6. Bố cục của luận văn
2.2.2 Huyền thoại về nàng Penelop
Trong huyền thoại Hy Lạp, nàng Penelop trở thành biểu tượng cho người phụ nữ thủy chung, thận trọng và khôn ngoan. Từ ngày Ulysses tham gia vào cuộc viễn chinh sang thành Troia, Penelop ngày đêm mong nhớ chờ đợi ngày chồng trở về. Sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troia giành chiến thắng, nhiều người anh hùng đã trở về nhưng Ulysses vẫn bạt vô âm tín. Lúc đó, những vị lãnh chúa cai quản các hòn đảo xung quanh Itac đều đến để cầu hôn Penolop. Mặc dù nàng không ưng thuận nhưng họ vẫn cứ thúc ép ngày đêm. Bọn cầu hôn còn tập trung tiệc tùng, tiêu xài phung phí tài sản của gia đình Ulysses. Trước tình cảnh đó, Penelop đã nghĩ ra cách để trì hoãn câu trả lời chờ đợi ngày chồng trở về. Nàng xin thư thả một thời gian để làm xong một việc hiếu nghĩa trước khi chọn một người cầu hôn. Vì bố chồng nàng hiện nay tuổi già sức yếu cùng nỗi thương nhớ con làm cho cụ rầu rĩ chẳng biết sống được bao lâu nữa nên Penelop muốn dệt xong tấm vải liệm dành cho cụ để trọn đạo làm con và không bị người đời chê trách. Thế là Penelop bắt đầu
dệt vải nhưng ban ngày nàng dệt đến đêm lại tháo ra. Nàng cứ làm công việc dã tràng xe cát ấy suốt ba năm. Bước sang năm thứ tư, mọi việc bị bại lộ nên bọn cầu hôn ép buộc nàng phải dệt xong tấm vải và chọn người kết hôn. Đúng lúc ấy, Ulysses trở về, chàng cùng con trai bày mưu tính kế dẹp bọn cầu hôn. Trải qua một chuỗi dài thử thách sau những năm tháng ly biệt, vợ chồng Ulysees đã đoàn viên mãn nguyện. Mưu kế “mua thời gian” bằng cách dệt tấm vải liệm của Penelop đã trở thành mẫu mực cho cách ứng xử khôn ngoan khéo léo của người phụ nữ.
Mặt khác, trong huyền thoại, công việc dệt vải vốn mang ý nghĩa biểu tượng cho thời gian. Ở thời cổ đại, dệt tượng trưng cho cấu tạo của vũ trụ còn “theo đạo Hồi, cái khung cửi tượng trưng cho kết cấu và sự vận động của vũ trụ” [17, tr.256]. Trong đó, các dụng cụ để dệt như sợi, con thoi, khung cửi đều là những biểu tượng liên quan đến sự luân chuyển của thời gian. Huyền thoại Hy Lạp có ba chị em nữ thần Moires với cuộn chỉ số mệnh chi phối thời gian, độ dài lâu của đời người. Nữ thần Clotho quay cuộn chỉ để nữ thần Lechésis giám định và nữ thần Atropos cầm kéo cắt từng đoạn chỉ - số mệnh của con người. Trong huyền thoại Bắc Âu cũng có ba nữ thần định mệnh, họ cầm thoi và cọc sợi để làm chủ thời gian trong ngày cũng như kết thành sợi chỉ số mệnh. Như vậy, sợi chỉ trong huyền thoại tượng trưng cho thời gian số phận của con người. Trong huyền thoại về các nữ thần Parques, cọc sợi biểu thị dòng chảy của thời gian và số mệnh sẽ dừng lại khi cọc sợi đã bị rút hết. Còn con thoi quay theo nhịp chuyển động đều, nó tượng trưng cho nhịp độ vận động của thời gian “trong lão giáo, chiếc thoi chạy đi chạy lại tượng trưng cho sự luân phiên của sự sống và cái chết, hít vào và thở ra còn trong kinh thư RigVeda, nó tượng trưng cho nhịp sống” [8,tr.71]. Cùng trong ý nghĩa đó, người Việt Nam có câu thành ngữ “thời gian như thoi đưa” để chỉ thời gian trôi qua nhanh. Ngoài ra, sợi chỉ quấn trên cái xa gợi đến hình ảnh bánh xe và trạng thái vận động của nó. Bánh xe vốn là biểu tượng của thời gian với “sự quay vòng thường xuyên của bánh xe là sự đổi mới. Từ nó sinh ra không gian và tất cả những phân chia của thời gian” đồng thời “bánh xe đơn giản nhất có bốn nan hoa, đấy là sự triển khai bốn hướng của không gian nhưng cũng là nhịp độ của tuần trăng và các mùa” [17,
tr.59 - 60]. Ở Ấn Độ, Chakravarti – người làm chuyển động bánh xe chính là chủ nhân của không gian và thời gian… Trong huyền thoại Hy Lạp, bánh xe gợi đến cỗ xe của thần mặt trời Hélios mỗi ngày đi từ đông sang tây mang đến ánh sáng và báo hiệu một ngày mới đang đến. Như vậy, rõ ràng huyền thoại về nàng Penelop dệt vải mang ý nghĩa liên quan đến thời gian, đặc biệt, thời gian ở đây như lặp lại xoay vòng khi Penelop dệt xong lại tháo rồi dệt lại. Nàng dệt vải cũng chính là dệt thời gian với chuyển động của con thoi, khung cửi, cuộn chỉ như vòng quay của vũ trụ.
Huyền thoại nàng Penelop đồng vọng vào “Trăm năm cô đơn” dưới một góc nhìn mới nhưng ý nghĩa liên quan đến thời gian vẫn được giữ nguyên. Amaranta – người con thứ ba của vợ chồng José Buendía, lúc về già gần như ngày nào cũng khâu vá khăn tang, vải liệm cho mình nhưng ban ngày bà khâu ban đêm lại tháo ra. Công việc này cũng giống đại tá Aureliano sản xuất những con cá vàng, đem đổi những đồng tiền vàng rồi nấu chảy và lại đúc những con cá vàng. Những công việc vô ích không hề có tiến triển đó cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác tạo ấn tượng về cấu trúc xoay vòng của thời gian trong tiểu thuyết. Câu chuyện trong “Trăm năm cô đơn” kể về dòng họ Buendía bị kết án lưu đày vào cõi cô đơn không phát triển tới một tương lai nào nên G.G Márquez đã lựa chọn cách chuyển động thời gian vòng tròn thay vì đường thẳng như bình thường. Mặc dù, trời vẫn sáng tối một cách tuần tự, ngày tháng vẫn cứ trôi qua theo diễn tiến của câu chuyện nhưng rất khó để nhận ra điều đó, dường như ngày mai lặp lại ngày hôm nay và ngày tiếp theo cũng thế. Số phận và hành động của nhân vật cũng chịu sự chi phối của thời gian quay vòng lấp đầy toàn bộ tiểu thuyết.
Bởi vậy, khi đọc “Trăm năm cô đơn” bất kì ai cũng có cảm giác bức bối, ngột ngạt vì không khí tù đọng luẩn quẩn trong tác phẩm không sao thoát ra được. Bắt đầu từ câu chuyện chính của tiểu thuyết về dòng họ Buendía đến số phận của từng nhân vật, đến những cái tên và cả công việc làm cá vàng của đại tá Aureliano, việc khâu vá của Aramanta đều được miêu tả trên khung thời gian xoay vòng mang đậm màu sắc huyền thoại. Bi kịch của dòng họ Buendía xoay theo một vòng tròn: khởi đầu từ việc chạy trốn tội loạn luân để đi lập làng nhưng lại phạm tội loạn luân
và bị tuyệt diệt. Cuộc đời của các nhân vật cũng theo vòng tròn định mệnh nên không có sự phát triển đột phá đi lên. Đại tá Aureliano lúc còn trẻ sản xuất những con cá vàng, ra đi chiến đấu để rồi khi về già lại đúc những con cá vàng. Dấu hiệu thời gian lặp lại còn thể hiện qua hai cái tên trùng nhau suốt bảy thế hệ cùng đặc điểm tính cách riêng biệt di truyền theo từng nhánh với những Aureliano có trí thông minh muốn tìm tòi khám phá nhưng lại sống khép kín lánh đời, những José Arcadio khỏe mạnh liều lĩnh đầy nhục cảm và sống chan hòa. Số phận của từng nhân vật trùng tên quay theo những vòng tròn đồng tâm và cùng nằm bên trong vòng tròn lớn về số phận dòng họ xoay quanh nỗi cô đơn bất tận. Không chỉ người đọc cảm nhận được thời gian đang xoay vòng trong tiểu thuyết qua những chi tiết diễn biến mà G.G Márquez cũng để cho nhân vật tự mình chiêm nghiệm được chân lí thời gian đó. Cụ tổ Jóse Arcadio Buendía là người đầu tiên phát hiện ra quy luật lặp lại của thời gian khi nhận ra căn phòng của Mequíades không thay đổi qua năm tháng “với trí tuệ khá minh mẫn đã mơ hồ một chân lí là thời gian cũng bị vấp váp và bị tai nạn, bởi vậy nó có thể tự tan vỡ ra và để lại trong phòng một mảnh vỡ được vĩnh cửu hóa” [61,tr.450]. Bởi vậy, ông thấy ngày thứ hai giống ngày hôm qua, rồi ngày thứ ba cũng giống như ngày thứ hai, ngày thứ tư cũng vậy. Khám phá này đã khiến José Arcadio Buendía rơi vào trạng thái điên loạn vì khủng hoảng tinh thần. Mãi về sau, Ursula – vợ ông, người sống ngoài trăm tuổi cùng nhiều thế hệ con cháu cũng phát hiện ra quy luật quay vòng của cuộc đời. Cụ đã “run lên bởi điều mình cảm nhận được là thời gian không qua đi mà nó quay vòng” [61,tr.492] khi nhận ra mình đang lặp lại cuộc đối đáp với đại tá Aureliano trong xà lim tử tù:
- Con đang đợi gì nào ? Ursula thở dài. Thời gian đang trôi đi.
- Đúng thế, Aureliano thừa nhận, - nhưng không nhiều đâu mẹ ạ [61,tr.202]
Khi bà nói chuyện với José Arcadio Segundo:
- Cần quái gì kia chứ, - José Arcadio Segundo lẩm bẩm, - thời gian qua đi mà !
- Đúng thế đấy, Ursula nói, - nhưng không đến mức như vậy đâu!
[61,tr.492]
Thời gian xoay vòng trong “Trăm năm cô đơn” như một dấu hiệu của nỗi cô đơn khủng khiếp bao vây lấy từng nhân vật. Bởi vậy, khác với huyền thoại, những công việc làm rồi lại phá của Armanta và đại tá Aureliano không có mục đích nào khác ngoài nỗ lực đánh bại nỗi cô đơn của mình. Thời gian lặp lại với những vòng tròn khép kín hàm chứa sự vô nghĩa của cuộc sống, gợi lên cảnh sống cô đơn nhàm chán của các nhân vật trong tiểu thuyết. Mặt khác, nó còn mở ra vòng quay vô vọng của một dòng họ không có sự phát triển đột phá nào dẫn đến tuyệt diệt. Nếu quá trình phát triển của dòng họ Buendía đứt gãy ở một thế hệ nào đó chứ không lặp lại vòng tròn thì có thể lịch sử của ngôi làng Macondo đã thay đổi. Từ một huyền thoại mang ý nghĩa thời gian đồng vọng vào tiểu thuyết qua hành động của nhân vật, G.G Márquez đã mở ra một loạt các chi tiết liên quan đến thời gian xoay vòng của tác phẩm. Bởi vậy, dòng thời gian này trở thành thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết để chuyển tải thông điệp của tác giả.
Về phương diện nội dung, lịch sử phát triển của dòng họ Buendía cùng ngôi làng Macondo cũng chính mà “mô hình” phát triển của Colombia và Mĩ Latin. Nhà văn muốn ám chỉ sự trì trệ ứ đọng chậm chạp của đất nước Colombia và Mĩ Latin trong quá trình phát triển bằng dòng thời gian xoay vòng trong tiểu thuyết. Bởi “xét về mặt hình thức mà nói thời gian của sự chậm phát triển thường vận động theo chu kỳ khép kín và về mặt kĩ thuật mà nói nó thường bị chia vụn thành các khoảnh khắc. Nó có tính chất vận động theo chu kỳ khép kín, là vì các quá trình lịch sử không bao giờ được kết thúc. Khởi nghĩa không bao giờ có tác động đẩy sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc đi tới nền độc lập thật sự. Đất nước không bao giờ đi tới nền độc lập thực sự. Cá nhân không bao giờ đi tới sự tự ý thức hoàn toàn. Tất cả đều thay đổi, đều chuyển hóa nhưng tất cả đều giậm chân tại chỗ” [61, tr.13]3.
3
dẫn theo Manuên Manđônađô –Đênix: Tính chất hung bạo của sự chậm phát triển và tính chất chậm phát triển của sự dung bạo, tạp chí Casa, số 9+10/1976, trang 24
Trong khi cả thế giới đang tiến lên phía trước với những thành tựu khoa học hiện đại, kinh tế phát triển thì Mĩ Latin vẫn luẩn quẩn ở điểm xuất phát trong vòng nghèo khó, bạo lực và tình hình chính trị bất ổn. Mặt khác, thời gian xoay vòng trong “Trăm năm cô đơn” còn ám dụ cho những bi kịch lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử Colombia và Mĩ Latin.