THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM
2.1.6. Thị trƣờng và cạnh tranh
Thị trường tiêu thụ của sản phẩm làng nghề mang nặng tính tự túc. Theo kết quả khảo sát, có tới 83% sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ. Thị trường tiêu thụ của làng nghề đa số trong phạm vi nhỏ, thường là thị trường liên xã, liên huyện và cao hơn là tỉnh liên kề, không có làng nghề nào vươn ra toàn quốc.
Khảo sát ở các làng nghề thực phẩm cho thấy rõ thị trường tiêu thụ làng nghề còn rất hạn chế. Thực phẩm làng nghề (bún, phở, miến, rượu, đồ uống...) chủ yếu được tiêu thụ trong một khu vực vài xã, hoặc cấp huyện. Một số loại sản phẩm như bánh, kẹo sản xuất theo mô hình công nghiệp mới được tiêu thụ rộng hơn ở phạm vi vài tỉnh xung quanh. Khâu tiêu thụ ở làng nghề chủ yếu
thông qua quan hệ quen biết, bỏ mối. Đa số người chủ sản xuất làng nghề chưa có nhận thức về tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại, hoặc khó khăn trong tiếp cận các DN phân phối.
Các loại gốm sứ, TCMN, cơ khí... khá hơn một chút nhờ các công ty thương mại đưa tới các thành phố lớn, thị trường nước ngoài nhưng cũng ở phạm vi nhỏ hẹp. Việc thâm nhập thị trường xa mang tính chất tự phát, không phải là kết quả chủ động của DN làng nghề.
Đối với thị trường xuất khẩu, sản phẩm làng nghề đang được xem là một tiềm năng lớn và được nhiều địa phương xếp vào những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt. Tuy nhiên, định hướng tiêu thụ ở thị trường quốc tế hiện chưa được thực hiện một cách chủ động, gần như bắt buộc thông qua trung gian (giới thiệu, ủy thác hoặc gia công).
Làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương), Đồng Sâm (Thái Bình) phụ thuộc hơn 90% vào các trung gian ở Hà Nội để xuất khẩu. Các làng nghề gỗ mỹ nghệ ở Bắc Ninh dựa vào các công ty thương mại để xuất khẩu là chủ yếu. Mặc dù làng nghề là lĩnh vực kinh tế lớn chiếm 30% lao động cả nước nhưng chỉ đóng góp khoảng 4% xuất khẩu cả nước. Trong điều kiện HNQT sâu rộng như hiện nay, sản phẩm làng nghề gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ và thậm chí, ngay việc phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài tại nội địa.
Yếu kém trong tiêu thụ sản phẩm có một nguyên nhân là khả năng tiếp cận khách hàng của làng nghề kém. Các chủ làng nghề có tâm lý bị động trong tiếp cận khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài vì hạn chế về giao tiếp, do đó thường không chủ động tìm khách hàng và rất thích thông qua môi giới. Nếu có thể chủ động thì lại chưa biết cách tìm kiếm, lựa chọn khách hàng phù hợp. Phần lớn các cơ sở làng nghề thường thích tìm khách nước ngoài qua môi giới để tận dụng ưu thế của họ về giao tiếp và kiến thức thương mại.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khả năng cạnh tranh của các làng nghề rất yếu do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản xuất nhỏ, chủ yếu sản xuất đơn đặt hàng, phân phối hàng hóa manh mún, phụ thuộc nhiều vào trung gian. Có tới 85% sản phẩm làng nghề được tiêu thụ qua kênh tư thương.
Về giá, sản phẩm làng nghề nhờ lợi thế nhân công rẻ nên giá bán hàng hóa thấp so với sản phẩm công nghiệp. Theo điều tra, chỉ có 16,2% sản phẩm làng nghề có giá cạnh tranh đặt trong mối liên hệ với chất lượng, còn lại là sản phẩm rẻ tiền. Ở làng nghề bánh đậu xanh Hải Dương, 85% sản lượng tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu nhờ chiến lược giá rẻ. Đây là hướng phát triển không bền vững vì giá rẻ đi cùng chất lượng giảm dẫn tới nguy cơ mất thị trường.
Khả năng thị trường và sức cạnh tranh của làng nghề thấp là bởi thiếu chiến lược nghiên cứu thị trường dù chỉ ở mức độ sơ khai. Việc quyết định sản xuất không dựa trên đầu tư sâu nghiên cứu kỹ lưỡng mà chỉ dựa trên những xét đoán hiện tượng, biến động ngắn hạn của thị trường. Đôi khi việc sản xuất cái gì chỉ chạy theo phong trào, cơ sở bạn sản xuất mình cũng sản xuất. Điều này thể hiện ở chỗ sản phẩm của các cơ sở làng nghề giống nhau rất nhiều.
Chính vì không có nghiên cứu thị trường nên khả năng gắn kết thị trường với sản xuất rất kém. Sản phẩm không được thiết kế chính xác theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, sản xuất vẫn chưa thực sự vì “thị trường cần”, còn mang nhiều tính chất “những gì mình có”.
Trong khi đó, ở qui mô quốc gia, Bộ Thương mại đã ghép chung vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia bao gồm 14 mặt hàng làng nghề nhưng phải thông qua các hội chuyên ngành. Do đó, các làng nghề không được hưởng lợi.