Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả cho rằng các ngân hàng cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động gia tăng nhận thức hữu ích của người tiêu dùng đối với dịch vụ E- Banking tại tỉnh Quảng Ngãi. Muốn thực hiện được có hiệu quả vấn đề này, các ngân hàng cần phải thực hiện theo hướng sau:
Xây dựng nhận thức của người tiêu dùng đối với dịch vụ E-Banking: nhấn mạnh những lợi ích của dịch vụ E-Banking như tiết kiệm thời gian, chi phí thấp, cung cấp nhiều thông tin cả về tài chính và phi tài chính thông qua các hình thức quảng cáo và chính chất lượng của dịch vụ E-Banking.
Ngân hàng cần có các hình thức quảng bá dịch vụ phù hợp để gia tăng nhận thức của người dân trong tỉnh Quảng Ngãi nói chung, đặc biệt là khu vực nông thôn về những lợi ích của dịch vụ E-Banking.
Hệ thống dịch vụ E-Banking nên được thường xuyên nâng cấp để đáp ứng những nhu cầu trực tuyến và thanh toán trực tuyến dễ dàng hơn đối với người sử dụng hạn chế tình trạng xử lý giao dịch của hệ thống chậm, từ chối giao dịch ...
Thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu tiện ích dịch vụ E- Banking, hướng dẫn khách hàng thao tác sử dụng dịch vụ E-Banking tại quầy, qua thông tin trên website, màn hình chờATM và các phương thức truyền thống.
Đa dạng các tiện ích dịch vụ E-Banking phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Mở rộng liên kết giao dịch với các nhà cung cấp các dịch vụ thiết yếu, thường xuyên nhằm gia tăng tính hữu ích cho khách hàng như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm.
Các ngân hàng phải xây dựng hệ thống ghi nhận các phản hồi liên quan đến dịch vụ E-Banking của khách hàng cũng như tăng cường đầu tư công nghệ, nhân sự để xử lý ngay lập tức các phản hồi của khách hàng. Đặc biệt, do đặc thù kênh phân phối dịch vụ E-Banking tại tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu thông qua các chi nhánh các ngân hàng thương mại nên phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Hội sở các ngân hàng và chi nhánh nhằm xử lý nhanh nhất phản hồi của khách hàng.