THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM
2.1.1. Cơ cấu ngành nghề của làng nghề
Làng nghề Việt Nam rất đa dạng nhưng cơ bản thuộc 11 nhóm nghề chính là cói, sơn mài, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, dệt, gỗ, đá, giấy, tranh dân gian, kim khí... Dưới đây là khái quát về một số nhóm ngành sản xuất làng nghề có tiềm năng phát triển lớn.
Nhóm hàng thứ nhất: TCMN.
Con số thống kê đến năm 2005, Việt Nam có 1.400 làng nghề TCMN, chiếm tới 65,6% tổng số làng nghề, trong đó mây tre đan có 276 làng; chiếu cói 131 làng; gỗ mỹ nghệ 123 làng; thêu ren 98 làng; thảm đay, thừng chão và bao đay 41 làng... TCMN thu hút khoảng 700.000 lao động, sản xuất ra khoảng 300 chủng loại sản phẩm. 9
Thời gian qua, TCMN được xếp vào danh sách 10 mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất. Năm 1998, TCMN Việt Nam mới có mặt ở 50 nước, đến
năm 2006 đã xuất khẩu đến 133 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 1991 mới đạt 6,8 triệu USD, nhưng năm 2006 đã đạt trên 600 triệu USD. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, hàng TCMN Việt Nam đã có những chỗ đứng ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới với sức mua lớn và ổn định như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, hàng TCMN Việt Nam vẫn còn đơn điệu về kiểu dáng và giá còn đắt so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Vấn đề đối với TCMN Việt Nam là phải tăng cường năng lực thiết kế sản phẩm.
Nhóm hàng thứ hai: Gốm sứ.
Gốm sứ là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có vài làng nghề gốm sứ. Đây chính là tiềm năng lớn để phát triển. Năm 2006, xuất khẩu gốm sứ thu về 170 triệu USD với các thị trường chính là Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, xét về danh tiếng và tiềm năng, hiện cả nước có 35 làng gốm sứ có thể phát triển thành những thương hiệu lớn. Trong đó phải kể tới gốm Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh)...
Làng gốm Bát Tràng phát triển trên 2 thôn, 1.600 hộ dân, trong đó 70% số hộ trực tiếp sản xuất và 30% làm dịch vụ, có hơn 1.100 lò gốm. Gốm Bát Tràng hiện có hàng chục công ty TNHH có doanh thu hàng năm đạt 10 tỷ đồng trở lên.
Gốm Chu Đậu Hải Dương, nổi danh cách trên 600 năm nhưng đã bị mai một trong thời gian dài bởi nhiều lý do, nay đã được phục hồi sản xuất theo các tiêu chí truyền thống. Sản phẩm của Chu Đậu tiêu thụ rộng rãi trên thế giới.
Đây là lĩnh vực làng nghề có nhiều ưu thế phát triển với nhiều sản phẩm nổi tiếng. Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, số làng nghề trong lĩnh vực này bao gồm 31 làng may dệt (vải, lụa, may mặc, đồ da..), 13 làng sơ chế bông và lông vũ...
Giá trị lớn hơn cả của lĩnh vực này chính là đã hình thành được một số làng nghề nổi danh, có thể xây dựng thành thương hiệu lớn. Lụa Vạn Phúc (Hà Tây) nổi danh trong nước và thế giới với chất lụa mền mịn. Đũi Nam Cao (Thái Bình) với hơn 400 năm tuổi, được xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông, có sản lượng hàng năm lên tới hàng triệu mét vuông và số người làm nghề hơn 10.000 với thu nhập 1,4 triệu đồng/tháng. 34
Nhóm hàng thứ tư: Chế biến nông sản.
Số làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất thực phẩm là 300 làng nghề, chiếm 18,2% tổng số làng nghề cả nước. Trong đó, 112 làng nghề chế biến thực phẩm (bún, phở, bánh đa, miến…), 27 làng nghề chế biến đường, 16 làng nghề nấu rượu, 15 làng nghề xay xát, sát, sấy nông sản (thóc, ngô, khoai, sắn…), 10 làng nghề chế biến tinh bột, củ quả, 12 làng nghề chế biến chè, 19 làng nghề chế biến nước mắm, 8 làng nghề chế biến thuốc nam… Lĩnh vực chế biến nông sản rất đa dạng và có tiềm năng phát triển ở mô hình làng nghề, đóng góp cho xã hội một lượng lớn hàng hóa cho tiêu dùng xã hội, là đầu mối thu mua nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp. Ở nhiều địa phương, đầu ra cho nông sản hoàn toàn phụ thuộc vào làng nghề. Tuy nhiên, do giới hạn nguồn lực về vốn, công nghệ..., chế biến nông sản làng nghề chưa đạt tới sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Nhóm hàng thứ năm: Cơ khí.
Đây là lĩnh vực đang có bước phát triển mạnh mẽ. Trước đây, cơ khí làng nghề chỉ làm được công cụ sản xuất nông nghiệp đơn giản và cơ khí tiêu dùng
thì nay đã sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như đóng tàu, thiết bị, phụ tùng công nghiệp... Theo thống kê, hiện cả nước có 71 làng nghề cơ khí, trong đó cơ khí gia dụng 31 làng, đúc đồng nhôm 4 làng, chạm bạc đồng 7 làng, đúc đồng nhôm 4 làng và 10 làng nghề cơ khí chế tạo..
Năng lực làng nghề trong lĩnh vực cơ khí được đánh giá khá tốt. Ví dụ, lĩnh vực đóng tàu, làng nghề có thể đóng được tàu trọng tải 500 - 600 tấn chất lượng tốt và nếu được đầu tư thêm vốn có thể nâng lên 1.000 - 2.000 tấn.
Lĩnh vực cơ khí làng nghề, nếu được định hướng và đầu tư, hoàn toàn có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống ngành cơ khí cả nước. Các cơ sở cơ khí làng nghề có thể đóng vai trò vệ tinh gia công chi tiết, linh kiện cho các DN công nghiệp, tận dụng được ưu thế cạnh tranh chi phí thấp.
Nhóm hàng thứ năm: Vật liệu xây dựng.
Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng đã xuất hiện từ lâu với các làng nung vôi, đóng gạch, ngói, vật liệu trang trí... Ngày nay, với sự phát triển công nghệ, các làng nghề có thể sản xuất được vật liệu xây dựng mới như xi măng, gạch ốp lát... Theo thống kê, hiện cả nước có 87 làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chiếm 5,7% tổng số làng nghề cả nước, trong đó sản xuất gạch, ngói, vôi, cát 79 làng nghề, sản xuất đá xây dựng 3 làng, vật liệu xây dựng khác 5 làng...
Hiện tại, làng nghề đóng vai trò cung cấp chủ yếu một số vật liệu như vôi, cát, gạch, ngói... Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề vật liệu xây dựng đang đặt trước nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên bừa bãi... Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng làng nghề lạc hậu gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là sản xuất gạch ngói... Đối với lĩnh vực này, cần có một quy hoạch tốt và thực hiện quyết liệt để giảm thiểu tác động tới các khu dân cư.