9. Kết cấu của Luận văn
3.2.1. Đổi mới cách thức hoạt động của tổ chức R&D
Như đã phân tích ở chương 2 của Luận văn, vì tính chất đặc thù công việc của Đài Truyền hình TP.HCM nên hoạt động của tổ chức R&D sẽ có những đặc thù riêng khác với các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp như: Viện nghiên cứu, các trường đại học… Điểm khác biệt cơ bản là tổ chức
R&D của Đài chỉ thực hiện nghiên cứu ứng dụng triển khai mà không thực hiện các nghiên cứu cơ bản…
Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN nói chung và tổ chức R&D nói riêng của Đài nên có những thay đổi sau:
- Chính qui đội ngũ nhân lực KH&CN trong tổ chức R&D. Truyền hình
là ngành có đặc thù riêng nên trong công tác quản lý KH&CN đòi hỏi phải có những người nắm được kiến thức cả về chuyên môn cũng như về công nghệ. Nếu như nắm về kinh tế, kỹ thuật thì vẫn chưa đủ, người quản lý về nội dung, biên tập cũng phải hiểu rõ về qui trình công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng và tính kinh tế cao. Hiện nay, nhân lực KH&CN hoạt động trong tổ chức R&D nằm rải rác ở các bộ phận chuyên môn của Đài, họ vừa làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, vừa làm công tác nghiên cứu ở một mảng nội dung, kinh tế hoặc kỹ thuật do mình phụ trách. Đội ngũ này sẽ được chọn lọc và tập hợp thành nhóm khi bắt đầu một dự án và giải tán khi dự án kết thúc. Thế mạnh của việc học tập ngay trong vị trí làm việc, trong sự phản hồi từ những sự việc đang thực hiện, trong sự tiếp xúc, trao đổi không chính thức giữa các đồng nghiệp và đối tác… không đủ bù đắp cho sự đào tạo bài bản, chính qui, chuyên nghiệp và chuyên sâu. Vì thế, việc không có đội ngũ chuyên gia của một tổ chức R&D chính qui mạnh cả về số lượng và chất lượng, đồng thời có tính đa dạng và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ truyền hình để phối hợp với các nhân lực đến từ đơn vị chuyên môn khi tiếp nhận chuyển giao dây chuyền công nghệ từ nước ngoài sẽ có khả năng gặp các khó khăn sau: sự nhuần nhuyễn trong phối hợp công tác của nhóm làm dự án mới được thành lập, không tập trung đầy đủ nhân lực có đủ năng lực, sự không đồng đều về trình độ của đội ngũ và cuối cùng là khi đã hoàn thành dự án và chuyển giao lại cho đơn vị thụ hưởng, nhóm thực hiện dự án sẽ giải tán để thực hiện nhiệm vụ khác sẽ làm cho khả năng làm chủ công nghệ được chuyển giao dựa trên các tiêu chí về năng lực vận hành, năng lực duy tu, bảo dưỡng, năng lực cải tiến, cải tạo qui trình công nghệ… trở nên khó khăn.
- Hoạch định chiến lược phát triển công nghệ mới một công việc phục vụ cho sự phát triển bền vững. Hiện nay vòng đời của một công nghệ ngày càng ngắn do tốc độ phát triển công nghệ ngày càng cao. Vì thế, để đạt được hiệu quả và tính kinh tế cao nhất trong đầu tư công nghệ, đồng thời tránh bị lạc hậu công nghệ trong lĩnh vực truyền hình Đài phải thường xuyên làm công tác hoạch định, cập nhật và điều chỉnh chiến lược phát triển công nghệ mới cho phù hợp, mà tại thời điểm cụ thể hiện nay đó là tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ truyền hình hiện đại trên thế giới, ứng dụng truyền thông đa phương tiện và công nghệ thông tin trong lĩnh vực truyền hình thông qua hoạt động của tổ chức R&D Đài.
- Tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề bức xúc về công nghệ, kỹ thuật của Đài để nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình. Như đã
phân tích, chương trình truyền hình chính là sản phẩm của các dây chuyền công nghệ sản xuất chương trình truyền hình. Vì thế, việc hợp lý hóa qui trình sản xuất ứng với một dây chuyền công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm truyền hình có chất lượng về mặt nội dung và kỹ thuật sẽ giải quyết nhu cầu phát triển của Đài.