Hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu là tiến trình mà chủ thể là các quốc gia, các doanh nghiệp tham gia vào một môi trường kinh doanh mang tính chất toàn cầu, khu vực với các quy định chung (luật chơi) có yếu tố cạnh tranh.
Hội nhập kinh tế quốc tế là trình độ cao của quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Hội nhập có nghĩa là gia nhập, tham gia vào một tổ chức chung, một trào lưu chung của quốc tế, mỗi quốc gia trở thành bộ phận trong một tổng thể. Hội nhập kinh tế thường có nhiều mức độ từ nông đến sâu, từ một vài lĩnh vực đến nhiều lĩnh vực, từ một vài nước đến nhiều nước.
Hội nhập kinh tế là xu hướng toàn cầu cho nên tác động đến mọi nước, ngay cả những nước chưa tham gia quá trình đó cũng bị tác động. Kinh tế là nền tảng của quốc gia nên hội nhập kinh tế sẽ tác động toàn diện các mặt chính trị, văn hóa, xã hội. Bất kể nước nào đã hội nhập đều phải trải qua giai đoạn điều chỉnh luật pháp và các chính sách để hội nhập Vài thập kỷ gần đây đã xuất hiện xu hướng phát triển hội nhập kinh tế khu vực song song với hội nhập toàn cầu và cũng được định hướng theo các nguyên tắc tự do hóa và hội nhập toàn cầu.
Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đơn thuần giới hạn trong phạm vi cắt giảm thuế mà đã được mở rộng ra tất cả lĩnh vực liên quan đến chính sách kinh tế, thương mại nhằm mục đích mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ, loại bỏ các rào cản hữu hình và vô hình đối với trao đổi thương mại, đầu tư.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế khách quan chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và quan hệ quốc tế, bắt nguồn từ quy luật phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động quốc tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Do đó, mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đều phải xác định tư thế sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Đối với Việt Nam, vấn đề không phải là hội nhập hay không mà là hội nhập thế nào có hiệu quả, đảm bảo được lợi ích quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong quá trình hội nhập. Nghị quyết 07- NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế đã nhấn mạnh quan điểm:
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, đảm bảo tính độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ gìn an ninh quốc gia, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. 13
Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo quan điểm này, hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế là một quá trình mà trọng tâm là chủ động mở cửa kinh tế, tham gia phân công hợp tác quốc tế tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước và nước ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển và chiếm lĩnh vị trí phù hợp trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Hội nhập giúp cho việc mở rộng cơ hội kinh doanh, thâm nhập thị trường thế giới, tìm kiếm và tạo lập thị trường ổn định, từ đó có điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển kinh tế trong nước. Việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và hàng hóa là một trong những nội dung quan trọng nhất để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010.
Toàn cầu hóa là tất yếu và bao trùm sẽ tác động mạnh mẽ quá trình phân công lao động trên toàn thế giới. Do đó, không một cá nhân, doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc nên cần có định hướng hội nhập quốc tế để tham gia hiệu quả hệ thống sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, làng nghề có vai trò rất to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, tác động đến đời sống của một bộ phận lớn người dân. Vấn đề phát triển làng nghề có rất nhiều ý nghĩa và tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của làng nghề là một trong những mục tiêu quan trọng. Do đó, làng nghề hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu tất yếu.