Sắn (Manihot esculenta Crantz) hiện được trồng trên 100 nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) xếp sắn là cây lương thực quan trọng ở các nước đang phát triển sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Ở Việt Nam, sắn là cây lương thực, thức ăn gia súc quan trọng sau lúa và ngô, theo số liệu thống kê (2010) [51], tổng diện tích sắn cả nước là 496.200 ha, sản lượng đạt hơn 8,5 triệu tấn. Sắn dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất, vốn đầu tư thấp, phù hợp với khả năng kinh tế của nhiều hộ gia đình nông dân nghèo, thiếu lao động. Các sản phẩm từ cây sắn bao gồm củ, thân, lá đều được có thể sử dụng được, củ sắn dùng để chế biến tinh bột sắn, sắn lát phơi khô, bột sắn nghiền hoặc dùng để ăn tươi, thân sắn dùng làm hàng rào, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến cellulose, lá sắn dùng làm rau xanh, thức ăn cho gia súc, gia cầm (Hội Chăn nuôi Việt Nam, 2003) [17].
Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu lá sắn như là nguồn thức ăn bổ sung đạm cho gia súc nhai lại (Preston, 2001; Wanapat, 2001, dẫn theo Dư Thanh Hằng (2008) [15]. Hầu hết protein thô (85%) chiết suất ra từ lá sắn là protein thực (Eggum, 1970) [55]. Lá sắn là nguồn khoáng tốt đặc biệt Ca, Mg, Fe, Mn, Zn. Yếu tố hạn chế lớn nhất của việc sử dụng sắn làm thức ăn cho gia súc là sự có mặt của cyanogenic glucosides. Nồng độ HCN trong lá sắn chịu ảnh hưởng của yếu tố giống, thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là giai đoạn sinh trưởng. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ HCN trong lá có thể được giảm đi đáng kể bằng phương pháp ủ chua (Ly and Rodriguez, 2001) [63]. Nếu lá sắn tươi hàm lượng HCN là 862,5 mg/kg VCK thì ủ chua chỉ còn 32,5 mg/kg VCK; bột khô chỉ còn có 90,2 mg/kg VCK (Bùi Văn Chính và Lê Viết Ly, 2001) [3].
Khi nghiên cứu bổ sung bột lá sắn với các mức 0,5; 1,0 và 1,5 kg/con/ngày trong khẩu phần ăn của trâu tơ là cỏ xanh và rơm ủ urê nuôi trong vụ đông xuân của tác giả Trịnh Văn Trung và cs (2007) [44], đã cho kết quả là mức tăng trọng trung bình sau 90 ngày của trâu tăng dần theo khối lượng bột sắn bổ sung, tương ứng là 594
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
g/con/ngày, 589 g/con/ngày, 444 g/con/ngày so với lô đối chứng là 389 g/con/ngày. Kết quả nghiên cứu của tác giả Vũ Văn Tý và cs (2006) [46], khi sử dụng lá sắn ủ chua để vỗ béo trâu tơ với mức bổ sung là 1,4; 2,8; 4,2 kg/con/ngày trong khẩu phần ăn là rơm khô và cỏ hỗn hợp thì có mức tăng trọng tương ứng sau 90 ngày là 34,42 kg/con; 42,58 kg/con và 45,75 kg/con còn ở lô đối chứng là 27,33 kg/con. Kết quả vỗ béo trên đàn trâu già với mức bổ sung là 3 và 5,5 kg/con/ngày cho khối lượng tăng là 36,5 kg/con và 39,0 kg/con, ở lô đối chứng là 29,0 kg/con. Như vậy, việc sử dụng nguồn protein từ lá sắn đối với gia súc cho hiệu quả tương đối tốt.