Có rất nhiều phương pháp xử lý khác nhau nhằm nâng cao các giá trị dinh dưỡng và tăng tỷ lệ tiêu hoá của các chất xơ thô. Đối với nguồn thức ăn thô là rơm lúa có hai hạn chế lớn nhất khi sử dụng cho gia súc ăn là thành tế bào bị lignin hoá cao và hàm lượng nitơ tổng số, khoáng và vitamin thấp (Preston và Leng, 1991) [25]. Do đó để nâng cao hiệu quả sử dụng của gia súc nhai lại cùng với việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng bị thiếu, việc xử lý nhằm phá vỡ các mối liên kết giữa lignin với các thành phần khác sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng với phụ phẩm nhiều xơ.
Xử lý hoá học là một trong những biện pháp cải thiện giá trị dinh dưỡng của rơm lúa, mục đích của xử lý hoá học là làm phá vỡ các mối liên kết giữa lignin và hemicellulose để làm cho hemicellulose, cũng như cellulose vốn bị bao bọc bởi phức hợp lignin-hemicellulose dễ dàng được phân giải bởi VSV dạ cỏ. Trong tất cả các phương pháp hoá học dùng để xử lý rơm lúa thì phương pháp kiềm hoá được nghiên cứu sâu nhất và có nhiều triển vọng trong thực tế (Nguyễn Xuân Trạch và Cù Xuân Dần, 1999) [42]. Một số phương pháp kiềm hoá chính được nghiên cứu và áp dụng như: Xử lý bằng xút (NaOH); Xử lý bằng amoniac (NH3); Xử lý bằng urê; Xử lý bằng vôi…, trong đó phương pháp xử lý bằng urê đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và áp dụng để chế biến rơm lúa làm thức ăn cho trâu, bò.
Yadav (1986) [62] cho biết, rơm lúa mì và rơm lúa được xử lý 4% urê với 30% độ ẩm bảo quản trong 4 tuần cho tốc độ tăng trọng trung bình của các nhóm bò ăn rơm xử lý tương ứng là 577,5g và 532,2g, còn nhóm rơm đối chứng là 520 và
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
442,5g/ ngày. Toro và cs (1986) [61] đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc xử lý rơm đến sinh trưởng của bê, kết quả tăng trọng lượng hàng ngày của bê là 419; 292 và 378g tương ứng với các nhóm bê cho ăn (10 kg thức ăn xanh + 2 kg thức ăn tinh) và nhóm 2 (rơm xử lý tự do + 1,5 kg thức ăn tinh).
Nguyễn Xuân Bả (1997) [2], đã thực hiện nghiên cứu xử lý rơm với các mức urê (0,3; 4%) với thời gian ủ (0,10, 30, 60, 90 ngày) đã đưa ra kết luận là các thành phần VCK, xơ thô của rơm xử lý giảm dần theo thời gian ủ và làm tăng hàm lượng protein thô. Lê Viết Ly và Bùi Văn Chính (1996) [20], đã thông báo rằng bò thịt có mức thu nhận thức ăn cao và tăng trọng tốt khi cho ăn rơm xử lý 2,5 urê + 0,5 vôi và 0,5 muối để thay thế rơm không xử lý trong khẩu phần của bò sữa bằng rơm xử lý 4% urê có bổ sung thêm bánh dinh dưỡng tổng hợp. Tác giả Đoàn Đức Vũ (1997) [50], cho biết việc thu nhận thức ăn và năng suất sữa của bò tăng đáng kể khi sử dụng thức ăn đã qua xử lý bằng phương pháp ủ urê, việc cải tiến khẩu phần đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhất là đối với bò sữa có năng suất thấp (dưới 15 kg sữa/ngày).
Nguyễn Xuân Trạch (2003) [40] xử lý urê với tỷ lệ 1,5 - 2% đã tăng hàm lượng protein, tăng lượng thu nhận thức ăn và khả năng tăng trọng so với rơm không xử lý ở bê sinh trưởng. Theo tác giả Nguyễn Xuân Trạch và Cù Xuân Dần (1999) [42], đã phân tích một số nhân tố (mức urê, độ ẩm, thời gian xử lý) ảnh hưởng tới thành phần hoá học của rơm. Kết quả cho thấy thời gian xử lý từ 10 - 30 ngày và tỷ lệ nước 0,5 -1lít không có ảnh hưởng khác nhau đáng kể tới lượng chứa NDF, ADF của rơm xử lý 5% urê hay rơm xử lý 3% urê và 0,5% vôi. Tuy nhiên, lượng nitơ cố định tăng lên đáng kể sau 20 ngày xử lý rơm 5% so với rơm xử lý 3% urê + 0,5 % vôi. Nguyễn Xuân Bả (1997) [2] đã so sánh 3 công thức, rơm xử lý 4% urê, rơm trộn 4% urê và rơm không qua xử lý thí nghiệm tiến hành nuôi trên giống bê lai, cho thấy kết quả tăng trọng và thu nhận thức ăn hàng ngày cao nhất đối với bê nuôi bằng rơm xử lý 4% urê, sau đó là rơm trộn 4% urê và sau cùng là rơm không xử lý. Như vậy, việc dùng urê để xử lý thức ăn thô nghèo dinh dưỡng là rơm lúa đã ảnh hưởng rõ rệt làm tăng giá trị dinh dưỡng, nâng cao được tỷ lệ tiêu
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
hoá, tăng được lượng thu nhận, đồng thời cũng ảnh hưởng tốt đến sức sản xuất của đàn gia súc.