấp phép đầu tư dự án. Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của KH&CN đã làm giảm vòng đời công nghệ, trung bình vòng đời công nghệ có thời gian khoảng năm năm, vì thế yếu tố thời gian là chìa khóa quan trọng trong kỷ nguyên số ngày nay. Đối với một cơ quan Nhà nước như Đài Truyền hình TP.HCM thì thời gian để hoàn thành một dự án đầu tư đổi mới

công nghệ mất khoảng hai năm (chưa bao gồm các yếu tố: thời gian nghiên cứu, thời gian thi công cơ sở hạ tầng, thời gian để có thể vận hành thuần thục dây chuyền sản xuất tạo hiệu quả như thiết kế…), cá biệt có những dự án khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất cũng là lúc thị trường công nghệ cho ra sản phẩm công nghệ cao hơn. Tóm lại, để tăng hiệu quả kinh tế, kỹ thuật trong đầu tư công nghệ, để có thể theo kịp xu hướng phát triển của thị trường công nghệ, cần phải hiệu chỉnh và hợp lý hóa qui trình đầu tư để dự án triển khai đạt được độ chính xác cao trong thời gian sớm nhất.

- Đổi mới phương thức tính thời gian khấu hao thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm truyền hình. Như đã đề cập ở phần trên, hiện nay vòng đời công nghệ ngày càng ngắn nhưng việc tính thời gian khấu hao máy móc, thiết bị đầu tư lại không được điều chỉnh lại cho phù hợp, có những thiết bị, dây chuyền sản xuất có thời gian khấu hao từ 10 đến 15 năm hoặc hơn nữa. Vì thế, đối với những trường hợp này để được duyệt đầu tư đổi mới công nghệ thì trên thị trường công nghệ đã cho ra đời dòng sản phẩm thứ hai hoặc thứ ba so với hệ thống hiện hữu.

- Tăng hạng mức ủy quyền quyết định đầu tư để Đài có thể chủ động hơn nữa trong đầu tư, mua bán, chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Tổng Giám đốc Đài được UBND TP.HCM ủy quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C (với qui mô dự án dưới 15 tỷ đồng) và được quyền chủ động mua sắm công nghệ theo thông tư 63/TT-BTC của Bộ Tài chính với kinh phí được trích từ Quỹ phát triển sự nghiệp Đài. Tuy nhiên, Đài lại thường xuyên nhận chuyển giao dây chuyền công nghệ từ nước ngoài với giá trị đầu tư thuộc dự án nhóm B – nhóm dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố - điều này sẽ hạn chế sự chủ động của Đài và kéo dài thời gian đầu tư công nghệ.

Ngoài ra, để bổ sung thêm các giải pháp đổi mới phương thức chuyển giao công nghệ thông qua việc nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình được chuyển giao từ nước ngoài, tác giả đã thực hiện theo phương pháp phỏng vấn sâu và cho kết quả:

- Xin Ông cho biết: giải pháp nào để có thể nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh được chuyển giao từ nước ngoài?

“Đài Truyền hình TP.HCM được xem là một nhà máy với hoạt động sản xuất được thực hiện liên tục 24/24 giờ để tạo ra sản phẩm truyền hình. Các chương trình truyền hình được hình thành dựa trên các qui trình công nghệ hoàn chỉnh, các dây chuyền công nghệ sản xuất chương trình truyền hình tiên tiến.

Do trình độ về KH&CN, đặc biệt là công nghệ trong lĩnh vực truyền hình của Việt Nam còn chưa phát triển nên hầu hết việc sản xuất các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình TP.HCM được thực hiện dựa trên các dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao từ nước ngoài. Vì thế, ngoài yếu tố hiện đại của công nghệ được chuyển giao thì hiệu quả và chất lượng của sản phẩm truyền hình phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình của nhân lực KH&CN Đài Truyền hình TP.HCM.

Khi nói đến giải pháp để nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình do Đài Truyền hình TP.HCM được chuyển giao từ nước ngoài cần phải lưu ý bốn điểm sau:

Một là, phải nâng cao năng lực vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó phải đặc biệt lưu ý nội hàm về mặt thông tin phải đầy đủ, chặt chẽ, các công năng, tính năng của thiết bị phải cụ thể, rõ ràng… vì đây là một trong những yêu cầu tối thiểu nhất để có thể vận hành được một hệ thống dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, công tác đào tạo trong giai đoạn này cũng đóng một vai trò quan trọng vì với một dây chuyền công nghệ hoàn toàn mới thì một chương trình đào tạo bài bản, khoa học sẽ hệ thống hóa chi tiết, toàn bộ các thông tin giúp nhân lực KH&CN có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng vận hành hệ thống một cách trơn tru, thuần thục.

Hai là, phải nâng cao năng lực duy tu, bảo dưỡng hệ thống dây chuyền sản xuất. Trong đó, phải biết kết hợp giữa kết quả đào tạo trong quá trình

chuyển giao công nghệ và thực tế vận hành dây chuyền sản xuất nhằm sàn lọc, phát hiện, qui hoạch đào tạo chuyên sâu, bổ sung thêm kiến thức cho các nhân lực nổi trội để có thể xây dựng qui trình duy tu, sửa chữa, bảo trì ở một chuẩn mực nào đó đối với thực tế hoạt động sản xuất.

Ba là, phải nâng cao năng lực cải tiến, cải tạo qui trình công nghệ. Như đã phân tích, Đài Truyền hình TP.HCM thường xuyên nhận chuyển giao dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình với 100% công nghệ từ nước ngoài. Tuy nhiên, với đặc thù về mặt địa lý hoặc văn hóa vùng miền khác nhau có thể dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh lại không phù hợp với thực tế của Việt Nam. Ví dụ: dây chuyền sản xuất tin tức nhập 100% từ Mỹ phải cải tạo lại cho phù hợp với thực tế sản xuất hoặc chương trình cuộc thi “Ngôi sao tiếng hát truyền hình” được mua bản quyền từ nước ngoài nhưng phải được cải biên lại cho phù hợp với phong cách, thị hiếu của người Việt Nam… công việc cải tạo lại qui trình công nghệ là một việc làm đòi hỏi hàm lượng tri thức cao với đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao dựa trên những thông tin chi tiết, thiết kế của dây chuyền và thực tế vận hành hệ thống để có thể phát hiện qui trình mắc lỗi hệ thống hay mắc xích, lỗi phần cứng hay phần mềm… để tiến hành cải tiến, cải tạo qui trình công nghệ được chuyển giao.

Bốn là, năng lực tự xây dựng và thiết kế dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình, đây là dạng năng lực cao nhất vì với đặc thù của Đài, một chương trình truyền hình là một sản phẩm của một thiết kế nào đó nên việc có thể tự xây dựng, tự thiết kế qui trình mới để tạo ra sản phẩm mới đó là thể hiện năng lực cao nhất của một hoặc một nhóm nhân lực KH&CN Đài. Ví dụ: chương trình “Thay lời muốn nói”, “Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp truyền hình TP.HCM”… là những sản phẩm truyền hình mang thương hiệu của Đài Truyền hình TP.HCM”.

(Nam, 43 tuổi, Phó Tổng Giám đốc - Đài Truyền hình TP.HCM)

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ truyền hình (Nghiên cứu trường hợp đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)