Thách thức hội nhập đối với làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 31 - 33)

- Đứng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt bởi mở cửa thị trường, nhiều làng nghề sẽ mất đi do không cạnh tranh nổi hàng hóa nhập khẩu. Việt Nam gia nhập WTO sẽ phải mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài. Trong khi đó, rất nhiều loại hàng hóa do làng nghề sản xuất chưa đủ sức cạnh tranh. Sản phẩm của làng nghề được sản xuất bằng phương pháp thủ công, năng suất thấp dẫn đến giá thành cao, vốn nhỏ, thị trường hạn hẹp, ít chủng loại được sản xuất theo đơn đặt hàng nên không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất công nghiệp, thậm chí với sản phẩm làng nghề của nước ngoài. Ngoài ra, hàng hóa của làng nghề chất lượng thấp và mẫu mã đơn giản, sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại chưa tốt để đáp ứng thị hiếu là yếu tố bất lợi trong cạnh tranh.

- Gia nhập sân chơi thế giới đồng nghĩa với vấn đề hàng hóa dịch vụ của mình phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung và riêng ở mỗi thị trường. Các tiêu chuẩn này tùy thuộc vào từng thị trường cụ thể với mức độ cao thấp khác nhau. Ví dụ, tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh trong thủy sản ở thị trường EU phải dưới mức 0,7 phần tỷ - rất khắt khe, trong khi các thị trường khác lại chấp nhận mức cao hơn... Ngoài ra, các tiêu chuẩn liên quan tới yếu tố văn hóa, tôn giáo cũng là một thách thức. Ví dụ, thực phẩm xuất khẩu vào các nước đạo Hồi phải có giấy chứng nhận Halal.

Hiện tại, đa số sản phẩm làng nghề sản xuất không theo tiêu chuẩn, hợp chuẩn ngay với tiêu chuẩn Việt Nam. Sản phẩm làng nghề không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng sẽ không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mới. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lại là vấn đề khó khăn đối với sản xuất làng nghề. Cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong xu thế phát triển, hàng hóa sản xuất ra không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mà cả tiêu chuẩn xã hội, môi trường ví dụ như ISO 14000, ISO 14001, SA 8000 và OHSAS 18001... Toàn cầu hóa không chỉ đơn thuần là về kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, tâm lý...

- Khả năng ứng phó với biến động của thị trường (tiêu thụ, nguyên vật liệu...) của làng nghề sẽ giảm sút mạnh khi hội nhập quốc tế. Trước khi đất nước hội nhập quốc tế, yếu tố toàn cầu ít tác động tới kinh tế nước nhà và “tầm mắt” của các ông chủ làng nghề không phải vươn xa. Nhưng khi tham gia hội nhập, mối liên kết giữa các quốc gia, doanh nghiệp, thị trường trong và ngoài nước chặt chẽ hơn nên khi biến động ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể tác động tới mỗi cơ sở kinh doanh. Do đó, khả năng ứng phó của làng nghề với biến động thị trường sẽ giảm mạnh hiệu quả. Trong môi trường kinh doanh mới, khả năng nhận định, đánh giá thị trường của làng nghề (đa phần dựa trên kinh nhiệm) sẽ không còn phù hợp. Trên thực tế, rất nhiều làng nghề đã bị giảm sút sản xuất bởi khả năng đánh giá thị trường sau khi đất nước gia tăng hội nhập. Làng nghề may Cổ Nhuế trong vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất đã phải giảm qui mô hoặc chuyển hướng sang thương mại bởi không có khả năng ứng phó tốt với những biến động thị trường mới.

- Trong không gian kinh tế hội nhập toàn cầu đòi hỏi mỗi DN phải tăng cường năng lực tham gia trực tiếp thương mại quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao chất lượng và tốc độ xử lý. Ở khía cạnh này, làng nghề hiện còn rất yếu kém, phần lớn làng nghề phải qua trung gian trong thương mại quốc tế. Đây là một thách thức không nhỏ, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Không có khả năng trực tiếp tham gia thương mại quốc tế, làng nghề luôn rơi vào thế bị động, phụ thuộc vào đối tác thứ ba về đơn hàng và tiến độ giao hàng, chưa nói tới trong một số trường hợp bị ép các điều kiện bất lợi. Ngoài ra, phải thông qua trung gian, làng nghề đồng nghĩa mất một khoản chi phí và cơ hội tiếp cận thực tế để thu nhận những thông tin quan trọng về đối tác và thị trường. 37

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)