Phát triển làng nghề theo hƣớng công nghiệp hóa

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 73 - 77)

PHƢƠNG HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

3.1.1. Phát triển làng nghề theo hƣớng công nghiệp hóa

Chiến lược phát triển làng nghề theo hướng CNH mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, bản thân kinh tế làng nghề được nâng cấp lên một trình độ phát triển cao hơn, theo chiều sâu và hiệu quả hơn. Tiếp đó, việc phát triển làng nghề theo theo hướng CNH sẽ góp phần không nhỏ để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng của quá trình CNH đất nước theo các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNH nông thôn là yêu cầu cấp thiết trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Trong đó, phát triển làng nghề hướng đi rất phù hợp và hiệu quả. Phù hợp là vì kinh tế làng nghề là di sản quý giá và tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế. Làng nghề là mô hình tốt nhất để khai thác những tiềm năng đó trong bối cảnh trình độ phát triển của Việt Nam còn thấp, khả năng đầu tư còn hạn chế.

Định hướng phát triển làng nghề theo hướng CNH cần được tập trung vào một số lĩnh vực, ngành hàng có nhiều tiềm năng nhất, xác định đó là đầu tàu, động lực để phát triển các ngành nghề khác:

Thứ nhất: Tập trung vào nông sản, một mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu... Theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu kim ngạch XK nông sản năm 2010 đạt khoảng 11 tỉ USD và năm 2020 đạt khoảng 16,5 tỉ USD. Tương tự, giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,7% đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là 11,7%.

Trong việc hiện thực hóa mục tiêu nói trên, vai trò của các làng nghề nông sản là rất quan trọng. Hiện cả nước có trên 300 làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm (chiếm 18% tổng số làng nghề). Ở đây, làng nghề nông sản cần được nhìn nhận là đầu mối thu mua, sơ chế, cung cấp nguyên liệu...

Nếu chất lượng của các làng nghề nông sản nâng cao thì sản lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể. Trong sản xuất nông sản, nguyên liệu và sơ chế ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng thành phẩm. Do đó, các làng nghề kinh doanh nông sản cần được “kết nối” chặt chẽ với các thực thể sản xuất kinh doanh khác hoạt động trong lĩnh vực nông sản để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh và hiệu quả.

Phương hướng phát triển làng nghề kinh doanh nông sản, thực phẩm dựa trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và tăng cường khả năng chế biến theo mô hình và công nghệ phù hợp.

Thứ hai: Phát triển tối đa ngành TCMN.

Có thể nói rằng, hiện tại, ngành TCMN là chủ lực trong khu vực làng nghề, mặt hàng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của làng nghề. Mặc dù tiềm năng của TCMN Việt Nam rất lớn nhưng tính phát triển bền vững chưa cao. Đầu tiên là sự nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung giữa các cơ sở sản xuất. Do quy mô sản xuất nhỏ nên các DN sản xuất hàng TCMN Việt Nam khó đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn của nước ngoài. Điều này dễ dẫn tới việc không tạo được tin cậy trong những đơn đặt hàng lớn và khả năng mất bạn hàng vào các đối tác khác mạnh hơn về quy mô, vốn, công nghệ.

Thực tế ngành TCMN vẫn diễn ra nghịch cảnh “DN sợ đơn hàng lớn”, việc từ chối các đơn hàng lớn là phổ biến. Các nhà nhập khẩu nước ngoài thường đặt đơn hàng lớn trong khoảng thời gian có hạn, đó là chưa kể tới yêu cầu tính độc đáo của sản phẩm (đặt nhiều chủng loại sản phẩm nhưng với số lượng ít).

Phát triển hàng TCMN cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu thị trường và thiết kế mẫu. Nghiên cứu thị trường sẽ có định hướng tốt cho thiết kế mẫu, phù hợp với thị hiếu của khách hàng ở từng thị trường. Thị trường Nhật Bản, trước đây, nhập khẩu rất nhiều hàng TCMN của Việt Nam nhưng do hàng TCMN Việt Nam ít thay đổi mẫu mã nên hiện đã giảm nhiều sức hấp dẫn.

Hàng TCMN Việt Nam phải nâng cao khả năng tạo mẫu bởi nếu không sẽ tiếp diễn tình trạng sao chép, rập khuôn kiểu dáng của nhau hoặc của nước ngoài, dẫn tới sự rắc rối về vấn đề sở hữu trí tuệ - sẽ được siết chặt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng nguy cơ lớn nhất là bị tụt hậu, luôn đi sau nước ngoài, thụ động trong sản xuất, giá trị gia tăng thấp...

Thực tế cho thấy, khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm TCMN đáp ứng nhu cầu của họ. Hơn nữa, thị hiếu về sản phẩm này luôn thay đổi và do đó, các nhà sản xuất TCMN Việt Nam cần phải nắm được. Muốn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường quốc tế ngoài cạnh tranh về kiểu dáng, mẫu mã thì yếu tố văn hóa dân tộc phải được chú trọng bởi đó chính là cái tạo độc đáo cho TCMN Việt Nam.

Thứ ba: Khuyến khích nâng cao trình độ công nghệ sản xuất gốm sứ song phải phù hợp với điều kiện giải quyết nhiều lao động.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ và gia dụng của Việt Nam năm 2006 đạt 165,3 triệu USD. Đây là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam nhưng trong nhiều năm qua chưa phát huy được thế mạnh, thậm chí giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu năm 2006 giảm 6,2% so với năm 2005.

Nguyên nhân vẫn là do hàng gốm sứ mỹ nghệ và gia dụng của Việt Nam chưa cải tiến nhiều về mẫu mã, trong khi mặt hàng này lại yêu cầu cao về kiểu dáng, mẫu mã độc đáo và thay đổi thường xuyên.

Do đó, đối với ngành gốm sứ, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cải tiến công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật mới. Tuy nhiên, việc lựa chọn công

nghệ phù hợp rất quan trọng và không đơn giản. Hiện tại, hầu hết các làng nghề gốm sứ sử dụng than làm nguồn năng lượng chính để sản xuất. Ưu điểm của loại nhiên liệu này là giá rẻ so với điện và khí hóa lỏng... Nhưng đối với sản phẩm cao cấp và yêu cầu chất lượng ngày một cao, nếu chỉ sử dụng than để sản xuất sẽ không đáp ứng được chất lượng.

Nhưng nếu chuyển sang sử dụng điện và khí hóa lỏng sẽ đẩy giá thành tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh. Do đó, lựa chọn công nghệ phải hài hòa được giữa chi phí hợp lý và yêu cầu kỹ thuật, chất lượng của sản phẩm. Hiện tại, hướng đi sử dụng công nghệ phối hợp giữa than với điện và khí hóa lỏng được xem là phù hợp với làng nghề. Tương tự, một số khâu khác trong sản xuất gốm sứ cũng cần kết hợp hài hòa giữa máy móc và lao động chân tay để vừa có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thu hút nhiều việc làm.

Thứ tư: Ngành cơ khí cần chuyên môn hóa cao, tập trung sản xuất hàng tiêu dùng, hướng tới tham gia dây chuyền sản xuất xã hội.

Mục tiêu của ngành cơ khí đến 2010 là đáp ứng được 45% - 50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30% giá trị sản lượng. Trong đó, cơ khí làng nghề được đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm có công nghệ chế tạo đơn giản, đặc biệt là cơ khí tiêu dùng và hướng tới một phần cơ khí công nghiệp. Do đó, cơ khí làng nghề nói riêng cần có một chương trình tổng thể với những nội dung và lộ trình hợp lý mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Những biện pháp đó là đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực cơ khí để nâng cao trình độ thiết kế, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, thực hiện phương châm đi tắt đón đầu để đạt được trình độ sản xuất hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ; tập trung vào các sản phẩm cơ khí trọng điểm, các nhóm hàng có khả năng cạnh tranh nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường liên kết phân công chuyên môn hóa và xúc tiến thương mại...

Cơ khí làng nghề, với đặc điểm công nghệ yếu kém, vốn đầu tư thấp thì yêu cầu chuyên môn hóa cao, tập trung vào xu hướng tham gia chuỗi sản xuất xã hội với vai trò gia công chi tiết, phụ tùng cho các DN lớn là cấp thiết. Với định hướng đó, cơ khí làng nghề mới tạo được khả năng cạnh tranh phù hợp với quy mô sản xuất mà vẫn có điều kiện để nâng dần trình độ công nghệ.

Khảo sát làng nghề cơ khí ở ý Yên (Nam Định) cũng cho thấy sự đúng đắn của hướng đi này. Những DN, cơ sở sản xuất sớm đi sâu vào chuyên môn hóa những sản phẩm là các chi tiết của ngành công nghiệp xi măng, khai mỏ... đã không những đứng vững mà phát triển rất tốt.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 73 - 77)